25/09/2019

“Đứng hình” phân khúc căn hộ chung cư

Từ đầu năm đến nay, phân khúc căn hộ chung cư tại TP.HCM có quá ít dự án được mở bán, trong khi nhu cầu thị trường đang rất lớn.

Rất ít dự án mới mở bán

Theo báo cáo của Công ty nghiên cứu thị trường DKRA Vietnam, trong quý II/2019, TP.HCM có 3 dự án mới và 9 giai đoạn tiếp theo của dự án trước đó mở bán, cung cấp ra thị trường 2.559 căn hộ chung cư. Con số này quá nhỏ bé so với 11.777 căn hộ chung cư được mở bán tại đây trong quý II/2017 và 8.724 căn hộ trong cùng kỳ năm 2018.

Khảo sát thực tế thị trường căn hộ chung cư TP.HCM, phóng viên Báo Đầu tư ghi nhận sự sụt giảm nghiêm trọng ở các dự án mới được mở bán. Chẳng hạn, tại quận 9 hiện chỉ có Dự án Vinhomes Grand Park được mở bán, trong khi quý II và quý IV năm ngoái có 7 dự án mới mở bán tại quận này.

Tại quận 7, ngoài dự án cũ là Eco Green của Tập đoàn Xuân Mai và một dự án tại khu Phú Mỹ Hưng của Tập đoàn Phú Mỹ Hưng mở bán, thì tại đây cũng không xuất hiện dự án chung cư mới, trong khi vào thời điểm này năm 2018 có tới 5 dự án mở bán…

Trong khi đó, thị trường vẫn có hơn 10 dự án được công bố bán từ đầu năm tới nay. Nhưng đây là các dự án chưa được cơ quan chức năng chính thức cho phép phát triển, mà chỉ là được doanh nghiệp giới thiệu đặt cọc giữ chỗ. Đó là Dự án Diamond Lotus tại đường Mai Chí Thọ (quận 2), với thiết kế 30 tầng nổi và 700 căn hộ chung cư; Dự án Metro Star của Tập đoàn C.T Group (tại quận 9); Dự án River Park Tower do Công ty Exinland phát triển…

Tình trạng khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp đang gặp phải hiện nay, theo nhiều lãnh đạo doanh nghiệp địa ốc, là thủ tục xin cấp phép phát triển dự án mới quá lâu.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần Bất động sản Hà Đô cho biết, năm 2017, Công ty nộp hồ sơ xin phát triển dự án chung cư tại quận 8, nhưng tới nay vẫn chưa được cấp phép xây dựng, dù hồ sơ đã đầy đủ và doanh nghiệp đã làm xong nhà mẫu và mặt bằng.

Tình trạng trên cũng đã diễn ra ở hàng loạt doanh nghiệp khác, từng là những đơn vị phát triển nhiều dự án bất động sản tại TP.HCM, như Him Lam Land, TTC Land…, nhưng nhiều năm nay không có dự án chung cư.

Trong số đó, có thể kể đến Dự án Charmington Iris tại quận 4 do Công ty Sabeco HP làm chủ đầu tư và Công ty TTC Land là đơn vị bán hàng. Năm 2018, dự án này được cấp phép xây dựng và mở bán, nhưng sau đó bị UBND TP.HCM thu hồi lại giấy phép xây dựng vì vướng pháp lý chuyển mục đích sử dụng đất và tới nay, dù đã bán gần 1.000 căn hộ chung cư, nhưng dự án vẫn “đứng hình” bởi không có pháp lý.

Do ít dự án chung cư mới được mở bán, nhà đầu tư khó tìm được căn hộ ưng ý và hợp túi tiền

Do ít dự án chung cư mới được mở bán, nhà đầu tư khó tìm được căn hộ ưng ý và hợp túi tiền

Người mua nhà chịu thiệt

Anh Trần Xuân Tình (ngụ tại quận Gò Vấp) cho biết, đã 5 tháng nay, anh tìm mua nhà chung cư, nhưng vô vọng. Vợ chồng dành dụm được hơn 800 triệu đồng và nay tính vay thêm tiền ngân hàng để mua căn hộ chung cư.

Suốt 5 tháng nay, anh đi tìm khắp các dự án chung cư đang chào bán tại TP.HCM để mua nhà, nhưng dự án có pháp lý thì giá lên tới 2 – 3 tỷ đồng/căn hộ. Có căn hộ giá hơn 1 tỷ đồng, thì chưa có pháp lý, mà chưa có pháp lý mà mua thì dễ trắng tay, nên anh quyết định cố gắng đợi thêm thời gian để kiếm được dự án phù hợp.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết tình trạng thị trường bất động sản TP.HCM đang chậm phát triển là có thật, nhất là phân khúc chung cư.

Việc nguồn cung bị hạn chế đã dẫn đến giá nhà tăng và doanh nghiệp buộc phải bán hàng khi chưa có pháp lý hoàn chỉnh để hoạt động. Nếu tình trạng này tiếp tục thì cuộc khủng hoảng nguồn cung tiếp diễn và giá có thể tăng lên trong thời gian tới. Không có dự án để phát triển, doanh nghiệp bất động sản sẽ khó khăn hơn, còn TP.HCM sẽ hụt nguồn thu khá nhiều, do nguồn thu từ bất động sản là rất lớn.

Đánh giá thị trường từ nay tới hết năm 2019, ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Phát triển thị trường của DKRA Vietnam cho rằng, phân khúc chung cư tại TP.HCM sẽ tiếp tục khó khăn. “Nếu không cởi trói cấp phép cho các doanh nghiệp phát triển dự án, thì thị trường sẽ rất khó khăn, do nguồn cung không đủ”, ông Hoàng nói.

Hà Nội: Sau tháng ngâu, nhiều chủ đầu tư bung hàng đón mùa an cư cuối năm

Trong nửa đầu năm 2019, Sở Xây dựng TP. Hà Nội ghi nhận hơn 17.476 căn chung cư, nhà thấp tầng đủ điều kiện mở bán ra thị trường đến từ 23 dự án. Trong đó, nguồn cung căn hộ chung cư là 16.750 căn từ 17 dự án.

Điểm đáng chú ý trên thị trường là nguồn cung chủ yếu đến từ các đợt mở bán tiếp theo của các dự án lớn như Vinhomes Ocean Park ở huyện Gia Lâm và Vinhomes Smart City ở quận Nam Từ Liêm.

Mặc dù nguồn cung không có nhiều biến động song điểm tích cực của thị trường bất động sản Hà Nội là doanh số bán hàng vẫn tương đối khả quan. Theo CBRE, trong quý II/2019, có tổng cộng 6.900 căn bán được, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bước sang quý III, sau tháng ngâu kiêng kỵ, nhiều chủ đầu tư tại Hà Nội bắt đầu ra hàng mạnh hơn để đón mua mua nhà cuối năm.

Đầu tháng 9, Dự án Chung Le Grand Jardin Long Biên của chủ đầu tư Công ty cổ phần Phát triển nhà Hà Nội số 3 (Handico 3) chính thức ra mắt thị trường. Cũng trong tháng 9/2019, Dự án BID Residence Tố Hữu (quận Hà Đông, Hà Nội) cũng sẽ chính thức được mở bán.

Gia Huy/Đầu tư Bất động sản