Nhiều quy định gây khó khi vay gói 30.000 tỷ
Dù đã đi qua 2/3 chặng đường nhưng gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng (triển khai từ Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ) chỉ mới giải ngân được khoảng 20%, trong khi thời hạn giải ngân có hiệu lực chỉ còn hơn một năm. Theo những người dân đã mua được nhà, rào cản lớn nhất để tiếp cận gói tín dụng này từ những quy định về thủ tục hành chính.
Thủ tục quá rườm rà
Đó là ý kiến chung của nhiều người dân khi đăng ký vay mua nhà từ gói tín dụng 30.000 tỷ đồng. Những quy định về thủ tục đã khiến nhiều người “khó vượt qua” nếu không có sự hỗ trợ tích cực từ phía chủ dự án, ngân hàng và cả chính quyền địa phương.
Chị Thu An là một trong những người “may mắn” vừa được ngân hàng Vietcombank giải ngân 350 triệu đồng trong tháng tư vừa qua để mua căn hộ tại dự án Ehome 3 (huyện Bình Chánh) với giá trị 816 triệu đồng (diện tích 49,94 m2) từ gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho biết, chỉ khâu xác nhận của địa phương là mình chưa có nhà ở đã gặp rất nhiều khó khăn. “Khi tôi mang giấy lên phường nhờ xác nhận, lúc đầu phường từ chối không xác nhận vì cho rằng “chúng tôi không biết anh chị đã có nhà hay chưa”, bởi tôi thuộc diện tạm trú KT3. Đến khi tôi mang Thông tư 17 sửa đổi quy định có cho diện KT3 mua nhà và địa phương chỉ cần xác nhận theo mẫu thì họ mới hướng dẫn tôi làm các thủ tục giấy tờ cần thiết. Chỉ riêng việc này, ít nhất cũng hai lần đi lên phường”, chị Thu An nói.
Theo chị Thu An, với quy định này, những người dân có hộ khẩu thường trú ở tỉnh nhưng đang sinh sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh khó có “cửa” vay. Bên cạnh đó, nhiều thủ tục khác nếu không có sự hỗ trợ tích cực từ phía ngân hàng hay của đơn vị công tác thì cũng rất khó được vay, chẳng hạn như chứng minh thu nhập, xác nhận bảo hiểm xã hội, xác nhận nơi làm việc và nhất là quy định thu nhập dưới 9 triệu đồng mới được xét duyệt thì càng khó hơn.
Hiệp hội bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA), cũng xác nhận nhiều quy định đang là rào cản đối với người dân muốn vay tiền. Theo đó, với các đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, cán bộ lực lượng vũ trang yêu cầu “phải có xác nhận của đơn vị đang công tác về thực trạng về nhà ở và chỉ xác nhận một lần; đơn vị xác nhận phải chịu trách nhiệm về nội dung xác nhận của mình, không yêu cầu xác nhận về điều kiện thu nhập” (quy định tại mục 5 Thông tư 17/2014/TT-BXD ngày 18/11/2014 của Bộ Xây dựng) gây khó khăn và tâm lý ngại chịu trách nhiệm đối với thủ trưởng đơn vị khi xác nhận tình trạng nhà ở của nhân viên thuộc quyền.
Bên cạnh đó, quy định người có thu nhập thấp đô thị “có mức thu nhập không phải đóng thuế thu nhập cá nhân, theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân” (quy định tại mục 1 của công văn số 395/BXD-QLN ngày 03/03/2015 của Bộ Xây dựng) mới thuộc đối tượng được vay gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, các ngân hàng thương mại cho rằng, người có tổng thu nhập dưới mức thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân (9 triệu đồng/tháng) thì không đủ điều kiện về chứng minh khả năng tài chính để trả nợ vay khi tham gia gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng, do vậy không đủ điều kiện được vay để mua nhà.
Một rào cản nữa đối với người có thu nhập thấp là quy định: “Trường hợp tạm trú thì phải có đóng bảo hiểm xã hội từ 1 năm trở lên tại tỉnh, thành phố đó (có thể không liên tục) và có giấy xác nhận của cơ quan bảo hiểm” (quy định tại mục 5 Thông tư 17/2014/TT-BXD) là một trở ngại dẫn đến tình trạng nhiều công nhân, lao động nhập cư không đủ điều kiện để vay từ nguồn vốn ưu đãi để mua nhà.
Cần sửa đổi những quy định gây khó
Trước những quy định “gây khó” và gây “ách tắc” trong việc giải ngân gói 30.000 tỷ đồng, HoREA cũng đã kiến nghị một số giải pháp để tháo gỡ và thúc đẩy việc giải ngân đúng đối tượng và đúng thời hạn trước ngày 1/6/2016.
Theo đó, cần sửa đổi mục 5 Thông tư 17/2014/TT-BXD theo hướng chỉ yêu cầu người khai tình trạng nhà đất phải chịu trách nhiệm về nội dung khai báo tình trạng nhà đất của mình trước khi được thủ trưởng đơn vị xác nhận đối với cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, cán bộ lực lượng vũ trang. Riêng đối với người có thu nhập thấp đô thị, do đã có chế định về thế chấp bất động sản hình thành trong tương lai để đảm bảo khoản vay nên sửa đổi mục 1 công văn số 395/BXD-QLN theo hướng không quy định người có thu nhập thấp phải có mức thu nhập không phải đóng thuế thu nhập cá nhân mà chỉ cần hội đủ những điều kiện như quy định tại mục 5 Thông tư 17/2014/TT-BXD của Bộ Xây dựng. Riêng đối với các trường hợp tạm trú thì đề nghị phải có đóng bảo hiểm xã hội từ 6 tháng trở lên (có thể không liên tục và có thể đã đóng bảo hiểm xã hội qua nhiều đơn vị công tác ở nhiều địa phương khác nhau).
Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại cũng cần bỏ yêu cầu người vay từ gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng phải chứng minh thu nhập khác, bởi lẽ đã có tài sản đảm bảo cho khoản vay mua nhà chính là căn hộ hình thành trong tương lai mà người có thu nhập thấp đã ký hợp đồng mua. “Các Ngân hàng thương mại chỉ nên yêu cầu người vay có văn bản cam kết trả nợ đúng hạn theo hợp đồng vay, hoặc ghi rõ cam kết này trong hợp đồng vay”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA đề xuất.
Bên cạnh đó, theo ông Lê Hoàng Châu, HoREA mới đây cũng đã có kiến nghị lùi thời hạn vay đối với đối tượng mua nhà ở xã hội tối thiểu 20 năm và vay mua nhà ở thương mại từ gói tín dụng ưu đãi 15 năm để phù hợp với người có thu nhập thấp. Bên cạnh đó, các ngân hàng cần lùi thời hạn trả gốc và lãi tiền vay từ tháng thứ 6 (kể từ ngày ký hợp đồng vay) trở đi. Đây là thời gian “ân hạn” rất có ý nghĩa, tạo điều kiện cho người thu nhập thấp tích luỹ tài chính để thực hiện nghĩa vụ trả nợ gốc và lãi vay. Bên cạnh đó, Chính phủ cần có chính sách giảm lãi suất vay mua nhà ở thương mại từ gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng xuống còn 4-4,5%/năm cho năm 2015 thay vì 5% như hiện nay để “kích cầu”.
Hoàng Dương
Theo Báo Tin tức