28/04/2017

Kiến trúc sư Hà Nội với lời hẹn ước “Tháng Tư”

Từ Chiến khu hướng về Thủ đô –  ký ức 1947

Cách đây  70 năm  (1947-2017) những người con của Hà Nội rời Thủ đô lên chiến khu , bên kia sông Hồng ngoái đầu nhìn lại bầu trời đêm Hà Nội đỏ hồng ngọn lửa đốt cháy những căn nhà, con phố “thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Phía trước họ là những chặng đường băng rừng vượt núi gian nan, phía sau là giặc giã truy đuổi ráo riết…Vậy mà chỉ hơn một năm sau, ngày 27/4/1948, tại làng Thản Sơn (nay thuộc xã Liễn Sơn, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc), có 8 kiến trúc sư đã rời Hà Nội đi kháng chiến, từ  muôn nẻo xa xôi đã về Thản Sơn tụ hội để bàn soạn về tái thiết đất nước hòa bình.

Dẫu là hậu sinh, chúng ta cũng hình dung được giữa bộn bề kháng chiến , Bác Hồ đã dành thời gian viết thư gửi tới Hội nghị. Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 27/4 hàng năm là “Ngày Kiến trúc Việt Nam” và giới KTS Việt nam không thể quyên ngày này.

Hội KTS Hà Nội ngay từ đầu năm 2017 đã có kế hoạch tổ chức nhiều hoạt động: gặp gỡ, giao lưu với các đồng nghiệp bốn phương; Chuẩn bị lễ trao giải thưởng kiến trúc hàng năm cho các đơn vị, các nhân có tác phẩm đạt giải; Khảo cứu kiến trúc cổ, thảo luận kiến trúc mới; Nghiên cứu các sự kiện kiến trúc đô thị trong nước; Hội nhập với đồng nghiệp ASEAN. Ngoài những hoạt động trong phạm vi Hà Nội, KTS Hà Nội còn tham gia chung với Hội KTS Việt Nam: Giao lưu KTS vì cộng đồng, kiến trúc xanh, bền vững; Trao giải thưởng Kiến trúc Quốc gia…

Thành phố Hà Nội (hình minh họa)

Thành phố Hà Nội (hình minh họa)

Đến công việc của những ngày đầu năm 2017

Đầu năm 2017, Hà Nội sôi động  với  những dự án giao thông lớn đã dần hiện hình, trật tự đô thị  từng bước cải thiện; Đẩy lùi nạn lấn chiếm vỉa hè, lòng đường; Thảo luận về tăng cường chất lượng quy hoạch, phát triển đô thị được tiến hành rộng rãi, tạo sự chú ý sâu rộng từ cộng đồng xã hội đến các vị lãnh đạo cấp cao. Thành phố tổ chức cuộc thi ý tưởng  tổ chức giao thông và tập trung nghiên cứu phương án quy hoạch hai bên bờ sông Hồng với sự tài trợ của 3 tập đoàn BĐS mạnh để mời tư vấn nước ngoài. Cuối tháng 3/2017, TP đã chọn ra 6 đơn vị liên danh vào chung kết từ 25 đơn vị đăng ký dự thi ý tưởng tổ chức giao thông; Quy hoạch hai bên sông Hồng đã có tên của 2 tư vấn quốc tế.

Sau hơn 20 năm mở cửa , Hà Nội đã quen với với những công trình  do tư vấn nước ngoài thực hiện. Vài công trình đơn lẻ mang đến Hà Nội diện mạo mới mẻ, nhưng những đồ án quy hoạch do nước ngoài làm vẫn chưa hẳn đã thật tốt. Những dự án quy hoạch lớn về giao thông và thoát nước vốn đầu tư lớn phụ thuộc vào vốn  vay quốc tế – tư vấn nước ngoài  luôn có vị thế thượng phong thì xét về tổng thể, cho đến nay nhiều câu hỏi vẫn chưa có lời giải thỏa đáng.

Tư vấn trong nước đã rất nỗ lực hợp tác và hội nhập, nhưng trước  sự phát triển đô thị  mạnh mẽ đã đặt ra những thách thức mới mà tư vấn trong nước vẫn còn chưa đủ sức bứt phá, chủ động đưa ra những giải pháp thuyết phục… Vậy nên, quy hoạch giao thông và sông Hồng vẫn không thể vắng mặt tư vấn quốc tế. Câu hỏi đặt ra cho giới Kiến trúc – Quy hoạch Hà Nội, Việt Nam: Chúng ta  đóng góp như thế nào cho  Thủ đô Hà Nội hôm nay?

Giấc mơ phố phường: đành lỗi  hẹn với tháng Tư

Giữa TK19, Thành phố Paris có cuộc canh tân vĩ đại. Giới chức trách thành phố lo ngại các KTS chậm trễ nên đã ấn định thời hạn nộp bài là khi các bản vẽ phải đưa ra khỏi xưởng. Các KTS mang bản vẽ đặt trên xe đẩy, trên đường đi tiếp nhận những lời nhận xét, góp ý của đồng nghiệp và công chúng để hoàn thiện trước khi nộp cho Thành phố. “Charrette” – là tiếng Pháp, có nghĩa là chiếc xe đẩy. Đó chính là chiếc xe chở bản vẽ thiết kế đường phố Paris .

Kể từ đó “Charrette” trong nghề quy hoạch được coi là một quy trình tham vấn các bên liên quan để soạn thảo tài liệu ảnh hưởng tới cuộc sống của nhiều người nhưng lại có khả năng dung nạp ý kiến chọn lọc, tạo ra sự đồng thuận cao nhất. Các thành phố Châu Âu, Bắc Mỹ trong 3 thế kỷ qua, “Charrette “ đóng vai trò qua trọng, liên tục được tiến hóa, trở thành  một kỹ thuật tham vấn, thúc đẩy quyền sở hữu chung của các giải pháp, dung hòa các lợi ích giữa các bên.

“Charrette” có thể thảo luận căng thẳng để có kết quả thống nhất trong một đêm. vài ngày, hay nhiều ngày, nhiều tháng với mục tiêu: các bên liên quan sớm tham gia vào quá trình lập kế hoạch, đáp ứng các tiêu chuẩn tham khảo nhằm tránh các cuộc chiến pháp lý tốn kém. Dù “Charrette” kéo dài bao lâu chăng nữa thì vẫn là con đường ngắn nhất để bản vẽ quy hoạch trở thành hiện thực .

Trong thời gian qua, một  nhóm KTS Hà Nội đã hợp tác với các chuyên gia trong nước và quốc tế để nghiên cứu, đề xuất phương án quy hoạch tổ chức giao thông một số khu vực trong thành phố Hà Nội. Các phương án đã tiếp cận những phương pháp nghiên cứu mới, ứng dụng các ứng dụng phân tích dữ liệu với sự hỗ trợ của máy tính, bao gồm dữ liệu không gian và các thông tin kinh tế xã hội… họ dự kiến trong tháng Tư sẽ  tổ chức một “Charrette “ – hay còn gọi là “tọa đàm”,  để trình bày các phương án quy hoạch, nhằm thảo luận với đồng nghiệp,  mở rộng tới các giới khác và cộng đồng xã hội… để cùng nhau chia sẻ giấc mơ Hà Nội tương lai phát triển bền vững, hài hòa.  Các KTS Hà Nội coi đây là việc làm hướng tới ngày Kiến trúc Việt Nam và đã gửi kế hoạch tới Hội KTS Hà Nội. Rất tiếc Tháng Tư đã hết mà chưa kịp tổ chức, nên đành lỗi hẹn với tháng Tư.

Các KTS Hà Nội nhận thức rằng nghề kiến trúc rất liên quan và hệ trọng tới cuộc sống con người, tương lai của Thành phố, đất nước, và luôn ghi tạc lời dặn dò của Bác Hồ gần 70 trước: “Trong 4 điều quan trọng cho dân sinh: ở và đi lại là hai vấn đề cũng cần thiết như ăn và mặc. Vì vậy, việc kiến trúc là một việc rất quan hệ.

Chúng ta phải tùy hoàn cảnh mà xây dựng ngay trong khi kháng chiến và sau khi kháng chiến thành công. Tôi mong Hội nghị sẽ đi tới những kế hoạch thiết thực với tình thế hiện tại  và những chương trình kiến thiết hợp với tương lai, kế hoạch và chương trình đúng tinh thần đời sống mới”

Hy vọng một ngày gần đây, các KTS Hà Nội có dịp giãi bày giấc mơ của mình với phố phường Hà Nội

KTS Trần Huy Ánh