08/09/2021

Tài nguyên quốc gia ‘bốc hơi’ vì quản lý lỏng lẻo, chất lượng cơ sở dữ liệu ‘nghèo nàn’

Chiều 19.8 vừa qua, tại Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) về tiến độ, các bước chuẩn bị sửa đổi Luật Đất đai 2013. Một trong các định hướng là nâng cao chất chất lượng cơ sở dữ liệu, hồ sơ quản lý.

Cần giải pháp nâng cao chất lượng hồ sơ địa chính

Theo Luật Đất đai 1993 thì Chính phủ chỉ đạo và tổ chức việc lập bản đồ địa chính thống nhất trên phạm vi cả nước. Cơ quan quản lý đất đai ở Trung ương (là Bộ TNMT hiện nay) ban hành quy trình kỹ thuật, quy phạm xây dựng bản đồ địa chính. Bản đồ địa chính gốc được lưu giữ tại cơ quan quản lý đất đai ở Trung ương (Bộ TNMT). Các bản sao lưu giữ tại các địa phương, có giá trị như bản gốc.

Luật đất đai sửa đổi 2003, 2013 sửa đổi 2018 công bố “Bộ trưởng Bộ TNMT quy định về kỹ thuật và định mức kinh tế – kỹ thuật trong việc cắm mốc địa giới hành chính, lập hồ sơ địa giới hành chính các cấp”.

Địa chính hiện đại toàn thế giới đã dùng ảnh vệ tinh, ảnh bay chụp không người lái (UAV), phân tích bằng trí tuệ nhân tạo (AI) để lập bản đồ địa chính, địa hình đa mục tiêu. Tập đoàn AT. COM đã thực hiện khảo sát đánh giá thảm thực vật cây xanh tỉnh Quảng Nam: Bản đồ thể hiện/phân tích biến động qua các năm và tự động kết xuất số liệu.

Trong dự thảo Báo cáo Quản trị đất đai tại Việt Nam (dự thảo) thực hiện năm 2013 của Ngân hàng Thế giới (WB), cho biết Việt Nam có diện tích đất liền hơn 33 triệu ha, đã đo đạc lập bản đồ địa chính 13,5 triệu Ha. Trong đó 88% là bản đồ địa chính đất rừng do ngành TNMT đo vẽ (11,9 triệu ha tỷ lệ 1/10.000) . Hồ sơ địa chính tại nhiều địa phương không đủ ba bộ, thất lạc hồ sơ khi thay cán bộ. Nhiều địa phương đã giao đất dự án, thu hồi, chuyển đổi biến động đất đai nhưng không không cập nhật hồ sơ khiến công tác quản lý đất đai rất nhiều thiếu sót (1).

Các vụ kiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai vẫn chiếm 70-80% gây bức xúc xã hội. Điển hình như những vụ khiếu nại, tố cáo đằng đẵng hơn 20 năm của nhiều người dân Thủ Thiêm ra tới Thủ đô, cũng có nguyên do là vì thiếu bản đồ. Điều này cho thấy cần có thay đổi căn bản nhằm nâng cao chất lượng toàn bộ hệ thống  hồ sơ – bản đồ địa chính, bởi  cứ để nguyên trạng lạc hậu, bổ sung chắp vá thì vẫn là tư liệu thiếu tin cậy, chất lượng thấp. Khi đó, dù luật có sửa đổi bao nhiêu  thì quản lý vẫn trì trệ, lạc hậu.

Sau 8 năm (2013-2021), báo cáo của WB 2013 chỉ ra những bất cập mà không được cải thiện qua ví dụ sau: Khu du lịch sinh thái Tràng An, rộng hơn 1.500 ha, do doanh nghiệp Xuân Trường đầu tư. Từ 2006 đến 2012, tỉnh Ninh Bình đã giao đất cho 03 cơ quan Sở Văn hóa – thể thao và du lịch, Ban quản lý quần thể danh thắng Tràng An và UBND huyện Gia Viễn. Năm 2019 Bộ TNMT mới cho biết  việc giao đất này “không thể hiện loại đất/mục đích sử dụng đất cụ thể theo quy định tại Điều 13 của Luật đất đai”. Xây dựng hồ sơ, kiểm kê, tổng kiểm kê chi phí hàng ngàn tỷ đồng nhưng khi cần thông tin lại không có, đẩy trách nhiệm xuống địa phương: “Việc giao đất trái phép, không rõ ràng tại chùa Bái Đính và Tam Chúc thuộc trách nhiệm của UBND Ninh Bình và Hà Nam.” (2).

Năm 2006, Bộ TNMT thực hiện dự án 234 tỷ đồng đo vẽ Bản đồ địa chính đất rừng, nhưng mới khoanh định tổng thể, chưa phân định chi tiết . Hầu hết các lâm trường quốc doanh không có bản  đồ phần đất mình đang quản lý. Tranh chấp đất rừng đang xảy ra trên diện tích rộng (1), đến nay vẫn nan giải.

Năm 2021, Bộ TNMT đã công bố kết quả Tổng kiểm kê đất đai nhưng chỉ có số liệu không kèm  bản đồ.

Sông ngòi dày đặc nhưng đối mặt với nguy cơ thiếu nước

Trong cuộc bàn thảo mổ xẻ nguyên nhân trên, Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà cho rằng “Chúng ta chưa bao giờ tính toán lượng nước hiện có là bao nhiêu, nước được sử dụng, phân bố như thế nào và những thách thức, khó khăn có thể xảy ra. Đây là vấn đề theo tôi trong tư duy phát triển chúng ta cần quan tâm” (3) . Thực tế qua 15 năm (2006-2021) Bộ TNMT đã triển khai hàng chục đề án có nội dung khảo sát, kiểm kê, quy hoạch bảo vệ  tài nguyên nước các lưu vực sông. Tại Bắc bộ có “Đề án Tổng thể bảo vệ và phát triển bền vững môi trường sinh thái, cảnh quan lưu vực sông Cầu” (2006); Sông Mã, sông Cả (2010); Sông Bằng Giang – Kỳ Cùng (2014). Khu vực Hà Nội có lưu vực sông Hồng –  Thái Bình và Nhuệ – Đáy.

Năm 2016, Bộ TNMT khởi động “Quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng – Thái Bình”; Tháng 12.2017, phê duyệt nhiệm vụ, dự kiến trình duyệt vào quý III.2021. Nhưng đến tháng 8.2021, Bộ TNMT vẫn còn “rà soát, hoàn thiện các thông tin số liệu tài nguyên nước đề xuất các giải pháp trên lưu vực sông Hồng – Thái Bình”(4). Sau chừng ấy thời gian quy hoạch vẫn còn dở dang.

Năm 2008 triển khai “Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ – sông Đáy”, Bộ TNMT là thường trực Ủy ban để vận hành Đề án, là đơn vị lập Quy hoạch môi trường. Sau 4 năm (2008-2012) mới xong nhiệm vụ. Quy hoạch chưa có nên 12 năm (2008-2020) “chiến đấu” với nạn ô nhiễm mà chưa có giải pháp, mục tiêu thực sự hiệu quả nên dù đã đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng mà không đạt kết quả tương xứng.

So sánh Bản đồ Lưu vực sông Nhuệ – Đáy trình bày khá sơ sài, thông tin hạn chế, không có khả năng tương tác đa ngành với Bản đồ ảnh do AT.Com thực hiện tại tỉnh Quảng Nam 2020: cho kết quả diện tích mặt nước hiện trạng và cả vùng đã bị thu hẹp, thể hiện rõ thảm thực vật, môi trường sinh thái và công trình kiến trúc.

Năm 2021,  Bộ TNMT triển khai Đề án Tổng kiểm kê tài nguyên nước quốc gia, giai đoạn đến 2025. Hiện đang tập hợp số liệu bộ ngành, địa phương và “…tổ chức nhiều cuộc họp trực tuyến để trao đổi, xây dựng các nội dung liên quan đến quy hoạch như cách tiếp cận để quy hoạch, phương pháp luận lập quy hoạch… Đồng thời, đã phối hợp với các đơn vị trong lĩnh vực tài nguyên nước, các chuyên gia tổ chức nhiều cuộc họp trao đổi về các vấn đề tính toán tài nguyên nước, hiện trạng khai thác, sử dụng, các vấn đề về tài nguyên nước trên các lưu vực sông…”  (4). Có thể thấy  từ khi có Luật Tài nguyên nước 1998 (sửa đổi 2012). Việt Nam đầu tư vào kiểm kê khảo sát tài nguyên nước rất nhiều, tính toán nhiều  nhưng chưa ra kết quả do chưa rõ cách tính toán.

Huy động nhiều nguồn lực tham gia lập tư liệu quản lý tài nguyên quốc gia

Sông Hồng ngàn năm nuôi sống  người Việt, nhưng  vào mùa lũ đe doạ cả vùng đồng bằng Bắc bộ. Từ 1885-1926, các kỹ sư  Pháp đã khảo sát,  đo đạc thuỷ văn – địa lý Bắc bộ làm cơ sở thiết kế, thi công từng phần hệ thống đê điều từ năm 1917 đến 1922.

Trước năm 1885, nước ta đã đắp 22 triệu m3 đê. Trong 56 năm (1985-1941) đã thực hiện 305 triệu m3, trên tổng chiều dài 1.314 Km (5). Trận lũ 1926 gây vỡ đê ngập lụt diện tích lớn, bằng khảo sát thực địa và ảnh máy bay đã ước tính tổng đương lượng 40 tỷ M3, uy hiếp nội thành Hà Nội. Người Pháp tiến hành xây dựng đập Đáy và hình thành hệ thống hồ chứa, hành lang thoát lũ  dọc theo  địa hình trũng thấp lưu vực các con sông Đáy, Tích, Nhuệ: đảm bảo nguồn nước sản xuất nông nghiệp, lưu giữ nước mùa cạn và thoát lũ an toàn (6).

Các hoạ viên (Dessinateur -F) đang vẽ bản đồ Việt Nam với sự giám sát của các chuyên gia người Pháp tại Nha Địa dư Bắc kỳ, đầu TK20. Ảnh tư liệu

Trước khi sáp nhập vào  Hà Nội (2006-2008), tỉnh Hà Tây đã giao hàng chục ngàn ha đất  trong hành lang thoát lũ  hay mặt hồ trữ nước cho doanh nghiệp nghiên cứu phát triển đô thị du lịch nên đất bất động sản tăng thì đất canh tác giữ nước giảm.

Tổng kiểm kê tài nguyên nước quốc gia và Tổng kiểm kê đất đai toàn quốc đều do Bộ TNMT lập để án, thực hiện, nghiệm thu và công bố. Mô hình “độc quyền” đã bộc lộ nhiều hạn chế: công nghệ, quy trình thực hiện lạc hậu,  nội dung không đáp ứng thực tiễn, tiến độ chậm chạp, không có năng lực liên thông đa ngành… dẫn đến hạn chế  hiệu lực quản lý tài nguyên đất và nước. Hy vọng Luật Đất đai sửa đối sắp tới sẽ tách riêng  nhiệm vụ quản lý với cung cấp dịch vụ của Bộ TNMT, như vậy mới huy động trí tuệ toàn xã hội để giám sát, đánh giá quy trình  xây dựng, chất lượng hồ sơ quản lý tài nguyên đất – nước, tạo môi trường thuận lợi tập hợp nhiều nguồn lực tham gia lập tư liệu quản lý tài nguyên quốc gia, thay vì độc quyền nội ngành để đất nước ta có hồ sơ quản lý tài nguyên đất và nước hiện đại, chất lượng cao, phát huy hiệu quả tối đa.

Trần Huy Ánh/nguoidothi.net.vn