11/09/2017

KTS Sanuki Daisuke: chúng ta không cần phải tạo nên những ngôi nhà “lạ lùng” ở Việt Nam

Trong khuôn khổ của chương trình Architecture Leader’s Perspectives, kienviet.net thực hiện phỏng vấn 19 Kiến trúc sư Những góc nhìn , quan điểm thiết kế của Kiến trúc sư cũng như văn phòng của họ sẽ được thể hiện trong cuốn sách ALP.
Dưới đây là nội dung trao đổi giữa Kiến Việt và KTS Sanuki Daisuke từ văn phòng SDA – Anh sẽ là một trong những diễn giả chính ở sự kiện ALP 2017 tại Tp. Hồ Chí Minh vào ngày 15.09.2017

1. Anh sinh ra ở đâu?

Tôi sinh ra ở Toyama, nơi đó nằm về phía Bắc của Nhật Bản

2. Câu chuyện nào dẫn anh đến với kiến trúc?

Từ bậc phổ thông cơ sở đến bậc trung học cơ sở tôi muốn trở thành người làm thiết kế nói chung như họa sỹ hay người làm phim – bởi tôi rất thích phim nên tôi muốn sẽ là người làm phim. Điểm số các môn khoa học của tôi ở thời trung học rất tốt, do đó tôi chọn các chương trình khoa học. Ở Nhật Bản, theo chương trình khoa học đồng nghĩa với việc bạn chỉ có thể theo học một trong hai ngành – Kiến trúc hoặc Thiết kế Tạo dáng. Cuối cùng tôi đã chọn Kiến trúc. Trước đó ở bậc trung học phổ thông tôi chưa biết chút gì về kiến trúc, chỉ đơn thuần muốn làm nhà thiết kế và làm những thiết kế “ngầu” … Khi tôi vào đại học, nhập học tại khoa Kiến trúc, tôi đã gặp Sếp tôi sau này. Tôi được học rất nhiều thứ ở trường đại học và nhận ra rằng Kiến trúc không hề dễ dàng. Đó không chỉ là những thiết kế “ngầu” mà còn thể hiện rất nhiều chuyên môn sâu trong đó. Từ thời điểm đó tôi thấy đam mê và tiếp tục theo đuổi ngành học này.

3. Anh học trường đại học nào, chuyên ngành gì?

Tiểu sử của tôi có lẽ sẽ làm bạn thấy lạ lùng. Tôi tốt nghiệp trường Đại học Khoa học Tokyo, sau đó học Thạc sỹ hai năm và học tiếp Tiến sỹ ba năm, rồi tôi trở thành phụ tá giáo sư trong bốn năm. Như vậy tổng cộng 14 – 15 năm trong trường Đại Học. Chuyên môn của tôi là ngành Kiến trúc.

4. Công trình kiến trúc truyền thống nào của Nhật Bản mà anh thích nhất?

Có rất nhiều thiết kế kiến trúc tốt tại Nhật Bản. Số lượng công trình kiến trúc truyền thống Nhật Bản mà tôi yêu thích rất lớn, chẳng hạn như Đền, Vườn, … Đặc biệt ở Cố đô Kyoto, những công trình có thể kể đến như Kim Gác Tự, Ngân Gác Tự, Chùa Sanjusandengo, tôi luôn muốn quay lại đó.

5. Theo anh, giá trị cốt lõi của kiến trúc truyền thống Nhật Bản là gì?

Tôi nghĩ có hai giá trị chính:

Giá trị thứ nhất là là sự “Tĩnh lặng” – đây là sự khác biệt so với kiến trúc đương đại. Bạn có thể cảm thấy thiên nhiên ở đó, đôi khi bạn có thể nghe thấy cả tiếng những giọt nước rơi. Chúng ta có thể nói ở đó tâm trí con người bình yên và thư thái hơn. Chúng ta có thể học hỏi rất nhiều từ các không gian Kiến trúc cổ điển hoặc truyền thống này.

Giá trị thứ hai là những công trình này có một quá khứ lâu dài. Bản thân những công trình ấy đã có giá trị thời gian. Bạn có thể thấy công trình bằng gỗ được xây dựng 300 năm trước vẫn tồn tại tới ngày nay. Nhật Bản là đất nước có nhiều động đất, nhưng những công trình bằng gỗ vẫn tồn tại như bạn thấy. Tất nhiên những công trình đó vẫn được sửa chữa rất nhiều lần nhưng kết cấu chính vẫn giữ nguyên và có rất nhiều chi tiết. Trong quá khứ cũng có rất nhiều phong cách kiến trúc. Tôi là Kiến trúc sư đương đại nhưng bạn biết đấy, kiến trúc cổ ngày nay được coi là kiến trúc đương đại 300 năm trước, và chúng ta có thể cảm nhận được những sự tuyệt vời từ kiến trúc truyền thống.

Tôi cũng nghĩ về công nghệ trong kiến trúc cổ truyền. Những công trình kiến trúc gỗ có rất nhiều kỹ thuật trong đó và những công trình kiến trúc công nghệ cao, đương đại của Nhật Bản cũng chịu nhiều ảnh hướng từ lối Kiến trúc cổ truyền đó. Thậm chí, trong cả những thiết kế của Nhật Bản, chúng ta có thể bắt gặp những chi tiết ảnh hưởng tới các Kiến trúc sư và các thiết kế đương đại của Nhật Bản.

6. Điều đó có nghĩa là rất nhiều Kiến trúc và Kiến trúc sư Nhật Bản học hỏi từ các công trình Kiến trúc truyền thống của Nhật Bản?

Tôi không biết thực tế họ có học không, nhưng có thể họ cảm nhận và được truyền cảm hứng từ các công trình kiến trúc truyền thống của Nhật Bản.

7. Anh có thể cho biết Kiến trúc sư nào của thế giới và Nhật Bản mà bạn yêu thích nhất?

Rất khó để có thể nói ai là Kiến trúc sư tôi thích nhất. Tôi có một danh sách các Kiến trúc sư mà tôi yêu thích và mến mộ, nhưng tôi muốn nói rằng Kiến trúc sư mà tôi yêu thích nhất chính là Sếp của tôi. Tên ông ấy là Kojima Kazuhiro, một Kiến trúc sư nổi tiếng ở Nhật Bản. Rất không may là ông ấy đã qua đời năm ngoái. Ông ấy truyền cảm hứng tới rất nhiều Kiến trúc sư trẻ tại Nhật Bản như tôi, và ông ấy có rất nhiều sinh viên. Tôi học trong trường Đại học tới 15 năm, điều đó cũng có nghĩa tôi làm việc với ông ấy 15 năm.

8. Ông ấy là giáo sư trong trường Đại học phải không?

Ông ấy là Giáo sư và tôi là phụ tá giáo sư.

9. Điều gì khiến anh dẫn đến quyết định làm việc ở Việt Nam?

Bạn biết đấy, rất nhiều quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề vì khủng hoảng kinh tế vào năm 2008, sau vụ sụp đổ của ngân hàng Lehman Brothers. Thời điểm đó Việt Nam cũng bị tác động nhưng Nhật Bản phải chịu hậu quả lớn hơn của khủng hoảng mạnh. Rất nhiều Kiến trúc sư trẻ lâm vào cảnh thất nghiệp. Hầu như tất cả các dự án bị dừng lại. Công việc phụ tá giáo sư của tôi kết thúc vào cuối năm 2009 và tôi có các lựa chọn sau: Lựa chọn thứ nhất là Thầy Kojima mời tôi về làm ở công ty của ông ấy. Lựa chọn thứ hai là nộp đơn xin tuyển dụng vào một văn phòng kiến trúc khác. Lựa chọn thứ ba là tôi tự mở văn phòng kiến trúc của mình và làm việc tại đó. Lựa chọn thứ tư là tìm một công việc liên quan tới nghiên cứu khác. Lựa chọn thứ năm là ra nước ngoài và hành nghề Kiến trúc sư tại đó. Rất may mắn là vào thời điểm đó Kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa gọi điện mời tôi trở thành đối tác tại công ty của anh ấy và cùng phát triển một số dự án. Trong năm cơ hội đó thì cơ hội thứ năm là thú vị nhất và tôi đã chọn. Trước đó tôi cũng đã từng làm một số dự án nước ngoài ở Nhật Bản, ví dụ ở Việt Nam, Đài Loan, Hong Kong, hầu hết đó là các dự án chưa được xây dựng và tôi luôn muốn có cơ hội được làm việc ở hải ngoại. Tôi luôn nghĩ về điều này, bởi vì đó là một cơ hội tốt và tôi luôn cảm ơn Kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa về việc làm ở công ty của anh ấy.

10. Cơ duyên nào mà khách hàng của HẺM House tìm đến, lựa chọn Kiến trúc sư?

Khách hàng của HẺM House là cặp vợ chồng mà người vợ có quốc tịch Việt Nam, còn người chồng có quốc tịch Nhật Bản. Họ là một cặp đôi trẻ và họ mua được một lô đất nhỏ ở trong hẻm. Họ biết về công trình mà tôi đã thiết kế trước đó là Stacking Green, Gia Lai House, Anh House, … Họ yêu thích ngôn ngữ thiết kế đơn giản, quan tâm tới thông gió tự nhiên, sử dụng vật liệu tự nhiên. Bởi vậy họ đặt vấn đề với tôi thiết kế ngôi nhà của họ.

Hẻm House công trình của KTS Sanuki Daisuke/ SDA.

11. Anh đón nhận tín hiệu này của thị trường như thế nào?

Tôi đến xem mảnh đất của họ. Lô đất đó khá nhỏ, kích thước chỉ là 4 m x 12 m, diện tích khoảng 40 m2 ngay tại góc đường của hai hẻm giao nhau, một hẻm rộng 2,5 m, con hẻm kia rộng 1,7 m. Khu đất quá nhỏ và khiến tôi khó xử. Làm thế nào có thể xây dựng một công trình ở đây? Tôi thực sự rất hứng thú với dự án này. Ngày hôm sau tôi tới khu đất và đi xung quanh để khảo sát hiện trạng của hẻm, những ngôi nhà trong hẻm, cũng như cách mà người dân sống ở đó. Dưới góc nhìn của một khách du lịch hoặc người nước ngoài, chúng ta sẽ nghĩ là nơi này rất thú vị, chúng ta thấy ánh sáng, mọi người phơi quần áo trên ban công, rất nhiều cây xanh và bạn không thể nhìn xuyên qua đó, … Về cơ bản, rất nhiều hoạt động hấp dẫn diễn ra ở bên ngoài nhà. Nhưng thực tế khi bạn tập trung vào nội thất các ngôi nhà thì thực sự không thú vị, bởi họ phải tập trung vào vấn đề đảm bảo an ninh trước và họ phải làm những lưới bảo vệ nhà mình khỏi trộm. Hẻm House lại rất nhỏ nên chủ nhà không muốn nhận chiếu sáng trực tiếp từ mặt trời. Điều đó sẽ khiến ngôi nhà rất nóng, bởi vậy họ luôn sử dụng những cửa sổ nhỏ, nhưng họ cũng phải tìm cách giữ được riêng tư nên họ chọn dùng các loại kính mờ, loại tấm cửa sổ dán đen, vào ban ngày họ vẫn phải sử dụng chiếu sáng nhân tạo bằng đèn điện, và điều này thì không ổn chút nào. Vì thế tôi nói với khách hàng của mình: “Thôi được! Hãy tìm cách tận hưởng HẺM House!”. Đó là điều đầu tiên mà tôi nói với khách hàng của mình.

12. Vậy đó là một hướng tiếp cận mới cho cuộc sống mới của đôi vợ chồng ấy?

Đúng vậy, chúng tôi cố gắng tạo ra một cuộc sống mới cho hẻm. Chúng tôi giữ được sự riêng tư đồng thời đảm bảo an ninh, và bởi vì nhiệt độ ngoài trời khá cao gây cảm giác nóng bức khó chịu nên tôi tập trung phát triển lớp vỏ của công trình.

13. Kiến Việt rất thích một câu trả lời phỏng vấn trên VTV24 của bạn: “Kiến trúc của tôi không hướng đến vẻ đẹp bắt mắt bề ngoài”. Vậy kiến trúc mà bạn định hướng đến là gì?

Tôi tin là kiến trúc không chỉ tập trung vào vẻ đẹp bắt mắt. Có rất nhiều điều chúng ta có thể thấy và có thể lắng nghe từ bên trong. Hãy nói khi chúng ta bước vào nhà qua khung cửa? Chúng ta có thể tạo ra bầu không khí như thế nào cho ngôi nhà? Điều gì con người cảm nhận được từ bên trong? Đó là những điều rất quan trọng. Sếp của tôi nói rằng thiết kế kiến trúc của thế kỷ 20 và thế kỷ 21 là khác nhau. Thiết kế của thế kỷ 20 tập trung vào vẻ đẹp, nhưng kiến trúc của thế kỷ 21 đã khác. Giờ đây bạn có thể nhanh chóng tìm thấy những bức ảnh ngôi nhà đẹp ở trên mạng Internet. Điều đó cũng tốt khi chúng ta chia sẻ. Những vẻ đẹp đó rồi sẽ nhanh chóng trở nên buồn tẻ trong tương lai. Có quá nhiều vấn đề với kiến trúc. Khi tôi nghĩ về điều mà Sếp tôi nói thì kiến trúc của thế kỷ 21 không chỉ là những gì chúng ta có thể nhìn thấy, mà còn là cách những cơn gió thổi qua, ánh sáng chiếu tới, âm thanh vọng lại, những hoạt động của con người, … Tôi thích công trình “33rd Lane House” mà Kiến trúc sư Geoffrey Bawa thiết kế tại Srilanka. Công trình đó có rất nhiều lỗ thủng qua ba tầng nhà. Khi mặt trời di chuyển thì bên trong biến đổi hoàn toàn. Những điều này bạn không thể nhìn qua ảnh được. Khi tôi đi tham quan công trình này, tất cả mọi thứ có thể thay đổi, có rất nhiều sân trong. Đây thực sự là một trong những điều tuyệt vời nhất ảnh hưởng tới cách tôi suy nghĩ về thiết kế kiến trúc. Và điều này đã xảy ra từ 10 năm trước đây.

14. Điều đó nghĩa là có những kiến trúc bạn không thể chỉ nhìn ảnh, bạn phải cảm nhận và sống trong không gian đó?

Điều thú vị là Sếp của tôi dạy ở trường đại học – ông Kojima – nói rằng “Khi bạn đọc một cuốn sách sẽ luôn rất nhanh. Nhưng khi xem một hình ảnh, bạn nên xem trong ba phút. Bạn sẽ thấy thêm thông tin khác từ trang sách”. Trên Internet bạn có thể nhanh chóng thấy điều mình cần, dễ thay đổi và thực tế là điều quan trọng, không chỉ là những bức ảnh mà bạn phải trải nghiệm những không gian. Nhưng vì bạn không thể có đủ thời gian để đi mọi nơi được nên bắt buộc phải xem ảnh.

15. Anh biết không, ở Việt Nam chúng tôi gọi đó là kiến trúc mạng (Internet architecture)?

(Cười) Anh biết không, 20 năm trước người ta gọi là kiến trúc giấy “paper architecture”!

16. Mặt tiền và trang trí cửa của HẺM House là tập hợp những đường tròn đồng tâm, “Thanh hải ba” – những con sóng biển thanh nhã hay phong cách Design Seigaiha truyền thống của Nhật Bản? Đó là một thứ chữ ký của anh trong không gian?

Thực sự không có nhiều liên quan tới việc đó. Khi tôi đi xung quanh lô đất, tôi thấy rất nhiều họa tiết, chúng tôi chụp ảnh lại để thu thập và lựa chọn mẫu. Đó cũng là phương pháp tôi tìm cách sử dụng các họa tiết Việt Nam, hòa trộn những họa tiết đó lại với nhau để áp dụng cho công trình.

17. Những khoảng sàn, mảng tường phẳng, thẳng, giản đơn trong HẺM chịu ảnh hưởng chủ nghĩa thô mộc hay là được gợi ý từ những kiến trúc tinh giản, tiết chế, lược bỏ trang trí hình thức như vẫn thấy trong Trà thất, nhà phố thị (machiya)?

Điều này rất khó giải thích. Trong ngôi nhà với kích thước tương đối nhỏ 4 m x12 m , trong quá trình bắt đầu thiết kế, tôi nghĩ tới việc sử dụng các thủ pháp không gian đa dạng như sàn lệch tầng. Nhưng sau cùng tôi chọn phương án đơn giản hơn, chỉ thay đổi chiều cao tầng thôi. Bởi vì đây là nhà trong hẻm, thiết kế lớp vỏ bao che quan trọng hơn nhiều, nếu định sử dụng thủ pháp khoảng rỗng thì rất khó thể hiện rõ ràng ý tưởng. Một điều quan trọng hơn là đây không phải là ngôi nhà Nhật Bản – nơi nhà nhỏ và người ta muốn tạo ra những ngôi nhà độc đáo và mới lạ. Đây là Việt Nam. Tôi nghĩ chúng ta không cần phải tạo nên những ngôi nhà “lạ lùng” ở đây.

18. Ý anh là ngôi nhà Nhật Bản đương đại ?

Ví dụ ở Tokyo, những ngôi nhà rất nhỏ hẹp và chi phí rất giới hạn, mọi người cố gắng tạo ra những căn nhà với hình thù lạ lùng. Tôi nghĩ là ở Việt Nam đó không phải là cách thức phù hợp, bởi bối cảnh giữa Tokyo và Thành phố Hồ Chí Minh rất khác nhau. Nếu chúng ta có bối cảnh ở khu hẻm thì phải tập trung vào hẻm, và đó sẽ là điều đặc biệt nếu hướng tới phong cách kiến trúc. Chính vì thế tôi sử dụng sàn phẳng. Tôi đã thử các thủ pháp khoảng trống, nhưng – như anh thấy đấy – chỉ với 40 m2 bạn tạo ra các khoảng rỗng là vô nghĩa, do đó tôi tập trung phát triển lớp vỏ và cửa sổ.

19. Anh có nghĩ rằng hai công trình – HẺM House và Bình Thạnh House – đã thể hiện sự vượt trội so với các công trình đã từng kết hợp trước đó với Kiến trúc sư Việt Nam ?

Tôi đã làm việc với anh Võ Trọng Nghĩa như là đối tác trong công ty. Tôi cũng thành lập một công ty có tên S+N và giờ tôi đổi tên công ty thành SDA. S+N và SDA là một nhưng không liên quan tới công ty Võ Trọng Nghĩa. Khi tới Việt Nam tôi bắt đầu sự nghiệp thiết kế của mình với dự án Stacking Green House. Đó là một dự án thú vị và thử thách. Tại thời điểm đó tôi chưa quan tâm tới việc thiết kế ngôi nhà Việt với chi tiết bối cảnh, mà chỉ tiếp cận bản chất kiến trúc từ góc độ thiết kế đô thị. Bây giờ từ Anh House, Bình Thạnh House, Hẻm House, chúng tôi cố gắng suy nghĩ kỹ càng như người Việt về bối cảnh công trình cùng những điều đặc biệt của Việt Nam. Đó là những điều khác biệt với giai đoạn khi tôi còn làm việc ở Võ Trọng Nghĩa Architects. Có thể nói, bây giờ chúng tôi suy nghĩ khác biệt.

20. Có thể nói là cách tiếp cận khác và phong cách khác ?

Tôi thích tìm chọn thêm nhiều điểm đặc biệt của Việt Nam và đó là điều khác biệt với trước kia. Việt Nam là một đất nước đang phát triển và tôi yêu đất nước này. Đôi khi chúng ta thấy một khu đô thị mới mọc lên, nhiều công trình cao tầng được xây theo kiểu cóp nhặt, đôi khi mang phong cách thiết kế từ Singapore đem sang. Mọi thứ bị phá hủy để xây dựng những khu đô thị mới này. Gần như 100% thiết kế của các khu đô thị tại Việt Nam là sao chép. Nhật Bản cũng đã trải qua những điều tương tự vào năm 1917 – 1918, những nhà đầu tư dự án họ cũng làm như vậy.

21. Tôi thấy ở Nhật Bản cũng có nhiều phong cách kiến trúc trước đó?

Tôi nghĩ là hầu hết các khu đô thị đều không có sự đặc sắc. Việt Nam hay Kuala Lumpur thực ra có chung một thiết kế, rất có thể là như vậy. Tôi nghĩ nên tìm kiếm những điểm đặc sắc từ Kiến trúc cổ truyền Việt Nam, những giá trị cổ cần được khôi phục và khám phá để sử dụng lại cho những thiết kế mới và cả thiết kế đô thị nữa. Bởi vậy tôi thay đổi quan điểm thiết kế, chúng tôi tìm kiếm những điểm tốt đẹp trong kiến trúc, văn hóa và môi trường tại Việt Nam.

22. Với HẺM House, anh đã cố gắng rất nhiều để đưa kiến trúc – con người đến gần với chính mình và thiên nhiên hơn. Bạn nghĩ gì về triết lý hay mối quan hệ nào giữa “Kiến trúc – Con người – Thiên nhiên”?

Tôi nghĩ rằng mối liên hệ bộ ba Kiến trúc – Con người – Thiên nhiên trong bối cảnh đô thị phát triển rất quan trọng. Trong Hẻm House, tôi đặt tên là Hẻm bởi tôi muốn định nghĩa làm thế nào để xây một căn nhà đặc thù trong hẻm. Đó là điểm rất quan trọng. Có thể thấy bóng râm rất nhiều trong hẻm. Nhìn từ ngoài vào bạn sẽ thấy công trình rất đóng, không có nhiều cửa sổ. Nhưng thực tế, khi bước vào trong thì bạn sẽ thấy không gian rất mở và cửa sổ rất rộng. Thiết kế của HẺM House cố gắng khai thác các nguồn lực thiên nhiên, ví dụ chúng tôi cố gắng tạo ra sáu cửa sổ để phản xạ ánh sáng, giảm thiểu nhiệt năng đưa vào trong công trình, hay việc tạo ra những mảng vách ngăn bằng sắt để đảm bảo tính riêng tư và an toàn. Chúng tôi tìm cách tạo ra những luồng đối lưu gió qua cách mở cửa. Tuy nhiên trong Hẻm House, điều quan trọng theo tôi là cách tiếp cận “căn nhà có thể tương tác với đô thị”. Thông thường thì ngôi nhà sẽ đóng lại với xung quanh bởi chúng phải đảm bảo sự an toàn, và tính riêng tư. Tuy nhiên, kiến trúc có thể khiến ngôi nhà mở hơn.

Đó không chỉ là câu chuyện sử dụng mà là còn là triết lý thiết kế kiến trúc nữa. Kiến trúc phải giao tiếp với Đô thị – đó là điều quan trọng và chúng tôi luôn quan tâm tới bối cảnh và môi trường. Công trình Stacking Green House cũng là một ví dụ, Chúng tôi cố gắng sử dụng những vật liệu bản địa để tạo nên một thiết kế khác biệt. Với chiều dài của khu đất, bạn phải có những khoảng rỗng để tạo nên những không gian mở dẫn hướng cho gió lưu thông trong công trình. Bản thân ngôi nhà cũng tương tác lại đô thị, như tôi đã nói kiến trúc không chỉ là bản thân mỗi công trình mà là còn tương tác với không gian xung quanh. Tôi không biết chắc là Hẻm House có thể hiện triết lý thiết kế hay không, nhưng chúng tôi luôn cố gắng tạo nên những lối sống mới và những thiết kế đặc biệt cho bối cảnh./.


Nhằm tạo diễn đàn trao đổi thông tin và kết nối hơn nữa các lãnh đạo công ty kiến trúc –xây dựng – Tập đoàn LIXIL Việt Nam cùng kienviet.net đồng tổ chức chuỗi Hội thảo “Architecture Leader Perspective” tại hai thành phố lớn: Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh với chủ đề: “Kiến trúc – Triết lý – Con người – Thiên nhiên”.
Architecture Leader Perspective năm nay tập trung chủ yếu vào mối quan hệ giữa kiến trúc và triết lý trong mối quan hệ hài hòa giữa con người và thiên nhiên trước bối cảnh công trình xây dựng không ngừng gia tăng tại các thành phố lớn làm biến đổi cảnh quan, môi trường và không gian sống xung quanh. Hội thảo dự kiến diễn ra tại TP Hồ Chí Minh vào ngày 15/09 và Hà Nội vào ngày 22/09.
Tham gia hội thảo có 9 diễn giả trong nước và quốc tế: KTS Alessandra Cianchetta – công ty kiến trúc AWP (Pháp); KTS Chris Bosse – giám đốc công ty LAVA; KTS Sanuki Daisuke – văn phòng kiến trúc SDA (Nhật Bản); KTS Hoàng Thúc Hào – văn phòng kiến trúc 1+1>2; KTS Nguyễn Hoàng Mạnh – công ty MIA Design Studio; KTS Nicolas Moser – công ty kiến Group8Asia (Thụy Sĩ), KTS Pierre Huyard – công ty kiến trúc Huni Artchitectes; KTSNguyễn Văn Tất – công ty tư vấn&thiết kế TAD; KTS Lê Trương – công ty kiến trúc xây dựng TT-AS.

Kiến Việt Team