02/05/2018

Ngành Xi măng: Những thách thức trong phát triển bền vững

Từ ngã ba sông Cấm – nơi nhà máy xi măng (XM) Việt Nam đầu tiên ra đời mang thương hiệu Hải Phòng năm 1899, đến nay 119 năm đã trôi qua và ngành XM Việt Nam ghi nhận những bước phát triển vượt bậc. Hiện cả nước có khoảng 83 dây chuyền sản xuất XM với tổng công suất thiết kế gần 99 triệu tấn/năm, thực tế sản xuất đạt khoảng 87 triệu tấn/năm, đảm bảo công ăn việc làm cho hơn 50 nghìn cán bộ công nhân lao động. Ngành XM Việt Nam đã làm nên những thành tựu rực rỡ và đóng góp rất quan trọng vào sự phát triển của đất nước nói chung và ngành Xây dựng nói riêng.

Bước tiến dài từ thiếu XM đến xuất khẩu

Bản đồ ngành công nghiệp XM Việt Nam những năm trước 1993 được phác thảo bằng vài nét đơn giản: Cả nước có 4 nhà máy, gồm XM Hải Phòng (xây dựng từ 1899), XM Hà Tiên (xây dựng năm 1960 và khánh thành 1964); XM Bỉm Sơn xây dựng năm 1982 và XM Hoàng Thạch được khởi công năm 1977 đến 27/11/1983 thì mẻ clinker đầu tiên ra lò. Gần 1 thế kỷ trước XM Việt Nam chỉ có một thương hiệu con Rồng nhưng đã nổi tiếng ở trong nước và một số vùng Viễn Đông, được xuất khẩu đi Vlađivostoc (LB Nga), JAWA (Indonesia), Singapore, Hoa Nam (Trung Quốc)… 4 thương hiệu XM mang nhãn hiệu Con Rồng (Hải Phòng), Con Kỳ Lân (Hà Tiên), Con Voi (Bỉm Sơn) và Con Sư Tử (Hoàng Thạch) đã góp phần làm nên diện mạo nhiều công trình quan trọng của đất nước.

Từ năm 1993 đến nay, ngành XM đã có những bước phát triển vượt bậc với nhiều hình thức đầu tư như các nhà máy do TCty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM), nhà máy XM do các bộ, ngành, DN tư nhân đầu tư, các nhà máy XM liên doanh với nước ngoài tạo nên 3 khối: Khối VICEM; khối liên doanh và khối các Tập đoàn tư nhân, nhà máy XM địa phương.

Trong suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển, ngành XM đã có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước nói chung và ngành Xây dựng nói riêng. Từ các nhà máy sản xuất XM ở Trung ương đến các nhà máy ở địa phương, từ DNNN đến các Cty cổ phần, liên doanh… XM có mặt ở mọi miền Tổ quốc, từ miền núi cao hẻo lánh, hoang vu ở các vùng biên giới như Mường Tè, Nậm Nhùn (Lai Châu) hay ở các vùng Mèo Vạc (Hà Giang)… đến những vùng sông nước của ĐBSCL, từ nơi phồn hoa đô hội đến những vùng thôn quê xa xôi, hẻo lánh… nơi đâu cũng thấy có XM, đó là những ngôi nhà hay những con đường bê tông nông thôn, đường bê tông tuần tra nơi biên giới, hải đảo xa xôi nơi đầu sóng ngọn gió…

Từ nước thiếu XM trầm trọng trước năm 1993, đến nay tổng công suất thiết kế đã tăng gấp nhiều lần. Việt Nam trở thành nước đứng đầu khối ASEAN về sản lượng XM và đứng thứ 5 thế giới về sản xuất và tiêu thụ XM với tổng công suất thiết kế gần 100 triệu tấn/năm.

Công nghệ hiện đại ngang tầm thế giới

Công nghệ sản xuất XM cũng có những bước tiến vượt bậc, từ các nhà máy có công nghệ lò đứng đến nay hầu hết các nhà máy đã chuyển sang sử dụng công nghệ hiện đại trên thế giới là công nghệ lò quay; sản xuất từ phương pháp ướt đến nay là phương pháp khô. Đây cũng là ngành được đánh giá có nhiều sáng tạo và tiên tiến, hiện đại, ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Nhìn chung, hiện nay, nền công nghiệp XM Việt Nam với nhiều nhà máy hiện đại được đánh giá ngang bằng với nền công nghiệp XM thế giới về đầu tư thiết bị công nghệ, với mức độ tự động hóa rất cao ở mọi công đoạn. Ngồi phòng điều hành hay văn phòng trung tâm vẫn có thể theo dõi, điều hành mọi hoạt động sản xuất khi nhà máy sử dụng kỹ thuật số, lắp đặt hệ thống xen-xơ đủ để giám sát quá trình vận hành của thiết bị. Lò nung hoạt động ở nhiệt độ cao nhưng mọi thông số về nhiệt độ đều được đo kiểu tự động, liên tục cả trong và ngoài lò và các vùng trong lò, nhờ đó, các thiết bị vận hành, các thông số nhiệt độ làm việc của máy móc như nhiệt độ dầu, độ nhớt dầu đều được đo kiểm chính xác. Hệ thống máy móc thiết bị trong dây chuyền sản xuất XM được vận hành theo các yêu cầu nghiêm ngặt và nếu vận hành không đúng quy trình thì máy móc cũng sẽ ngừng hoạt động.

Thách thức trong thời đại 4.0

Ngành XM bước vào cuộc cách mạng công nghệ 4.0 mang theo hành trang thuận lợi là hệ thống các nhà máy tiên tiến, hiện đại, đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật có trình độ, được đào tạo bài bản nhưng cũng đặt ra cho ngành XM Việt Nam nhiều thách thức: Thách thức về cạnh tranh khi nguồn cung dư cao và những thách thức giải quyết các vấn đề môi trường, sử dụng tiết kiệm tài nguyên… là những câu hỏi cần lời giải đáp. Xu hướng xây dựng công trình trong tương lai sẽ chuyển từ phương thức xây dựng “ướt” sang “khô”. Thay vì sử dụng nhiều XM như hiện nay, các vật liệu thay thế như gỗ, thép cho hệ khung và các tấm pano bằng thạch cao làm vách ngăn, tường bao… sẽ được sử dụng nhiều hơn; xu hướng xây dựng công trình xanh trên thế giới với hàng loạt các vật liệu nhẹ, thân thiện với môi trường được thay thế cho XM, sắt, thép… sẽ khiến cho ngành XM gặp không ít thách thức trong tương lai, đòi hỏi ngành này phải có những chiến lược phát triển khoa học và phù hợp.

Theo các chuyên gia, sự phát triển của nhà máy XM ở Việt Nam có tính đặc thù bởi cứ có nhà máy XM là các cụm cư dân xung quanh sẽ hình thành và đương nhiên những tác động của nhà máy tới môi trường sống như khói, bụi dù hạn chế tối đa cũng vẫn không tránh khỏi. Từ thực tế tồn tại này đòi hỏi các nhà máy XM phải có biện pháp tích cực để bảo vệ môi trường… Hàng loạt các chương trình như tận dụng nhiệt khí thải để phát điện, sử dụng tro bay của các nhà máy nhiệt điện trong sản xuất XM… nhiều lợi ích trong bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên đang được triển khai nhưng cũng còn vướng mắc cần tháo gỡ để đẩy mạnh hơn nữa.

Vũ Huyền/BXD