20/11/2020

Hành nghề kiến trúc trong mối quan hệ kiến trúc và quy hoạch?

(TCKTVN 230) – Trong thời đại mới, tư duy kiến trúc công trình ngày càng gắn liền hơn và không thể tách rời với tư duy quy hoạch, đóng vai trò quan trọng trong việc góp phần giúp hình thành những hình thái và xu hướng kiến trúc mới cho tương lai.

Kiến trúc và quy hoạch, từ việc là hai lĩnh vực thiết kế riêng biệt với đào tạo sâu chuyên ngành, đang ngày càng rút ngắn khoảng cách và hòa làm một với nhau, đòi hỏi nhà KTS của tương lai phải nắm vững những kiến thức quan trọng của cả hai lĩnh vực.

Trong đó: Những tổ hợp công trình nhà chọc trời đa chức năng thể hiện sự phát triển đô thị với nhiều khu chức năng không theo chiều ngang như trước, mà theo chiều thẳng đứng; Những công trình xanh, dù là được phủ cây xanh, hoặc không có cây xanh nào, thể hiện việc tìm tòi những giải pháp ứng phó trước tình hình thiếu không gian xanh trong đô thị, nhu cầu tiết kiệm năng lượng, hoặc nguy cơ biến đổi khí hậu; Những bản thiết kế kiến trúc có thể bị phản đối mạnh mẽ và trở nên không khả thi ngay từ đầu, nếu dựa trên nền tảng của các quy hoạch sai lầm thiếu bền vững, bất chấp các giá trị di sản và thiên nhiên của địa phương… Tất cả những thay đổi như thế đã và đang góp phần quan trọng trong việc hình thành bộ mặt ngày càng năng động và đa dạng của đô thị tương lai.

Một ví dụ rất rõ là quá trình phát triển kiến trúc công trình y tế đã và đang có những thay đổi lớn về tư duy thiết kế và mục tiêu phục vụ cộng đồng; Trong đó ngày càng yêu cầu trình độ cao của KTS về kiến thức cũng như tư duy quy hoạch, để phối hợp với giải pháp kiến trúc, cũng như thấy được vai trò và tầm quan trọng ngày càng gia tăng của tư duy quy hoạch đối với kiến trúc tương lai.

Công trình xây dựng trên đèo Mã Pì Lèng (Hà Giang)

Công trình xây dựng trên đèo Mã Pì Lèng (Hà Giang)

Tương tự, chúng ta có thể tiếp tục xem xét nhiều ví dụ khác, đã từng được dư luận rất quan tâm gần đây như:

(1) Có nên xây dựng mới một công trình hiện đại cao tầng trong không gian khu lõi trung tâm lịch sử có lịch sử vài trăm năm đến hàng ngàn năm của một thành phố, như TPHCM và Hà Nội?

(2) Có nên chặt toàn bộ cây cổ thụ để xây dựng các công trình hiện đại làm điểm nhấn kiến trúc trên các đỉnh đồi của thành phố du lịch nghỉ dưỡng thơ mộng Đà Lạt?

(3) Kiến trúc nào, phong cách nào, và quy mô nào là phù hợp cho vị trí đã xây dựng công trình tại không gian thiên nhiên di sản Mã Pì Lèng, được dư luận cả nước quan tâm?

Có dịp đi sâu phân tích rõ từng câu hỏi trên, chắc chắn chúng ta sẽ thấy nhu cầu cần thiết cần có trong mối quan hệ hành nghề kiến trúc và quy hoạch.

Đồi dinh tỉnh trưởng ở Đà Lạt

Đồi dinh tỉnh trưởng ở Đà Lạt

Điều đó cũng đặt ra cho công tác đào tạo và quản lý hành nghề kiến trúc trong thời gian tới rất cần được đổi mới tư duy, thông qua các việc:

  • Tương lai của ngành kiến trúc không thể tách rời với kiến thức tổng hợp về quy hoạch, bởi vì khi một dự án quy hoạch đã đi sai hướng, thì các đề xuất phương án kiến trúc sau đó, dù có làm thế nào cũng vẫn sai và không khả thi. Do đó, một mặt nhà kiến trúc không những cần phải học hỏi nghiên cứu thêm kiến thức quy hoạch tổng hợp với tư duy đa ngành; Mặt khác, nhà kiến trúc còn phải cẩn trọng tham vấn, cộng tác với các chuyên gia về quy hoạch ngay từ những bước đầu của dự án, để sớm xác định những yếu tố quan trọng hàng đầu về quy hoạch, có thể tác động không nhỏ đến mục tiêu nghiên cứu kiến trúc.
  • Việc đào tạo KTS cần được chấn chỉnh lại để KTS tốt nghiệp có được kiến thức cơ bản về quy hoạch, và thói quen hợp tác nhóm theo tư duy đa ngành. Nên tổ chức lại theo hướng đào tạo 4 năm cử nhân, 2 năm thạc sĩ, và 3-5 năm tiến sĩ. Trong đó, sinh viên tốt nghiệp với văn bằng 4 năm gọi là cử nhân kiến trúc hoặc cử nhân quy hoạch, văn bằng 2 năm tiếp theo gọi là thạc sĩ kiến trúc hoặc thạc sĩ quy hoạch (không nên dùng tên gọi “bằng KTS” để không mâu thuẩn với việc phải thi đậu chứng chỉ hành nghề mới được gọi là KTS).
  • Khung đào tạo phải giúp sinh viên kiến trúc có được các kiến thức quan trọng về quy hoạch theo tư duy mới, có cơ hội tham gia ít nhất một studio học kỳ đa ngành (Kiến trúc – Quy hoạch – Xây dựng…) để quen với tư duy đa ngành và hợp tác nhóm. Thời gian đào tạo 4-5 năm hiện không đủ để làm việc đó. Cải tổ này sẽ phù hợp với thông lệ quốc tế của đa số trường kiến trúc tại các nước tiên tiến hiện nay.
  • Việc quản lý Chứng chỉ hành nghề cũng cần điều chỉnh tương ứng. Cấp thạc sĩ phải là cấp tối thiểu để xin dự thi Chứng chỉ hành nghề KTS, bởi vì việc hành nghề KTS sẽ gặp khó khăn nhiều với sự giới hạn của trình độ cử nhân. Việc thi Chứng chỉ hành nghề KTS phải có những câu hỏi kiến thức cơ bản về quy hoạch. Riêng các KTS đã có chứng chỉ hành nghề trước khi quy định này có hiệu lực thì không yêu cầu phải lấy bằng thạc sĩ nữa, để không có sự xáo trộn về hành nghề (xem như thâm niên hành nghề nhiều năm và việc tự đào tạo liên tục trong thời gian hành nghề đã có thể bù vào). Cải tổ này sẽ phù hợp với thông lệ quốc tế của việc hành nghề KTS tại các nước tiên tiến hiện nay.
Bùng nổ xây dựng công trình cao tầng khu vực trung tâm Quận 1, TPHCM

Bùng nổ xây dựng công trình cao tầng khu vực trung tâm Quận 1, TPHCM

Các tiêu chí thiết kế có liên quan đến quy hoạch (về quy mô, vị trí, yêu cầu mỹ thuật và kỹ thuật, nguyên tắc ứng xử với không gian và công trình xung quanh,…) của các công trình kiến trúc quan trọng trong đô thị rất cần được nêu rõ và thông qua ngay từ đầu tự án trong nhiệm vụ thiết kế được phê duyệt, với sự phản biện của các chuyên gia đa ngành, để hướng dẫn cho việc thực hiện các dự án kiến trúc, tránh việc các phương án kiến trúc trở nên bất khả thi ngay từ giai đoạn đầu thiết kế, do dựa trên các tư duy sai lầm về quy hoạch./.

TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn