Quý II/ 2023, Thị trường bất động sản còn khó khăn cần tiếp tục tháo gỡ
(KTVN) – Ngày 2/8/2023, Bộ Xây dựng đã có Thông cáo về việc công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản Quý II năm 2023. Theo báo cáo, nhìn chung, thị trường BĐS đã có phản ứng tích cực, tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn cần tiếp tục được tháo gỡ trong thời gian tới.
Cần nhiều giải pháp đồng bộ để tháo gỡ khó khăn
Để giải quyết khó khăn cho thị trường bất động sản, trong Quý II, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và một số Bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản có tác động đến lĩnh vực bất động sản, cụ thể như: Nghị định số 10/2023/NĐ-CP ngày 3 tháng 4 năm 2023 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai; Công điện số 194/CĐ-TTg về tập trung tháo gỡ vướng mắc về đất đai, vật liệu xây dựng để triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc và bất động sản; Công điện 469/CĐ-TTg ngày 25 tháng 05 năm 2023 về tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; Quyết định số 338/QĐ-TTg ngày 03 tháng 4 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030”…
Đồng thời, các Bộ, ngành trình Chính phủ ban hành sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách nhằm tháo gỡ nhiều vấn đề về cơ chế, chính sách. Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo Tổ công tác, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và các Bộ, ngành khẩn trương, tích cực triển khai, thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Trong thời gian tới, yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương, doanh nghiệp cần tiếp tục khẩn trương, triển khai, thực hiện các nhiệm vụ được giao, đề xuất giải pháp cụ thể hơn nữa nhằm nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững cho thị trường bất động sản.
Tiếp tục đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội
Theo báo cáo, đến quý II/2023 cả nước có 294 dự án nhà ở xã hội (NƠXH) đang triển khai xây dựng, với quy mô xây dựng khoảng 288.499 căn.
Trong đó, Chương trình phát triển NƠXH cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị đang tiếp tục triển khai xây dựng là 201 dự án với khoảng 162.227 căn; dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai là 06 dự án với khoảng 1.892 căn.
Chương trình phát triển NƠXH dành cho công nhân Khu công nghiệp đang tiếp tục triển khai 93 dự án với quy mô xây dựng khoảng 127.272 căn hộ.
Hiện nay, các địa phương và các chủ đầu tư dự án NƠXH đang tập trung triển khai thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân Khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030“. Đến thời điểm này có khoảng 108 dự án đã được cấp phép xây dựng, đang triển khai đầu tư xây dựng.
Về tình hình cấp tín dụng, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến 31/5/2023 dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh BĐS đạt 925.796 tỷ đồng. Cơ cấu, tín dụng vào kinh doanh BĐS trong 5 tháng đầu năm tăng 14%.
Thực hiện triển khai gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng, hiện nay đã có 15/63 Sở Xây dựng trên địa bàn cả nước đã rà soát hồ sơ, lập danh mục các dự án đủ điều kiện trình UBND cấp tỉnh xem xét công bố danh mục tổng số 40 dự án với tổng mức đầu tư là 43.707,28 tỷ đồng, nhu cầu vay vốn là 18.010,48 tỷ đồng.
Đã có 11 UBND tỉnh bố danh mục 24 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng với tổng vốn đầu tư là 31.673,1 tỷ đồng, nhu cầu vay vốn là 12.442,78 tỷ đồng.
Tính đến thời điểm hiện tại, các dự án nếu được phê duyệt vay với nhu cầu nêu trên sẽ giải quyết 12.442,78/120.000 tỷ đồng (đạt phần 10,37% số vốn giải ngân trong gói 120.000 tỷ đồng).
Lượng giao dịch bất động sản thành công chủ yếu tập trung vào phân khúc đất nền với 67.525 giao dịch thành công và bằng khoảng 99,98% so với Quý I/2023.
Bên cạnh đó, phân khúc bất động sản nhà ở riêng lẻ, đất nền trong dự án được nhà đầu tư quan tâm chủ yếu mang tính chất đầu cơ và người mua không còn quan tâm như trước. Nhiều nhà đầu tư đang gặp vấn đề về dòng tiền, sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn và chủ đầu tư ngưng hỗ trợ lãi suất cho vay trong khi thị trường có tính thanh khoản giảm mạnh, dẫn đến nhiều giao dịch mang tính bán cắt lỗ ngày càng mạnh.
Bộ Xây dựng đề nghị trong thời gian tới các Bộ, ngành và địa phương, doanh nghiệp cần tiếp tục khẩn trương, triển khai, thực hiện các nhiệm vụ được giao, đề xuất giải pháp cụ thể hơn nữa nhằm nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững cho thị trường bất động sản.
Tuyết Ngân