30/01/2018

Khám phá biểu tượng kiến trúc mới của Thái Lan, Singapore

MahaNakhon, The Duo hay The Interlace là những công trình được coi là biểu tượng kiến trúc mới của Thái Lan, Singapore. Cùng PV khám phá những toà nhà độc đáo này.

Trong bối cảnh nền kinh tế châu Á, mà cụ thể là Đông Nam Á đang có sự phát triển với tốc độ chóng mặt, các thành phố lớn tại khu vực này đang không ngừng xây nên những toà nhà chọc trời, minh chứng cho tiềm lực kinh tế lớn mạnh.

Hàng năm, các toà nhà cao nhất thành phố hay cao nhất quốc gia lại được ra đời, nhưng rồi cũng nhanh chóng bị đánh bại về chiều cao bởi các toà tháp được xây sau. Do đó, chính nét đẹp kiến trúc của các toà nhà mới là yếu tố quyết định để được công chúng nhớ đến nó như biểu tượng của thành phố.

Đây là trường hợp của các toà tháp MahaNakhon, The Duo hay The Interlace tại Thái Lan và Singapore. Điểm chung của các toà nhà này là đều có thiết kế độc đáo, hoà hợp với thiên nhiên, người dân bản địa và đều do kiến trúc sư tài năng người Đức Ole Scheeren thiết kế.

Phóng viên Zing.vn đã có chuyến viếng thăm các toà nhà này để ghi lại những hình ảnh ấn tượng về kiến trúc.

Xứ sở Chùa Vàng từ lâu đã nổi tiếng với những đền, chùa, và cứ hễ nhắc đến Bangkok, người ta lại liên tưởng đến những ngôi chùa mạ vàng nằm bên sông Chao Praya, những trung tâm mua sắm sầm uất hay những ngôi miếu nhỏ để cầu nguyện trước các toà nhà.

Thách thức đặt ra cho Ole Scheeren là phải thiết kế nên một biểu tượng mới của Bangkok nói riêng, và cả Thái Lan  nói chung. Đó phải là biểu tượng cho một nền kinh tế đang phát triển chóng mặt ở Đông Nam Á, biểu tượng cho sự cởi mở, sáng tạo và sẵn sàng tiếp nhận cái mới của người dân Thái Lan.

Lấy ý tưởng từ trò chơi xếp hình Lego, Ole Scheeren đã biến tấu phần mặt ngoài của MahaNakhon với những khối vuông bằng kính chạy theo đường xoắn ốc, lõm vào sâu trong toà nhà một cách độc đáo, tạo nên các không gian ban công tự nhiên để người bên trong toà nhà gặp gỡ nhau hoặc cùng ngắm nhìn thành phố Bangkok từ trên cao.

Figure 1Phóng viên Zing.vn phỏng vấn ông Dave Jaturon Kingminghae, Giám đốc văn phòng Buro-OS Thái Lan

Quan sát từ bên dưới, MahaNakhon với chiều cao nổi bật hiện lên sừng sững, những tấm kính vuông vức như những điểm ảnh khổng lồ trên bề mặt toà nhà ánh lên màu xanh thăm thẳm dưới nền trời làm toát lên vẻ đẹp của sự hiện đại, tiến bộ. Không những thế, phần lõm vào có phần kì lạ nằm ở giữa toà tháp còn tạo cảm giác tò mò và mong muốn được khám phá.

Thiết kế của toà nhà đã thoát ra khỏi lối mòn của những toà nhà cũ, tạo nên không gian ban công tự nhiên, giúp người đứng tại MahaNakhon có được tầm nhìn rộng mở, dễ dàng tương tác, kết nối được với cả thành phố. Đây cũng là biểu trưng cho tính cách của người Thái: cởi mở, thân thiện và sẵn lòng chấp nhận những cái mới.

Khi bước vào bên trong MahaNakhon, sự choáng ngợp là cảm giác bao trùm tôi lúc đó. Nội thất bên trong toà nhà được thiết kế rất hiện đại và sang trọng. Những tấm kính trên bề mặt toà nhà có độ dày lên đến 0,5 m và có khả năng điều hoà ánh sáng giữa bên ngoài và bên trong toà nhà. Vì thế, dù đang ở Thái Lan – một đất nước nhiệt đới, tôi không có cảm giác chói chang của ánh nắng mặt trời khi nhìn từ bên trong toà nhà ra ngoài. Mọi thứ đều nhẹ nhàng, thoải mái và cực kì tinh tế.

Khi được bước ra ban công nằm ở khu vực phần giữa của toà nhà, tôi thực sự ngỡ ngàng và cũng tràn đầy thích thú khi được phóng tầm nhìn ra cả thành phố xinh đẹp. Bangkok lúc này hiển hiện ra trước mặt, rất nhộn nhịp nhưng cũng thật yên bình. Và tôi tin, bất kì ai được đứng ở đây cũng sẽ có cảm giác thêm yêu thành phố này hơn.

Khu phức hợp MahaNakhon được khởi công xây dựng từ tháng 6/2011 và hoàn thành vào tháng 4/2016, bao gồm toà tháp chính, một khu thương mại cao cấp (MahaNakhon Cube) và quảng trường MahaNakhon dành cho các sự kiện ngoài trời. Trong đó, toà nhà chính là tháp MahaNakhon với 77 tầng, cao 314,2 m, cung cấp dịch vụ khách sạn, khu căn hộ cao cấp và khu vực quan sát.

Riêng khu vực quan sát sẽ được mở cửa bán vé cho du khách tham quan vào năm 2018. MahaNakhon hiện là toà nhà cao nhất Thái Lan và hứa hẹn sẽ là biểu tượng cho sự hiện đại, phát triển của đất nước Thái Lan xinh đẹp.

Tính đến nay, bản thiết kế MahaNakhon của Ole Scheeren đã giành được rất nhiều giải thưởng quốc tế danh giá về kiến trúc, bao gồm Giải thưởng Asia Pacific Property (2015), Giải thưởng Thailand Property (2014), Giải thưởng South East Asia Property (2014),…

Không dừng lại ở Thái Lan, dấu ấn kiến trúc của Ole Scheeren còn hiện diện tại đảo quốc sư tử Singapore. Vốn là một đất nước nhỏ bé nhưng phát triển vượt bậc, thành phố Singapore được phủ đầy bởi các toà nhà chọc trời nối tiếp nhau. Vì thế, Ole Scheeren phải tạo nên những toà nhà khác biệt, mang theo chính triết lý sáng tạo, kết nối con người của ông nhưng cũng phải vừa mang vẻ đẹp thẩmmỹ, phù hợp với kiến trúc tổng thể của Singapore.

Toà nhà đầu tiên là The Interlace, một khu nhà ở xã hội lớn được chính phủ tài trợ tại Singapore. Quá nhàm chán với những toà nhà chung cư thẳng đứng, đưa con người vào những block nhà vuông vức, Ole đã suy nghĩ khác đi với mong muốn tạo nên một môi trường sống với nhiều không gian chung hơn, giúp con người chẳng những có được sự riêng tư mà còn có nhiều nơi để cư dân toà nhà chia sẻ và kết nối với nhau.

Do đó, Ole đã nảy ra một ý tưởng táo bạo là xếp chồng so le 31 block nhà lên nhau theo phương ngang với bố cục hình lục giác, loại bỏ sự tách biệt trong các thiết kế chung cư truyền thống, hình thành bố cục không gian đóng mở hợp lí và tối đa hoá các không gian cộng đồng.

Thiết kế này đã giúp cho mỗi block nhà đều có được bốn mặt thoáng tiếp xúc với không khí tự nhiên, và không gian hình lục giác được tạo nên bởi các block chung cư chính là môi trường sinh hoạt công cộng vô cùng rộng rãi và thoáng mát cho cư dân, bao gồm công viên cây xanh, hồ bơi.

Dạo một vòng quanh công viên của The Interlace, tôi dường như quên đi mất mình vẫn đang có mặt ở một quốc gia nhiệt đới nóng ẩm vì khu vực này được trồng rất nhiều cây xanh. Không những thế, những hồ bơi xanh rì, các thác nước nhân tạo luôn ẩn nấp đâu đó phía sau tán cây càng làm tầm mắt thêm thư giãn, mát mẻ dù tôi đến The Interlace vào lúc giữa trưa.

Hướng ánh nhìn lên cao, chứng kiến các block nhà xếp chồng xen kẽ rất nghệ thuật, tôi phải thầm khâm phục tài năng của vị kiến trúc sư và tầm nhìn của chính phủ Singapore khi quyết định xây dựng một khu chung cư hiện đại và đẹp mắt như vậy.

Thiết kế sáng tạo và độc đáo nhưng cũng vô cùng hợp lí của The Interlace đã giúp cho Ole Scheeren giành được nhiều giải thưởng quan trọng như Giải thưởng Design For Asia (2015), Giải thưởng World Building of The Year (2015), Giải thưởng Universal Design Mark Platinum (2014),…

Trong khi đó, một toà nhà khác tại Singapore cũng do Ole thiết kế được mang tên The Duo. Đây là một toà nhà phức hợp bao gồm khách sạn 5 sao, khu căn hộ cao cấp, nhà hàng, trung tâm mua sắm. Cái tên The Duo xuất phát từ việc công trình này bao gồm hai toà tháp đôi nằm ở vị trí trung tâm, với nhiệm vụ phục hồi kinh tế của quận cổ Bugis và cũng là biểu tượng cho sự hợp tác của hai quốc gia láng giềng Singapore và Malaysia.

Phần bề mặt toà nhà được thiết kế với những khối lục giác độc đáo nối tiếp nhau, tạo nên một diện mạo khác biệt so với những toà nhà trong khu vực. Trong khi đó, cả hai toà nhà của The Duo đều được thiết kế cong theo hình nan quạt, hướng theo ánh sáng mặt trời và hướng gió, giúp cho toàn bộ công trình được thông thoáng bởi không khí tự nhiên.

Nằm cạnh khu vực Kampong Glam với nhiều kiến trúc lịch sử văn hoá Malay-Arab lâu đời, The Duo được xem như một chiếc cầu, có nhiệm vụ kết nối lịch sử đa dạng văn hoá của Singapore với tương lai phát triển và xán lạn phía trước.

Là một trong những toà nhà cao cấp nhất Singapore nên không quá khó hiểu khi cả ngoại thất bên ngoài và nội thất bên trong của The Duo đều được chăm chút rất kĩ lưỡng và đẹp mắt. Bước vào bên trong, tôi được tham quan khách sạn 5 sao Andaz của tập đoàn Hyatt cực kì sang trọng. Toàn thể khu vực lễ tân, nhà hàng, quầy bar của khách sạn được thiết kế theo vòng tròn tiếp nối nhau rất khoa học và chiếm trọn một tầng của toà nhà.

Bước ra khu vực hồ bơi trên cao của khách sạn, tôi thật sự ngỡ ngàng vì vẻ đẹp của Singapore. Từ hồ bơi này, tôi có thể ngắm nhìn hầu hết các công trình nổi tiếng của đảo quốc sư tử này, như Marina Bay Sands, Garden by the Bay, Singapore Flyer,… Không chỉ vậy, những làn gió biển mát rượi liên tục thổi vào càng làm cho tôi cảm giác thật thư giãn.

Với thiết kế độc đáo đến từ tương lai, The Duo đã mang đến cho Ole Scheeren giải thưởng Best Futura Project (2012), Platinum BCA Green Mark Award (2013).

Nguồn ảnh:

Ảnh MahaNakhon: Nguồn Buro Ole Scheeren Group – Ảnh Alexander Roan

Ảnh The Interlace: Nguồn Ole Scheeren/OMA –  Ảnh Iwan Baan

Ảnh DUO: Nguồn Ole Scheeren – Ảnh M+S Pte Ltd

Ảnh Ole Scheeren: Từ Andreas Müller

Liêu Lãm

Đồ hoạ: Phượng Nguyễn

THEO ZING.VN