08/06/2017

Jack Self: Điều mà bạn nên nghĩ về Kiến Trúc

Chúng ta nên đánh giá Kiến trúc thế nào là tốt hoặc không tốt? Bằng những tiêu chí nào mà chúng ta nghĩ về những thứ mà chúng ta đang nhìn vào? Và chúng ta hiểu kết quả từ việc đánh giá đó như thế nào?

Đa số người trên thế giới không nhìn nhận kiến trúc một cách sâu sắc, nếu không muốn nói là không nhìn nhận một chút nào. Họ nhìn chằm chằm vào đồ vật và môi trường xung quanh – từ cái tủ lạnh đến cái hộp sữa, từ bậc cửa nhà trơn trượt, màn hình máy tính, đôi giầy của đồng nghiệp, những nút bấm trong cầu thang máy hay những khuôn mặt của bạn bè họ lúc bữa tối. Tất cả những thứ nằm trong tầm tay với chúng ta đều đòi hỏi sự chú ý của chúng ta; tất cả mọi thứ khác vượt ra khỏi cự ly này chỉ là một tiềm thức lờ mờ không định hình.

Chính bởi lẽ vậy, sự nhận thức thông thường về kiến trúc và đương nhiên về không gian nhìn chung là tương đối thấp. Chỉ khi cuộc sống thường ngày của chúng ta đột nhiên bị gián đoạn, thông thường bởi một khoảnh khắc của một vẻ đẹp bất ngờ nào đó, mà chúng ta nhìn nhận không gian một cách rõ ràng. Như khoảng khắc một tia nắng chiếu ngang sảnh trung tâm của một ga tàu cùng lúc chúng ta nhìn lên v.v… Nhưng ngay cả trong nhưng bối cảnh như vậy không chắc chúng ta đã chủ động tương tác với không gian khi mà chúng ta chỉ vội vàng đi tiếp mà không phân tích những phản ứng hành vi của chính mình.

Không gì tóm tắt sự tương tác thụ động với kiến trúc này hơn hình ảnh của một khách du lịch lười biếng quẩn quanh các đài tưởng niệm với bộ tai nghe (headset) thuyết trình. Tất cả mọi âm thanh xung quanh họ tắt lịm. Trong mỗi bước đi của mình, họ nhìn vào thứ họ được bảo nhìn, cảm thụ cái họ được bảo cảm thụ trong suốt hành trình lang thang đã được định sẵn.

Dịch giả: KTS Lê Đức
Kiến trúc sư , nhà nghiên cứu tại London, Anh

Những đánh giá về kiến trúc của chúng ta gần như luôn luôn thụ động. Chúng ta thường nói:” Ôi đẹp quá, tinh tế quá, xúc động quá … “( hoặc đúng hơn là “trông hay nhỉ”) . Chúng ta không nghĩ: Liệu công trình này có thể tốt hơn không? Liệu không gian này có giải phóng con người của ta không? Liệu công trình này có phản ánh những giá trị văn minh của ta không? Ai thiết kế chỗ này, vì sao và cho ai?

Chúng ta chỉ nghĩ đến những câu hỏi này khi chúng ta đối mặt với những công trình của quá khứ, khi chúng ta vào vai thám tử lần mò tìm kiếm manh mối. “Cái cửa nhỏ này chắc đã được lắp thêm để người ta ra vào thành mà không phải mở cổng chính” chúng ta phán, thỏa mãn với khả năng quan sát của chính mình. Điều này (*cái cửa nhỏ) trở nên thật buồn cười/trớ trêu đối với chúng ta nhưng câu hỏi ở đây là tại sao? Có lẽ là vì khoảng thời gian khổng lồ đã trôi qua tính từ lúc khởi điểm của cái cửa đó nói lên tính vô vọng trong sự khổ đau của con người. Chính cái cửa đó là nhân chứng vật chất cho sự biến mất cho những dấu tích của cuộc sống, và chính bản chất của sự sống sót ngẫu nhiên của chúng tiết lộ ra một sự thật là tất cả các cấu trúc xã hội đều chỉ mang tính trừu tượng ( và, ở mức phổ quát, đều dựa trên bạo lực).

Những không gian, của quá khứ đã chết, đã từng sống và được bảo vệ. Nhiều con người đã được đầu tư vào việc bảo tồn những không gian đó; chúng được bảo vệ ngay cả khi bản thân chúng đã ‘chết’, ngay cả khi những xã hội xung quanh chúng đã thay đổi đến mức không thể nhận ra, làm cho chúng trở nên vô dụng. Những địa điểm này cung cấp cho chúng ta một góc nhìn cần thiết để hiểu được rằng: khái niệm không gian – thời gian của cá nhân chúng ta là không quan trọng và vô thức. Chúng ta thấy cái cửa đó thật trớ trêu bởi vì chúng ta không biết phản ứng thế nào khác khi ta đối mặt với một thứ vừa gần gũi vừa xa lạ. Đó chính là sức manh của môi trường xây dựng (built environment) Nếu có “Hài” trong Kiến Trúc thì nó cũng chỉ là Bi Hài mà thôi.

Nhưng trong thực tế, chúng ta nên ứng dụng chính những phương pháp suy đoán này vào những thứ bình thường và những không gian quen thuộc, nơi chúng ta trú ngụ thường ngày; chúng ta nên luôn luôn tìm kiếm những manh mối của quyền lực (ảnh hưởng/thay đổi) xã hội trong chính ngôi nhà của chúng ta. Lần tới khi bạn chuẩn bị một bữa ăn hay đang ngồi trong nhà vệ sinh, hãy tưởng tượng những đồ vật và vật chất xung quanh bạn sẽ tồn tại đủ lâu như khu di tích Pompeian. Cùng với những lợi ích của phương pháp pháp y khảo cổ, hãy tự hỏi: Căn phòng của bạn phản ánh xã hội đương thời như thế nào? Bằng cách nào mà chính căn phòng đó gò bó mỗi con người vào trong một hoạt động khuôn mẫu? Liệu chính căn phòng này có hạn chế tự do của bạn không ? Ai đã thiết kế căn phòng này như vậy và tại sao?

Khu di tích Pompeian

Kiến trúc được mặc định là một vật thể tạo hình hoàn thiện và không thay đổi. Nhưng nó luôn luôn là một vật thể được thiết kế một cách sâu sắc (critical design object) (mà trong nó luôn có một mục đích tiềm ẩn nào đó). Không gian – cũng như âm nhạc – bỏ qua lý lẽ và làm ảnh hưởng trực tiếp đến hành vi và định kiến của con người, một cách vô phép và vô thức.

Chính bởi vì Kiến Trúc không phải một thứ cơ bản cho cuộc sống hằng ngày, kiến thức phổ thông về Kiến Trúc thường là hời hợt và cách phân loại nhìn nhận nó trở nên vô cùng rộng và chung chung. “Tôi thích kiến trúc truyền thống, không quá hiện đại” người ta vẫn thường nói như thể chỉ có hai loại kiến trúc. Một loại rất tốt – và loại này thường bao hàm tất cả mọi thứ từ công trình giả Tudor (2000 năm sai CN) cho đến Babylon cổ ( 2000 năm sau CN), hoặc từ nhà Victoria cho đến tòa thờ thánh Gothic … Loại còn lại thì rất tệ và thường bao gồm nhà ở xã hội Xô Viết cho đến nhà ở biển ở California hay công trình của Bauhaus hay Koolhaas.

Điều lạ lẫm với Kiến Trúc Sư không phải là bản chất tự tiện trong cách phân loại Kiến trúc này, mà là những lý do dẫn đến việc hình thành cách phân loại trên không mang tính Kiến trúc một chút nào cả. Khái niệm Truyền thống thực chất chỉ là biểu hiện của nỗi sợ hãi cho sự thay đổi, và theo đó dẫn đến nỗi sợ hãi với cái chết và sự mất mát về quyền lực ( của một cá nhân hay một xã hội). Khái niệm Hiện đại ở đây thực chất là sự tin tưởng vào khả năng của tiến/phát triển, và theo đó là khao khát sự sinh lời. Cả hai khái niệm này đều không phải là khái niệm kiến trúc.

Nếu chúng ta đã quên tất cả mọi thứ chúng ta biết – hoặc nghĩ là chúng ta biết – về Kiến Trúc, thì chúng ta nên làm gì tiếp theo ?

Tất nhiên một công trình không bao giờ tồn tại trong chân không. Việc diễn dịch Kiến Trúc phụ thuộc vào việc định hướng ngôn ngữ xã hội của một phức hợp bao gồm nhiều tham khảo, ám chỉ, khuôn khổ và lý thuyết. Một số khái niệm vô cùng cụ thể và chúng đòi hỏi những người thiết kế phải tự giải thích nó, và những khái niệm này thường mang đặc tính kiến trúc. Tuy nhiên, nhiều khái niệm khác mang tính phổ cập hơn, bắt nguồn từ nhiều ngành khác ( ví dụ như khái niệm Marxism, Environmentalism, Humanism và Democracy) và những khái niệm này thường được tượng trưng và chuyển thể sang Kiến Trúc.

Vậy bạn nên nghĩ gì về Kiến Trúc ?

Bạn nên đánh giá một công trình qua bốn khái niệm chính. Đó là: Mặt thẩm mỹ ( Aesthetic), Chương Trình ( Programme ), Công Năng ( Function ) và Phom ( Form ). Bạn không cần một kiến thức nào trước khi thử nghĩ về 4 khái niệm này; thậm chí sẽ tốt hơn nên bạn loại bỏ tất cả những định kiến đã có sẵn. Tưởng tượng đây là lần đầu tiên bạn nghĩ những khái niệm đó. Nói một cách rộng ra, chúng gắn kết với 4 câu hỏi sau “Tại sao bạn xây công trình đấy?” “Người ta phải sử dụng công trình đấy như thế nào?” “Những yếu tố nào làm ảnh hưởng đến quá trình thiết kế?” và “Hình dạng đấy được lấy từ đâu ra?”

Thẩm Mỹ ( Aesthetic)

Nói một cách đơn giản, đánh giá thẩm mỹ là nghiên cứu về cái đẹp. Nhưng nói một cách chính xác hơn, đó là nghiên cứu vì sao chúng ta cảm thấy một cái gì đó đẹp và là nghiên cứu triết học về việc liệu cái đẹp có tồn tại một cách khách quan hay không? Điều này làm cho việc đánh giá thẩm mỹ tương tự như việc đánh giá đạo đức (ethic), nghiên cứu đánh giá giữa cái đúng và sai hay như nghiên cứu triết học của cái thiện và cái ác.

Cả hai lĩnh vực được nghiên cứu để giúp ta hiểu được hai điều: Con ngưới đánh giá một thứ là đẹp/ tốt như thế nào và liệu những thứ được cho là xấu/ ác có thể tồn tại ngoài nhận thức của con người được không? Như Kant ( triết học gia người Đức) đã chỉ ra, đạo đức và thẩm mỹ là một. Cả hai đều liên quan đến việc quyết định giá trị và phẩm chất đạo đức cá nhân. Không giống như logic hoặc một số triết lý khác ( ví dụ như ngôn ngữ) đánh giá thẩm mỹ không mang một quy tắc (hay luật định) cụ thể nào cả. Chúng ta không thể tìm thấy một công thức phổ cập cho cái đẹp; đánh giá về thẩm mỹ không phụ thuộc vào việc giải quyết các thông số qua một hàm số nào đó. Việc đánh giá thẩm mỹ, cũng như đạo đức, phụ thuộc vào việc cân bằng các thông tin chủ quan và khách quan và từ đó đưa ra nhận định cá nhân. Việc những đánh giá trên diễn ra một cách trôi trảy và ngẫu nhiên phụ thuộc chủ yếu vào nhận thức và nguồn thông tin của người phải đưa ra quyết định đánh giá.

Đánh giá thẩm mỹ là đánh giá đạo đức của một phong cách (style); ở đây có thể hiểu phong cách là ‘ cách làm một điều gì đấy’. Phong cách là cách thức hay phương pháp luận thúc đẩy chính bởi đạo đức cá nhân. Nó là một quá trình, nhưng nó không nói cho chúng ta một chút gì về mục đích của (người mang) phong cách đó. Lấy ví dụ, ‘phong cách nói chuyện đời thường’ (casual style of speech) thể hiện cho chúng ta thấy sự thân thiện và gần gũi; nó không gợi cho chúng ta biết vì sao người nói lại tìm cách tiếp cận chúng ta theo cách này. Trên thực tế, phong cách chỉ chú trọng ‘ như thế nào’ ( how) chứ không phải là ‘tại sao’ (why). Bảo Tàng Anh Quốc tại London được xây dựng với phong cách cổ điển, đây là câu trả lời của kiến trúc sư đối với những đánh giá/ quyết định thẩm mỹ của chủ đầu tư – Đó chính là tham vọng, chiến lược và ưu tiên đạo đức của họ đối với chính công trình của mình.

Lâu đài Striling, Scotland | Lâu đài là một sản phẩm của thẩm mỹ quân đội phong kiến. Chúng xuất hiện với nhiều phong cách khác nhau tùy thuộc vào giai đoạn lịch sử, tài nguyên và công nghệ có sẵn, địa lý, địa hình v.v…

Trong Kiến Trúc, Thẩm mỹ phản ánh việc một mối quan tâm hay khát vọng cụ thể nào đó được hiện thực hóa trong không gian. Lâu đài là một sản phẩm của thẩm mỹ quân đội phong kiến. Chúng xuất hiện với nhiều phong cách khác nhau tùy thuộc vào giai đoạn lịch sử, tài nguyên và công nghệ có sẵn, địa lý, địa hình v.v… Tương tự như vậy, nhà hiện đại (modernist house) xuất hiện như một sản phẩm của thẩm mỹ hậu chiến tranh thế giới thứ nhất. Phong cách của Villa Savoye đơn giản chỉ là một phản ứng đối với thẩm mỹ này, và một loạt các sản phẩm đa dạng của các phong cách kiến trúc khác cũng chứng thực cho điều này.

Pilotis, Villa Savoye, Le Corbusier

Khi xem xét đánh giá thẩm mỹ một công trình, ta phải hỏi ai là người xây công trình đó, tại sao họ chọn một số hoạt động cụ thể trong công trình này và cả công trình này được xây dựng với mong muốn đạt được điều gì. Nếu ta muốn hiểu được phong cách của một công trình, trước hết ta phải hiểu được mục đích của người thiết kế và thời điểm lịch sử của họ.

Điều cuối cùng khi nói về chủ đề này liên quan đến khái niệm Hệ Tư Tưởng. Thẩm mỹ là một biểu hiện cụ thể cho một hệ tư tưởng cụ thể. Trong thực tế, Thẩm Mỹ hiện thực hóa một Hệ Tư Tưởng. Hệ Tư Tưởng không tồn tại như một vật thể trừu tượng. Nó không phải là một danh từ theo cách nghĩ trên, thay vào đó nó là một động từ. Hệ Tư Tưởng xảy ra/ xuất hiện. Nói một cách chính xác hơn, Hệ Tư Tưởng ‘diễn ra’ ( take place) ( cách diễn đạt thể hiện rõ tính chất tạm thời và không gian của nó) Ta không thể nào định vị chính xác chủ nghĩa tư bản (capitalism) hay chủ nghĩa tân tự do (?) ( neoliberalism) hay kể cả Dân Chủ (democracy). Như một đường tròn hoàn hảo, chúng không tồn tại. Hoặc nói một cách khác, chúng tồn tại trong một số ví dụ cụ thể: Quốc hội, biểu tình, vùng thương mại tự do ở Guatemala, công viên ở Việt Nam… Khi chúng ta thay đổi vật chất của những địa điểm trên, chúng ta thay đổi hệ tư tưởng đang hoạt động ở đó. Đập bỏ đi bức tường phân định House of Lord và House of Common ở Westminster không chỉ là một hành động vật chất, nó cơ bản làm thay đổi bản chất của Dân Chủ tại nước Anh.

Hệ Tư Tưởng làm ảnh hưởng đến tiền-quan-niệm (tiền niệm ?) của chúng ta về thế giới và do đó ảnh hưởng đến tham vọng và nhận thức của chúng ta về sự đúng và sai. Chính thái độ chính trị và đạo đức này làm ảnh hưởng đến đánh giá thẩm mỹ của chúng ta và từ đó phản ảnh chúng ta bằng chính phong cách mà chúng ta thể hiện.

Chương Trình ( Programme)

Khuôn khổ thứ hai trong việc nhìn nhận Kiến Trúc là Chương Trình – Tất cả những hoạt động tưởng tượng được diễn ra trong một công trình. Tại đây, cụm từ Chương Trình không phải là một từ chuyên môn của Kiến Trúc, và nó có ý nghĩa bắt nguồn từ hai ngành: sinh học (biology) và lập trình/ tính toán/ công nghệ thông tin(?) (Computing). Hiểu trong ngành đầu tiên, Chương Trình có thể được hiểu là nguyên nhân mà một con người hay con vật hành xử theo cách được định trước; hiểu trong ngành thứ hai, nó là dữ liệu đầu vào của một quá trình tự động triển khai của một phần việc (automatic performance of a task).

Mặc dù điều này có thể khập khiễng, ý niệm “Mọi con mối đều được lập trình để xây tổ như nhau.” có thể được so sánh là giống với cách loài người tổ chức không gian và chuyển động của họ. Với tất cả những tiến bộ và khả năng của mình thì suy cho cùng loài người cũng không hẳn là loài có đặc quyền hơn các loài khác. Cũng giống như việc ta có thể lập trình một máy vi tính thông qua các chương trình (programme) của nó, chúng ta có thể tiền-xác-định/ tiền định ( predetermine) những hành vi khả thi của một cá nhân hay một nhóm cá thể thông qua những chỉ định và giới hạn không gian. Đây không phải một quả quyết về mặt đạo đức: Ta không bàn đến việc đúng hay sai trong việc ép buộc một ai đó vận hành theo một cách được định sẵn, đây chỉ là một phần giả định gắn liền với việc tìm hiểu kiến trúc. Cũng giống như bất cứ khái niệm về quyền lực khác, Kiến trúc có thể được sử dụng theo cách tích cực cũng như tiêu cực .

Có một điều chắc chắn: nhận thức sâu sắc ( critical awareness) về việc thiết kế không gian tiền định phản ứng của chúng ta – nói một cách khác, hiểu được rằng chúng ta được lập trình bởi chính kiến trúc xung quanh – là quan trọng trong việc đeo đuổi bất cứ một mô hình tổ chức xã hội bình đẳng nào. Marx, Lefebvre, Foucault, Baudrillard – tất cả những nghiên cứu của những nhà triết học nói trên đều có cùng mục đích là chỉ cho chúng ta thấy ‘sợi xích’ đang buộc chúng ta vào với xã hội mà chúng ta đang tồn tại trong đó. Những triết học gia nói trên cung cấp cho chúng ta những công kích xã hội quan trọng và không thể thiếu; tuy nhiên những dự luận về sự thay đổi phải đến trực tiếp từ người Kiến Trúc Sư.

Chương Trình cũng là điểm mà Kiến Trúc và Công Trình trở nên tách biệt. Sau khủng hoảng kinh tế năm 2008, chúng ta chứng kiến sự trỗi dậy, đặc biệt trong các trường kiến trúc, của cái gọi là “kiến trúc Kể chuyện/ Hư cấu” (?) (Narrative Architecture). Những Kiến Trúc này bao gồm thiết kế của một điều kiện tưởng tượng, bối cảnh tưởng tượng và những nghi thức tưởng tượng – việc thiết kế trong kiến trúc này có thể có hoặc không đem lại kết quả là một Công Trình. Mặc dù vậy, chúng vẫn có phom/hình hài kiến trúc bởi chúng bao hàm sự cố gắng trong việc lên chương trình/ lập trình cho một không gian. Mặt bằng ( plan), dưới danh nghĩa là một bản vẽ, miêu tả hoạt động trong không gian trên một mặt phẳng. Chương trình cũng làm việc đó, chỉ có điều là nó xảy ra theo dòng chảy của thời gian. Vì các bản vẽ mang tính chất tĩnh, chúng không thể diễn tả chương trình của một công trình vượt ra khỏi một khoảng khắc nhất định.

Một ví dụ đơn giản của Kiến Trúc mà không bao gồm công trình có thể được diễn tả ngắn gọn trong câu chuyện sau đây: Một gia đình đến gặp KTS và thuê KTS thiết kế một phần cơi nới cho ngôi nhà họ. Họ có 2 người con tuổi teen, một trai một gái và ngôi nhà hiện tại của họ chỉ có hai phòng ngủ. Người KTS đưa ra phương án thiết kế như sau: ” Con gái của anh chị sẽ đi học đại học trong 2 năm tới và con trai của anh chị cũng sẽ ra khỏi nhà sau 4 năm nữa. Nhà anh chị không cần phần cơi nới nào cả, cái mà anh chị cần là một cái xe trailer ( xe di động móc sau ô tô cho các chuyến đi đường dài) tương đối tốt đỗ ở sân sau. Thế là họ mua một cái xe trailer, kết nối nó với điện, nước, cống rãnh; người con trai lắp máy XBox vào trong đó và nghe nhạc thâu đêm. Cả gia đình đều bớt căng thẳng. Đây là một dự án thật mà tôi đã trực tiếp tham gia mà chính cách suy nghĩ theo chương trình này làm công ty tôi mất đi hợp đồng khoảng $30000.

Điều phải nói ở đây là phí thiết kế của các văn phòng kiến trúc đương đại phụ thuộc chủ yếu dựa vào giá thành xây dựng. Không có điều gì khuyến khích một KTS nghĩ về thiết kế kiến trúc ( mà không có Công Trình) theo cách này. Tất nhiên, ‘Kiến trúc Kể chuyện/Hư cấu’ (?) (Narrative Architecture) chỉ là một diễn dịch quá thể của cách thiết kế kiến trúc này. Điều quan trọng ở đây là lập trình/ lên chương trình kiến trúc ( để giải quyết một vấn đề) không nhất thiết sẽ sản xuất ra một công trình – thậm chí nó có thể không sản xuất ra một bản vẽ nào cả.

Chương trình là một giá trị không có tỷ lệ; ở cấp độ của một thành phố nó được gọi là zoning, và ở cấp độ của một căn phòng nó thường được hiểu sai thành Công Năng. Một phòng tắm, một phòng ngủ, một phòng khách v.v… – chúng đều là chương trình, không phải Công Năng. Chúng miêu tả những hoạt động mang tính định hướng trong không gian, cũng như chất lượng hay thành phần làm cho những hoạt động đó trở nên khả thi. Ở một số trường hợp, ví dụ như ở nhà máy sản xuất giầy hoặc những nhà chứa server máy tính, Chương Trình có thể được thiết kế cụ thể đến mức không gì có thể sống được trong đó. Bên cạnh đó, chương trình có thể được thiết kế chung chung với mục địch tối đa hóa những hoạt động có thể xảy ra, ví dụ như đại sảnh hoặc sân vận động.

Ngay cả khi được thiết kế một cách chung nhất, không gian lập trình/được-lên-chương-trình gần như để giới hạn một số hoạt động nhất định trong một phom cụ thể. Khi đặt ở mức độ công cộng thì nó thường tập trung tới hiệu quả sử dụng: tối đa hóa dịch vụ trao đổi và dịch vụ xã hội, tăng và thúc đẩy dòng chảy sản xuất và hàng hóa thương mại. Khi đặt ở mức độ cá nhân thì chương trình có thể trở nên tiêu cực hơn rất nhiều. Ngôi nhà có thể được lập trình để trở thành nhà máy sản xuất công nhân tốt hơn. Đây là lý do vì sao những tập đoàn lớn như Ford hoặc Cadbury rất quan tâm đến nhà ở và sức khỏe của công nhân. Những tập đoàn này phụ thuộc vào chình những ngôi nhà đó để có được nguồn lao động tốt hơn và từ đó thúc đẩy sản lượng của tập đoàn. Việc lập trình/ lên chương trình cho một ngôi nhà bản chất là hành động thống trị, kiếm soát và thuần hóa con người. Chúng ta, do đó, phải nhận thức được sự tồn tại của Chương Trình đơn giản vì sự hình thành và quá trình sản xuất xã hội được hình thành không ở nơi công cộng như ta thường nghĩ mà trong chính những ngôi nhà hàng ngày của chúng ta.

Công Năng (Function)

Như tôi đã nói ở trên, Bếp là một “không gian được lập trình/lên chương trình” (programmed space), không phải “không gian chức năng” (function space). Sự thật về “chức năng” (function) bắt nguồn từ tiếng latin gốc “fungi” (để thực hiện), có vẻ như nó thích hợp hơn để diễn tả một “hành động” hơn một “chương trình”- với nguyên mẫu là “pro graphein” ( để viết một cách công khai). Tuy nhiên, khái niệm của Công Năng như một hành động được thi hành đã được tiếp quản bởi tính ứng dụng mang tính Chủ nghĩa Hiện Đại (modernist usage), Chủ nghĩa Công năng ( Functionalism) là nghiên cứu chuyên sâu về ergonomic actions ( tạm dịch là cự ly hành vi, Ergonometry là nghiên cứu kích thước của những hoạt động của con người) và nó liên quan đến việc đo đạc hiệu suất và sai số. Công năng đã trở thành số liệu đơn thuần, giống như việc sử dụng của nó trong toán học.

Như cách mà KTS Ý nổi tiếng Aldo Rossi hùng hồn tuyên bố, chúng ta không còn sử dụng công năng ngoại trừ “Công năng của”. Trong Toán học, Đại số luôn gắn liền với hai hoặc nhiều biến – X là function (Công Năng) của Y. Theo đó, nếu diễn tả Bếp là không gian Công năng có đồng nghĩa với việc khẳng định Công năng của Bếp là Nấu ăn. Điều này rõ ràng là không có ý nghĩa. Nấu ăn là môt hàm số của tất cả các tham số có thể gắn liền với việc chuẩn bị một bữa ăn – dự trữ lương thực, chuẩn bị, đặt nó lên lửa, nhiệt hay thông qua môt quá trình biến đổi nhất định. Bếp đơn thuần chỉ là một không gian chứa Nấu Ăn. Chúng ta cũng có thể Nấu Ăn ngoài trời hoặc trong bất cứ không gian với các công cụ và thiết bị cần thiết. Bởi Công Năng trong Kiến Trúc đã bị bóp méo quá xa khỏi việc diễn tả một hành động, sẽ tốt hơn nếu chúng ta nói Nấu ăn là Chương trình của Bếp thay vì Công Năng.

Sự chiếm đoạt của Công Năng vào trong ứng dụng Tư Bản bắt nguồn từ một số thí nghiệm Cự Ly Hành vi đầu tiên ( Ergonometric Experiments) mà trong đó, những chiếc đèn nhỏ được gắn vào tay của công nhân và sử dụng ảnh/phim long exposure để theo dõi chuyển động của họ. Cường độ của đèn trong những hình ảnh cho thấy những hành động thiếu hiệu quả làm chậm cả dây chuyền sản xuất. Những nghiên cứu này không chỉ bắt đầu trở thành thước đo/ miêu tả của hiệu suất, mà còn cung cấp thông tin chính xác về điều này. Chúng mang tính định tính thay vì định lượng, cho phép tham số công năng của một hành động cụ thể có thể được củng cố và đẩy nhanh dây chuyền sản xuất. Sau này, quá trình tương tự được áp dụng cho nhà ở và đột nhiên lượng thời gian mất đi bởi những động tác “thừa” và những lối đi không hiệu quả có thể được thị giác hóa. Bếp, cụ thể, đươc thiết kế lại xung quanh việc tối ưu quá những công việc của một người phụ nữ làm nội trợ ( housewife) ( Bếp Frankfurt, 1926) để giảm tải hành động thừa và dẫn tới việc chuẩn bị đồ ăn dễ dàng hơn. Việc loại bỏ sự “thừa” cho phép một giảm tải cấp tiến về không gian trong một ngôi nhà xuống đến những kích thước tối thiểu và chuẩn hóa.

Ngày nay khi chúng ta nhìn vào Công Năng của một Công Trình, chúng ta phải nghĩ ngay đến những tham số vô hình dẫn tới sự hình thành của Công trình đó thay vì những tham số liên quan đến sự trú ngụ bên trong (Chương trình). Tài chính, Kế hoạch, Luật lệ, tiêu chuẩn và những yếu tố môi trường là tất cả những tham số Công Năng làm ảnh hưởng đến Chương Trình và Phom. Ví dụ, điều lệ của hiện trạng tài chính của một công trình – cho dù nó là những xây dựng đầu cơ hướng tới thị trường bất động sản, cho thuê lâu dài, nhà ở xã hội hay đồng sở hữu – đều có những hệ lụy tới sản phẩm kiến trúc. Cũng như việc Bếp chứa việc Nấu Ăn nhưng Nấu Ăn không cần Bếp, Công Năng không bao giờ trực tiếp thúc ép một thiết kế ( trong nghĩa này, nó không bao giờ trực tiếp quyết định mặt bằng hay thẩm mỹ). Thay vào đó, nó chỉ đặt ra những hiện trạng và tham số, kết hợp với nhau để quyết định những giới hạn sáng tạo (creative limitation) cho một dự án.

Chủ nghĩa Công năng (Functionalism) là niềm tin không gian có thể được thiết kế xung quan việc điều tiết “Công Năng”(Chương Trình). Nó đứng đối nghịch với Chủ nghĩa Duy Lý (Rationalism) khi mà những thiết kế dựa theo những tỷ lệ trừu tượng được tách biệt ra khỏi những kích thước nhân học. Le Corbusier diễn tả Kiến trúc như Âm nhạc đóng băng, điều này nghe thật tím tái. Nhưng ở thời điểm đó, điều này được coi là hiển nhiên; tỷ lệ tạo nên kích thước bắt mắt nghiễm nhiên được cho là hài hòa. Trung bình hài hòa của hai độ dài (b=2ac/(a+c)) là một tỷ lệ quan trong của thời kỳ Palladian, được du nhập từ âm nhạc. Ví dụ một Trung bình Hài hòa của (Harmonic Mean) của 12 và 6 là 8 khi mà Trung bình này hơn độ dài nhỏ theo tỷ lệ 1/3 và ít hơn độ dài lớn cũng với tỷ lệ 1/3. Một số KTS, đặc biệt những kts bị ảnh hưởng bởi Palladio có thể rất áp đặt trong việc sử tỉ lệ chính xác. Đối nghịch với điều này, KTS người Hà Lan thời Tiền-Hiện-đại H.P Berlage cảm thấy không quan trọng bạn dùng hệ thống tỷ lệ nào – không có sự khác biệt nào khi mà bạn dựa thiết kế của mình trên Tỷ Lệ Vàng hay tỷ lệ 3:4 của vô tuyến. Điều có thể được nhận biết bởi con mắt đơn giải chỉ là hệ thống nội tại có nhất quán hay không. Xuất phát điểm của những tỷ lệ đo đạc có thể phi lý nhưng chúng có thể được áp dụng một cách hợp lý để tạo nên sự hòa hợp.

Phom ( Form)

Khuôn khổ cuối cùng là Phom, thứ mà ( theo một cách tự nhiên) đi theo Công Năng. Qua ba phần trên chúng ta đã từ từ loại bỏ một số từ khó hiểu trong việc thiết kế. Phong cách (Style) là sản phẩm của Thẩm Mỹ. Công Năng (Function) không còn mang ý nghĩa nó từng có và sẽ được đại diện một cách tốt hơn bởi Chương Trình ( Programme). Trong khi đó, Công Năng thực tế chỉ là những hàm số liệu và tham số liên quan. Vậy còn lại gì cho Phom?

Phom, trong Kiến trúc, đầu tiên là bản vẽ mặt bằng. Phom là kết nối không gian của Công Năng, Chương Trình và Thẩm Mỹ. Nó thường bị kết hợp với Phong Cách nhưng hai khái niệm này không liên quan. Như chúng ta đã thấy, Phong cách là Sự Diễn Cảm của Đạo Đức và do đó nó về bản chất không mang tính không gian. Phom chỉ đơn thuần về không gian. Cách tốt nhất để nghĩ về Phom là nghĩ về nó như DNA của một thiết kế. Và cũng giống như quá trình tiến hóa, một một thế hệ sẽ tạo ra một sự biến đổi, một số sẽ phản ứng tốt hơn với môi trường mới, và một số sẽ nhanh chóng trở nên dư thừa. Những Phom mới và thành công không phải là quái vật (monster)( nghĩa đen của mono trong Monster là “Chỉ có Một” ) mà là một phiên bản lập lại được xây dựng trong quá trình lịch sử lâu dài. Chúng ta gọi Phom tiến hóa này là Typology.

Sự phân loại và cách phân loại Typology của một chủng loại là chủ đề mở cho tranh luận. Ví dụ, một nhánh của Khách Sạn được tiến hóa từ nhà nghỉ của tu viện. Ngay cả khi Chương Trình, Công Năng, Thẩm Mỹ đã thay đổi một cách đáng kể theo thời gian, chúng ta vẫn có thể nhìn thấy hình thái sống của tu viện trong một khách sạn. Tuy nhiên có một nhánh khác khi mà khách sạn được phát triển từ những biệt thự quý tộc Pháp của thế kỷ 15, thứ mà tương tự được hình thành từ villa ở nông thôn. Villa là một typology mang tính kiểm soát lãnh thổ và sản xuất nông nghiệp; tuy nhiên nó cũng được thiết kế để phân chia công việc để phục vụ Quan lại. Villa được thiết kế để tạo ra một cảm giác cuộc sống nông thôn đẹp, thuần khiết và dễ dàng. Đây là nơi mà Khách Sạn lấy những ngôn ngữ biểu thị của sự sang trọng và an nhàn. Khách sạn hiện đại là sản phẩm của sự va đập của hai typologies khác nhau, tiến hóa từ nhiều chủng loại typology trước và xa hơn nữa. Sự hội tụ và phân kỳ của typologies, và kể cả sự giao phối của chúng là không mạch lạc. Trong quá trình này Phom có thể thu nhập những DNA rác từ những tục lệ thừa thãi (Lò sưởi ở đô thị) cho đến sự giả tạo (đèn chandelier điện)

Không một Phom nào là tuyệt đối. Tất cả Phom đều có điểm khởi đầu, ngay cả khi nó khó có thể được xác định một cách chính xác. Những Phom tốt nhất không tìm cách tách biệt ra khỏi quá khứ hoàn toàn – thay vào đó, chúng là sự thích ứng của những Phom hiện tại cho một vai trò mới. Điều này nhắc nhở chúng ta rằng tất cả các Phom đều là phát minh và không có gì là Phom “truyền thống” . Mỗi một thế hệ đều tái-phát minh quá khứ để thích ứng với Tương Lai.

Sự Quan Tâm ở Mỹ với chủ nghĩa Kinh Điển (Classicism) là lỗ thời một cách kỳ lạ với nhiều người Châu Âu. Nhưng sự ám ảnh này chỉ xảy ra với giai cấp trung lưu và thương lưu như một nỗ lực để bảo tồn những phân cấp xã hội cổ điển. Kiến trúc Kinh điển ( Classical) là một trong những vũ khí của việc phân cấp giai tầng và hệ thống xã hội.

Không có một Phom nào là vô tội và không có một lời giải tự nhiên nào về Phom cả: Bếp Hiện Đại được phát mình năm 1926 bởi Margarete Schulte Lihotzky, Phong ngủ một người được phát minh bởi Henry Roberts giữa thế kỷ 19, hành lang là sản phẩm phát minh của thế kỷ 17. Tất cả những yếu tốt trong ngôi nhà của bạn và tất cả những công trình bạn đã từng thấy đều là sản phẩm của một thiên niên kỷ thiết kế phân loại form.

Đó là những điều bạn nên nghĩ về Kiến trúc.

KTS Lê Đức
BA(Hons)Architecture AA Diploma RIBA Part II

(1)Dịch từ What should you think about Architecture – Jack Self

Theo Kienviet.net