08/04/2024

Quy hoạch phát triển toàn diện Nhật Bản: Những ví dụ tốt cho Quy hoạch Thủ đô – Bài 5: Quy hoạch Thủ đô: Phương án nào để Hà Nội đủ nước sạch cho hiện tại và tương lai

(KTVN) – KTS Mochizuki Shinichi đến từ Nhật Bản đã chia sẻ cho chúng tôi bộ sách “Phát triển đô thị Tokyo 1985-1994“, những kinh nghiệm thu gom xử lý nước thải Tokyo có thể gợi ý mô hình thu gom, xử lý nước thải (XLNT) phù hợp trong Quy hoạch Thủ Đô.

Đất và Nước đều là tài nguyên Đất Nước

Tài nguyên nước trong Báo cáo Quy hoạch Thủ đô có 62 trang/1269 trang nội dung liên quan đến cấp thoát nước và bảo vệ tài nguyên nước, nằm rải rác trong các chương mục từ đánh giá thực trạng tài nguyên nước, đến nhu cầu sử dụng (sinh hoạt và sản xuất), những thách thức và giải pháp khắc phục.

Do Quy hoạch Thủ đô không có bản đồ, nên City Solution tích hợp các bản đồ của “Quy hoạch tài nguyên nước” được Bộ Tài nguyên & Môi trường lập, công bố năm 2022 với các bản đồ viễn thám từ các nghiên cứu của Viện Địa lý, Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam, Đại học Tài nguyên & Môi trường, để nhận diện đầy đủ các nguy cơ khô hạn, thoái hóa đất, ô nhiễm nước của sông Hồng và các sông chảy qua Hà Nội, nhiễm mặn theo phương ngang và tầng chứa nước (Nam Hà Nội) và ô nhiễm Asen nước và các chất độc khác ở tầng nước ngầm

Quy hoạch Thủ đô cho biết “tổng lượng dòng chảy sông Hồng trong vùng nội thành Hà Nội tính đến trạm Hà Nội là 81 tỷ m3 và tính đến ngoại thành Hà Nội trên sông Đuống tại trạm Thượng Cát là 30 tỷ m3… Tháng 3 là tháng có lượng dòng chảy nhỏ nhất, lượng dòng chảy của tháng này chỉ chiếm 1 – 2% lượng dòng chảy năm… Chất lượng nước nhiều sông hồ ở Hà Nội đang dần bị suy thoái, ô nhiễm. Một số hồ bị thu hẹp diện tích do bị lấn chiếm đất đai, san lấp để xây dựng. Nhu cầu nước sạch Hà Nội là 2-3 triệu m3/ngày. Tổng nhu cầu nước sinh hoạt và sản xuất 1,9 tỷ m3/năm.

Mặc dù sông Hồng đang gặp thách thức khô hạn và ngoại nguồn khó lường nhưng nước mặt và nước ngầm vẫn đảm bảo cung cấp. Quy hoạch Thủ đô cho biết Hà Nội đang chuyển khai thác nước mặt dùng cho sinh hoạt thay nước ngầm (mặc dù khai thác nước ngầm năm 2023 vẫn chiếm 50%) để đáp ứng nhu cầu 3-4 triệu m3/ngày đêm trong những năm tới. Hà Nội sẽ làm đập dâng Xuân Quan và Long Tửu để đưa nước sông Hồng vào các sông nhánh. Ngoài 8 nhà máy XLNT, Hà Nội sẽ làm thêm 56 nhà máy mới, sẽ lập nhiều trạm qua trắc nước thải… Tuy vậy không cho biết tác dụng thực tế và nguồn lực thực hiện của các giải pháp này.

“Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ – sông Đáy” sau 12 năm triển khai (2008-2020), giải ngân hơn 20.000 tỷ đồng: nước sông ô nhiễm hơn; không cần quan trắc cũng thấy nước bẩn, cá chết. Các biện pháp vẫn lạc hậu thủ công trong khi toàn thế giới đã tự động hóa và có nhiều giải pháp hiện đại, hiệu quả

Nghiên cứu Vùng đồng bằng sông Hồng: ô nhiễm Asen và các kim loại nặng ở tầng nước ngầm do Viện hàn lâm khoa học Mỹ công bố năm 2011. Nguy cơ khô hạn gia tăng do WB công bố năm 2018 và thực tế Hà Nội thiếu nước sạch sinh hoạt, sản xuất (2015-2023)

Tài nguyên đất được Báo cáo Quy hoạch Thủ đô coi là tiềm năng thế mạnh, trình bày chi tiết tới từng quận huyện chỉ tiêu khai thác đất nông nghiệp thành đô thị. Tổng diện tích Hà Nội là 3.360 km2, Quy hoạch đến năm 2030 (theo QHC 1259) có 1.204 km2 đất đô thị, với 6,1 triệu người. Quy hoạch Thủ đô dự kiến đến năm 2045 có 1.717km2 đất đô thị với 7,5 triệu người, tăng hơn 514 km2 (dự kiến dân số tăng 1,4 triệu người).

Đưa nước sạch vào các đô thị chưa có người ở nhằm cải thiện môi trường hiện tại, gia tăng giá trị đô thị tương lai

Đáng lưu ý là chỉ có dân số trong nội đô và chung quanh tăng, còn vùng xa trung tâm, dân số đô thị không tăng mà còn giảm, như vậy hàng trăm km2 đất thu hồi đất tự nhiên, nông nghiệp làm đô thị mà không có người. Nếu như Hà Nội khát khao mở rộng đô thị thì nên chăng sẽ là phát triển đô thị ngập nước xanh tươi, dự trữ 2-3 tỷ nước sạch sông Hồng cất vào (sau khi có đập dâng Xuân Quan, Long Tửu) để cả Hà Nội đủ nước sạch dùng qua mùa khô hạn, nước biển dâng cao, rửa trôi chất độc hại, đẩy lùi ô nhiễm, mang lại lợi ích cho toàn xã hội hôm nay và mai sau, thay cho vội vàng mở rộng đô thị, san lấp đất tràn lan để hoang hóa khô hạn, ô nhiễm, môi trường cảnh quan, chất lượng sống suy giảm.

Từ chuyện nhà ra chuyện phố

Nửa cuối thế kỷ 19, Pháp và các thành phố Châu Âu, Nam Mỹ, Ấn Độ, Trung Hoa… trải qua đại dịch tả hoành hành, hàng trăm ngàn người thiệt mạng. Khi tới Hà Nội, binh lính Pháp chết do dịch bệnh nhiều hơn tại chiến trường. Nguyên nhân do chưa quyen thông thổ, lại thêm dịch bệnh (nhập khẩu từ các vùng dịch bệnh mà đội quân viễn chinh đã đi qua) và ô nhiễm môi trường, đặc biệt từ nguồn nước. Việc đầu tiên người Pháp làm tại Hà Nội là đo đạc đất đai (để bố trí hệ thống cống rãnh đường phố và san lấp ao hộ tù đọng); ươm trồng cây xanh (cải thiện khí hậu) và cung cấp nước sạch (đồng thời với kiểm soát nước bẩn). Việc thải nước từ nhà vệ sinh ra phố được kiểm soát rất nghiêm ngặt, chỉ có ít nhà biệt thự cao cấp khu phố Tây mới có nhà vệ sinh máy, nước thải từ bể tự hoại đổ ra cống thoát nước mưa thành phố do bác sĩ Sở Y tế cấp phép. Toàn bộ cống thoát nước khu phố cổ là tự thấm (tự chảy vào nhà). Nhà vệ sinh đi xí thùng, nhà thầu thu gom đổ vào các hồ nuôi cá hay cấp cho các làng trồng rau ngoại ô. Sau này cải tiến bể xí 2 ngăn: phân khô trộn với tro bếp, nhân viên công ty vệ sinh thu gom, chở thẳng ra các làng trồng rau, lúa. Nhà nhà bảo nhau giữ vệ sinh chung thi được thơm tho, nhà nào không bảo được nhau thì hôi thối thấy ngay. Không tiếp nhận nước thải nhà vệ sinh, sông hồ Hà Nội đầy cá tôm và nước sạch.

Hà Nội đã từng kiểm soát nước thải nghiêm ngặt và cấp nước sạch hiệu quả. Sông hồ Hà Nội đã từng rất sạch do xác định trách nhiệm giữ nước sạch tới từng người dân.

Cho đến năm 1980, Hà Nội có sáng kiến bể xí bán tự hoại, thực chất là hóa lỏng chất thải sinh hoạt đổ thẳng ra cống thoát nước mưa thành phố. Nước phân xanh lè tràn ra vỉa hè xanh lè, hôi thối, ruồi nhặng bu đầy, hồ ao cả thành phố nhiễm bẩn. Trước năm 1990 sông Tô Lịch được nạo vét mở rộng, sau cơn mưa, nước sạch đầy ắp.  Năm 1990-2000, Hà Nội vay ODA làm cống ngầm và xây nhà máy XLNT: nước ô nhiễm đổ vào sông Tô, Sét, Lừ và tất cả hồ ao. Thành phố mở rộng tới đâu, sông hồ ô nhiễm lan rộng tới đó. Thành phố lấp hồ xây nhà, cống hóa sông làm đường: không nhìn thấy nước bẩn, nhưng ô nhiễm ngấm sâu vào lòng đất phát tán ra không khí. Không thành phố nào đủ nguồn lực để lãnh trách nhiệm tiếp nhận và xử lý 100% nước thải sinh hoạt, sản xuất của cư dân thành phố, Hà Nội là thành phố nghèo lại càng không thể đảm trách việc ấy.

Mỗi nhà biết quý nước sạch mới có Thành phố đầy nước sạch

Hà Nội đã đầu tư gần chục ngàn tỷ đầu tư xây dựng 8 nhà máy XLNT, tổng công suất 300.000 ngày đêm. Nếu chi phí XLNT khoảng 10.000đ/m3, thì mỗi năm Hà Nội phải chi ra hơn 1.000 tỷ đồng vận hành. Sắp tới nhà máy XLNT Yên Xá trị giá 16.000 tỷ đi vào hoạt động, mỗi năm chi vận hành toàn hệ thống gần 4.000 tỷ.

Quy hoạch Thủ đô cần nhận diện đầy đủ, thực chất hiệu quả của các dự án XLNT Hà Nội. Bài học bố trí phân tán các nhà máy XLNT tới từng quận và ngay gần sông,tích hợp đa lợi ích tại Tokyo (Nhật Bản).

Quy hoạch Thủ đô dự kiến xây 56 nhà máy XLNT. Tổng xây lắp lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng. Điều quan trọng là rất nhiều tiền chi ra xây dựng và vận hành hệ thống XLNT, trạm quan trắc mà không có hiệu quả: nước vẫn bẩn, cá vẫn chết, mùi hôi thối lan tỏa khắp nơi, không cần quan trắc cũng thấy. Những dự án tốn tiền không chỉ lãng phí mà còn thất thoát lớn. Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra chênh lệch đầu tư Nhà máy XLNT Yên Sở lên tới gần 4.000 tỷ đồng (149 triệu USD). Riêng chi phí xây dựng vượt hơn 1.000 tỷ đồng (44,8 triệu USD). [1]

Vậy nên chăng nên không xây thêm nhà máy XLNT, lắp thêm trạm quan trắc tốn hàng trăm ngàn tỷ đồng nữa mà vẫn để nước bẩn chảy lẫn với nước sạch, thay thế bằng giải pháp khác triệt để tiết kiệm, hữu dụng và khả thi hơn.

Đề án thu phí nước thải Hà Nội dậm chân tại chỗ 7 năm nay (2017-2024) do tính mơ hồ của mô hình thu gom và XLNT tập trung. Chỉ thu phí được khi xác định rõ trách nhiệm tới từng cá nhân xả thải. Giống như Hà Nội cách đây 50-100 năm và Tokyo ngày nay: không chỉ phát triển mô hình XLNT tại nguồn tới từng quận, phường mà còn tới từng hộ gia đình. Mô hình Johkasou được Chính phủ Nhật triển khai nhằm hỗ trợ 70% chi phí lắp đặt thiết thiết bị trạm XLNT ban đầu tới từng hộ gia đình, liên gia và khu dân cư, sau đó các gia đình chịu 100% chi phí XLNT tại nguồn. [2]

Quy hoạch Thủ đô nên phân tích những bất ổn của mô hình XLNT tập trung hiện tại để thay thế bằng mô hình phân tán, bán tập trung. Có phân tích khoa học thuyết phục mới ra đầu bài đúng cho Quy hoạch chung chuẩn bị đất đai, đồng thời bổ sung, điều chỉnh mối quan hệ, minh định quyền lợi và trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong xả thải và XLNT tại Luật Thủ đô. Một việc làm đúng trúng nhiều mục tiêu, hy vọng Quy hoạch Thủ đô thực hiện kịp thời.

Trần Huy Ánh – Ủy viên thường vụ Hội KTS Hà Nội, thành viên Hội đồng khoa học Tạp chí Kiến trúc Việt Nam, Viện Kiến trúc Quốc gia (Bộ Xây Dựng)

[1](https://tienphong.vn/du-an-bt-ve-xu-ly-nuoc-thai-doanh-nghiep-luong-loi-post1294154.tpo)

[2] https://kientrucvietnam.org.vn/nhin-lai-sau-10-nam-thuc-hien-chien-luoc-phat-trien-kt-xh-ha-noi-2012-2022-bai-3-cac-du-an-thoat-nuoc-va-xu-ly-nuoc-thai-ha-noi-trong-hon-20-nam-qua-va-10-nam-toi/