Điểm danh 10 kiến trúc thuộc địa tráng lệ nổi tiếng nhất TPHCM

Những công trình kiến trúc tráng lệ là một yếu tố làm nên tên gọi “Hòn ngọc Viễn Đông” của Sài Gòn những năm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Cùng điểm qua những công trình thời thuộc địa nổi bật nhất của Sài Gòn – TPHCM.

Chợ Bến Thành: Nằm ở khu vực trung tâm thành phố, từ lâu chợ Bến Thành đã trở thành biểu tượng của Sài Gòn, là một trong những công trình kiến trúc nổi bậc và đặc trưng của Thành phố mang tên Bác. Chợ được nhà thầu Brossard et Maupin xây dựng từ năm 1912-1914 thì hoàn tất. Điểm ấn tượng nhất trong kiến trúc của khu chợ là tòa tháp đồng hồ nổi bật. Mỗi mặt có gắn một chiếc quay về 4 hướng là 4 cổng khác nhau cùng với 12 cổng phụ.

Nhà thờ Đức Bà là một trong những nhà thờ nổi tiếng nhất Việt Nam nằm ở phường Bến Nghé, quận 1. Công trình được xây dựng từ năm 1877-1880, mang phong cách kiến trúc Roman cải biên pha trộn nét phong cách kiến trúc Gothic. Nơi đây được xây dựng theo đồ án của kiến trúc sư J.Bourard bao gồm thánh đường, tháp chuông và công viên.

Đối diện với nhà thờ Đức Bà, Bưu điện TPHCM do người Pháp xây dựng trong khoảng thời gian 1886-1891. Công trình mang phong cách châu Âu kết hợp với nét Á Đông theo bản vẽ của kiến trúc sư Villedieu cùng với người trợ tá Foulhoux. Kiến trúc nổi bật của Bưu điện TPHCM là hệ thống vòm cung lớn bên trong tòa nhà, ảnh hưởng từ phong cách kiến trúc trong các nhà thờ Tây Âu.

Nhà hát Lớn TPHCM tọa lạc tại số 7 đường Công Trường Lam Sơn, phường Bến Nghé, Quận 1, được người Pháp xây dựng từ năm 1898-1900, là một công trình kiến trúc đặc biệt, mang đậm phong cách Gothique thịnh hành tại Pháp cuối thế kỷ 19.

Là một trong những công trình kiến trúc cổ kính nổi tiếng của thành phố, Tòa nhà trụ sở UBND TPHCM tọa lạc trong khuôn viên rộng hơn 18.000m2 với ba mặt tiền trên đường Lê Thánh Tôn, Pasteur và Đồng Khởi, được xây dựng từ năm 1898 đến 1909 theo thiết kế của Kiến trúc sư người Pháp Femand Gardès mô phỏng từ tòa thị chính Paris theo kiểu những lầu chuông ở miền bắc nước Pháp. Năm 2020,  tòa nhà trụ sở UBND TPHCM đã được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.

Bến Nhà Rồng hay Bảo tàng Hồ Chí Minh được Công ty vận tải đường biển Pháp xây dựng năm 1863, là địa danh gắn với sự kiện người thanh niên Nguyễn Tất Thành xuống con tàu Amiral Latouche Tréville ra đi tìm đường cứu nước vào ngày 5/6/1911. Hầu như toàn bộ kiến trúc xưa của tòa trụ sở thương cảng Nhà Rồng vẫn còn nguyên vẹn cho đến hiện tại, trở thành điểm tham quan nổi tiếng.

Bảo tàng Lịch sử TPHCM tiền thân là Bảo tàng Blanchard de la Brosse, khánh thành năm 1929, là một công trình kiến trúc thuộc địa độc đáo của Sài Gòn xưa. Công trình do kiến trúc sư người Pháp Delaval thiết kế và được hãng thầu Etablissements Lamorte Saigon xây dựng theo lối kiến trúc Đông Dương cách tân. Điểm nhấn trong kiến trúc của tòa nhà bảo tàng là phần trung tâm có một khối bát giác, gợi nhớ quan niệm về bát quái của Kinh Dịch phương Đông.

Bắc qua kênh Bến Nghé, nối liền quận 1 và quận 4, cầu Mống được công ty Hàng hải Pháp Messageries maritimes bỏ vốn thuê Công ty xây dựng Levallois Perret xây cất năm 1893-1894. Đây là công trình mang đậm dấu ấn kiến trúc cầu phương Tây cuối thế kỷ 19. Không chỉ nối liền đôi bờ sông kênh rạch, nơi đây còn là địa điểm ăn uống, vui chơi và ngắm Sài Gòn lung linh về đêm, thu hút nhiều người dân địa phương và du khách tham quan.

Tọa lạc tại số 65 Lý Tự Trọng, phường Bến Nghé, quận 1, Bảo tàng TPHCM có tiền thân là Bảo tàng Thương mại, do kiến trúc sư người Pháp – Alfred Foulhoux thiết kế, được xây dựng từ năm 1885 đến năm 1890 theo phong cách kiến trúc Gothique với phần mái mang dáng dấp Á Đông. Không chỉ lưu giữ lịch sử phát triển của Sài Gòn, nơi đây còn là niềm tự hào của người dân thành phố mang tên Bác.

Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM. Nằm ở số 97A Phó Đức Chính, gần chợ Bến Thành, Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM thuở xưa là tư dinh của nhà tư sản người Hoa Hứa Bổn Hỏa. Công trình mang phong cách Á – Âu kết hợp, khánh thành năm 1925, được dân Sài Gòn gọi là “căn nhà 99 cửa” do quy mô quá to lớn với rất nhiều phòng ốc.

Minh Anh (tổng hợp)

Bình luận