Những ngôi chùa trên quần đảo Trường Sa

Những ngày cuối tháng 6/2022, rời đất liền – cảng Cam Ranh lênh đênh trên biển sóng to gió lớn của cơn bão số 1 phải mất hơn 1 ngày rưỡi mênh mang biển trời mới nhìn thấy được đảo đầu tiên – đảo Song Tử Tây cách 318 hải lý (589km).

Điều đập vào mắt không chỉ là ngọn hải đăng nhô lên, mà là màu ngói đỏ của ngôi chùa Việt thấp thoáng trong cây xanh. Cảm xúc dâng trào như trở về với quê hương khi hình bóng rõ hiện dần lên với tam quan, mái chùa dưới bóng cây to và hướng ra biển lớn, gần gũi như hình ảnh cây đa bến nước sân đình của làng quê Bắc Bộ trên đất liền. Có khác chăng là cây nơi đảo xa không phải là đa mà thay vào đó là cây phong ba hay cây bàng quả vuông, nhưng về độ lớn, xòe bóng mát thì không thua kém gì, có những cây đã được xếp hạng là cây di sản.

9 ngôi chùa trên 9 đảo của huyện đảo Trường Sa (Song Tử Tây, Nam Yết, Sơn Ca, Sinh Tồn, Sinh Tồn Đông, Đá Tây A, Phan Vinh, Trường Sa Đông, Trường Sa Lớn) được tôn tạo, phục dựng (trong đó khánh thành 03 ngôi chùa được tu bổ, phục dựng: chùa Sinh Tồn Đông, chùa Đá Tây A và chùa Trường Sa Đông) với cấu trúc tổng thể, phong cách kiến trúc, dáng dấp, tỷ xích, cảnh quan thuần Việt, công trình hài hòa với cảnh quanh cây xanh.

Dù quỹ đất hạn hẹp nhưng chùa nào cũng có đủ tam quan, sân chùa, gác chuông, cấu trúc thường bố cục chữ Đinh (丁) với nhà chính điện nối thẳng góc với nhà tiền đường. Mái nghiêng, lợp ngói và vút cong ở đầu đao, không lẫn với bất kể chùa nào của các nước châu Á.

Tất cả hệ thống tên chùa, hoành phi, các bức đại tự, đôi câu đối đều sử dụng chữ tiếng Việt. Bát hương và đồ thờ tại các chùa trên quần đảo Trường Sa đều được in Quốc huy của Nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Hai cụm từ “Từ bi” – “Hùng lực” trên 2 lối vào của mỗi tam quan cũng thể hiện tinh thần độc lập, tự cường, hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo Việt Nam.

Những bức tượng bằng đá trong chùa có thể trường tồn cùng thời gian nhưng những vật liệu gỗ, ngói làm nên hình bóng ngôi chùa lại khó chống chọi với thiên nhiên quá khắc nghiệt ngoài biển đảo, nên dù khó khăn, vất vả nhưng những ngôi chùa ngoài đảo xa vẫn luôn nhận được quan tâm, tiến hành tu bổ, chống mối mọt, hư hại. Đó cũng là bởi vì: Chùa các đảo tiền đồn nơi Trường Sa chính là cột mốc tâm linh, làm điểm tựa vững chắc cho quân và dân trên đảo, nhằm khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng, bất khả xâm phạm của Tổ quốc Việt Nam.

Tạp chí Kiến trúc Việt Nam vinh dự và tự hào được là thành viên của Đoàn công tác số 10 từ ngày 23/6 đến 5/7/2022 do Quân chủng Hải quân, Giáo hội Phật Giáo Việt Nam và doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường (đơn vị được cấp phép và phát tâm trùng tu, khôi phục 9 ngôi chùa ở Trường Sa) phối hợp tổ chức gồm gần 200 đại biểu (trong đó có 40 nhà sư) vượt qua hơn 1.000 ngàn hải lý (gần 2.000 km) được đặt chân lên các đảo nơi tiền đồn phía Đông của Tổ quốc – quần đảo Trường Sa, được đến thăm hỏi, tặng quà cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên 9 đảo.

Và cũng qua chuyến đi này, sự cảm nhận rõ nét về có những con người như được giao sứ mệnh thực hiện những nhiệm vụ cao cả./.

KTS Nguyễn Phú Đức

7/2022

Chùa Đá Tây A – Đảo Đá Tây

Chùa Nam Huyền – Đảo Nam Yết

Chùa Sinh Tồn – Đảo Sinh Tồn

 

Chùa Sinh Tồn Đông – Đảo Sinh Tồn Đông

Chùa Sơn Linh – Đảo Sơn Ca

Chùa Song Tử Tây – Đảo Song Tử Tây

Chùa Trường Sa Đông – Đảo Trường Sa Đông

Chùa Trường Sa Lớn – Đảo Trướng Sa Lớn

Chùa Vinh Phúc – Đảo Phan Vinh

 

Bình luận