25/08/2022

Cầu Hôn – Biểu tượng mới của du lịch Việt Nam

Sau hiện tượng Cầu Vàng tại Bà Nà, du lịch Việt Nam chuẩn bị đón nhận thêm một cây cầu biểu tượng: Cầu Hôn ở Phú Quốc. Ngay lúc này, truyền thông thế giới đã so sánh thiết kế của cây cầu với tranh của Michelangelo.

Phối cảnh minh họa Cầu Hôn tại Phú Quốc

55 triệu khách du lịch đến Chicago mỗi năm. Và phần lớn trong số họ sẽ chụp ảnh cùng “The Bean”. Xung quanh khối điêu khắc hình hạt đậu bóng loáng của Anish Kapoor luôn là hàng trăm người đang chờ đến lượt chụp ảnh. Nó trở thành địa điểm thu hút nhiều khách du lịch nhất vùng Trung Tây nước Mỹ. 23 triệu đô cho một khối điêu khắc hình hạt đậu bằng thép? Chicago nhận lại hàng tỷ đô la giá trị thương hiệu từ quyết định đột phá của họ.

Tại Bilbao, con nhện Guggenheim trở thành điểm buộc phải ghé thăm của khách du lịch. Tại New York, việc được đu mình lên con bò tót bằng đồng ở Phố Wall được coi là một “nghi thức” của khách du lịch phương xa – con bò này nổi tiếng đến mức đã trở thành một biểu tượng của ngành tài chính toàn cầu chứ không còn là của du lịch.

Không phải cứ công trình hàng thế kỷ mới, mang nhiều trầm tích văn hóa mới có thể trở thành biểu tượng. “Danh tính” của một vùng đất có thể được tạo ra nhờ tư duy đột phá. Và ngành du lịch thế giới cũng liên tục chứng kiến những “biểu tượng du lịch” hiện đại được tạo ra nhờ sức sáng tạo đột phá của con người.

Năm 2018, Việt Nam chứng kiến sự ra đời của một biểu tượng du lịch mới – Cầu Vàng tại Sun World Ba Na Hills. Hai bàn tay rêu phong đỡ một vòng cung màu vàng ánh kim giữa mây mù của Núi Chúa, trở thành hình ảnh nổi bật trên các mặt báo khắp thế giới. Cầu Vàng đã trở thành lịch trình bắt buộc của rất nhiều du khách quốc tế đến Đà Nẵng trong các năm 2018 và 2019 và kể cả sau này.

Cầu Hôn đang được xây dựng tại tổ hợp “Thị trấn Địa Trung Hải”, phía Tây Nam đảo Phú Quốc

Sự độc nhất vô nhị ấy đang được Sun Group lặp lại ở Phú Quốc. Vẫn là một cây cầu. Vẫn là một biểu tượng thuần túy phục vụ cho du lịch. Nhưng lần này, nó được phụ trách bởi một bậc thầy kiến trúc châu Âu, người chuyên kiến tạo các biểu tượng cấp quốc gia từ Đông sang Tây. Và nó hứa hẹn sẽ tạo nên một hiện tượng Phú Quốc- nơi đã từ lâu được truyền thông thế giới xếp ngang hàng với các điểm đến hàng đầu tại Châu Á-Thái Bình Dương.

ADN sáng tạo

Khi một thành viên của đội tuyển Hàn Quốc tại World Cup 2002 đến Việt Nam, và giúp đội tuyển nước này vô địch các giải đấu, ta sẽ gọi ông là “Cầu nối của 2 nền văn hóa”. Truyền hình Hàn Quốc sẽ thay đổi lịch phát sóng để tường thuật trực tiếp các trận đấu do Park Hang-seo cầm quân.

Khi một nhạc trưởng người Nhật Bản đến Việt Nam, và giúp đất nước này xây dựng một dàn nhạc giao hưởng vừa mang đẳng cấp thế giới, vừa giàu truyền thống, ta cũng sẽ gọi ông là “Cầu nối của 2 nền văn hóa”. Các hãng thông tấn Nhật Bản liên tục làm phim về Honna Tetsuji, giới nghệ thuật hàn lâm Nhật Bản liên tục tổ chức các chương trình giao lưu với Việt Nam – thông qua nhạc trưởng Tetsuji.

Và khi một Kiến trúc sư hàng đầu nước Ý đến Việt Nam, xây dựng ở đây một công trình mà chính ông gọi là biểu tượng, đó chắc chắn là một “Cầu nối của hai nền văn hóa”. Ngay khi chưa hoàn thành, truyền hình quốc gia Italia đã dành thời lượng để nói về Cầu Hôn, cây cầu mà Marco Casamonti đang xây dựng ở Phú Quốc.

Cầu Hôn sẽ trở thành biểu tượng mới của du lịch Việt Nam ngay khi hoàn thành (Phối cảnh minh họa)

Mỗi vị đại sứ văn hóa như thế sẽ mang đến cho Việt Nam một phần ADN của quốc gia mà họ đại diện. Park Hang-seo mang đến ý chí vượt lên chính mình, thứ đã làm nên Kỳ tích sông Hàn. Honna Tetsuji mang đến kỷ luật và sự tinh tế của người Nhật Bản. Còn Marco Casamonti? Khi đặt chân đến Việt Nam lần đầu tiên năm 2020, vị KTS đã tự tin giới thiệu: “Sự sáng tạo nằm trong ADN của người Ý”.

Sự sáng tạo nằm trong ADN của người Ý và trong huyết quản của Marco Casamonti. Trong sự nghiệp của mình, Casamonti đã tạo ra những biểu tượng kiến trúc ở khắp nơi trên thế giới – từ quê hương Italia, nơi hầm rượu Antinori trở thành những con sóng hòa mình vào ngọn đồi trồng nho, cho đến Bắc Kinh, nơi ông tạo ra một vòng tuần hoàn vô cực bằng vật liệu truyền thống Trung Quốc, sang Albania, nơi sân vận động quốc gia nước này gợi nhớ đến muôn vàn ô cửa màu quốc kỳ.

Nhưng sáng tạo đối với Marco Casamonti cũng luôn có những tiêu chí ngặt nghèo. Ông đã chia sẻ điều đó từ buổi đầu tiếp xúc với công chúng Việt Nam. Từ khóa đầu tiên trong tiêu chí sáng tạo của Casamonti là “Tradizione” – truyền thống.

Trên sóng truyền hình Italia, Casamonti kể về một truyền thuyết “mà người Việt Nam nào cũng biết”, về một đôi tình nhân yêu nhau nhưng không thể đến được với nhau. Ông đang nói đến mối tình Ngưu Lang-Chức Nữ. Biên tập viên của kênh TG1 ngay lập tức liên hệ nó với Romeo và Julliett. Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều có những câu chuyện tình đẹp, nhưng buồn, về những con người yêu nhau nhưng không thể chạm vào nhau dù chỉ còn cách một khoảng ngắn. Những bản tình ca buồn ấy phản ánh khao khát tự do, ước mong hạnh phúc bất chấp thử thách của con người.

Từ khóa thứ hai trong bộ tiêu chí của Casamonti là “Traduzione” – diễn dịch. Ta cần phiên dịch các giá trị truyền thống ấy sang cuộc sống hiện tại. Cây cầu là hai vòng cung vươn ra phía biển, và ở chính giữa, nơi mặt trời hoàng hôn của Phú Quốc chạm vào mặt biển, là một khoảng cách 50cm giữa hai cánh cầu. Nếu hai người đi từ hai đầu cầu, họ sẽ gặp nhau ở giữa. Họ sẽ nhìn thấy nhau, nhưng ở giữa họ vẫn là một khoảng cách biểu tượng. Họ sẽ chỉ chạm vào nhau nếu chủ động vươn tay ra. Hay chủ động rướn người để trao cho nhau một nụ hôn.

Cái tên Cầu Hôn có ý nghĩa như thế. Một sự hòa trộn của “ADN sáng tạo” của nước Ý với truyền thống và khung cảnh của Việt Nam.

Từ Cầu Vàng đến Cầu Hôn

Mặc dù vận hành một công ty kiến trúc nổi tiếng thế giới với những công trình khắp nơi trên bề mặt địa cầu, Marco Casamonti có một nguyên tắc: “Khi bắt đầu thực hiện dự án, khách hàng sẽ gửi ảnh của địa điểm. Nhưng riêng tôi thì không thể thực hiện dự án từ những bức ảnh, Google Maps hay bản vẽ. Tôi cần phải đến đó, ngắm nhìn cảnh vật, biết mặt trời mọc và lặn ở đâu, gió thổi hướng nào… Chỉ khi tự mình cảm nhận, kết nối và có những trải nghiệm ở nơi chốn ấy, tôi mới có thể bắt đầu dự án”.

Cầu Hôn là một phần của Thị trấn Địa Trung Hải phồn hoa nơi phía Nam đảo Ngọc (Phối cảnh minh họa)

Đó là điều mà các du khách sẽ cảm nhận được ở Cầu Hôn, Phú Quốc. Cây cầu như hai cánh tay vươn dài ra biển, ôm vào lòng một trong những khung cảnh đắt giá nhất ở vùng vịnh Thái Lan.

Theo truyền thống của người Việt Nam, các công trình và quần thể kiến trúc nói chung sẽ tránh hướng Tây. Nhưng trên một bờ đá hoang vu và lởm chởm phía Tây đảo Phú Quốc, tập đoàn Sun Group đã kiến tạo nên một quần thể bất động sản diễm lệ, nhìn thẳng về hướng mặt trời đỏ ối lúc hoàng hôn. Các kiến trúc sư của Sun Group đã thiết kế các căn nhà bám dọc theo vách đá để các cư dân của họ đón nhận hết các tinh túy của buổi chiều trên biển.

Và trong quần thể đó, khoảnh khắc đẹp nhất được dành cho Cầu Hôn. Ở chính giữa “nụ hôn” của hai cánh cầu, sẽ chính là mặt trời hoàng hôn.

Đây chính là tư duy thiết kế của Cầu Vàng. Một cây cầu được xây dựng không phải để nối điểm A và điểm B trên bản đồ, mà để con người có thể dạo bước trên đó và chiêm ngưỡng hết vẻ đẹp của thiên nhiên. Cầu Vàng cho phép du khách như bước ra ngoài vách núi, đứng giữa tầng không trung bất tận của vùng Núi Chúa, với những đám mây lượn quanh. Còn Cầu Hôn giúp người ta đi ra giữa mặt biển khơi, chạm gần hơn đến với mặt trời và những con sóng.

Công trình được xây dựng với chủ đích biến thành một biểu tượng du lịch. Cầu Vàng đã xuất hiện trên hơn 200 mặt báo và đài truyền hình trên khắp thế giới trong năm 2018 vì thiết kế độc bản của mình. Một tương lai như thế đang chờ đón Cầu Hôn, nhất là với tên tuổi của “bà đỡ” Marco Casamonti.

Cũng giống như Cầu Vàng, Cầu Hôn được kỳ vọng là sẽ tăng giá trị cho thương hiệu Phú Quốc, và qua đó, là tăng giá trị cho ngành du lịch, bất động sản, của bản thân Làng Địa Trung Hải cũng như của toàn bộ vùng vịnh An Thới ở phía Nam Đảo Ngọc.

Ngay từ lúc này, dù trong giai đoạn mới được xây dựng, cây cầu đã được ứng xử như một biểu tượng. Kênh TG1 đã so sánh việc hai phía của Cầu Hôn sát nhau, nhưng không chạm hẳn với nhau, với bức tranh Chúa Trời tạo ra Adam. Trong tác phẩm kinh điển của Michelangelo, Chúa trời ban sự sống cho Adam bằng một cái chạm tay. Nhưng Michelangelo không vẽ ngón tay của họ chạm vào nhau. Hai người cùng vươn tay, chỉ còn cách nhau một quãng. Người ta nói rằng điều đó biểu tượng cho việc Chúa sẽ không ban sự sống cho Adam nếu Adam không tự vươn tay lấy giành lấy sự sống cho riêng mình. Khoảng cách mỏng manh đó là một biểu tượng của khát khao.

Khi thiết kế của một cây cầu được so sánh với một tuyệt tác của Michelangelo, người ta biết rằng có một tương lai rực sáng đang chờ đón nó. Và Cầu Hôn sẽ là công trình tiếp theo trong khát vọng chung của cả ngành du lịch Việt Nam, hay của riêng Sun Group – khát vọng kiến tạo ra những biểu tượng đẳng cấp thế giới trên mảnh đất chữ S.

PV