10/03/2016

KTS Hoàng Thúc Hào thiết kế Trung tâm Hạnh phúc Quốc gia Bhutan

Năm 2008, Bhutan trở thành nước đầu tiên trên thế giới áp dụng chuẩn đo GNH (Gross National Happiness – Tổng hạnh phúc quốc gia) để đánh giá những yếu tố mang lại giá trị cho đời sống, thay cho chuẩn đo GDP.

Nhân sự kiện này, Hoàng gia và Chính phủ Bhutan quyết định thành lập Trung tâm Hạnh phúc Quốc gia (GHN center), nơi mọi người từ khắp thế giới có thể đến tìm hiểu, chia sẻ về triết lý sống hạnh phúc của người Bhutan thông qua thực hành thiền và học cách trở nên hạnh phúc mà không phụ thuộc quá nhiều vào vật chất, tiêu dùng.

Biết đến KTS Hoàng Thúc Hào qua một số công trình văn hóa, cộng đồng nổi tiếng mà anh và cộng sự đã thực hiện tại Việt Nam đạt nhiều giải quốc tế, như nhà cộng đồng Suối Rè, Tả Phìn…, Giám đốc Trung tâm Hạnh phúc Bhutan đã mời KTS Hào cộng tác.

Tham gia công trình thiết kế mang đầy màu sắc Phật giáo này, KTS Hoàng Thúc Hào đảm nhận cương vị chủ trì thiết kế, cùng thực hiện còn có các cộng sự Phạm Đức Trung, Nguyễn Thị Minh Thủy, Lê Danh Quân, Ngô Đức, Phạm Gia Thắng, Đỗ Quang Minh.

Hai trong bốn trụ cột của chuẩn đo GNH là bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy văn hóa. Cho vậy, Chính phủ Bhutan yêu cầu công trình GHN center phải thân thiện, thể hiện bản sắc địa phương qua chất liệu, màu sắc, họa tiết nhưng phải cách tân và hiện đại hóa.

KTS Hoàng Thúc Hào cho biết: Quần thể công trình GHN center gồm phòng hội nghị 100 chỗ, phòng tập thiền 60 người, nhà hành chính, nhà bếp, nhà ăn tập thể, cùng tám – chín nhà lưu trú nhỏ. Các khu nhà nằm rải rác trên triền núi hiểm trở, trong thời tiết khắc nghiệt, ven sông lớn ở tỉnh Bumthang, đông bắc Bhutan.

Tổ hợp do KTS Hoàng Thúc Hào và Văn phòng 1+1>2 thiết kế là cuộc đối thoại giữa đất – đá – gỗ, giữa nhà, không gian bên trong và khung cảnh, giữa tri thức hàn lâm với kinh nghiệm dân gian. Các công trình có tường dày nửa mét, xây đá kết hợp trình đất, bảo đảm giữ nhiệt trong mùa đông giá lạnh. Công trình càng thân thiện với môi trường hơn nữa bởi sử dụng vì kèo gỗ và bê tông, sử dụng nước trên nguồn và năng lượng mặt trời. Nhà mái dốc, hình kỷ hà đặc trưng theo truyền thống Bhutan, mặt quay ra sông, lưng tựa núi.

Công trình nhà thiền chính lấy ý tưởng từ sự giao thoa, thống nhất giữa tự nhiên – khối đế tròn, với nhân tạo – khối vuông bên trên (có sự tương đồng với triết lý trời tròn đất vuông của người Việt), hàm chứa ý nghĩa cuộc sống con người là duy trì, bảo vệ “thế cân bằng tự nhiên – nhân tạo”. Nhà hội nghị hình elip cảm hứng từ hình ảnh lá cây bồ đề. Các mô tip decor đặc trưng văn hóa Bhutan được tiết chế, gia giảm hợp lý. Toàn bộ tổng thể ẩn mình trong rừng thông, gắn bó hữu cơ với thiên nhiên tươi đẹp.

Công trình được hoàn thành trong sự đánh giá của hoàng gia Bhutan, công chúa và nhiều học giả nổi tiếng từ khắp thế giới. Trung tâm hạnh phúc Quốc gia đã đi vào hoạt động (từ tháng 10/2015) và bước đầu được người dân Bhutan cũng như cộng đồng quốc tế đón nhận.

Với công trình Trung tâm hạnh phúc Quốc gia Bhutan, KTS Hoàng Thúc Hào và cộng sự đã tiến thêm một bước vào thị trường tư vấn ở nước ngoài.

Vương quốc Phật giáo Bhutan nằm ở phía đông dãy Himalaya, lọt thỏm giữa Tây Tạng và Ấn Độ, là quốc gia của những đền đài, tu viện cổ xưa. Dấu ấn Phật giáo và nguồn gốc tôn giáo Tây Tạng có thể được nhìn thấy từ bất cứ nơi đâu trên khắp đất nước Bhutan. Đây là quốc gia duy nhất trên thế giới tính toán mức độ thịnh vượng của đất nước dựa trên mức độ hạnh phúc của người dân chứ không phải dựa trên chỉ số GDP – tổng sản lượng nội địa. Ý tưởng của Bhutan từng một thời khiến cả thế giới phải nhắc đến quốc gia châu Á bé nhỏ này.

Dưới đây là một số hình ảnh bên trong và bên ngoài của Trung tâm Hạnh phúc Quốc gia Bhutan:

Thanh Huyền/Báo Xây dựng