18/03/2020

Thúc đẩy sử dụng vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường

Sử dụng vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường đang trở thành xu thế phát triển và là mục tiêu hướng tới của ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng Việt Nam trong những năm tới.

Chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung được Chính phủ phê duyệt cũng đặt mục tiêu đến năm 2020, phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xanh thay thế gạch đất sét nung đạt tỷ lệ từ 30 – 40%.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, để đạt được mục tiêu này, các sản phẩm vật liệu xây dựng phải đáp ứng được hai yêu cầu: tiêu tốn ít hơn năng lượng sản xuất và giúp tiết kiệm điện năng tiêu thụ khi đưa vào sử dụng.

Còn bất cập trong việc phát triển vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường

Thực tế cho thấy,việc sử dụng các vật liệu xây dựng truyền thống đang tác động xấu đến môi trường, gây ra nhiều hệ lụy như mất đất nông nghiệp, gia tăng khí thải, hiệu ứng nhà kính và các loại khí thải độc hại cho môi trường. Do đó, vấn đề của ngành xây dựng là phải ưu tiên phát triển các loại vật liệu mới thân thiện môi trường, bảo đảm cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

Số liệu thống kê cho thấy, cứ 1 tỷ viên gạch nung quy chuẩn sẽ tiêu tốn khoảng 1,5 triệu m3 đất được khai thác ở độ sâu khoảng 2 m, tương đương với 75 ha đất nông nghiệp.

Cùng với đó, việc dùng than làm nhiên liệu đốt còn gây ra hiệu ứng nhà kính và các khí thải độc hại khác gây ô nhiễm môi trường.

Năm 2020, nhu cầu sử dụng gạch nung của Việt Nam khoảng 42 tỷ viên. Nếu đáp ứng nhu cầu này thì sẽ phải tiêu tốn từ 50 – 70 triệu m3 đất, tương đương với khoảng 3.000 ha đất nông nghiệp, tiêu thụ khoảng 6 tỷ tấn than nung và thải ra môi trường khoảng 23 tỷ tấn CO2.

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, mặc dù ngành vật liệu xây dựng những năm qua đã đạt được một số bước tiến nhất định, song sản xuất vật liệu xây dựng, đặc biệt là vật liệu thân thiện với môi trường của Việt Nam vẫn chưa thực sự bền vững, còn bộc lộ những vấn đề bất cập cần được nghiên cứu khắc phục.

Do các rào cản về khoa học, công nghệ, vật liệu thân thiện với môi trường tại Việt Nam chưa được phát triển rộng rãi. Đó là những hạn chế đến từ việc đầu tư phát triển sản xuất đối với một số chủng loại vật liệu xây dựng còn chưa hợp lý, quy mô nhỏ và phân tán, hiệu quả đầu tư chưa cao. Việc nghiên cứu phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng chưa được chú trọng.

Tình trạng công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng ở một số lĩnh vực còn lạc hậu so với trình độ hiện nay ở khu vực và thế giới, đòi hỏi phải được thay thế, đổi mới. Nhân lực kỹ thuật cũng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển ngày càng cao của ngành…

Theo bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, Chính phủ nên có hành động với các khung chính sách cho phép hình thành thị trường để doanh nghiệp có thể sản xuất nhiều loại vật liệu bền vững cho ngành xây dựng; đồng thời khuyến khích việc thiết kế, kích cầu người tiêu dùng trực tiếp sử dụng các sản phẩm bền vững.

Vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường đang là xu thế phát triển mới

PGS.TS Nguyễn Văn Tuấn, Đại học Xây dựng cho rằng, việc sản xuất gạch từ đất sét nung đang tạo ra những áp lực vô cùng lớn đến môi trường sống của con người. Do đó, cần phải dần thay thế loại vật liệu xây dựng truyền thống này.

Phân tích của các chuyên gia trong lĩnh vực vật liệu xây dựng cho thấy, việc phát triển dòng vật liệu thân thiện với môi trường còn giúp sử dụng khoảng 15 – 20 triệu tấn phế thải công nghiệp (tro xỉ nhiệt điện, xỉ lò cao…) mỗi năm để sản xuất vật liệu không nung; tiết kiệm được khoảng 1.000 ha đất nông nghiệp và hàng trăm ha diện tích đất chứa phế thải; tiến tới xóa bỏ hoàn toàn các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công.

Việc phát triển vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường góp phần tiêu thụ đáng kể nguồn tro, xỉ phát thải từ các nhà máy nhiệt điện

Việc phát triển vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường góp phần tiêu thụ đáng kể nguồn tro, xỉ phát thải từ các nhà máy nhiệt điện

Trên thế giới, vật liệu xây dựng xanh đã và đang được sử dụng ở nhiều nước như Hàn Quốc, Singapore… Tại các nước phát triển, tỷ lệ gạch không nung chiếm 70% trong các công trình xây dựng.

Trên thị trường hiện nay, các loại vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường cũng ngày càng đa dạng hơn.Tại hạng mục vật liệu không nung có gạch bê tông khí chưng áp, panel bê tông khí chưng áp, gạch bê tông, panel bê tông rỗng đùn ép. Cùng đó, kính Low-E và kính Solar Control mới có khả năng giảm sự truyền nhiệt vào công trình, từ đó giảm công suất điều hòa cũng như điện năng tiêu thụ…

Nhiều nhà máy đã sản xuất ngói lợp không nung, cát nghiền, cốt liệu tái chế từ nguồn phế thải công nghiệp. Ngoài ra, còn rất nhiều vật liệu xây dựng khác sử dụng phế thải công nghiệp tro, xỉ nhiệt điện như: xi măng, gạch bê tông lát hè, gạch đất sét nung, bê tông trộn sẵn… để giảm tỷ lệ sử dụng vật liệu thiên nhiên, tiết kiệm tài nguyên.

Ông Phạm Văn Bắc ,Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, hiện đã có nhiều chính sách, Nghị định nhằm khuyến khích phát triển các loại vật liệu thân thiện môi trường.

Theo đó, Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân nghiên cứu phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ, đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường; đồng thời có chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư.

Các chuyên gia trong lĩnh vực vật liệu xây dựng cũng lưu ý, sản phẩm vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường có chi phí lắp đặt, giá thành ban đầu có thể cao hơn vật liệu truyền thống. Tuy nhiên, nếu xét về lâu dài, những sản phẩm công nghệ mới sẽ tiết kiệm năng lượng nhiều hơn, tối ưu hơn với vòng đời sử dụng dài hơn. Đó chính là yếu tố giúp tiết kiệm tiền cho người sử dụng, chủ đầu tư… Do đó, chỉ cần tối ưu hóa, khắc phục những điểm yếu thì vật liệu xây dựng xanh sẽ dần chiếm lĩnh thị trường và trở thành lựa chọn hàng đầu.

Trong bối cảnh môi trường ngày càng ô nhiễm, tài nguyên thiên nhiên dần cạn kiệt, việc sử dụng vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường đang là xu hướng tất yếu của ngành công nghiệp xây dựng.

Báo Chính phủ