Loa thành 2014: Trường học hòa nhập cho trẻ tự kỷ / Nguyễn Trung Thông – ĐH Xây Dựng
Không phải đứa trẻ nào trong xã hội cũng phát triển bình thường. Hiện nay trên thế giói nói chung và ở Việt Nam nói riêng, trẻ bị tự kỷ ngày một gia tăng. Điều này phát sinh một nhu cầu tất yếu đó là cần có một môi trường sống, giáo dục cho những trẻ bị mắc căn bệnh tự kỉ. Hầu hết các trường tiểu học ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay không thể đáp ứng được nhu cầu và chữa bệnh cho trẻ tự kỷ. Do đó, việc nghiên cứu kiến trúc trường tiểu học dành cho trẻ tự kỷ là hết sức cần thiết. Chính vì thế, đồ án Trường học hòa nhập cho trẻ tự kỷ của sinh viên Nguyễn Trung Thông – ĐH Xây Dựng đã chiếm được cảm tình của Ban giám khảo và dành giải nhì giải thưởng Loa Thành 2014.
Thông tin đồ án
Tên đồ án: Trường học hòa nhập cho trẻ tự kỷ
Địa điểm: thị trấn Trạm trôi, huyện Hoài Đức, Tp. Hà Nội
Sinh viên: Nguyễn Trung Thông
Giáo viên hướng dẫn: Ths.KTS Doãn Thế Trung
Trường: Đại học Xây dựng
Giải: Nhì
Hạng mục: Kiến trúc
Khu đất xây dựng có diện tích 2,9 Ha, thuộc thị trấn Trạm trôi, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội. Khu đất là nơi kết nối giữa khu nhà văn hóa cũ của huyện Hoài Đức và khu trung tâm văn hóa thể thao mới cấp thành phố. Công trình xây dựng vừa đảm bảo chức năng, nhiệm vụ của một ngôi trường tiểu học dành cho trẻ tự kỉ, vừa nơi kết nối hai không gian công cộng, tăng cơ hội giao lưu, hòa nhập với cộng đồng xung quanh dành cho trẻ bị bệnh. Hiện trạng khu đất có mặt nước ao bị ô nhiễm nên việc thiết kế kiến trúc trường học vừa nhằm mục đích giữ lại một phần mặt nước hiện trạng, vừa có biện pháp cải tạo nguồn nước ô nhiễm trở thành nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt, cảnh quan và vi khí hậu.
Ý tưởng thiết kế:
Mục đích nhằm tạo ra một ngôi trường tiểu học cho trẻ tự kỷ hội tụ đầy đủ các yếu tố: nhà ở, trường học và công viên cây xanh, giúp trẻ hòa nhập với cộng đồng và môi trường xung quanh một cách dễ dàng hơn.
Ý tưởng phương án thiết kế kiến trúc nhằm tạo ra một ngôi trường xanh- “Green Education”. Ngôi trường bao gồm các yếu tố:
– Mô hình ở gia đình: Bố mẹ, anh chị em và trẻ bị bệnh tự kỷ có thể cùng chung sống trong không gian ngôi trường. Tránh hiện tượng trẻ bị cô lập, bỏ rơi, đơn độc. Trẻ sẽ cảm thấy được sự quan tâm, dành thời gian săn sóc của bố mẹ, người thân trong chính không gian học tập và chữa bệnh dành cho trẻ.
– Môi trường xã hội: Ngôi trường có yếu tố sinh thái với cây cỏ- thực vật, chim, sâu, bướm- gọi cung là động vật và con người cùng chung sống hòa quyện, giúp cho môi trường trường học trở nên thân thiện hơn.
– Năng lượng: Ngôi trường sử dụng vật liệu bền vững, năng lượng sạch, thân thiện với môi trường, giảm thiểu sự ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường xung quanh.
– Nguồn nước sạch: Thiết kế ngôi trường vừa đảm bảo giữ một phần hiện trạng mặt nước, đồng thời cải tạo nguồn nước để phục vụ sinh hoạt.
– Kinh tế: Ngôi trường tạo ra một môi trường lý tưởng để trẻ cùng bố mẹ, thầy cô giáo và các tình nguyện viên cùng tham gia các hoạt động như: trồng cây, hái rau, bắt sâu,… vừa kích thích trẻ hoạt động, vừa tạo ra nông sản phục vụ sinh hoạt như: rau củ quả, hoa,…
-Khu học ngoài trời: giúp trẻ hòa nhập với thiên nhiên và vui cùng bạn bè một cách thoải mái, giúp tiếp thu bài học trực quan sinh động hơn.
Theo Kienviet.net