20/07/2022

Giải pháp và thiết kế không gian công cộng trong nhà ở cao tầng

(KTVN) – Nhà chung cư cao tầng đã và đang trở thành xu hướng được lựa chọn tại các thành phố vì nhiều tiện ích mà nó mang lại. Trong khi đó, một số khu ở cao tầng hiện nay còn tồn tại nhiều bất cập, đặc biệt là vấn đề về thiết kế không gian công cộng. Hiểu rõ thực trạng đó, Công ty Cổ phần Kiến trúc Lập Phương (CUBIC) đã đưa ra giải pháp thiết kế mô-đun linh hoạt để đáp ứng các nhu cầu của người sử dụng.

“Giải pháp và thiết kế không gian công cộng trong nhà ở cao tầng” thuộc khuôn khổ chương trình ALP 2021 – 2022 và được thí điểm tại dự án VIHA Complex (107 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội).

Thực trạng không gian công cộng chung cư cao tầng

Vào những năm gần đây, các khu nhà ở cao tầng được đầu tư phát triển tại các đô thị lớn Việt Nam ngày càng nhiều. Tuy nhiên, chất lượng môi trường sống của không ít chung cư cao tầng đang gặp nhiều thách thức khi thiếu hụt diện tích không gian công cộng hoặc không gian kém hấp dẫn, kém thúc đẩy sự tương tác giữa các con người, thiếu sự thoải mái cho người sử dụng như: Sự thiếu hụt về diện tích, số lượng các Không gian công cộng trong khu nhà không đáp ứng đủ nhu cầu của cư dân; chất lượng Không gian công cộng trong khu ở cao tầng kém hấp dẫn, thiếu tính tương tác hay Không gian công cộng chưa thực sự mang lại sự thoải mái, an toàn và gắn kết cộng động cho người sử dụng

Giải pháp thiết kế không gian công cộng chung cư cao tầng

Với 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế các dự án cao tầng quy mô lớn, CUBIC không ngừng tìm tòi và nâng cấp các giải pháp thiết kế, tìm ra lời giải thích đáng cho những nhu cầu thiết thực của người dân, mang đến không gian công cộng hiệu quả nhất cho người sử dụng.

 

Trong đề xuất của mình, CUBIC đưa ra định hướng chung là đảm bảo quyền lợi, trách nhiệm của 3 chủ thể: Nhà nước (người đưa ra quy định quản lý) – Chủ đầu tư (tuân thủ quy định của nhà nước, đảm bảo lợi ích cho người dân nhưng vẫn cân đối chi phí đầu tư, vận hành và lợi nhuận) – Người dân (người trực tiếp sử dụng không gian); đồng thời, tuân thủ các quy định của pháp luật về diện tích sở hữu chung, riêng trong chung cư, và các quy định an toàn sử dụng trong thiết kế không gian công cộng.

Nguyên tắc nhóm nghiên cứu đặt ra là đảm bảo sự đồng thuận tối đa của chủ đầu tư, đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật và tối ưu không gian công cộng cho người sử dụng trong khu chung cư.

CUBIC đề xuất 2 hướng giải pháp như sau:

Thứ nhất: Bố trí tối đa các diện tích dành cho không gian công cộng trong phạm vi các diện tích mà công trình chung cư bắt buộc phải có để phù hợp với quy định của pháp luật và yêu cầu của kỹ thuật tòa nhà. Trong đó cần sử dụng linh hoạt diện tích sinh hoạt cộng đồng.

Ví dụ không gian sinh hoạt cộng đồng có thể được phân chia thành nhiều khu vực chức năng như: khu vui chơi, phòng tập Gym, thư viện, phòng họp mở… Ngoài ra, thiết kế có thể tận dụng thêm các không gian còn lại của hệ thống kỹ thuật phòng cháy chữa cháy, không gian kỹ thuật mái dành cho không gian công cộng.

Đối với các khu chung cư cao tầng trên 100m, hầu hết được bố trí tầng lánh nạn. Tầng này chỉ bố trí một gian nhỏ lánh nạn, phần còn lại của không gian lánh nạn có thể biến thành khu vực công cộng cho người dân.

Một không gian khác thường bị bỏ quên là khu vực kỹ thuật trên mái. Không gian này có khả năng đầu tư chuyển đổi để mang đến cho người dân một khoảng không công cộng trên cao, đặc biệt hữu ích đối với các chung cư xen kẹp.

Thứ hai là sử dụng diện tích không gian công cộng một cách đa năng hơn và thích ứng chuyển đổi linh hoạt theo chức năng. Nhóm nghiên cứu đề xuất giải pháp thiết kế nội thất là các mô-đun “Mini Box” để đáp ứng tính đa năng trong không gian. Có thể thay đổi các Mini Box thành không gian đọc sách thư giãn, không gian hội họp, sinh hoạt, không gian triển lãm…

Các cấu kiện của mô-đun Mini Box này có tính linh động tốt, đáp ứng được các kịch bản thay đổi không gian, vật liệu không quá đắt, dễ dàng lắp ghép, vận chuyển và thay thế.

Những giải pháp này sẽ được triển khai tại chung cư VIHA Complex 107 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội. Đây là dự án khá đặc thù, nằm tại khu nội đô có mật độ dân cư cao, thiếu các khoảng xanh công cộng lân cận. Cụ thể, tại mỗi khu vực trong dự án, CUBIC đã đề xuất các phương án xử lý như:

– Đề xuất chủ đầu tư nên tuân thủ khoảng lùi và để bố trí không gian công cộng tại đây.

– Tầng trệt: tổ chức một số vị trí mô-đun ở không gian công cộng trong khu phố thương mại. Việc thay đổi những mô-đun này tạo ra hình ảnh mới, liên tục cho không gian công cộng phía dưới.

– Tại khu kỹ thuật tầng 5, một phần không gian được tách riêng, sử dụng như một không gian đa năng. Với diện tích khoảng 300m2, nhóm nghiên cứu đề xuất các mô-đun Mini Box, tùy theo từng nhu cầu người dân và ban quản lý có thể thay đổi nội thất để biến thành những không gian chức năng khác nhau tương ứng với mục đích sử dụng.

– Tiện ích “công viên trên mái” bố trí thêm các mô-đun Mini Box, thân thiện  với trẻ em và người cao tuổi, tăng trải nghiệm cho công dân tòa nhà. Đây cũng là giá trị khác biệt tạo nên sức hút cho dự án.

Những giải pháp của CUBIC cùng những đề xuất của các công ty kiến trúc thuộc chương trình ALP 2021 – 2022 đã được công bố và đưa ra thảo luận giữa các chuyên gia, kiến trúc sư tại Hội thảo ALP 2021 – 2022: “Tương lai không gian sống Việt Nam – Những tiếp cận kiến trúc đầu tiên” vào ngày 01/07 vừa qua.

Tuyết Ngân