25/07/2022

Mô hình nhà ở tái lập – Công ty TTA Partners

(KTVN) – Cùng với quá trình đô thị hóa, nhiều khu vực của Hà Nội vẫn đang hiện hữu tình trạng cơ sở hạ tầng xuống cấp, thiếu không gian xanh,… nhất là tại các quận nội thành (Đống Đa, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng…). Trước bối cảnh đó, Công ty TTA Partners đã đề xuất Mô hình nhà ở “Tái lập” nhằm cải thiện không gian sống cho cư dân tại các khu vực này, đồng thời gợi mở giải pháp thay đổi diện mạo, không gian đô thị trong tương lai.

Đề tài “Mô hình nhà ở tái lập” do TTA Partners triển khai là một trong 05 đề tài nghiên cứu của chương trình ALP 2021-2022, được thực hiện với sự đồng hành của Công ty TNHH Biệt Thự Vàng và Nhà tài trợ American Standard. Dự án nghiên cứu thí điểm tại phường Khâm Thiên, quận Đống Đa, Hà Nội.

Thực trạng hiện nay có thể nhận thấy một tỷ lệ lớn người dân sống trong các khu dân cư cũ xuống cấp kém chất lượng. Điều kiện nhà ở không đạt chuẩn và sự thiếu hụt các công trình công cộng, dịch vụ xã hội tác động không nhỏ đến sự an toàn, sức khỏe thể chất và tinh thần của người dân.

Thời kỳ đỉnh dịch Covid, những khu ở cũ với mật độ xây dựng dày đặc, không gian bị đóng kín, chật hẹp đã khiến cho tốc độ lây lan dịch bệnh tăng nhanh chóng, và quận Đống Đa là một trong những quận bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Việc thiếu không gian giao tiếp, không gian công cộng còn khiến cho người dân luôn cảm thấy sự thiếu hụt về sức khoẻ thể chất và cả tinh thần.

Câu hỏi đặt ra là: Tương lai nào cho nhóm dân cư này để họ có được một cuộc sống với chất lượng sống tốt hơn? Tương lai nào cho diện mạo của đô thị trong 15-20 năm tới khi mà tỷ lệ các khu tự phát này chiếm tỷ lệ tương đối lớn.

Với những câu hỏi trên, giả thuyết của nghiên cứu là tái thiết lập tại chỗ các khu nhà ở cũ một cách bền vững không chỉ hướng tới mục tiêu tạo ra diện mạo mới cho đô thị mà cần phải thúc đẩy sự phát triển các nguồn lực con người, thông qua đó họ có thể có được năng lực sinh kế bền vững, đồng thời tạo sự gắn kết và phát triển cộng đồng. Giải pháp Kiến trúc toà nhà, căn hộ cần hướng tới không gian ở tối thiểu và sự biến đổi thích ứng linh hoạt.

Các khu nhà cũ bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế, ảnh hưởng đến chất lượng sống của người dân

Điều này hoàn toàn phù hợp với các định hướng của Chính phủ về phát triển bền vững. Quyết định số 432/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020 vào ngày 12/04/2012 và Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc Ban hành Kế hoạch hành động Quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững đã nêu quan điểm “Con người là trung tâm của phát triển bền vững. Phát huy tối đa nhân tố con người với vai trò là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của phát triển bền vững”.

Nghiên cứu cũng hướng đến mục tiêu phát triển bền vững được đề cập trong Chương trình nghị sự Phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên Hiệp quốc. Trong số các Mục tiêu Phát triển Bền vững Toàn cầu được công bố năm 2016, mục tiêu số 11 ghi rõ “Kiến tạo các thành phố và các khu định cư tích hợp, an toàn, tang khả năng chống chịu và bền vững” (Make cities and human settlements inclusive, safe, resilient and sustainable).

Với bối cảnh như trên, việc nghiên cứu mô hình Tái thiết lập tại chỗ các khu dân cư cũ gắn với sinh kế bền vững và phát triển cộng đồng có ý nghĩa thực tiễn cao.

Hướng đến mục tiêu tái thiết lập một không gian mới cho các hộ dân tại đây, TTA Partners đã triển khai mô hình nhà ở tái lập (mô hình tái định cư tại chỗ), mang đến không gian sống chất lượng hơn, giúp người dân có không gian tương tác, giao lưu văn hóa đồng thời vẫn gắn với sinh kế bền vững. Ngoài ra, mô hình có khả năng chuyển hóa, biến đổi linh hoạt để đáp ứng được sự phát triển cho những căn hộ thông minh hiện đại sau này.

Theo đó, nhóm nghiên cứu TTA Partners đề xuất phương án xây dựng 2 mô hình nhà ở: Nhà ở trung tầng có độ cao từ 5 đến 7 tầng. Mô hình này sẽ giải quyết được chi phí đầu tư cũng như thói quen của người dân vốn quen ở “nhà mặt đất”. Thêm vào đó, đây cũng là giải pháp thay thế cho việc xây dựng các chung cư cao tầng ở nơi có diện tích khiêm tốn và “đắc địa” đòi hỏi quỹ đầu tư lớn, giá thành căn hộ cao, hạn chế khả năng đáp ứng của người dân.

Giải pháp TTA Partners đề xuất lưu ý đến yếu tố sinh kế, không gian xanh và không gian công cộng trong khu ở (Ảnh: TTA Partners)

Để thiết lập Mô hình nhà ở tái lập, TTA Partners đã xây dựng 4 nguyên tắc tuần hoàn, đảm bảo tính kinh tế cũng như những yếu tố nội hàm bên trong công trình. Cụ thể:

– Nguyên tắc Kinh tế: Hướng tới tiết kiệm chi phí và tối ưu hóa giá thành, các giải pháp kiến trúc được đưa ra nhằm tiết kiệm chi phí một cách thông minh; tối ưu các yếu tố thiên nhiên như nắng, gió và ánh sáng để hạn chế sử dụng năng lượng điện

– Nguyên tắc Văn hóa: Phù hợp với văn hóa và lối sống của người Việt Nam, phát huy giá trị của văn hóa ở truyền thống trong mô hình nhà ở tái lập; xây dựng nếp sống mới; tổ chức các không gian ở tối giản, tiện dụng; có không gian mở, không gian sử dụng chung. Bên cạnh đó, nhà ở tái lập còn hướng đến lối sống tối giản theo xu hướng đương đại.

– Nguyên tắc Xã hội: Hướng tới cộng đồng thân ái, láng giềng chia sẻ, thúc đẩy sự tương tác, gắn kết chặt chẽ với nhau trong nội bộ nhóm nhà ở hay tòa nhà.

– Nguyên tắc Kiến trúc: Hướng tới đa dạng loại hình nhà ở và dịch vụ để tạo cơ hội nhiều hơn cho mọi người; linh hoạt và thích ứng trong việc tổ chức không gian.

Đề xuất của nhóm nghiên cứu hướng tới việc xây dựng mô hình ở mới, đảm bảo:  

  1. Trả lại cho người dân ở hiện nay đúng bằng diện tích đất ở mà đang được sở hữu. Không gia tăng dân số, không chất tải dân số lên cơ sở hạ tầng hiện có.
  2. Thiếp lập những module, khối nhà trung tầng cao từ 5-9 tầng, đảm bảo chiều cao được khống chế trong quy hoạch phân khu của 4 quận nội thành.
  3. Các không gian dịch vụ hình thành ở tầng 1, bố trí dọc theo các tuyến giao thông. Ngoài diện tích trả đủ cho hơn 20% hộ kinh doanh thì các hộ có điều kiện kinh doanh cũng có thể đăng ký khai thác.
  4. Các Block nhà bố trí theo ô phố tạo ra những khoảng mở công cộng và bán công cộng cho cư dân trong nhóm nhà, nâng cao tính gắn kết cộng đồng.
  5. Các căn hộ được thiết kế với diện tích từ 85-137m2, đầy đủ công năng từ 2 phòng ngủ trở lên. Trong mỗi căn hộ, ngoài không gian phục vụ các mục đích cố định còn có không gian riêng cho từng căn hộ, bố trí ban công lớn/vườn để có thêm không gian xanh. Cứ mỗi 2 tầng sẽ có không gian sinh hoạt chung cho các hộ dân.

Giải pháp TTA Partners đề xuất lưu ý đến yếu tố sinh kế, không gian xanh và không gian công cộng trong khu ở (Ảnh: TTA Partners)

Để thiết lập Mô hình nhà ở tái lập, TTA Partners đã xây dựng 4 nguyên tắc tuần hoàn, đảm bảo tính kinh tế cũng như những yếu tố nội hàm bên trong công trình. Cụ thể:

– Nguyên tắc Kinh tế: Hướng tới tiết kiệm chi phí và tối ưu hóa giá thành, các giải pháp kiến trúc được đưa ra nhằm tiết kiệm chi phí một cách thông minh; tối ưu các yếu tố thiên nhiên như nắng, gió và ánh sáng để hạn chế sử dụng năng lượng điện

– Nguyên tắc Văn hóa: Phù hợp với văn hóa và lối sống của người Việt Nam, phát huy giá trị của văn hóa ở truyền thống trong mô hình nhà ở tái lập; xây dựng nếp sống mới; tổ chức các không gian ở tối giản, tiện dụng; có không gian mở, không gian sử dụng chung. Bên cạnh đó, nhà ở tái lập còn hướng đến lối sống tối giản theo xu hướng đương đại.

– Nguyên tắc Xã hội: Hướng tới cộng đồng thân ái, láng giềng chia sẻ, thúc đẩy sự tương tác, gắn kết chặt chẽ với nhau trong nội bộ nhóm nhà ở hay tòa nhà.

– Nguyên tắc Kiến trúc: Hướng tới đa dạng loại hình nhà ở và dịch vụ để tạo cơ hội nhiều hơn cho mọi người; linh hoạt và thích ứng trong việc tổ chức không gian.

Mô hình Nhà ở “Tái lập” sẽ hướng tới lối sống bền vững, văn minh của thế kỷ 21, trong đó, nhấn mạnh đến Không gian “tự lập” và Không gian “Xóm giềng” để phát triển sinh kế bền vững và gắn kết cộng đồng. Mô hình xây dựng này mang tính công nghiệp, khoa học, rẻ, nhanh và thân thiện.

Tuyết Ngân