Trong nội dung văn bản cho ý kiến của Bộ Xây dựng mới đây gửi UBND TP Hà Nội đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu quy hoạch không gian cây xanh; nghiên cứu bổ sung các công trình điêu khắc trang trí ngoài trời… đặt ở một số vị trí xung quanh phù hợp cảnh quan vị trí đặt; lưu ý khai thác cảnh quan một cách tối đa và tạo điểm nhấn cho khu vực.
Đây được coi như một chỉ đạo chuyên ngành thiết thực đáp ứng lòng mong mỏi của nhiều chuyên gia kiến trúc, nhiều tầng lớp tri thức Thủ đô bảo đảm việc ứng xử với hồ Gươm xứng tầm di tích quốc gia đặc biệt đã được Chính phủ xếp hạng.
Hồ Gươm được coi như lõi của đô thị cổ của Hà Nội. Cùng với khu 36 phố phường và khu Hoàng thành Thăng Long hợp thành tam giác trọng điểm cấu thành trung tâm đô thị của Hà Nội. Là khoảng giãn – không gian cảnh quan của đô thị trung tâm. Là không gian chuyển đổi giữa hai cấu trúc độ thị: Khu phố cổ và khu phố Pháp.
Vô hình chung, hồ Gươm được coi là là điểm giao thoa chính cho 4 bộ phận cấu thành đô thị thời Pháp. Chồng khít lên cấu trúc đô thị cổ truyền thời phong kiến. Vì vậy, trong quy hoạch về cảnh quan, người Pháp đã kiểm soát không gian hồ Gươm bằng cách giới hạn chiều cao tầng, sử dụng hệ thống cây xanh tạo khoảng không gian thông thoáng xung quanh hồ Gươm, và không có vật cản trở tầm nhìn của người đi bộ xung quanh hồ.
Trong 3 phương hướng bảo tồn hồ Gươm đó là: Bảo tồn nghiêm ngặt – bảo tồn chuyển đổi chức năng – bảo tồn linh hoạt thì bảo tồn linh hoạt bao gồm các không gian đi bộ, không gian xen kẽ và không gian lưu thông đô thị, đảm bảo giới hạn độ cao không quá 10m đối với các công trình tiệm cận hồ, giới hạn độ cao không quá 2m đối với các công trình dịch vụ và trang trí dài hạn và trung hạn là phương hướng nhạy cảm chính vì yếu tố “linh hoạt” của nó.
Cảnh quan hồ Gươm được cấu thành bởi 5 yếu tố: Mặt nước, các công trình trên mặt nước: Tháp Rùa, đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc. Hệ thống đường dạo và hệ thống cây xanh quanh hồ Gươm. Hệ thống công trình tiệm cận hồ Gươm. Hệ thống hạ tầng: Chiếu sáng, điện và viễn thông, thoát nước. Và con người.
Các thành tố nêu trên cần được tổ chức đồng bộ, đồng thời giữ nguyên được giá trị độc lập, tạo ra sự phong phú sống động, hấp dẫn người nhìn. Trong đó, yếu tố được chúng ta dành nhiều sự quan tâm hiện nay lại là hệ thống vỉa vè, chiếu sáng và hệ thống các công trình tiệm cận hồ Gươm.
Chúng ta đang dành quá nhiều tiền của vào những hạng mục trang trí theo thời điểm, mà quên mất rằng, chúng ta cần một kế hoạch tổng thể cho toàn bộ các hạng mục, một kế hoạch tổng thể đi kèm với chiến lược quản lý dài hạn cho 5 yếu tố trên, phối hợp đồng thời để có một không gian văn minh.
KTS Hải Lý/BXD