11/11/2016

Đại học Xây dựng tổng kết công tác đào tạo qua 60 năm

Sáng 10/11, Đại học Xây dựng tổ chức hội nghị tổng kết công tác đào tạo trong khuôn khổ chuỗi sự kiện kỷ niệm 60 năm đào tạo, 50 năm thành lập trường. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Đỗ Đức Duy tham dự và phát biểu tham luận tại hội nghị.


Thứ trưởng Đỗ Đức Duy phát biểu tham luận tại Hội nghị tổng kết công tác đào tạo của Đại học Xây dựng.

Tham dự hội nghị còn có đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo; lãnh đạo nhà trường qua các thời kỳ; lãnh đạo các Sở Xây dựng, các Viện nghiên cứu, Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị, Hội Kiến trúc sư Việt Nam; lãnh đạo các trường ĐH, Cao đẳng nghề và nhiều doanh nghiệp ngành xây dựng.

Phát biểu khai mạc, PGS.TS Phạm Duy Hòa, Hiệu trưởng trường Đại học Xây dựng nhiệt liệt chào mừng và cảm ơn các đại biểu tham dự hội nghị. 60 năm trước, Khoa Xây dựng (Đại học Bách khoa Hà Nội) được thành lập với 200 sinh viên của 3 ngành: Cầu đường, Thủy lợi, Xây dựng dân dụng và công nghiệp. Từ nơi đó, 10 năm sau đã ra đời trường Đại học Xây dựng. Sau 50 năm phấn đấu trưởng thành, trường Đại học Xây dựng đã trở thành cơ sở đào tạo hàng đầu của đất nước trong lĩnh vực xây dựng. Với quy mô đào tạo 2.000 sinh viên đại học và 2.000 thạc sĩ, tiến sĩ. Tính đến nay, đã có hơn 60.000 kỹ sư, kiến trúc sư, hơn 5.000 thạc sĩ, tiến sĩ được đào tạo từ trường Đại học Xây dựng. Những con người đã, đang đóng góp sức mình vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những thành tích đáng tự hào mà trường Đại học Xây dựng đã đạt được là công sức, là tâm huyết của các thế hệ cán bộ, giảng viên và sinh viên nhà trường, đồng thời, không thể thiếu được sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp lãnh đạo, các cơ quan, đơn vị và cả những người dân địa phương-nơi trường sơ tán trong những năm tháng chiến tranh.

Thay mặt trường Đại học Xây dựng, PGS.TS Phạm Duy Hòa gửi lời cảm ơn chân thành đến các cấp lãnh đạo, cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân đã đồng hành, giúp đỡ nhà trường trong suốt 60 năm qua. Thành tích đào tạo đáng tự hào của trường Đại học Xây dựng đạt được đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý.

Bước vào giai đoạn mới, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa-hiện đại hóa và nhất là yêu cầu của hội nhập quốc tế với nhiều khó khăn và thách thức, nhận thức rõ sự phát triển của nhà trường không chỉ dựa trên những thành tích đã đạt được mà phải nỗ lực đổi mới, thật sự đổi mới phù hợp với sự phát triển của thời đại. Kỷ niệm 60 năm đào tạo, 50 năm thành lập trường, hội nghị tổng kết công tác đào tạo được tổ chức ngày hôm nay để nhìn nhận, đánh giá hoạt động đào tạo của nhà trường trong hơn nửa thế kỷ qua, và quan trọng hơn là để lắng nghe, tiếp thu các ý kiến đóng góp của các vị lãnh đạo, các chuyên gia, các nhà quản lý, các doanh nghiệp sử dụng lao động để từ đó hoàn thiện định hướng công tác đào tạo của nhà trường.


PGS.TS Phạm Duy Hòa, Hiệu trưởng trường Đại học Xây dựng Hà Nội mong muốn được lắng nghe các ý kiến đóng góp thẳng thắn, chân thành để hoàn thiện định hướng công tác đào tạo.

Đại học Xây dựng thật sự cầu thị, mong muốn nhận được những ý kiến đóng góp thẳng thắn, chân thành trong hội nghị, vì sự phát triển của trường Đại học Xây dựng để có thể hoàn thành tốt nhất sứ mệnh cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

Thay mặt Ban lãnh đạo trường Đại học Xây dựng, PGS.TS Phạm Xuân Anh, Phó Hiệu trưởng nhà trường báo cáo tổng kết 60 năm công tác đào tạo của Đại học Xây dựng.

Tiền thân là Khoa Xây dựng của Đại học Bách khoa Hà Nội. Từ 1956 đến nay, trường đã triển khai 15 loại hình đào tạo, rất nhiều ngành, chuyên ngành ở 2 cấp bậc: đại học và sau đại học.


Phó Hiệu trưởng Phạm Xuân Anh báo cáo công tác đào tạo của nhà trường qua 60 năm và định hướng đào tạo trong thời kỳ sắp tới.

Qua 60 năm đào tạo, trường Đại học Xây dựng đã đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Hiện nay, trường Đại học Xây dựng đào tạo 24 ngành, chuyên ngành: Xây dựng Dân dụng và Công nghiệp; Hệ thống kỹ thuật trong công trình; Xây dựng Cảng-Đường thủy; Xây dựng Thủy lợi – Thủy điện; Tin học xây dựng; Xây dựng Cầu đường; Cấp thoát nước; Công nghệ kỹ thuật môi trường; Xây dựng Công trình biển-Dầu khí; Xây dựng Công trình ven biển; Công nghệ Kỹ thuật Vật liệu Xây dựng; Kinh tế xây dựng; Kinh tế và Quản lý đô thị; Kinh tế và Quản lý bất động sản; Công nghệ thông tin; Máy xây dựng; Cơ giới hóa xây dựng; Kỹ thuật Trắc địa Xây dựng-Địa chính; Kiến trúc; Nội thất; Quy hoạch vùng và đô thị; Cơ sở hạ tầng giao thông; Kỹ thuật đô thị; Kỹ thuật công trình thủy.

Trong suốt 60 năm đào tạo, 50 năm xây dựng và trưởng thành, chất lượng đào tạo được xác định là một trong những giá trị cốt lõi của trường Đại học Xây dựng. Trước yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao của thị trường lao động cạnh tranh trong và ngoài nước, đáp ứng nâng cao chất lượng đào tạo trong tình hình mới, đồng thời trên cơ sở các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà tuyển dụng thông qua phiếu khảo sát, bài tham luận cũng như căn cứ vào định hướng chiến lược phát triển trường giai đoạn đến 2010-2020 và tầm nhìn đến năm 2030, nhà trường đã định hướng cụ thể đối với chương trình đào tạo và tổ chức quản lý đào tạo.

Với cương vị là đại diện lãnh đạo Bộ Xây dựng-cơ quan quản lý nhà nước ngành xây dựng, đồng thời cũng là cựu sinh viên nhà trường, Thứ trưởng Đỗ Đức Duy đã có bài phát biểu tham luận tại hội nghị.

Theo Thứ trưởng, ngành xây dựng là ngành kinh tế-kỹ thuật có vai trò quan trọng là tạo ra tài sản cố định và hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật phục vụ sự phát triển của nền kinh tế. Theo số liệu thống kê, cả nước hiện có khoảng trên 3,4 triệu lao động trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia trong các hoạt động của ngành xây dựng. Hiện nay trên cả nước có khoảng 80 trường đại học và cao đẳng có đào tạo chuyên ngành xây dựng, ngoài ra có khoảng trên 30 cơ sở đào tạo cao đẳng nghề và trung cấp nghề chuyên ngành xây dựng đảm nhiệm vai trò đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực kỹ thuật cho ngành.

Qua 60 năm truyền thống đào tạo, 50 năm thành lập, trường Đại học Xây dựng đã và đang khẳng định vai trò, vị thế là một trong những đơn vị dẫn đầu trong đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành xây dựng. Với thế mạnh nổi bật của một cơ sở đào tạo đa ngành bậc đại học và sau đại học, nhà trường đã cung cấp hàng vạn cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật cho ngành xây dựng. Đội ngũ cán bộ, kỹ sư, kiến trúc sư tốt nghiệp tại trường Đại học Xây dựng đã tham gia công tác trên mọi cương vị trong và ngoài ngành gồm: các cơ quan quản lý nha nước, các đơn vị sự nghiệp đào tạo, khoa học công nghệ, các doanh nghiệp, các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang.

Thứ trưởng nhấn mạnh, Bộ Xây dựng đánh giá cao trường Đại học Xây dựng đã tích cực, chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo và nâng cao chất lượng theo hướng tiếp cận với trình độ khu vực và thế giới, với mục tiêu xây dựng nhà trường trở thành một trường đại học định hướng nghiên cứu hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực xây dựng, một môi trường đại học hiện đại, sáng tạo và phát triển bền vững.

Bộ Xây dựng thống nhất với các mục tiêu, giải pháp nhà trường đã và đang triển khai, đồng thời, với chức năng là cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực xây dựng, cũng là ngành sử dụng hầu hết nhân lực được đào tạo từ trường Đại học Xây dựng, Bộ đề nghị nhà tường quan tâm thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp như: tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong nước và quốc tế trong việc đối mới đào tạo theo các chương trình tiên tiến, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, khoa học, chuyên gia; đặc biệt coi trọng việc đào tạo, bồi dưỡng toàn diện cả về kiến thức, kỹ năng và thái độ cho người học để sau khi ra tường có thể tiếp cận ngay được với công việc; Nhà trường cũng cần dành sự quan tâm và tích cực phối hợp với các địa phương để đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Thứ trưởng Đỗ Đức Duy khẳng định, Bộ Xây dựng luôn ghi nhận và đánh giá cao sự đóng góp tích cực, to lớn của trường Đại học Xây dựng trong sự nghiệp đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho ngành. Bộ Xây dựng và các đơn vị thuộc Bộ sẽ tiếp tục phối hợp, đồng hành cùng nhà trường trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ theo Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực và Chiến lược phát triển khoa học công nghệ ngành xây dựng giai đoạn đến 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Tại hội nghị, các đại biểu tham dự đại diện cho các doanh nghiệp, những người sử dụng lao động ngành xây dựng như lãnh đạo Tập đoàn Delta, Coninco cũng đã có những ý kiến đóng góp cho công tác đào tạo của nhà trường, tập trung chủ yếu vào các yếu tố: liên tục cập nhật công nghệ mới, tiên tiên trên thế giới; đào tạo kỹ năng mềm và kỹ năng thực tế tại công trường cho sinh viên… để khi ra trường, sinh viên trường Đại học Xây dựng có thể đáp ứng tốt nhu cầu của các nhà tuyển dụng.

Phương Liên – Minh Thu/Báo Xây dựng