22/11/2017

Le Corbusier – KTS của mọi thời đại

 Le Corbusier là một kiến trúc sư nổi tiếng thế giới người Thụy Sĩ, ông là một trong những người đặt nền móng cho sự phát triển của trào lưu kiến trúc hiện đại thế kỷ XX. Ông là nhà quy hoạch đô thị, họa sĩ, nhà văn và thiết kế đồ nội thất.

Le Corbusier – kiến trúc sư nổi tiếng thế giới

Le Corbusier sinh tại một thị trấn nhỏ tại Neuchâtel ở vùng phía Bắc của Thụy Sĩ, giáp biên giới với nước Pháp. Thời trẻ, Le Corbusier theo học tại trường thủ công mỹ nghệ tại địa phương, dưới sự hướng dẫn của Charles L’Éplattenier người đã từng du học tại Budapest và Paris, các trung tâm nghệ thuật thời bấy giờ. Thời điểm đó, Le Corbusier đã bộc lộ rõ hứng thú nghiên cứu về cấu trúc hình học của các đối tượng cũng như việc ứng dụng kĩ thuật vào nghệ thuật. Những công trình đầu tiên do ông thiết kế từ thời xưa đã sử dụng tài tình những ngôn ngữ của kiến trúc bản địa vùng núi Alps. Các công trình này dần dần đã thể hiện bước tiến trong tư duy về không gian kiến trúc với việc đơn giản hóa hình khối của trong kiến trúc.

Năm 1948 Le Corbusier giới thiệu Hệ Modulor, đây là một hệ tỉ lệ trong kiến trúc được ứng dụng lần đầu tiên trong đơn vị ở lớn Marseille. Hệ tỷ lệ này, được xây dựng trên tỷ lệ vàng truyền thống của kiến trúc châu Âu cổ đại được Le Corbusier kết hợp với các số đo của nhân trắc học con người nhằm mục đích phù hợp với các thiết kế kiến trúc cũng như đạt được vẻ đẹp hài hòa với tự nhiên. Le Courbusier xem quy hoạch đô thị là một công việc có tầm quan trọng chiến lược, sống còn đối với văn minh nhân loại. Ông đánh giá quy hoạch đô thị là chìa khóa để giải quyết mọi vấn đề kiến trúc xây dựng.

Le Corbusier bắt đầu thiết kế đồ nội thất từ năm 1928 sau khi mời kiến trúc sư Charlotte Perriand tham dự vào xưởng thiết kế của ông. Người anh em họ của ông là Jeanneret cũng cộng tác trong nhiều thiết kế. Tư tưởng về kiến trúc của Le Corbusier có ảnh hưởng đến nhiều kiến trúc sư hiện đại sau này như Richard Meier, Ando Tadao, Mario Botta…

Chandigarh – Bài học về quy hoạch đô thị xuất sắc

Chandigarh là một trong những công trình quy hoạch đô thị có ý nghĩa nhất của thế kỷ XX. Đây chính là một trong những công trình quy hoạch – kiến trúc đô thị xuất sắc của Le Corbusier, nhà quy hoạch – kiến trúc nổi tiếng người Pháp. Chandigarh có ảnh hưởng to lớn đến nền kiến trúc hiện đại cũng như quy hoạch đô thị của Ấn Độ và sau này trở thành biểu tượng của đô thị hóa thế giới. Chandigarh nổi tiếng vì quy hoạch cảnh quan cũng như môi trường kiến trúc.


Nhà Quốc hội Chandigarh, Ấn độ do Le Corbusier thiết kế.

Yếu tố cấu thành trong quy hoạch của Le Corbusier. Le Corbusier so sánh TP mà ông quy hoạch như một thực thể sinh học để phân chia thành từng khu vực theo chủ ý của ông: Đầu là Capitol (các công trình đứng đầu Nhà nước), tim là khu Trung tâm TP, chi là các khu làm việc của các trụ sở hành chính và các trường học. Thung lũng Giải trí (Leisure Valley) hầu như nằm vắt ngang TP Chandigarh, bên cạnh đó còn có những công viên nằm trải dài qua mỗi khu vực để tạo cho từng người dân đô thị có cơ hội ngắm nhìn bức tranh toàn cảnh của đồi núi và bầu trời.

Le Corbusier coi chức năng ở là yếu tố quan trọng của đô thị hóa hiện đại và đã tuân theo tỷ lệ hài hòa giữa các yếu tố thiết kế không gian ở. Tất cả các tòa nhà được xây dựng trên những nền đất cao, kích cỡ về cửa, cửa sổ được quy định chặt chẽ. Tuy một số khu nhà ở được thiết kế có những đặc điểm riêng biệt nhưng ý kiến chủ đạo vẫn phải bảo đảm có tầm nhìn hướng tới đường phố và cộng đồng xung quanh. Các tòa nhà dọc theo những trục chính của TP được kiểm soát theo quy định chặt chẽ của kiến trúc. Những ngôi nhà tư nhân ở Chandigarh đều phải tuân thủ theo thiết kế và kiến trúc chuẩn được KTS trưởng phê duyệt. Trong các khu nhà ở không gian xanh luôn được xen kẽ và hợp nhất. Le Corbusier đã dự tính việc xây dựng tương lai thêm những trường học và sân vui chơi giải trí trong những không gian xanh sau các khu nhà ở.

Chandigarh là một TP khá thành công về quy hoạch nhà ở, cung cấp cho những người dân nơi đây một mô hình nhà ở đạt chất lượng cao đồng thời qua thời gian vẫn đáp ứng với nhu cầu tăng trưởng nhanh của TP. Khi quá trình đô thị hóa diễn ra, với mô hình nhà ở giá thành thấp đã tạo cho hàng ngàn người dân thu nhập thấp, ít kỹ năng… vẫn có cơ hội được sống ở Chandigarh.

Chức năng cải thiện đời sống tinh thần của con người. Chức năng này gồm không gian mở, không gian cây xanh và các cấu trúc đa dạng khác. 800ha không gian mở và cây xanh trải dài trên gần 114km2 của TP gồm Thung lũng Giải trí, Hồ nhân tạo Sukhna, Vườn Rock và nhiều khu vườn đặc biệt khác. Hơn nữa các khu được hợp nhất cùng không gian mở đều hướng tới núi. Đan xen giữa các tòa nhà hoành tráng, Le Corbusier đã hợp nhất hệ thống cây xanh tiếp nối từ cuối phố này đến phố khác, tạo nên tầm nhìn thông suốt.

Le Corbusier quy hoạch các con đường dành cho người đi bộ và xe đạp thông suốt dưới những rặng cây xanh cho phép người dân có thể dạo theo chiều dài của các khu phố, hòa cùng thiên nhiên. Ngang qua TP có thung lũng nhỏ khoảng 8km với chiều sâu khoảng 6m và đoạn rộng nhất chỉ lên tới 300m. Một loạt các khu vườn đặc biệt được tạo dựng theo chiều dài thung lũng và hiện tại được gọi là Thung lũng Giải trí. Bên cạnh những chuỗi vườn đó còn có rất nhiều khu vườn trồng các loại hoa và quả trong TP, tạo nên những nét hấp dẫn không thể bỏ qua đối với du khách. Trên các trục đường phố được bố trí các loại cây to tượng trưng cho từng đường phố. Mỗi trục đường giao thông có những nét đặc trưng riêng do cây xanh tạo nên. Mỗi khu ngã 3, 4 cũng có những đặc điểm cây riêng biệt phù hợp. Có hơn 100 loại cây khác nhau được trồng trên các đường phố của Chandigarh.

Biệt thự Savoye – Công trình có công năng sử dụng hoàn hảo

Đó là công trình tiêu biểu của Le Corbusier là nằm ở TP Poissy, một TP vệ tinh cách Paris khoảng 30km về phía Tây Bắc. Công trình này là điểm kết của một chuỗi các biệt thự được Le Corbusier thiết kế trong khoảng những năm 1920.

Biệt thự Savoye được xây dựng trong giai đoạn từ năm 1928 – 1931, biệt thự này có chức năng ban đầu là nhà nghỉ cuối tuần của gia đình Savoye. Không giống như hầu hết những ngôi biệt thự được thiết kế trước đó bởi Le Corbusier, vốn nằm trong các bối cảnh đô thị phức tạp, bịệt thự Savoye tọa lạc trong một khuôn viên rộng và thoáng, với vô số các loại cây và thảm cỏ xanh rì.

Điều này chính là tiền đề để Le Corbusier thiết kế một công trình thể hiện được hoàn toàn quan điểm thẩm mỹ kiến trúc dựa trên vật liệu bêtông với một số đặc điểm chính như: Công trình được nâng lên khỏi mặt đất bởi hệ thống cột, cho phép không gian sân vườn được trải dài tự do dưới công trình. Sử dụng mái phẳng bằng bê tông thay vì hệ mái dốc truyền thống, bản thân mái cũng được sử dụng vào mục đích sinh hoạt cũng như làm sân vườn. Sử dụng hệ thống cột, xóa bỏ hoàn toàn vai trò của hệ thống tường chịu lực, vẫn được sử dụng rất phổ biến cho đến lúc đó. Điều này cho phép công trình có mặt bằng tự do, với hệ thống vách ngăn nhẹ được đặt theo ý muốn ở từng tầng mà không cần quan tâm đến hệ thống vách ngăn ở tầng trên hay dưới nó. Hệ thống tường không còn chức năng chịu lực tạo thuận lợi để có thể mở những cửa sổ chạy dài từ đầu này đến đầu kia của công trình, đem theo nhiều ánh sáng và gió vào bên trong công trình. Hệ thống cột thụt lui vào trong so với mặt đứng, sàn đưa ra ngoài dựa trên hệ dầm công-xôn (cantilever). Mặt đứng lúc này trở nên thanh thoát nhẹ nhàng, và chỉ đơn thuần là những mảng tường bao che và những ô cửa sổ. Thiết kế công trình theo chủ nghĩa công năng, tất cả các yếu tố đều có giá trị sử dụng, không có bất cứ sự xuất hiện của yếu tố mang tính trang trí thuần tuý nào. Sử dụng những đường nét và hình khối rất cơ bản để đưa công trình đến một vẻ đẹp đơn giản và thuần khiết. Thiết kế công trình dựa trên sự cộng sinh giữa kiến trúc và môi trường thiên nhiên, thể hiện qua ý tưởng xóa tan những giới hạn giữa bên trong và bên ngoài công trình. Mặt bằng của ngôi nhà được bó gọn trong một hình chữ nhật với tỷ lệ xác định theo quy tắc tỷ lệ vàng, dựa trên các nghiên cứu về toán học.

Biệt thự Savoye là sự đúc kết của nhiều năm thiết kế, và cũng là một cái nền cơ bản cho rất nhiều những công trình sau này của Le Corbusier. Ngày 17/7/2016 vừa qua, Tổ chức UNESCO chính thức công nhận 17 công trình xây dựng của kiến trúc sư Le Corbusier (1887 – 1965) thuộc Di sản thế giới. Là người đã đem lại một cái nhìn mới trong nghệ thuật kiến trúc trong thế kỷ XX, đáp ứng nhu cầu xây dựng các khu tập thể cho đại chúng.

Khánh Phương/BXD