02/06/2015

Tháo gỡ khó khăn bất động sản phải hướng tới người nghèo

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng khi trả lời phỏng vấn về kết quả sau gần 5 năm thực hiện Chiến lược nhà ở và những mục tiêu trong thời gian tới.

Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng - Ảnh: VGP/Lê Sơn

Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng – Ảnh: VGP/Lê Sơn

 

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết lĩnh vực phát triển nhà ở những năm qua đạt được những kết quả tích cực, điều kiện nhà ở của đại bộ phận nhân dân được cải thiện, nhưng vẫn còn nhiều hộ gia đình ở cả nông thôn và thành thị phải ở trong những ngôi nhà rất chật chội, chất lượng kém, nhất là các hộ nghèo ở khu vực nông thôn, cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang, người lao động có thu nhập thấp tại khu vực đô thị, công nhân tại các KCN, học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng. Chênh lệch về điều kiện nhà ở giữa các tầng lớp dân cư ngày càng gia tăng, là nguy cơ tiềm ẩn của mất ổn định xã hội.

Trước thực trạng đó, Bộ Xây dựng đã tham mưu để Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

 

Đây là Chiến lược phát triển nhà ở đầu tiên của nước ta, với quan điểm chỉ đạo là “Giải quyết vấn đề nhà ở là trách nhiệm của Nhà nước, xã hội và của người dân”.

 

Theo đó, có 2 loại nhà ở, gồm nhà ở thương mại (nhà ở hàng hóa) để đáp ứng nhu cầu của những người dân có khả năng chi trả nhà ở theo cơ chế thị trường và nhà ở xã hội (nhà ở phi hàng hóa) có sự hỗ trợ của Nhà nước để đáp ứng nhu cầu về chỗ ở cho 8 nhóm đối tượng không có khả năng chi trả theo cơ chế thị trường (nhà ở cho người có công với cách mạng; nhà ở cho người nghèo ở khu vực nông thôn; nhà ở cho người nghèo ở khu vực đô thị; nhà ở cho lực lượng vũ trang; nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức, văn nghệ sỹ, trí thức; nhà ở cho sinh viên và công nhân lao động làm việc trong các KCN tập trung và công nhân làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp tại khu vực đô thị).

 

Chiến lược cũng đề ra các mục tiêu cụ thể phải đạt được cho từng giai đoạn 2011 – 2015, 2016 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 về chỉ tiêu nhà ở bình quân đầu người, chỉ tiêu diện tích nhà ở xã hội, phân công và xác định trách nhiệm tổ chức thực hiện Chiến lược của các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương.

 

Vậy kết quả cụ thể như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Bộ Xây dựng đã nghiên cứu, hoàn thiện cơ bản hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách về quản lý phát triển đô thị, phát triển nhà ở, kinh doanh bất động sản, đặc biệt là các chính sách về phát triển và quản lý nhà ở xã hội với nhiều quan điểm khoa học và tư tưởng đổi mới có tính đột phá.

Theo đó, một số chỉ tiêu phát triển nhà ở chính, như: diện tích bình quân nhà ở toàn quốc, hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo khu vực nông thôn đạt chỉ tiêu Chiến lược đã đề ra cho năm 2015. Cụ thể, diện tích bình quân nhà ở toàn quốc tại thời điểm cuối năm 2015 đạt khoảng 22m2 sàn/người, trong đó tại đô thị đạt 26m2/người, nông thôn đạt 20m2/người đạt kế hoạch đề ra của Chiến lược; tỷ lệ nhà ở đơn sơ cả nước giảm còn dưới 3%; giai đoạn 1 đã hoàn thành hỗ trợ cho 531.000 hộ nghèo khu vực nông thôn xây dựng nhà ở, đạt 107,2% kế hoạch đã đề ra.

Các chương trình phát triển nhà ở xã hội trọng điểm cũng đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đã giúp cải thiện chỗ ở cho hàng trăm nghìn hộ gia đình, cá nhân có khó khăn về nhà ở, góp phần đảm bảo chính sách an sinh xã hội như Chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách; chương trình hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo khu vực nông thôn (chương trình 167); chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long; chương trình xây dựng nhà ở tránh bão, lũ khu vực miền Trung; chương trình phát triển nhà ở sinh viên; các dự án phát triển nhà ở xã hội khu vực đô thị.

Các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản gắn với thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đã thu được kết quả ra sao, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Trước tình hình thị trường bất động sản gặp khó khăn trong các năm 2010, 2011 và 2012, tác động tiêu cực đến phát triển KT-XH, Bộ Xây dựng đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trình Chính phủ ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường và giải quyết nợ xấu với quan điểm “tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản phải gắn với thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 nhằm đa dạng hóa sản phẩm bất động sản nhà ở, trong đó trọng tâm là phát triển nhà ở xã hội, hướng tới người nghèo, để sản phẩm bất động sản đến với mọi đối tượng”.

Trên cơ sở đó, Bộ đã đề xuất 6 nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, gồm cả giải pháp trước mắt và giải pháp lâu dài, cụ thể là: Hoàn thiện thể chế, tăng cường quản lý nhà nước, bảo đảm thị trường phát triển ổn định theo quy hoạch, kế hoạch, bảo đảm cân đối cung – cầu, đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội; rà soát, điều chỉnh cơ cấu các dự án bất động sản; giải quyết nợ xấu và hỗ trợ tín dụng; điều chỉnh chính sách thuế, tài khóa; các giải pháp cho doanh nghiệp bất động sản; cải cách thủ tục hành chính, tăng cường thông tin, củng cố niềm tin cho thị trường.

Những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản được đề xuất kịp thời đã giúp sản phẩm bất động sản nhà ở được cơ cấu lại đa dạng hơn, phong phú hơn, phù hợp hơn với nhu cầu có khả năng chi trả của người dân, nhất là các đối tượng có thu nhập thấp và đang khó khăn về nhà ở. Đây cũng là những giải pháp được các chuyên gia trong nước và quốc tế đánh giá là phù hợp với tình hình thực tế của thị trường, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội của nước ta trong giai đoạn hiện nay. Đặc biệt, gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ đồng nhằm vào đối tượng người nghèo, tạo điều kiện để người nghèo có nhà ở đã được xã hội và đông đảo người dân, nhất là người dân nghèo ủng hộ và đánh giá cao.

Nhờ đó, sau một thời gian “đóng băng”, thị trường đã bắt đầu có dấu hiệu khởi sắc từ nửa cuối năm 2013, trong năm 2014 và những tháng đầu năm 2015 tiếp tục đà phục hồi tích cực.

Cụ thể là mặt bằng giá cả nhà ở tương đối ổn định, không tiếp tục giảm; lượng giao dịch tăng; cơ cấu hàng hóa bất động sản được điều chỉnh hợp lý. Đến nay trên địa bàn cả nước đã có 60 dự án đăng ký chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội với quy mô xây dựng khoảng 38.897 căn hộ; 74 dự án đăng ký điều chỉnh cơ cấu căn hộ (giảm diện tích) cho phù hợp hơn với nhu cầu thị trường với số lượng ban đầu là 33.867 căn hộ xin điều chỉnh thành 44.881 căn hộ.

Tồn kho bất động sản liên tục giảm qua từng tháng, quý. Tính đến ngày 20/5/2015, tổng giá trị tồn kho bất động sản cả nước còn khoảng 67.443 tỷ đồng, giảm 61.105 tỷ đồng (giảm 47,53%) so với quý I/2013.

Về gói tín dụng hỗ trợ nhà ở xã hội 30.000 tỷ đồng, tính đến ngày 30/4/2015, tổng số tiền các ngân hàng đã cam kết cho vay là 13.078 tỷ đồng (bằng 43,6% tổng nguồn vốn), tổng dư nợ đạt 7.155 tỷ đồng (bằng 23,85% tổng nguồn vốn). Trong năm 2014, lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 về thu hút vốn FDI.

Vậy những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện Chiến lược nhà ở là gì, thưa Bộ trưởng ?

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Những khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở là quan hệ cung-cầu trong lĩnh vực nhà ở mặc dù đã được cải thiện một bước nhưng vẫn còn mất cân đối. Mức thu nhập của đa số người lao động thuộc các thành phần kinh tế còn thấp, khả năng chi trả dành cho nhà ở gặp nhiều khó khăn. Còn thiếu các sản phẩm nhà ở phù hợp với các đối tượng có thu nhập thấp trong xã hội; tuy đã cố nhiều cố gắng và đạt được một số kết quả bước đầu, nhưng việc phát triển nhà ở xã hội chưa đạt được chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội đã đề ra tại Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia, trong khi nhu cầu về nhà ở xã hội của các đối tượng là: Cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan hành chính, sự nghiệp, lực lượng vũ trang, cơ quan Đảng và đoàn thể còn rất lớn.

Bên cạnh đó, thị trường bất động sản tuy đã bớt khó khăn, nhưng phát triển còn thiếu ổn định, tình trạng tăng giá, đầu cơ, tâm lý đám đông vẫn còn phổ biến, tính minh bạch và bền vững của thị trường bất động sản còn yếu.

Nguyên nhân chủ yếu là do nhiều địa phương chưa có quy hoạch quỹ đất dành riêng cho việc phát triển nhà ở xã hội, thậm chí có tư tưởng cho rằng việc dành quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội sẽ làm hụt thu ngân sách; nguồn lực cho phát triển nhà ở, nhất là nguồn vốn đầu tư còn rất thấp so với yêu cầu, định hướng sử dụng một số nguồn lực chưa rõ nhất là dành để phát triển nhà ở xã hội; việc phát triển đồng bộ giữa các dự án phát triển khu đô thị mới, các dự án nhà ở với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội  chung của đô thị chưa được quan tâm, thiếu tính kết nối, liên thông, vì vậy chưa thu hút dân cư ra ở tại các dự án khu đô thị mới xa trung tâm thành phố; việc định hướng, điều tiết, kiểm soát của Nhà nước đối với thị trường bất động sản nhà ở nhất là về số lượng, chủng loại nhà ở, giá cả các sản phẩm nhà ở còn gặp nhiều khó khăn; công tác quản lý nhà nước trong phát triển nhà ở chưa hiệu quả, tổ chức thực hiện Chiến lược nhà ở tại một số địa phương chưa được trú trọng; các doanh nghiệp thường chỉ tập trung phát triển nhà ở thương mại để bán, dễ dàng huy động vốn của khách hàng và thu lợi nhanh…

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Theo Chính phủ