23/05/2016

Đà Lạt với mô hình thí điểm “Làng đô thị Xanh”

(Tạp chí Kiến trúc Việt Nam) – Được biết đến như một đô thị sinh thái có nhiều nét đặc trưng riêng, Đà Lạt luôn được xem là một đô thị hấp dẫn về du lịch. Bên cạnh đó, đô thị Đà Lạt còn mang trong mình rất nhiều nét kiến trúc, điều kiện tự nhiên và cảnh quan thiên nhiên đặc thù. Quy hoạch chung TP Đà Lạt đến năm 2030 tầm nhìn 2050 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã xác định rõ: Bảo tồn và phát huy bền vững hệ thống các giá trị “bản sắc” này được xem là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Mô hình “Làng đô thị xanh” của tỉnh Lâm Đồng nghiên cứu và thí điểm trong thời gian tới có thể được xem là một hướng đi mới nhằm phát huy hơn nữa công tác bảo tồn môi trường sinh thái đặc trưng, nâng cao tiện nghi về đời sống cho người dân, đồng thời thúc đẩy phát triển du lịch địa phương vùng ven đô, hướng tới tăng giá trị các sản phẩm nông nghiệp sạch của địa phương. Tuy nhiên, những thách thức đặt ra trong công tác quy hoạch và triển khai là không nhỏ, rất cần được nghiên cứu và hoàn thiện để có thể đạt được hiệu quả thực tiễn cao nhất.

Trung tâm TP Đà Lạt

Trung tâm TP Đà Lạt

Phát triển “Làng đô thị xanh” trong Quy hoạch TP Đà Lạt và vùng phụ cận
Tầm nhìn phát triển TP Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 trở thành vùng đô thị cấp Quốc gia và có ảnh hưởng trong khu vực Đông Nam Á mang giá trị đặc thù về cảnh quan thiên nhiên và văn hóa – lịch sử, vùng cảnh quan rừng và cảnh quan nông nghiệp – nông thôn đặc trưng, vùng đô thị có chất lượng sống cao, theo mô hình chuỗi các đô thị lấy TP Đà Lạt hiện hữu làm đô thị trung tâm liên kết với các đô thị Đ’Ran, Fi Nôm – Thạnh Mỹ, Liên Nghĩa – Liên Khương và Nam Ban theo tuyến vành đai và các trục xuyên tâm theo hướng Bắc Nam qua đường cao tốc Liên Khương Prenn – Quốc lộ 20 và các đô thị vệ tinh Lạc Dương, Nam Ban, Đ’ran, Đại Ninh; Giữa các vùng đô thị có các vùng đệm như vùng du lịch sinh thái, các vùng cảnh quan rừng, cảnh quan nông nghiệp nhằm phát triển vùng đô thị theo hướng bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu.
Vùng phát triển đô thị có tổng diện tích khoảng 11.600 ha, khoảng 450.000 – 500.000 người, trong đó khoảng 40.000 người quy đổi từ khách du lịch. Tỷ lệ đô thị hóa từ 60% đến 70%, dự báo khách du lịch khoảng 9 đến 10 triệu người. Dân cư đô thị tập trung chính tại các khu vực đô thị. Riêng trung tâm TP Đà Lạt để bảo tồn cảnh quan địa hình tự nhiên, các không gian nông nghiệp trong đô thị tại đô thị phía Bắc. Phía Tây phát triển nhà ở mật độ thấp gắn với chuyển đổi vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao hiện nay thành nông nghiệp sạch trong đô thị, khu vực nông nghiệp đô thị phía Tây và Bắc đô thị, và các khu ở mật độ thấp nằm phân tán bên ngoài đường vành đai theo mô hình “Làng đô thị xanh”.

Khu vực canh tác nông nghiệp công nghệ cao tại xã Thọ Xuân, TP Đà Lạt

Khu vực canh tác nông nghiệp công nghệ cao tại xã Thọ Xuân, TP Đà Lạt

Vùng phát triển nông thôn, phát triển không gian nông nghiệp ngoài đô thị có diện tích khoảng 70.400 ha theo hướng bảo tồn nét đặc trưng trồng rau và hoa ở Đà Lạt, khu vực hoa màu rộng lớn phía Nam tại Đơn Dương, vùng trồng cà phê phía Tây vùng Nam Ban và vùng trồng chè phía Đông TP Đà Lạt gắn liền với phân bố dân cư nông thôn tập trung có tổng diện tích khoảng 2.600 ha, khoảng 250.000 người tại các trung tâm xã Xuân Thọ, Xuân Trường, Tà Nung, Đạ Sar, Quảng Lập, Ka Đô và khu vực dân cư nông thôn dọc theo đoạn trục quốc lộ 20 – Prenn được phát triển theo mô hình dịch vụ du lịch và du lịch văn hóa bản địa và mô hình nông thôn mới.
Như vậy, ý tưởng quy hoạch Đà Lạt trong đồ án quy hoạch TP Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 bao gồm một đô thị trung tâm và hệ thống đô thị vệ tinh, đối trọng. Trong đó đô thị trung tâm (thành phố Đà Lạt hiện hữu) là một không gian đô thị kết hợp cả khu ở, các vùng sản xuất nông nghiệp nội đô, hệ thống rừng phòng hộ cảnh quan, hồ, sông suối tạo nên một đô thị “Thành phố trong rừng, rừng trong thành phố”. Xen giữa các đô thị là các vùng ven phát triển không gian sản xuất nông nghiệp công nghệ cao kết hợp các khu dân cư với chất lượng sống không thua kém chất lượng sống tại đô thị – là các làng đô thị với xu hướng phát triển các làng đô thị theo tiêu chí xanh, bền vững – gọi là làng đô thị xanh. Đây có thể được xem là xu hướng phát triển đô thị mới ở Việt Nam mà Đà Lạt và vùng phụ cận có đủ điều kiện để hình thành mô hình này.

Các vấn đề cần làm rõ để phát triển Mô hình “Làng đô thị xanh” tại TP Đà Lạt
Để xây dựng và phát triển TP Đà Lạt và vùng phụ cận theo đồ án quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 704/QĐ-TTg. Ngày 03/9/2015, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1528/QĐ-TTg ban hành cơ chế chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Lạt. Trong đó cho phép tỉnh Lâm Đồng thực hiện thí điểm mô hình “Làng đô thị xanh” hướng đến, phát huy lợi thế của các đô thị có mức độ đô thị hóa chưa cao và đây cũng là lợi thế của người đi sau như nhận định của nhà tương lai học người Mỹ Alvin Toffler: “Trong kỷ nguyên thông tin, những nước nghèo nặng về nông nghiệp thuộc Thế giới thứ ba có thể sử dụng lợi thế của người đi sau, bằng con đường tắt xây dựng mô hình Sinh thái – Công nghệ thấp” tiến thẳng vào nền văn minh hậu – công nghiệp mà không phải kinh qua giai đoạn phát triển công nghiệp cổ điển”.
Những điều đó có nhiều điểm tương đồng với các phác họa về xu thế phát triển kiến trúc – đô thị thế giới thế kỷ 21. Ngày nay các chuyên gia đô thị Mỹ đang nói nhiều về sự phát triển của những “làng đô thị” (urban villages) hoặc những “chùm đô thị” (urban constellations) trong một “ngân hà đô thị trung tâm” (metropolitan galaxy).
Việc sản xuất như vậy sẽ phân tán theo quy mô thích hợp từng địa phương. Nếu kỷ nguyên công nghiệp sản sinh ra các thành phố, thì kỷ nguyên thông tin có thể phi tập trung chúng. Thí điểm làng đô thị xanh quyết định mang tính chiến lược dài hạn cần thiết để thực hiện cân bằng nhu cầu phát triển đô thị và nông thôn. Giữ gìn vùng nông thôn, đất nông nghiệp và không gian xanh là chiến lược quan trọng; Vùng nông thôn cũng quan trọng không kém phần khu vực đô thị trong vai trò thu hút khách du lịch đến Đà Lạt.
Tuy nhiên, hiện trạng hiện nay về Quy định pháp luật, hệ thống Quy chuẩn – tiêu chuẩn hiện hành chưa nêu bật rõ nét về cụ thể hệ thống các khái niệm và quy định cụ thể về tiêu chí, mô hình “Làng đô thị xanh”. Chính vì vậy, trong giai đoạn cơ sở hiện nay, địa phương đã có nghiên cứu một số định hướng, đề xuất Quy mô làng đô thị xanh và bộ tiêu chí tạm thời “Làng đô thị xanh” với các vấn đề cụ thể bao gồm:
Quy mô “Làng đô thị xanh”: Xuất phát điểm với mong muốn tạo lập đơn vị ở với hệ thống dịch vụ phúc – lợi – hóa công cộng phục vụ cho người dân trong đơn vị ở với quy mô dân số 5.000-7.000 dân, số nhà ở khoảng 1.700 nhà, cơ sở nhà trẻ, trường tiểu học từ 600-800 cháu.
Trong làng đô thị gồm nhiều đơn vị ở được kết nối bằng các phương tiện giao thông sạch, chủ yếu là đi bộ trong thời hạn 5 phút đi bộ với chiều dài tương đương 0,5km đến các công trình phúc lợi công cộng hoặc đầu mối giao thông, xe buýt. Do vậy, diện tích một làng chiếm khoảng 50ha-100ha là hợp lý và khoa học.

Dự thảo bộ tiêu chí tạm thời “Làng đô thị xanh”
Địa điểm quy hoạch, xây dựng đảm bảo bền vững:
– Vùng ven các đô thị thuộc Quy hoạch chung 704/TTg. Trong giai đoạn thí điểm chọn vùng ven TP Đà Lạt, thị trấn Lạc Dương, thị trấn Liên Nghĩa có kết nối đường vành đai ngoài. Ưu tiên các khu vực đất trống, giải tỏa, tái định cư ít, có quỹ đất nông nghiệp để sản xuất nông nghiệp chuyên canh theo hướng sản xuất hàng hóa.

Sơ đồ định hướng phát triển không gian, điều chỉnh xã hội hóa TP Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 tầm nhìn 2050

Sơ đồ định hướng phát triển không gian, điều chỉnh xã hội hóa TP Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 tầm nhìn 2050

Sơ đồ định hướng phát triển không gian TP Đà Lạt đến năm 2030

Sơ đồ định hướng phát triển không gian TP Đà Lạt đến năm 2030

– Hướng phát triển “làng đô thị xanh” phù hợp với địa hình, cảnh quan, các khu vực tập trung công trình cư trú, công cộng, dịch vụ được bố cục một cách khoa học hợp lý.
– Kết nối hữu cơ (không thể tách rời) với khu vực nội đô thông qua hệ thống đường vành đai ngoài và các trục xuyên tâm.
Sử dụng tài nguyên, năng lượng và công nghệ xanh:
– Tổ chức hệ thống sản xuất theo mô hình nông nghiệp đô thị, quy hoạch sản xuất nông nghiệp gắn với đề xuất các mô hình canh tác mới tiết kiệm đất, tiết kiệm nước, công nghệ cao; trở thành vùng chuyên canh sản xuất nông sản phục vụ trực tiếp cho bản thân làng đô thị và thị trường thông qua hệ thống phân phối.
– Khuyến khích sử dụng năng lượng tự nhiên, năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng gió…
– Mô hình sản xuất hàng hóa trải rộng, trên cơ sở liên kết các cơ sở sản xuất hộ gia đình nằm trong các khu dân cư trong làng đô thị có thể theo mô hình hợp tác xã kiểu mới…,
– Sản xuất hàng hóa và tiêu dùng theo hướng tăng trưởng xanh.
Chất lượng môi trường kiến trúc, môi trường sống:
– Tiện nghi công cộng, chất lượng cuộc sống ở các “làng đô thị xanh” vùng nông thôn sẽ không thua kém gì các khu vực nội đô (các phường trung tâm TP Đà Lạt).
– Chất lượng môi trường sinh thái cao; có hệ thống quan trắc môi trường.
– Các hình mẫu quy hoạch và thiết kế nhà cũng được thiết lập với thiết kế tổ chức không gian vô cùng linh hoạt, đảm bảo trên 70% kiến trúc cơ sở hạ tầng đồng bộ, loại hình nhà ở phổ biến là nhà vườn, nhà biệt lập.
– “Làng đô thị xanh” theo hướng hiện đại hóa và xã hội hóa;
+ Hiện đại hóa chủ yếu thể hiện ở sự hiện đại hóa các công trình kết cấu hạ tầng, quan niệm hiện đại hóa trong đô thị hóa chú trọng cả 3 mặt: công trình hài hòa với thiên nhiên, môi trường tốt đẹp tỷ lệ cây xanh từ 30-40% và hiện đại hóa biện pháp quản lý ứng dụng công nghệ thông tin.
+ Xã hội hóa mạnh mẽ ở 2 khía cạnh cụ thể là xã hội hóa các công trình phục vụ và xã hội hóa phương thức xây dựng. Trong đó nhấn mạnh yếu tố “quy hoạch thống nhất, bố cục hợp lý, phù hợp với địa phương, có nét đặc sắc, bảo vệ đất canh tác, tối ưu hóa môi trường, xây dựng đồng bộ”.
Hạ tầng đồng bộ và kết nối thông suốt với khu vực nội đô:
Quy hoạch đảm bảo đồng bộ công trình kiến trúc cơ sở hạ tầng xã hội và công trình hạ tầng kỹ thuật.
– Không thể tách rời với kết nối hạ tầng làng đô thị và khu vực nội đô.
– Giao thông nội bộ thuận lợi, kết nối giữa vùng sản xuất hàng hóa và khu ở sử dụng hạ tầng và phương tiện xanh.
– Thiết kế, đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật: giao thông, thu gom, chất thải rắn, nước thải sản xuất để xử lý tập trung trước khi xả thải ra môi trường.
Tác động môi trường tự nhiên:
– Phát triển hạ tầng phục vụ ở và sản xuất đảm bảo hài hòa với môi trường tự nhiên.
– Khai thác quỹ đất thương mại là nguồn vốn phát triển hạ tầng, công trình công cộng – dịch vụ và cây xanh, cảnh quan chung.
– Mật độ xây dựng gộp: < 30%.
Gìn giữ, bảo tồn, kế thừa và phát huy giá trị văn hóa bản địa gắn với phát triển du lịch:
– Thiết lập quan hệ sinh thái nhân văn.
– Các giá trị văn hóa truyền thống ở đây có những chính sách phát huy để đây sẽ trở thành những giá trị phi vật thể, là cái hồn và giá trị riêng cho mỗi cộng đồng. Chính điều này làm một cách thu hút khách du lịch, tăng nguồn thu cũng như mở rộng thị trường cho phát triển kinh tế.
Trong thời gian tới, thông qua việc hoàn thiện hệ thống các tiêu chí định hướng phát triển và thực tiễn thí điểm mô hình “Làng đô thị xanh” tại Đà Lạt, dựa trên các nghiên cứu khoa học đồng bộ và bài bản sẽ góp phần tạo dựng thương hiệu đô thị xanh chung của toàn TP Đà Lạt, nâng cao tiện nghi và chất lượng sống cho người dân, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp xanh của Đà Lạt kết hợp với phát triển du lịch và kinh tế cho người dân. /.

LÊ QUANG TRUNG
Giám đốc Sở Xây dựng Lâm Đồng

TẠP CHÍ KIẾN TRÚC VIỆT NAM