22/12/2014

TP.HCM đồng ý bảo tồn một phần Thương xá Tax

Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP.HCM cho biết, UBND Thành phố đã thống nhất với đề xuất về việc bảo tồn một số hạng mục Thương xá Tax.

 

UBND Thành phố nhận định, giá trị của Thương xá Tax không đơn thuần là giá trị công trình mà còn là địa điểm tích tụ và di truyền ký ức lịch sử, văn hóa đời sống đô thị. Việc xây dựng Thương xá Tax mới cần bảo tồn được cảnh quan, điểm nhấn đặc trưng về Thương xá Tax.

thuongxa

Thương xá Tax sẽ được bảo tồn một phần

Do đó, UBND TP.HCM đã thống nhất với đề xuất của Sở Quy hoạch – Kiến trúc và Sở Văn hóa – Thể thao về việc bảo tồn một số hạng mục Thương xá Tax.

Cụ thể, về phần bên trong công trình, sẽ giữ lại những hạng mục như: không gian sảnh chính, cầu thang đi từ tầng trệt lên lầu 1 tại khu vực sảnh chính, có tay vịn và lan can bằng đồng có các chi tiết trang trí hoa văn từ thời kỳ đầu; các phần trang trí lót gạch Mosaic tại không gian sảnh chính và các biểu tượng Gà trống, quả cầu được đúc bằng đồng gắn ở đầu cầu thang.

Về phần bên ngoài công trình, sẽ giữ lại bảng hiệu Thương xá Tax, mái đua che nắng dọc vỉa hè; các đường nét, nhịp điệu của kiến trúc khối bệ thời kỳ đầu trên mặt đứng khối bệ (nhất là góc đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ).

Thương xá Tax được xây dựng từ năm 1880, là biểu tượng của Sài Gòn một thời. Khi TP.HCM quyết định phá bỏ Tax để xây dựng tuyến đường sắt đô thị Bến Thành – Suối Tiên, rất nhiều người dân cũng như các trí thức mong muốn giữ lại Thương xá này.

Không chỉ người dân TP.HCM mà Lãnh sự quán Phần Lan cũng đề nghị Thành phố bảo tồn một phần Thương xá.

gatrong

Các biểu tượng Gà trống, quả cầu được đúc bằng đồng gắn ở đầu cầu thang trong danh mục được bảo tồn

Theo bức thư mà Lãnh sự quán Phần Lan gửi UBND TP.HCM thì giải pháp được đề nghị là giữ nguyên trạng “phần sảnh lobby chính, cùng sàn lót gạch mosaic và cầu thang chính của Thương xá Tax” để sau này “tích hợp vào phần thiết kế của tòa nhà mới sẽ được xây dựng thay thế”. Còn nếu giải pháp trên không được thực hiện thì “sẽ có một giải pháp khác để tháo dỡ, di chuyển và giữ lại các phần thiết kế (sàn khảm mosaic, lan can, tay vịn và các đầu cầu thang trạm trổ) của cầu thang và lobby sảnh chính”.

Đại diện Tổng lãnh sự quán Phần Lan hứa có thể đứng ra tự thu xếp nhân công và chi phí để thực hiện giải pháp thứ hai. Sau này các bộ phận được tháo dỡ sẽ được “tích hợp vào các công trình bảo tàng và tôn tạo khác một cách có hệ thống và chuyên nghiệp, thay vì chỉ đập bỏ, chia nhỏ hay phân tán cho mỗi nơi một mẩu”.

Dư luận nhân dân và giới trí thức rất hoan nghênh quyết định này của UBND TP.HCM, đã giữ lại một biểu tượng văn hóa của Sài Gòn, để cho các thế hệ mai sau nuôi dưỡng tình yêu với thành phố phương Nam này.

 

Theo Báo Đầu tư