02/04/2018

“Kiến trúc bền vững – Trình diễn mô phỏng hiệu năng công trình cho thiết kế Trường học Điếc và Khiếm thính. Chia sẻ kinh nghiệm từ CHLB Đức”

Với mục đích đem lại cho sinh viên, Kiến trúc sư, Kỹ sư Việt Nam và CHLB Đức 04 ngày trải nghiệm làm việc thực tế về ứng dụng mô phỏng hiệu năng công trình ở các vùng khí hậu khác nhau tại Việt Nam; ngày 27/3/2018, tại Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội đã diễn ra Hội thảo với chủ đề “Kiến trúc bền vững – Trình diễn mô phỏng hiệu năng công trình cho thiết kế Trường học Điếc và Khiếm thính. Chia sẻ kinh nghiệm từ CHLB Đức”.

Toàn cảnh Hội thảo

Tham dự Hội thảo có GS. Volkmar Bleicher –  Đại học Khoa học Công nghệ Ứng dụng (CHLB Đức); bà Trần Thị Thu Phương – Giám đốc Doanh nghiệp Xã hội Bền vững, Đại diện Mạng lưới Hiệu quả Năng lượng Việt Nam.

Về phía Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội có PGS.TS.KTS. Lê Quân – Hiệu trưởng Nhà trường; TS.KTS. Ngô Thị Kim Dung – Phó Hiệu trưởng Nhà trường.

Hội thảo còn có sự tham gia của 10 chuyên gia và sinh viên đến từ Đại học Stuttgart Technology University of Applied Sciences (HFT Stuttgart) cùng một số nhà khoa học, giảng viên, sinh viên của Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội.

Theo các chuyên gia, ngày nay, vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu và tiết kiệm năng lượng đang là vấn đề toàn cầu, thu hút sự quan tâm, nghiên cứu của các Chính phủ, các học giả, nhà nghiên cứu. Trong đó, với các số liệu đã chứng minh, ngành xây dựng là một trong những ngành gây ra nhiều tác động tiêu cực tới môi trường. Những khái niệm “Kiến trúc xanh”, “Kiến trúc bền vững”, “Kiến trúc sinh thái”, “Công trình xanh”, “Tiết kiệm năng lượng”, “Năng lượng xanh” đang ngày càng được nhắc đến nhiều và trở nên phổ biến. Vấn đề đặt ra cho các Kiến trúc sư, Kỹ sư là thiết kế, xây dựng và vận hành công trình với tiện ích sử dụng tốt nhất và thân thiện với môi trường, sử dụng năng lượng tiết kiệm mà hiệu quả. Yêu cầu đó đòi hỏi sự góp sức, chung tay của nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau. Từ đó giải pháp mô phỏng năng lượng ra đời như một nhu cầu tất yếu.

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS.KTS. Lê Quân – Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cho biết: Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội là những đơn vị hàng đầu về đào tạo Kiến trúc và Quy hoạch ở Việt Nam. Nhà trường luôn coi kiến trúc xanh và phát triển đô thị bền vững là những trọng tâm trong chương trình giảng dạy cũng như dự án nghiên cứu khoa học trong nước và Quốc tế. Phát triển công trình xanh phù hợp với điều kiện tự nhiên và kinh tế xã hội của Việt Nam, đề cao bản sắc kiến trúc địa phương và hướng tới cộng đồng là một trong số những định hướng phát triển chủ đạo của Nhà trường trong hiện tại cũng như trong tương lai…

Với mục tiêu nâng cao nhận thức, chia sẻ kinh nghiệm về kiến trúc bền vững thông qua hoạt động mô phỏng năng lượng cho công trình thực tế với các điều kiện khí hậu khác nhau ở Việt Nam, Mạng lưới Hiệu quả Năng lượng Việt Nam phối hợp với Trường ĐH Khoa học Công nghệ Ứng dụng Stuttgart (CHLB Đức), Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội và Trường Đại học Xây dựng tổ chức chương trình trao đổi kiến thức về kiến trúc bền vững với nhiều hoạt động bổ ích. Thông qua đó, người quan tâm sẽ được lắng nghe chia sẻ kinh nghiệm từ các Kiến trúc sư, Kỹ sư và các chuyên gia khí hậu công trình từ Trường Đại học Khoa học Công nghệ Ứng dụng Stuttgart (CHLB Đức) cũng như báo cáo kết quả áp dụng mô phỏng hiệu năng công trình cho Trường Điếc và Khiếm thính.

Theo GS. Volkmar Bleicher –  Đại học Khoa học Công nghệ Ứng dụng, CHLB Đức: Chương trình không chỉ mang ý nghĩa học thuật, trao đổi về khoa học kỹ thuật, mà hơn thế, thể hiện sự quan tâm của xã hội đối với cộng đồng người khuyết tật, giúp họ tăng cường khả năng tiếp cận trên mọi phương diện. Hy vọng, thông qua chương trình trao đổi lần này, các sinh viên, học viên Việt Nam tiếp cận gần hơn với kiến thức và công nghệ tiên tiến của Đức trong lĩnh vực xây dựng và đoàn giáo sư, sinh viên của Trường Đại học Khoa học Công nghệ Ứng dụng Stuttgart sẽ hiểu hơn về con người, cũng như văn hóa, kiến trúc, khí hậu Việt Nam, cùng xích lại gần nhau để làm được những việc ý nghĩa với môi trường, với cộng đồng.

Hội thảo mở ra các hướng hoạt động nghiên cứu, trao đổi khoa học công nghệ, hợp tác, tương tác, đào tạo… về kiến trúc xanh, kiến trúc thông minh và cộng đồng bền vững trong tương lai.

PGS.TS.KTS. Lê Quân – Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu tại Hội thảo