09/06/2015

Nhiều bất cập tại các dự án đầu tư xây dựng trường học

Cùng với việc xã hội hoá giáo dục, việc nâng cấp, cải tạo, đầu tư xây dựng mới các dự án trường học luôn được Đảng, Nhà nước cũng như ngành giáo dục đặc biệt quan tâm. Nhiều cơ sở vật chất từ hệ thống mầm non đến cao đẳng, đại học đã được cải tạo, nâng cấp, đầu tư xây dựng mới, đáp ứng nhu cầu học tập và rèn luyện của các thế hệ tương lai đất nước.

Tuy nhiên, sau quá trình thanh kiểm tra, nhiều dự án cải tạo, sửa chữa, đầu tư xây dựng trường học mới tại một số tỉnh, thành phố vẫn không tránh khỏi những bất cập, sai phạm trong quá trình triển khai thực hiện.

 

Trường tiểu học Bà Triệu (Hai Bà Trưng) từng khiến hàng trăm bậc phụ huynh trăn trở về cơ sở vật chất học tập của con em, bởi diện tích quá chật hẹp.

Trường tiểu học Bà Triệu (Hai Bà Trưng) từng khiến hàng trăm bậc phụ huynh trăn trở về cơ sở vật chất học tập của con em, bởi diện tích quá chật hẹp.

Tại Hà Nội, việc đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây mới các dự án trường học trong những năm gần đây luôn được chú trọng. Tuy nhiên, không phải dự án nào cũng được đảm bảo tuyệt đối về chất lượng cũng như quá trình triển khai thực hiện vì sau khi có sự vào cuộc của lực lượng thanh tra nhà nước, thanh tra chuyên ngành thì nhiều sai phạm mới được làm rõ.

Việc thanh tra một số dự án cải tạo, mở rộng một số trường tiểu học trên địa bàn quận Hai Bà Trưng mới đây như dự án mở rộng Trường tiểu học Minh Khai do BQL dự án quận Hai Bà Trưng làm chủ đầu tư uỷ quyền, dự án cải tạo sửa chữa Trường tiểu học và THCS Lê Ngọc Hân do trường Tiểu học Lê Ngọc Hân làm chủ đầu tư… đã cho thấy một số bất cập trong công tác quản lý, triển khai thực hiện.

Cụ thể, tại dự án mở rộng Trường tiểu học Minh Khai, việc nghiệm thu hoàn toàn hạng mục công trình, công trình xây dựng đưa vào sử dụng của BQL dự án quận còn chưa đảm bảo quy định như: BQL dự án quận tổ chức nghiệm thu, kết luận chấp thuận nghiệm thu hoàn toàn hạng mục cải tạo nhà học 3 tầng đưa vào sử dụng khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng kiểm tra chấp thuận hồ sơ nghiệm thu đảm bảo, đủ căn cứ để chủ đầu tư uỷ quyền tiến hành việc nghiệm thu là chưa thực hiện đúng quy định tại Thông tư số 12/2005/TT-BXD ngày 15/7/2005 về hướng dẫn một số nội dung về quản lý chất lượng công trình xây dựng và điều kiện, năng lực của tổ chức, các cá nhân trong hoạt động xây dựng. Việc BQL tổ chức nghiệm thu, kết luận chấp thuận nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình đưa vào sử dụng khi chưa có ý kiến chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng về dự án này là chưa thực hiện đúng quy định tại khoản 4, Điều 31 và khoản 3, Điều 32 của Nghị định 15/2013/NĐ-CP về quản lý chất lượng công trình xây dựng…

Thực tế trong công tác quản lý Nhà nước về chất lượng xây dựng các dự án trường học nhiều năm trở lại đây trên địa bàn các tỉnh, thành phố đã có những chuyển biến tích cực, đáp ứng nhu cầu phát triển của nền giáo dục.

Tuy nhiên, bên cạnh đó còn có công trình chất lượng chưa cao, nhiều dự án còn khiếm khuyết từ khâu khảo sát, thiết kế, đến giám sát, thi công xây lắp. Nhiều công trình trong quá trình thi công phải thay đổi thiết kế, hoặc thiết kế chưa phù hợp gây lãng phí trong công tác đầu tư…

Trao đổi với PV Báo Xây dựng về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Thái, Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất và Thiết bị giáo dục (Bộ Giáo dục) cho biết: Việc đầu tư xây dựng, sửa chữa, cải tạo các dự án trường học trên địa bàn các tỉnh, thành phố hiện nay về cơ bản đều nằm trong kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản. Để đảm bảo chất lượng đầu tư xây dựng các dự án này, nhà quản lý phải làm tốt các khâu như công tác chuẩn bị đầu tư, tổ chức phê duyệt đấu thầu, tư vấn giám sát. Tuy nhiên, do năng lực của đơn vị nhà thầu, năng lực tư vấn giám sát mà trong quá trình triển khai thực hiện sai sót vẫn có thể xảy ra.

Ông Thái cũng cho biết: Để chọn ra nhà thầu có năng lực, hiện nay đa phần các dự án đầu tư xây dựng trường học thuộc Bộ Giáo dục đều phải được tổ chức đấu thầu rộng rãi. Việc chỉ định thầu cũng được tuân thủ theo đúng các quy định tại Điều 22 Luật Đấu thầu và các quy định tại Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Phạm Giang, Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Giang cho rằng, việc đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo sửa chữa các dự án trường học nhằm tạo điều kiện cơ sở vật chất tốt, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập của giáo viên và học sinh. Đây là vấn đề quốc sách, luôn được các cấp, chính quyền đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, không thể khẳng định một trăm phần trăm các công trình sẽ đảm bảo mức tuyệt đối về chất lượng đầu tư xây dựng. Sai phạm ít nhiều vẫn có thể xảy ra do năng lực của đơn vị tư vấn lập dự án, khảo sát, thiết kế; năng lực nhà thầu thi công xây lắp và tinh thần trách nhiệm của chủ đầu tư trong cải tạo, đầu tư xây dựng.

Để triển khai những công trình đầu tư xây dựng trường học, các đơn vị tư vấn chỉ thực hiện các công việc phù hợp với điều kiện năng lực của cấp có thẩm quyền cho phép, giao việc chủ trì khảo sát, thiết kế cho cá nhân có chứng chỉ hành nghề và năng lực phù hợp với công việc theo quy định của pháp luật. Nhà thầu thi công xây lắp cần tăng cường trang thiết bị thi công, củng cố bộ máy, lập hệ thống quản lý chất lượng phù hợp, thiết lập hồ sơ quản lý chất lượng công trình, tự tổ chức kiểm tra nghiệm thu vật tư, thiết bị trước khi xây dựng… và phải chịu trách nhiệm với sản phẩm của mình làm ra.

Với mục tiêu xã hội hoá ngành giáo dục, việc nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị không những góp phần đảm bảo chất lượng giáo dục, đào tạo mà còn đảm bảo mục tiêu hướng tới các trường đạt chuẩn quốc gia tại các thành phố lớn hiện nay. Tuy nhiên, việc đảm bảo chất lượng cần phải đi đôi với việc thanh kiểm tra, nghiệm thu kỹ lưỡng công trình trước khi đưa vào sử dụng, tránh tình trạng kiểm soát theo kiểu hô vang khẩu hiệu mà “vô tình” để những sai phạm đáng tiếc có thể xảy ra.

Theo Xây Dựng