26/10/2022

Kinh tế cửa khẩu Lạng Sơn: ‘Hạt nhân’ kết nối giao thương với quốc tế

(KTVN) – Trong những năm qua, các dịch vụ kinh tế cửa khẩu của Lạng Sơn có những bước phát triển đột phá. Định hướng trong thời gian tới, kinh tế cửa khẩu sẽ là “hạt nhân” tạo cầu nối giao thương với quốc tế, làm đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững.

Lạng Sơn là điểm nút của sự giao lưu kinh tế với các tỉnh phía Tây như Cao Bằng, Thái Nguyên, Bắc Kạn, phía Đông như Quảng Ninh, phía Nam như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội và cửa ngõ nối Trung Quốc với các nước ASEAN qua 2 cửa khẩu quốc tế, 1 cửa khẩu chính và 9 cửa khẩu phụ.

Trong những năm vừa qua, UBND tỉnh Lạng Sơn đã dành nhiều nguồn lực, cơ chế, chính sách để đầu tư và xã hội hóa đầu tư hạ tầng giao thông, bến bãi, các khu vực chức năng, các dịch vụ hậu cần (logistics) ngày càng khang trang, hiện đại, bài bản để phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, xuất nhập cảnh người và phương tiện qua các khu vực cửa khẩu.

Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị (Ảnh: KTS Nguyễn Phú Đức)

Thời gian qua, sự phối hợp giữa các ngành, các cấp, các lực lượng quản lý cửa khẩu ngày càng hiệu quả, đảm bảo giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội và bảo đảm vệ sinh môi trường. Các cửa khẩu, lối mở biên giới trong khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn được chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như hệ thống đường giao thông, nhà trạm làm việc của các lực lượng chuyên ngành tại cửa khẩu, quy hoạch chi tiết khu vực các cửa khẩu.

Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, trong giao thương đường bộ với Trung Quốc, một khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu rất lớn đi qua cửa khẩu này, góp phần lưu thông cả nguồn hàng đầu vào và đầu ra cho sản xuất ở trong nước. Ngay cả khi dịch COVID-19 tác động tiêu cực, cửa khẩu Hữu Nghị vẫn phát huy vai trò quan trọng thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hóa không chỉ giữa Việt Nam mà cả các nước ASEAN và nước thứ ba với thị trường Trung Quốc.

Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị được xây dựng với mô hình quản lý, giao lưu dịch vụ thương mại mang tầm quốc tế, đáp ứng yêu cầu phát triển trước mắt cũng như trong tương lai theo hướng văn minh, hiện đại. Tạo cơ sở thuận lợi cho công tác xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu, giao dịch xúc tiến thương mại, phục vụ khách du lịch tham quan.

Hiện tại, công suất bến bãi tại Cửa khẩu Hữu Nghị cao điểm có thể phục vụ cho khoảng 2.000 lượt phương tiện tập kết, sang tải khoảng từ 15.000-20.000 tấn hàng hóa, năng lực đã tăng gấp đôi so với công suất thiết kế ban đầu.

Cửa khẩu Chi Ma, cơ sở hạ tầng đã được đầu tư đồng bộ đảm bảo phục vụ tốt cho hoạt động xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu hàng hóa tại cửa khẩu. Nhà làm việc liên ngành và đường vận tải hàng hóa được đầu tư hoàn thành, đưa vào sử dụng; đang thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư mở rộng Cổng cửa khẩu và Tuyến đường vận tải hàng hóa hiện nay từ 27m lên 31m.

Cửa khẩu Chi Ma đảm bảo phục vụ tốt cho hoạt động xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu hàng hóa

Cửa khẩu phụ Bình Nghi hiện đã đầu tư xây dựng nhà kiểm soát liên hợp, nhà công vụ cho các lực lượng chức năng; các bến bãi xuất nhập khẩu hàng hóa và đường giao thông ra vào cửa khẩu cơ bản đáp ứng yêu cầu về xuất nhập khẩu hàng hóa và yêu cầu nhiệm vụ của các lực lượng chức năng.

Khu vực cửa khẩu này hiện đang thực hiện thông quan hàng hóa bằng đường thủy (sông Kỳ Cùng), có đường biên giới trên một đoạn sông; đồng thời giữa 2 bên cửa khẩu Việt Nam và Trung Quốc đã thống nhất và thực hiện đấu nối đường bộ nhằm thúc đẩy hoạt động thương mại biên giới hơn nữa. Do vậy, việc mở thêm lối mở đường bộ và nâng cấp thành cặp cửa khẩu song phương có ý nghĩa quan trọng và đáp ứng nguyện vọng của cư dân 2 bên, đồng thời là cơ hội để phát triển du lịch sinh thái, du lịch cảnh quan đường thủy.

Cửa khẩu phụ Nà Nưa đã có nhà kiểm soát liên hợp, nhà công vụ; bãi đỗ xe sang tải xuất, nhập khẩu hàng hóa; hệ thống cấp điện, cấp nước đảm bảo cho các lực lượng chức năng; giao thông ra, vào cửa khẩu thông thoáng cho các loại phương tiện vận chuyển hàng hóa lưu thông biên giới.

Cửa khẩu phụ Na Hình đã có nhà kiểm soát liên hợp, nhà công vụ cho các lực lượng chức năng; các bến bãi xuất nhập khẩu hàng hóa và hệ thống điện, nước và giao thông ra vào cửa khẩu cơ bản đáp ứng yêu cầu về xuất nhập khẩu hàng hóa và yêu cầu nhiệm vụ của các lực lượng chức năng.

Cửa khẩu phụ Tân Thanh đã xây dựng nhà cổng cửa khẩu, nhà làm việc của Chi Cục Hải quan Tân Thanh, nhà công vụ, bãi đỗ xe xuất nhập khẩu; hệ thống điện, nước và đường giao thông đảm bảo đáp ứng yêu cầu hoạt động xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu lưu thông biên giới; có các chợ Biên giới, trung tâm thương mại, khu tâm linh Chùa Tân Thanh đáp ứng nhu cầu khách du lịch và tham quan Biên giới. Khu vực cửa khẩu còn có đường chuyên dụng vận tải hàng hóa, đã có bến bãi để tập kết và kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu cơ bản đáp ứng được nhu cầu.

Xe làm thủ tục thông quan tại cửa khẩu Tân Thanh. (Ảnh: TL)

Bên cạnh đó, hạ tầng khu vực cửa khẩu Tân Thanh đã hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều công trình như: Trục đường giao thông từ cửa khẩu nối với Quốc lộ 4A (Pắc Luống – Tân Thanh); khu tái định cư Tân Thanh, hệ thống đường nội bộ, điện chiếu sáng; đấu nối đường bộ tại cặp chợ biên giới Tân Thanh (Việt Nam) – Pò Chài (Trung Quốc); công trình đường giao thông khu phi thuế quan; các hạng mục nhà kiểm soát liên hợp, nhà công vụ cho các lực lượng chức năng, hệ thống bến bãi. Đặc biệt, công trình cổng cửa khẩu Tân Thanh hoàn thiện và đi vào sử dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh qua cửa khẩu.

Cửa khẩu phụ Cốc Nam đã có nhà kiểm soát liên hợp, nhà công vụ, các bãi đỗ xe sang tải, hệ thống cấp điện, cấp nước đảm bảo đáp ứng yêu cầu hoạt động xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu và lưu thông biên giới.

Cửa khẩu phụ Pò Nhùng, đường giao thông, hạ tầng bến bãi đã được đầu tư cơ bản; nhà làm việc liên ngành chưa xây dựng do mới quy hoạch lại khu vực cửa khẩu và đang thỏa thuận, thống nhất điểm đấu nối đường bộ qua biên giới khu vực này.

Cửa khẩu phụ Co Sâu đã có nhà kiểm soát liên hợp, nhà công vụ, bến bãi, hệ thống điện, nước, giao thông đảm bảo đáp ứng yêu cầu cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa và yêu cầu, nhiệm vụ của các lực lượng chức năng.

Cửa khẩu phụ Nà Căng đã có nhà ở của cán bộ chiến sỹ Trạm kiểm soát Biên phòng; chưa xây dựng nhà kiểm soát liên hợp, nhà công vụ, bãi đỗ xe xuất nhập khẩu; hệ thống cấp điện, cấp nước.

Cửa khẩu phụ Bản Chắt đã có nhà kiểm soát liên hợp, nhà công vụ; bến bãi, hệ thống điện, nước và giao thông đảm bảo đáp ứng yêu cầu cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa và yêu cầu, nhiệm vụ của các lực lượng chức năng.

Tại các cửa khẩu, lối mở biên giới đều được bố trí đầy đủ các lực lượng chuyên ngành, cơ quan liên quan để quản lý điều hành các hoạt động như hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa; xuất nhập cảnh, xuất nhập biên của người, phương tiện vận tải; hoạt động đầu tư xây dựng và thu ngân sách nhà nước tại các cửa khẩu.

Công tác phối hợp quản lý nhà nước dần đi vào nề nếp, đặc biệt là triển khai quy trình thông quan xuất nhập khẩu hàng hóa được liên thông giảm thiểu chi phí thời gian cho các doanh nghiệp; công tác giải phóng mặt bằng theo đúng nhiệm vụ, quy trình đã đẩy nhanh tiến độ giao đất sạch cho các nhà đầu tư, các dự án tái định cư được xây dựng kèm theo chính sách hỗ trợ ổn định đời sống cho các hộ gia đình có nhà đất trong diện thu hồi.

Công tác vệ sinh môi trường được thực hiện, tạo môi trường sạch đẹp với mục tiêu phát triển bền vững; công tác đối ngoại được các cơ quan phối hợp triển khai, định kỳ tổ chức cuộc họp với các cơ quan quản lý cửa khẩu phía Trung Quốc để nắm bắt tình hình và tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp.

Mục tiêu của Lạng Sơn trong thời gian tới là tiếp tục giữ vững vị thế là cửa khẩu thương mại đường bộ quan trọng nhất của cả nước, là điểm trung chuyển đường bộ quan trọng nhất trong kết nối Trung Quốc với Việt Nam và các nước Đông Nam Á. Đồng thời, phấn đấu để Lạng Sơn trở thành “thành phố biên giới xanh” với “khu đô thị cửa khẩu” thông qua việc mở rộng các dịch vụ cung cấp cho hoạt động xuất nhập khẩu nói chung và chế xuất, thương mại nông sản nói riêng.

Phát triển khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn thành trung tâm kinh tế cửa khẩu hiện đại, năng động, trung tâm dịch vụ cửa khẩu và hậu cần logistic quốc gia và quốc tế. Là một trong những trung tâm du lịch, trung tâm thương mại, dịch vụ tài chính trọng điểm của tỉnh Lạng Sơn và vùng Đông Bắc, là nơi ứng dụng công nghệ sạch trong sản xuất, gắn với phát triển bền vững và đảm bảo môi trường sinh thái.

Phối cảnh Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng Lạng Sơn. (Ảnh: TL)

Phấn đấu đến năm 2025, cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị trở thành “cửa khẩu kiểu mẫu” dựa trên 5 tiêu chí gồm: kiểu mẫu về cơ sở vật chất, kiểu mẫu về trang bị, phương tiện kỹ thuật, kiểu mẫu về con người (cán bộ, nhân viên công tác tại cửa khẩu), kiểu mẫu về thủ tục thông quan và kiểu mẫu về phối hợp hoạt động hai bên.

Đồng thời, cửa khẩu Tân Thanh đóng vai trò là “trung tâm thương mại nông nghiệp”, là khu kinh tế, thương mại, dịch vụ và du lịch quan trọng của tỉnh; là nơi tập trung các hoạt động dịch vụ, thương mại, giao thương quốc tế.

Cửa khẩu Chi Ma đóng vai trò là trung tâm kho bãi, cung ứng và phân phối đơn hàng cho thương mại điện tử nhằm hội nhập xu hướng phát triển kinh tế số và luồng hàng tiêu dùng từ Trung Quốc.

Cửa khẩu đường sắt Đồng Đăng sẽ trở thành một tuyến vận tải đường dài có tính cạnh tranh cao dựa trên dịch vụ logistics và các dịch vụ hỗ trợ thông minh, hiện đại tương xứng với sự phát triển của dịch vụ đường sắt các nước ASEAN.

Đến năm 2030, phát triển khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn thành trung tâm kinh tế cửa khẩu hiện đại, năng động, xanh; hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại và có mạng lưới dịch vụ hoàn thiện; trung tâm dịch vụ cửa khẩu và hậu cần logistic quốc gia và quốc tế.

Để đạt được mục tiêu đó, Lạng Sơn định hướng sẽ hình thành mạng lưới các khu thương mại – dịch vụ tại đô thị Đồng Đăng, các khu vực cửa khẩu; cải tạo, nâng cấp hệ thống các cặp chợ biên giới. Tập trung phát triển các ngành dịch vụ, gắn với kinh tế cửa khẩu, trọng tâm là dịch vụ thương mại, logistics, dịch vụ tài chính, ngân hàng.

Phát triển các loại hình dịch vụ phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu; Xây dựng trung tâm logistics cao cấp có quy mô đủ lớn (khoảng hơn 100ha); Hạn chế tối đa việc phát triển các kho, bãi tự phát trong hành lang giao thông; Khuyến khích các ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng trong và ngoài nước thiết lập các chi nhánh hoặc điểm giao dịch tiền tệ tại khu kinh tế cửa khẩu; Đẩy mạnh phát triển các loại hình vận tải; Khuyến khích phát triển các loại hình dịch vụ qua biên giới gắn với kinh tế cửa khẩu;

Hợp tác với phía Trung Quốc định hướng xây dựng du lịch qua biên giới kết hợp với điểm danh lam thắng cảnh tại khu vực biên giới của 2 nước; Hình thành ít nhất một khu trung chuyển hàng hóa quy mô với đầy đủ các chức năng tạo thuận lợi cho việc xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới tại Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn; Hình thành khu dịch vụ trạm nghỉ để phục vụ các lái xe tải đường dài.

Đồng thời, Lạng Sơn định hướng ưu tiên phát triển các cửa khẩu trên địa bàn. Cụ thể, trong 12 cửa khẩu trên địa bàn tỉnh thì 5 cửa khẩu (Hữu Nghị, Tân Thanh, Đồng Đăng, Chi Ma và Bình Nghi ) với lưu lượng và kim ngạch hàng xuất nhập khẩu cao, có tiềm năng phát triển tốt trong thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050.

Đối với 5 cửa khẩu này, Lạng Sơn cần có định vị giá trị khác biệt cho từng cửa khẩu nhằm định hướng phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ và khai thác nguồn thu ngân sách cho tỉnh từ luồng hàng giao thương qua biên giới.

Trong đó, cửa khẩu Hữu Nghị sẽ trở thành cửa khẩu tiên tiến nhất ASEAN phát triển dựa trên ứng dụng công nghệ cao, có hệ thống giao thông đường bộ hiện đại kết nối với cảng biển, sân bay.

Cửa khẩu đường sắt Đồng Đăng hướng tới cung cấp chính các dịch vụ logistics và các dịch vụ hỗ trợ thông minh, hiện đại tương xứng với sự phát triển của dịch vụ đường sắt các nước ASEAN.

Tại cửa khẩu Chi Ma sẽ tập trung phát triển kho bãi và dịch vụ logistics cho thương mại điện tử.

Cửa khẩu Tân Thanh phát triển theo hướng trở thành trung tâm chế xuất nông sản và tiêu thụ hàng nông sản cho Việt Nam, các nước ASEAN và Trung Quốc thông qua sàn giao dịch nông sản.

Cửa khẩu Cốc Nam có lợi thế về vị trí gần Tân Thanh, Hữu Nghị và kết nối với cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh, là đầu mối giao thông quan trọng kết nối với khu phi thế quan và các cửa khẩu Tân Thanh, Hữu Nghị. Cửa khẩu Cốc Nam sẽ là khu kinh tế thương mại, dịch vụ biên giới đáp ứng mặt bằng các công trình dịch vụ.

Đối với những cửa khẩu nhỏ, lối mở khác có ít nhu cầu vận tải hàng hóa và hành khách cần đánh giá để giữ nguyên hiện trạng để tập trung nguồn lực phục vụ nhiệm vụ an ninh và kinh tế tại các cửa khẩu song phương có tiềm năng cao hơn.

Từ những định hướng trên, Lạng Sơn sẽ tập trung thực hiện đề án Phát triển thương mại, du lịch cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị; Tập trung đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông; Đổi mới cơ chế, chính sách phát triển khu kinh tế của khẩu; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong hoạt động tại các cửa khẩu tỉnh Lạng; Đổi mới nội dung, cách thức quảng bá, giới thiệu tiềm năng của khu kinh tế cửa khẩu; Chủ động nâng cao chất lượng hàng hóa nông sản, trái cây; Đẩy mạnh xúc tiến thương mại để thu hút các mặt hàng có giá trị cao xuất khẩu qua địa bàn.

Tầm nhìn đến năm 2050, Lạng Sơn sẽ tiếp tục duy trì vị thế, vai trò quan trọng của khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn với vùng Trung du miền núi phía Bắc và cả nước. Phát triển các khu kinh tế cửa khẩu theo hướng không chỉ là một khu vực kinh tế cung cấp đa dạng các dịch vụ về thương mại và hậu cần mà còn phát triển các đô thị với kết cấu hạ tầng tương đối đồng bộ, hiện đại, có môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, không bị giới hạn ở các hoạt động sản xuất và xuất khẩu, có tính tích hợp cao với phần còn lại của nền kinh tế tỉnh Lạng Sơn trên cơ sở của sự kết nối hài hòa giữa hoạt động kinh tế – xã hội và bảo vệ môi trường. Các cửa khẩu phát triển theo hướng phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội và đối ngoại của Việt Nam.

Thực hiện: Quang Tuyền – Thiết kế: Đức Thịnh