03/07/2021

Tây Ninh: Lãnh đạo huyện Dương Minh Châu có dấu hiệu lạm quyền trong trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng đường Đất Sét – Bến Củi?

Công tác thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng thực hiện dự án (DA) đường Đất Sét – Bến Củi do lãnh đạo UBND huyện Dương Minh Châu (UBND huyện) và Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Dương Minh Châu (Trung tâm quỹ đất huyện) thực hiện, có dấu hiệu lạm quyền, vi phạm Luật đất đai.

Được biết, DA đường Đất Sét – Bến Củi được UBND tỉnh Tây Ninh phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình tại Quyết định số 2517/QĐ-UBND ngày 27/10/2017, đây là DA trọng điểm của tỉnh nhằm tạo động lực phát triển kinh tế, kết nối giao thông giữa tỉnh Tây Ninh đi Bình Dương, TP. HCM, sân bay Long Thành và khu vực cảng biển Cái Mép – Thị Vải, còn người dân thì đồng thuận với chủ trương của tỉnh, tuy nhiên công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư bị “tắc nghẽn” bởi một số hộ dân có đất bị thu hồi chưa nhận tiền đền bù với lý do bồi thường chưa thỏa đáng.

Chủ trương phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình tại Quyết định số 2517/QĐ-UBND ngày 27/10/2017 của UBND tỉnh Tây Ninh

UBND huyện, Trung tâm qũy đất làm trái các quy định của Luật Đất đai 2013

Theo đó, trình tự, thủ tục giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng được quy định tại Điều 69, Luật đất đai 2013. Trong đó, Điểm a,  Khoản 3 của điều luật này quy định rõ “Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quy định tại Điều 66 của Luật này quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong cùng một ngày”. Thế nhưng đa phần các hộ dân đang khiếu nại vì quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của họ đều được UBND huyện ký vào 2 ngày khác nhau.

Trình tự, thủ tục giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng được quy định tại Điều 69, Luật đất đai 2013.

Đơn cử, gia đình bà Trần Thị Thanh Xuân nhận Quyết định về việc thu hồi đất thực hiện dự án đường Đất Sét – Bến Củi của UBND huyện ký ngày 07/08/2020 và Quyết định phê duyệt phương án chi tiết bồi thường, hỗ trợ được ký ngày 12/08/2020; hộ bà Huỳnh Thị Vân Kiều nhận Quyết định về việc thu hồi đất của UBND huyện ký ngày 28/08/2020 và Quyết định phê duyệt phương án chi tiết bồi thường, hỗ trợ được ký ngày 09/09/2020; hộ ông Trần Văn Lần nhận Quyết định về việc thu hồi đất của UBND huyện ký ngày 07/08/2020 và Quyết định phê duyệt phương án chi tiết bồi thường, hỗ trợ được ký ngày 12/08/2020 và một số hộ dân khác như hộ ông Trần Văn Rồng, bà Đỗ Thị Thiểu, Nguyễn Thị Nguyên…

Đáng nói, tại Điểm a,  Khoản 2, Điều 69, Luật đất đai 2013 ghi rõ “Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng có trách nhiệm lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất thu hồi tổ chức lấy ý kiến về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo hình thức tổ chức họp trực tiếp với người dân trong khu vực có đất thu hồi…; Việc tổ chức lấy ý kiến phải được lập thành biên bản có xác nhận của đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã, đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, đại diện những người có đất thu hồi; Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng có trách nhiệm tổng hợp ý kiến đóng góp bằng văn bản, ghi rõ số lượng ý kiến đồng ý, số lượng ý kiến không đồng ý, số lượng ý kiến khác đối với phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất thu hồi tổ chức đối thoại đối với trường hợp còn có ý kiến không đồng ý về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; hoàn chỉnh phương án trình cơ quan có thẩm quyền”.

Tuy nhiên việc lấy ý kiến của người dân không được UBND xã Lộc Ninh và Trung tâm quỹ đất huyện thực hiện đúng quy định mà chỉ có đại diện của 1 hộ dân. Thậm chí dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ và việc lấy ý kiến của các hộ dân có đất bị thu hồi chưa được thực hiện thì Trung tâm quỹ đất huyện đã tiến hành chi trả tiền bồi thường và hỗ trợ cho người dân.

Cụ thể, giấy mời (vào lúc 14 giờ ngày 14/4/2020, nội dung chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ để thực hiện công trình đường Đất Sét – Bến Củi đoạn đi qua xã Bến Củi huyện Dương Minh Châu tỉnh Tây Ninh) của hộ ông Trần Văn Lần được Giám đốc Trung tâm quỹ đất huyện là ông Nguyễn Văn Sanh ký giấy mời đi nhận tiền, trong khi đó ngày 10/07/2020 Trung tâm quỹ đất huyện mới phối hợp với UBND xã Lộc Ninh thực hiện công khai niêm yết dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ và kết thúc niêm yết ngày 04/08/2020.

Đáng chú ý, Biên bản niêm yết và kết thúc niêm yết dự thảo phương án bồi thường tại xã Lộc Ninh chỉ có hộ bà Phan Thị Nhiễu là đại diện hộ dân. Về nội dung biên bản có dấu hiệu quy chụp, thực tế chỉ có 1 hộ dân nhưng lại đánh đồng “Các hộ gia đình, cá nhân và tổ chức có đất trong dự án thống nhất với dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ và đã được niêm yết công khai”. Còn người dân thì phản ánh đến báo chí là họ không hề hay biết việc niêm yết công khai dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ.

Biên bản kết thúc niêm yết công khai dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư ngày 4/08/2020, có nội dung “Các hộ gia đình, cá nhân và tổ chức có đất trong dự án thống nhất với dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ và đã được niêm yết công khai”.

Giấy mời do giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Dương Minh Châu ký mời người dân đến UBND xã Lộc Ninh nhận tiền bồi thường trong khi đơn vị này chưa niêm yết công khai dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, lấy ý kiến của những hộ dân có đất bị thu hồi để thực hiện dự án.

Dấu hiệu làm quyền của lãnh đạo huyện

Quá trình tiếp nhận hồ sơ, phóng viên (PV) được người dân cung cấp nhiều đoạn ghi âm cuộc gọi, trong đó có cuộc gọi của ông Phạm Văn Tín – Chủ tịch UBND huyện Dương Minh Châu và ông Nguyễn Văn Sanh – Giám đốc trung tâm phát triển quỹ đất huyện Dương Minh Châu trao đổi với người dân về việc “có thể cho thêm người dân tiền đền bù”. Điều này khiến dư luận hoài nghi rằng có hay không việc “thích thì cho” của lãnh đạo huyện này, người dân còn đặt câu hỏi về tính minh bạch trong khi thi hành nhiệm vụ của 2 lãnh đạo nêu trên.

Hình ảnh thực tế dự án đường Đất Sét – Bến Củi

Cụ thể, cuộc gọi giữa ông T.V.R với ông Phạm Văn Tín – Chủ tịch UBND huyện Dương Minh Châu nói “tức là cái diện tích hổm đền bù là tính có một tầng phải hông không phải một nửa mà đền nguyên cái nhà thì hông được rồi đền hết cái phòng khách đó mà nó tính nó ghi là nhà cấp 3, nhà cấp 3 mà nó ghi có 1 tầng á thì tôi nói như dậy thì có thể bổ sung thêm được tầng nữa  mặc dù là ông không có đủ tầng. Bây giờ cái phần không có đủ tầng đó, mà ghi hình ảnh lại tôi nói cũng rất là khó mà tôi nói thôi thì bây giờ chấp nhận cái đó nếu mà có ai phát hiện thì trách nhiệm cá nhân tôi tôi chịu chứ giờ mà nói đúng quy định thì nó không đúng bởi vì hình ảnh ghi lại có 1 tầng mà mình nói 2 tầng, ghi là ghi nhà cấp 3…???

Còn cuộc gọi của ông T.V.R với Giám đốc Trung tâm quỹ đất là ông Nguyễn Văn Sanh gọi điện thoại “gợi ý” cho thêm tiền đền bù 01 tầng kiến trúc chỉ vì ông R. là bạn với Chủ tịch huyện, “con mới họp ủy ban xong, ủy ban có chỉ đạo cho con là trao đổi với cậu mợ cái; cậu mợ là bạn ổng nên giờ ông nghiên cứu ông lấy cái quyền của ổng luôn là để xin hội đồng trước mắt (ổng là ông Tín) ông Tín nói giờ hỗ trợ cho cậu thêm một cái tầng nữa bởi vì đền cho nhà hết 1 cái tầng rồi giờ thêm tầng nữa nếu mà cậu mợ đồng ý thì anh Tín mới bảo đảm với hội đồng là thống nhất cho cậu mợ còn nếu cậu mợ không đồng ý thì theo quy định vậy đó. Giờ là gấp đôi nó lên giống như là hồi đó là 137 triệu 750 phải không giờ hỗ trợ một lần nữa là 137 triệu nữa 705 nữa nếu mà cậu mợ đồng ý thì mới được nha, đồng ý thì con mới đưa ra phương án trình lên hội đồng được nghen vì đây là cá nhân của ổng chủ tịch là bạn thân”.

Chưa hết, ông Nguyễn Văn Sanh còn có cuộc điện thoại khác với ông P.T.D khiến dư luận vô cùng bức xúc. Mở đầu cuộc gọi ông P.T.D nói “Sáng mày điện cho bác Út gái mày nói cho lên 100m thổ cư nữa với đền nhà 100% phải không?” thì được ông Sanh trả lời “Dạ 100 thổ cư với nhà đền 100% vật kiến trúc với nhà đền 100%”. Chưa dừng lại ở đó, ông P.T.D mong muốn cho thêm diện tích thổ cư nữa “Cở mày cho tao lên 100m thổ cư nữa được không?” thì được ông Sanh trả lời “Bác bác, tại vì công trình mình nhiều quá nên làm vậy nơi khác kiểm tra nên mình thực hiện như vậy nó hơi khó đó bác; dạ không được bác ơi, 100 nữa là sở xuống nó thẩm định nó kiểm tra nhà cửa mình bao nhiêu mét mình sử dụng bao nhiêu mét rồi, sở nó kiểm tra đó bác”.

Ảnh chụp màn hình cuộc gọi giữa ông P.T.D với ông Nguyễn Văn Sanh – Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Dương Minh Châu

Liên quan đến nội dung các cuộc gọi của Chủ tịch UBND huyện và Giám đốc trung tâm quỹ đất huyện, PV đã chủ động liên hệ với ông Phạm Văn Tín thì được trả lời “Anh không có cho thêm anh nói là xem lại coi xem như  thế nào bởi vì nếu anh em mà thắc mắc thì anh xuống tới nơi để xem chớ anh không có cho thêm”. Còn ông ông Nguyễn Văn Sanh thì từ chối trả lời vì không có quyền phát ngôn “Có việc gì anh liên lạc với Ủy ban huyện hay là Chánh văn phòng Ủy ban huyện, em giờ được phép ủy ban huyện cho phát ngôn thì em mới phát ngôn được, chủ tịch ủy ban huyện với chánh văn phòng mới có quyền còn em là cái cơ quan để thực thi thôi”?.

Theo luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư TPHCM: Việc tự ý cho thêm tiền đền bù người dân là trái nguyên tắc bồi thường của pháp luật đất đai. Theo đó, người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai khi thi hành công vụ thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, Điều 21 Quy định 102-QĐ/TW năm 2017: trường hợp Chủ tịch UBND và Giám đốc Trung tâm quỹ đất huyện nếu có sai phạm trong việc bồi thường đất cho người dân thì tùy vào mức độ có thể bị xử lý bằng hình thức khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ.

Bên cạnh đó, việc đền bù, hỗ trợ tái định cư còn nhiều bất cập như việc Trung tâm quỹ đất áp dụng sai giá đền bù cho hộ dân bởi thu hồi đất ở nông thôn nhưng giá đền bù chỉ bằng mức giá đất nông nghiệp. Cụ thể, ông Kiều Lê Mộng Xuyên nhận được Thông báo thu hồi đất số 1467/TB-UBND ngày 4/10/2019 của UBND huyện Dương Minh Châu, “diện tích đất dự kiện thu hồi 89,2m2, loại đất đang sử dụng: Đất ở nông thôn”. Còn bản chi tiết bồi thường, hỗ trợ lại chia diện tích đất bị thu hồi của ông Xuyên ra làm 02 loại đất là đất ở nông thôn và đất trồng cây lâu năm (Đất ONT 85,5m2, đất CLN 3,7m2), trong khi đó, toàn bộ 295m2 đất của ông Xuyên đã được chuyển đổi thành đất ở tại nông thôn theo Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất số AK617605, đồng thời việc áp giá đền bù lại “cào bằng” giữa giá đất ở nông thôn và giá đất trồng cây lâu năm với mức giá 300.000đồng/m2.

Bản chi tiết bồi thường, hỗ trợ “cào bằng” giá đất ở nông thôn và giá đất trồng cây lâu năm với mức giá 300.000đồng/m2

Đối chiếu báo cáo giải đáp thắc mắc của Tổ kiểm tra với tình hình thực tế

Mới đây, ông Trần Quang Sang – Phó giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường, (theo Quyết định 934/QĐ-UBND của UBND tỉnh Tây Ninh ông Sang là Tổ trưởng Tổ kiêm tra và hỗ trợ việc thu hồi, bồi thường đất dự án đường Đất Sét – Bến Củi) đã gửi file văn bản Báo cáo Kết quả kiểm tra và hỗ trợ việc thu hồi, bồi thường đất dự án đường Đất Sét – Bến Củi cho PV qua thư điện tử (văn bản này không có chữ ký, không có đóng dấu).

Theo đó,  ngày 07/5/2021, UBND huyện Dương Minh Châu chủ trì, phối hợp Tổ Kiểm tra của Tỉnh và các cơ quan: Sở Giao thông vận tải tỉnh, Ban Quản lý Đầu tư Xây dựng ngành giao thông tỉnh, UBND xã Lộc Ninh, UBND xã Bến Củi tổ chức đối thoại với các hộ dân còn thắc mắc việc thu hồi, bồi thường đất.

Đề nghị của các hộ dân xã Lộc Ninh “việc thu hồi đất ngoài giấy CNQSDĐ áp giá đất nông nghiệp để bồi thường là chưa thỏa đáng, đất thu hồi nằm trong quy hoạch đất ở khu dân cư phải bồi thường theo giá đất ở” thì được sở, ngành tỉnh và UBND huyện Dương Minh Châu trả lời “Thu hồi loại đất nào thì bồi thường loại đất đó, khi cấp giấy CNQSDĐ cho các hộ dân nhà nước đã trừ phạm vi 15,5m nên diện tích trong giấy không thay đổi; Đất trong khu dân cư hoặc quy hoạch là khu dân cư không đồng nghĩa với tất cả là đất ở, chỉ bồi thường đất ở khi người dân được cấp giấy CNQSDĐ có ghi mục đích sử dụng là đất ở nông thôn.

Kết quả đối thoại các hộ dân vẫn chưa chấp nhận cách giải thích của các ngành, đề nghị UBND huyện Dương Minh Châu tiếp tục vận động người dân giao mặt bằng để thực hiện dự án. Nếu thắc mắc khiếu nại thì hướng dẫn các hộ dân khiếu nại theo đúng trình tự thủ tục để thụ lý, giải quyết theo quy định.

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của một số hộ dân có mục đích sử dụng là đất ở nông thôn

Được biết, theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) của các hộ dân, hộ ông Phạm Văn Sáng có diện tích là 118m2, mục đích sử dụng đất là Đất ở tại nông thôn; Hộ Huỳnh Thị Vân Kiều, Võ Ái Trí theo GCNQSDĐ có 1621,2m2, mục đích sử dụng là 100m2 đất ở, 1521,2m2 là đất trồng cây lâu năm; hộ ông Võ Vân Phương Hoài Nam theo GCNQSDĐ quyền sở hửu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất có diện tích 162,6m2 mục đích sử dụng là đất ở tại nông thôn; hộ ông Nguyễn Văn Cường theo GCNQSDĐ quyền sở hửu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất có diện tích 422,5m2 mục đích sử dụng đất là Đất ở tại nông thôn; hộ bà Lê Thị Thêu theo GCNQSDĐ quyền sở hửu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất có diện tích 448m2 mục đích sử dụng là đất ở tại nông thôn; hộ ông Trần Văn Lần theo GCNQSDĐ có diện tích 3187,0m2, mục đích sử dụng  là có 400m2 đất ở tại nông thôn; hộ ông Phan Thanh Dũng theo GCNQSDĐ có 400m2, mục đích sử dung là T (T, thời hạn sử dụng là lâu dài, Căn cứ theo quy định của Tổng cục địa chính năm 1995 thì ký hiệu chữ T được xác định là đất có mục đích để ở);  hộ ông Trần Văn Rồng theo GCNQSDĐ thửa đất số 377, tờ bản đồ số 4 có diện tích 127m2 mục đích sử dụng đất là đất ở nông thôn; thửa đất 211 tờ bản đồ số 15 có diện tích 720m2 mục đích sử dụng là đất trồng cây lâu năm; thửa đất 3201 tờ bản đồ số 4 có diện tích 2228m2 mục đích sử dụng đất là 273m2 là đất ở nông thôn, 1955m2 đất trồng cây lâu năm, thửa 3072 tờ bản đồ số 4 có diện tích 260,00m2 loại đất LN, thửa đất 3071 tờ bản đồ số 4 có 286m2, mục đích sử dụng đất là đất trồng cây lâu năm; hộ bà Nguyễn Thị Nguyên theo GCNQSDĐ có diện tích 3738m2, mục đích sử dụng là 200m2 Đất ở nông thôn, 3538m2 là đất trồng cây lâu năm; gia đình Kiều Lê Mộng Xuyên theo GCNQSDĐ có 295m2, mục đích sử dụng là đất ở nông thôn (hiện GCNQSDĐ số AK617605 của ông Xuyên đã bị UBND huyện Dương Minh Châu thu hồi với lý do Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp không đúng quy định của pháp luật, theo văn bản số 291/UBND huyện Dương Minh Châu gửi ông Xuyên “do hồ sơ sai sót, chưa đảm bảo thủ tục, có sai sót của VPĐKĐĐ, ghi sai DT trong GCN là 295m2. DT cấp đúng phải là 147m2 (đã trừ lộ giới 34m, tương đương 148m2)”, hộ bà Trần Thị Trúc Linh theo GCNQSDĐ quyền sử hửu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất có diện tích 611m2, mục đích sử dụng là đất ở tại nông thôn 100m2, đất trồng cây lâu năm 511m2, bà Trần Thị Trúc Linh ủy quyền cho ông Trần Minh Phụng; hộ ông Phạm Đinh Quỳ theo GCNQSDĐ  quyền sở hửu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất có diện tích  318,0m2 mục đích sử dụng là đất ở tại nông thôn; hộ Lê Thị Hường, Lê Văn Sang theo GCNQSDĐ có 101m2 mục đích sử dụng là đất ở tại nông thôn; hộ Trần Thị Thanh Xuân theo GCNQSDĐ có 387m2 mục đích sử dụng là đất ở tại nông thôn; hộ bà Đỗ Thị Thiểu theo GCNQSDĐ quyền sở hửu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất có diện tích 1691,3m2 mục đích sử dụng đất ở tại nông thôn 200m2, đất trồng cây lâu năm 1491,3m2.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin vụ việc đến bạn đọc.

Kiều Nhung