26/10/2016

Kiến trúc xanh, Kỳ 2: KTS Hoàng Thúc Hào: “Cái xanh đó phải tạo ra một ngạc nhiên, bền vững với thời gian…”

“Công trình xanh nào cũng khiến tôi thích thú, nhất là công trình “tự thân xanh”. Cái xanh đó phải tạo ra một ngạc nhiên, bền vững với thời gian, tiết kiệm năng lượng… Hơn hết là con người sống trong công trình đó luôn hứng khởi, hạnh phúc dù không phải bỏ ra quá nhiều tiền…” – 25 năm theo đuổi kiến trúc xanh nhưng lúc nào nói về lĩnh vực này, KTS Hoàng Thúc Hào cũng say mê như chính niềm hạnh phúc mà anh dành cho mọi người.

Kiến trúc sư đồng thời là… nhà văn hóa

Nói đến kiến trúc xanh, nhiều người lầm tưởng chữ “xanh” kia là cây xanh, giải quyết các vấn đề liên quan đến môi trường. Nhưng không. Theo KTS Hoàng Thúc Hào, cây xanh chỉ là một phần rất nhỏ trong kiến trúc thân thiện môi trường.

Muốn đạt tiêu chuẩn kiến trúc xanh, ngoài cây xanh, công trình đó phải đáp ứng 5 tiêu chí do Hội Kiến trúc sư Việt Nam đặt ra: Lựa chọn địa điểm bền vững, không ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên và lịch sử, chất lượng môi trường bên trong công trình phải cách nhiệt tốt, “ấm đông mát hè”, tiết kiệm năng lượng… Công trình đó phải được ứng dụng những công nghệ mới, vật liệu mới như: vật liệu xanh, thiết bị tiết kiệm nước, pin mặt trời… , áp dụng kiến trúc tiên tiến, đậm đà bản sắc và mang yếu tố xã hội nhân văn, vì con người.

Trung tâm Hạnh phúc Quốc gia ở Bhutan do KTS Hào thiết kế khiến bạn bè quốc tế ngạc nhiên, thán phục

Trung tâm Hạnh phúc Quốc gia ở Bhutan do KTS Hào thiết kế khiến bạn bè quốc tế ngạc nhiên, thán phục. (Ảnh do Văn phòng Kiến trúc 1+1>2 cung cấp)

Theo KTS Hoàng Thúc Hào, công trình xanh khác với kiến trúc xanh, “đừng đổ đồng hai khái niệm đó với nhau, chúng không phải là một”. Nếu công trình xanh chỉ đơn thuần quan tâm đến hiệu quả năng lượng công trình (vật liệu tiên tiến, tiết kiệm năng lượng, không gây ô nhiễm môi trường…) thì kiến trúc xanh phải đáp ứng trọn vẹn tiêu chí bản sắc, nhân văn, quan tâm đến tâm lý tình cảm, phong tục tập quán của con người.

“Nước ta vốn có lịch sử lâu đời với 54 dân tộc, mỗi công trình phải hướng đến đối tượng cụ thể để thiết kế, xây dựng. Mỗi địa phương, mỗi quốc gia mang đặc thù riêng, điều kiện riêng, KTS phải biết lấy đó làm thế mạnh để tạo ra yếu tố xanh phù hợp nhất, tạo rõ bản sắc cho từng dân tộc, quốc gia. Phải tìm hiểu kỹ tập quán vùng miền, quan tâm đến phong tục, thói quen, tâm tính, sở thích của con người bản địa, đồng thời phải tìm hiểu rõ đặc điểm thời tiết khí hậu, vật liệu sẵn có trong vùng… để sáng tạo nên công trình phù hợp nhất, tạo cảm giác thoải mái nhất, hạnh phúc nhất cho mọi người khi sử dụng công trình đó”.

Nhà cộng đồng Tả Phìn, Lào Cai mang đến cảm giác thoải mái nhất cho người dân tộc Dao

Nhà cộng đồng Tả Phìn, Lào Cai mang đến cảm giác thoải mái nhất cho người dân tộc Dao. (Ảnh do Văn phòng Kiến trúc 1+1>2 cung cấp)

Nói là làm, rất nhiều công trình của KTS Hoàng Thúc Hào đã “đào sâu” phong cách bản địa, vừa kế thừa ông cha vừa sáng tạo nét hiện đại khiến công trình xanh trở nên lạ mà quen, quen mà lạ. Đó là nhà cộng đồng Suối Rè (Hòa Bình), Tả Phìn (Sapa, Lào Cai), nhà cộng đồng Nậm Đăm (Hà Giang), trường học Lũng Luông (Võ Nhai, Thái Nguyên) rực rỡ như đóa hoa rừng trên đỉnh núi… Anh từng mang ý tưởng trời tròn đất vuông của người Việt áp dụng khéo léo và độc đáo vào thiết kế Trung tâm Hạnh phúc Quốc gia ở Bhutan khiến bạn bè quốc tế ngạc nhiên, thán phục.

Rào cản mang tên nhận thức tại Việt Nam

Theo KTS Hoàng Thúc Hào, so với Mỹ, Singapo… mảng kiến trúc bền vững ở Việt Nam chậm hơn khoảng 20 năm. Nhưng tương lai của kiến trúc xanh luôn rộng mở khi mà ở Việt Nam, các vật liệu dành cho kiến trúc xanh rất sẵn. “Khí hậu VN cần nhất 2 yếu tố: thông gió đối lưu và cách nhiệt, cải thiện môi trường bên trong ngôi nhà. Cả hai yếu tố này được giải quyết bằng các vật liệu rất quen thuộc, sẵn có. Nhà dân gian của người Kinh, nhà đồng bằng Bắc Bộ, nhà của người dân tộc thiểu số… đều mang hơi hướng kiến trúc xanh với những ngôi nhà mái tre, tường đất, vách nứa…”.

Nhà cộng đồng Nậm Đăm của người Dao áo dài tại xã Quản Bạ (Hà Giang) được KTS Hoàng Thúc Hào sử dụng những vật liệu khá gần gũi với con người nơi đây

Nhà cộng đồng Nậm Đăm của người Dao áo dài tại xã Quản Bạ (Hà Giang) được KTS Hoàng Thúc Hào sử dụng những vật liệu khá gần gũi với con người nơi đây. (Ảnh do Văn phòng Kiến trúc 1+1>2 cung cấp)

Nói gì thì nói, vẫn còn rất nhiều thách thức với những KTS trẻ theo đuổi lĩnh vực kiến trúc thân thiện môi trường. Với KTS Hào, khó khăn lớn nhất khi xây dựng công trình kiến trúc bền vững vào thực tiễn Việt Nam là nhận thức của người dân. Bản thân anh, khi bắt tay vào xây dựng nên những công trình thân thiện môi trường đầu tiên đã rất khó khăn khi phải thuyết phục chủ nhà. Đồng ý xây công trình xanh đồng nghĩa với việc chủ nhà phải “sửa soạn” thêm chi phí cho thiết kế, mua vật liệu…

Được chủ nhà đồng ý rồi, từ khâu bản vẽ đến hiện thực còn gian nan gấp bội. Có những công trình KTS Hoàng Thúc Hào và đồng nghiệp phải đập đi xây lại hàng chục lần khiến chủ đầu tư khó chịu. Điển hình nhất là nhà cộng đồng xã Cẩm Thanh tại Hội An, Quảng Nam. Nhưng anh không nản lòng, vẫn kiên trì thuyết phục xây sửa đến khi nào ưng ý nhất mới thôi. Cứ thế, theo năm tháng, khả năng thuyết phục của anh trở nên… chuyên nghiệp hơn, số lượng công trình gây tiếng vang nhân rộng hơn. Chính anh cũng không ngờ có nhiều công trình vượt qua sự kì vọng ban đầu của mình, mang đến một ngạc nhiên thú vị cả về tính sáng tạo lẫn tính thực tiễn.

Nhà cộng đồng ở Cẩm Thanh, Hội An, Quảng Nam là một trong những công trình KTS Hào và đồng nghiệp phải đập đi sửa lại hàng chục lần

Nhà cộng đồng ở Cẩm Thanh, Hội An, Quảng Nam là một trong những công trình KTS Hào và đồng nghiệp phải đập đi sửa lại hàng chục lần. (Ảnh do Văn phòng Kiến trúc 1+1>2 cung cấp)

Khó khăn thứ hai với thực tiễn Việt Nam là kinh tế, người dân đa phần thu nhập thấp trong khi công nghệ, vật liệu trong kiến trúc bền vững rất đặc thù, chi phí “nhỉnh” hơn bình thường. Từ vật liệu xây dựng, thiết bị tiết kiệm điện, tiết kiệm nước… đều đắt đỏ, chưa nói “sang” hơn là dùng pin mặt trời, kính hộp, kính cách nhiệt…

Một yếu tố khác khiến nhiều chủ đầu tư e dè xây dựng công trình xanh là khoảng trống về luật còn bỏ ngỏ. Theo KTS Hoàng Thúc Hào, sự quản lý, hỗ trợ của Nhà nước đối với các công trình bền vững gần như chưa được áp dụng. Gần đây nước ta mới xây dựng được tiêu chí công trình xanh, mọi công trình thiết kế phải đáp ứng hàng loạt các tiêu chí, sử dụng vật liệu tiết kiệm năng lượng… mới được Sở Xây dựng cấp phép nhưng thực sự chưa đồng bộ, chặt chẽ. Nhà nước chưa có những khuyến khích cụ thể để thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư công trình xanh như giảm thuế trong đầu tư bất động sản về vật liệu xanh, kết cấu…

Dù còn nhiều khó khăn ở Việt Nam tạo rào cản khiến kiến trúc bền vững chưa thực sự phát triển xứng tầm với vai trò của nó trong xã hội hiện đại, nhưng KTS Hoàng Thúc Hào hi vọng trong tương lai, khó khăn này sẽ dần được tháo gỡ. Hiện rất nhiều KTS trẻ đã và đang lựa chọn con đường thiết kế, xây dựng những công trình kiến trúc thân thiện môi trường làm “kim chỉ nam” cho mình.

KTS Hoàng Thúc Hào luôn theo đuổi đến cùng đam mê của mình trong lĩnh vực kiến trúc bền vững

KTS Hoàng Thúc Hào luôn theo đuổi đến cùng đam mê của mình trong lĩnh vực kiến trúc bền vững

Quan tâm kiến trúc xanh từ hồi sinh viên, sau đó gắn bó 25 năm cuộc đời với những công trình kiến trúc thân thiện môi trường, KTS Hoàng Thúc Hào (giảng viên Đại học Xây dựng Hà Nội, KTS trưởng Văn phòng Kiến trúc 1+1>2) được coi là một trong những KTS lớp đầu “gõ cửa” lĩnh vực kiến trúc xanh, mở đường cho những công trình xanh “made in Việt Nam” vượt lãnh thổ chữ S, đến gần với thế giới.

Công trình đầu tiên của KTS Hoàng Thúc Hào là dự án “Trả lại cho đất những gì của đất” – Bảo tồn và phát triển làng gốm truyền thống Bát Tràng. Ngay lập tức dự án giúp anh ẵm giải Đặc biệt tại Bienale Kiến trúc quốc tế SOFIA 1994 – giải quốc tế đầu tiên trong đời. Thành công này là “bản lề” để KTS Hoàng Thúc Hào tự tin bước vào con đường xây dựng công trình xanh với hàng loạt các công trình gây tiếng vang lớn, nhất là các công trình nhà cộng đồng.

Nhắc đến Hoàng Thúc Hào, người ta phải nhắc đến nhà cộng đồng xã Cẩm Thanh (Hội An, Quảng Nam), nhà cộng đồng thôn Suối Rè (Lương Sơn, Hòa Bình), nhà cộng đồng Tả Phìn-Sa Pa, trường học trên đỉnh núi Lũng Luông (Thái Nguyên), Trung tâm Hạnh phúc Quốc gia ở Bhutan… với những giải thưởng xứng đáng cả trong và ngoài nước. Bản thân anh cũng được ghi nhận tài năng qua hàng loạt giải thưởng cao quý: Giải thưởng kiến trúc uy tín của Mỹ và châu Âu – Green Good Design năm 2013 và năm 2015, Giải Công trình cộng đồng tại Festival Kiến trúc Thế giới 2015 ở Singapore, Giải thưởng “Kiến trúc sư của năm” năm 2015…