01/11/2018

Chỉ bán nhà cao tầng cho người có hộ khẩu Hà Nội: Đề xuất thiếu tính khả thi?

Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam vừa đề xuất, chỉ bán, cho thuê nhà cao tầng nội đô cho người có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội. Tuy nhiên theo ý kiến một số chuyên gia, đề xuất này có thể sẽ ảnh hưởng tới thị trường, phát sinh những hệ lụy, gây khó khăn cho nhiều lao động ngoại tỉnh.

Để hạn chế tối đa tăng dân số cơ học vào nội đô trong việc quản lý xây dựng nhà cao tầng khu vực nội đô lịch sử, mới đây tại Hội thảo “Quản lý phát triển công trình cao tầng khu vực nội đô lịch sử mở rộng TP Hà Nội”, ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam cho biết, việc xây dựng nhà cao tầng ở Thủ đô đặc biệt là khu nơi đô thị là yêu cầu khách quan phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội và đời sống nhân dân. Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, mục tiêu giảm dân số nội đô (tính từ vành đai II trở vào) từ 1,2 triệu xuống còn 0,8 triệu), trong thực tế đã chứng minh điều này hầu như không thực hiện được. Vì thế, rất cần có giải pháp hạn chế tối đa tăng dân số cơ học vào nội đô.

Ông Hùng cũng đưa ra các con số chứng minh việc gia tăng dân số nhanh chóng của Hà Nội: Năm 1988, dân số Hà Nội là 2,6 triệu người, Hà Tây là 2,3 triệu người (tổng cộng 2 tỉnh, TP gần 5 triệu người). Đến năm 2017 dân số Hà Nội là trên 9 triệu người (chưa kể người trong và ngoài nước đến tạm trú, lưu trú, đến làm việc, học tập, chưa kể khách vãng lai, Hà Nội hàng ngày đã có trên 10 triệu người sinh sống, làm việc, học tập. Điều đó dẫn đến nhu cầu tất yếu về nhà ở, nhà làm việc, các công trình phục vụ xã hội, công cộng, đồng thời đòi hỏi diện tích xây dựng các công trình rất lớn và tăng rất nhanh. Đó là chưa kể tới yếu tố diện tích nhà ở, công trình công cộng trên đầu người cần phải tăng rất lớn do đời sống nhân dân đòi hỏi cần phải được cải thiện.

Đề xuất chỉ bán công trình cao tầng cho người có hộ khẩu nội đô bị nhiều chuyên gia đánh giá là “bất khả thi”

Đề xuất chỉ bán công trình cao tầng cho người có hộ khẩu nội đô bị nhiều chuyên gia đánh giá là “bất khả thi”

Từ quan điểm này, Chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam đưa ra một số giải pháp, trong đó có giải pháp:“Chỉ bán, cho thuê nhà cao tầng nội đô cho người có hộ khẩu thường trú tại phường, quận có dự án. Tốt nhất là phục vụ di dân phố cổ chứ không phải là dân phố cổ phải đi sang Long Biên, Gia Lâm còn người ngoại tỉnh lại di dân vào trung tâm thì sẽ không thành công. Tuy nhiên, đề xuất này đã bị nhiều chuyên gia đánh giá là “bất khả thi” và vấp phải phản đối khá gay gắt từ dư luận.

Trước tình trạng quá tải về hạ tầng do các chung cư cao tầng mọc lên quá nhiều ở khu vực nội đô, mới đây, các chuyên gia cũng đưa ra quan điểm cho rằng việc quy hoạch nội đô là một bài toán khó. Đại diện một chủ đầu tư cho rằng, đề xuất được đưa ra chưa được phù hợp với tình hình chung của xã hội. Bởi vì giá nhà bán nội đô thường rất cao, không phải người dân nào ở khu vực này cũng mua được. “Chính vì thế, thay vì hạn chế đối tượng mua, bán, cho thuê, nhà cao tầng nội đô cho người có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội, chúng ta có thể xem xét việc phê duyệt và chấp thuận dự án, tránh việc xây dựng dự án tràn lan, quá nhiều gây ảnh hưởng đến mật độ dân số địa phương. Hơn nữa, trong khi Chính phủ đang có chủ trương xem xét bỏ hộ khẩu trong việc quản lý hành chính thì đề xuất trên càng không phù hợp với chính sách phát triển kinh tế -xã hội lâu dài của Nhà nước”, chủ đầu tư này chia sẻ.

Chia sẻ quan điểm về đề xuất này, ông Nguyễn Huy Dần, khoa quản lý đô thị, trường ĐH Kiến trúc Hà Nội cũng không đồng tình với đề xuất trên. Theo ông Dần, Hà Nội muốn giảm gia tăng dân số cơ học ở khu vực nội đô lịch sử thì phải cân nhắc từ lúc cấp phép xây dựng các tòa nhà cao tầng ở khu vực này. Còn khi đã cấp phép thì việc mua bán phải để thị trường tự điều tiết, giá cả sẽ tự điều tiết ai sẽ là khách hàng chứ không thể dùng biện pháp hành chính để can thiệp. “Đề xuất này rõ ràng chưa hợp lý và đang đi ngược với những điều chúng ta đang tiến hành, đang hướng tới, kiến tạo 4.0, bình đẳng, xóa hộ khẩu,… người ta có quyền sinh sống ở khắp mọi nơi”. Ông Dần cho rằng, nếu thực hiện đề xuất cấm người không có hộ khẩu thường trú tại đó mua, thì sẽ xảy ra hiện tượng đứng tên người khác để mua.

Dưới góc độ luật, luật sư Nguyễn Thanh Hoàng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, căn cứ Điều 23 Luật Hiến pháp, công dân Việt Nam có quyền tự do đi lại và cư trú trong nước. Tại khoản 2 Điều 8 Luật Cư trú, việc lạm dụng quy định về hộ khẩu để hạn chế quyền và lợi ích hợp pháp của công dân là hành vi bị cấm.

Theo đó, các hành vi này bao gồm: (a) Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, văn bản khác liên quan đến quy định về hộ khẩu mà làm hạn chế quyền, lợi ích hợp pháp của công dân và (b) Đưa ra các quy định về hộ khẩu làm điều kiện để hạn chế quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.

Mặc khác, tại Điều 4 Luật Nhà ở quy định: hộ gia đình, cá nhân có quyền có chỗ ở thông qua việc đầu tư xây dựng, mua, thuê, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận góp vốn, nhận đổi, mượn, ở nhờ, quản lý nhà ở theo ủy quyền và các hình thức khác theo quy định của pháp luật.

Tại khoản 1 Điều 5 Luật Nhà ở, Nhà nước công nhận và bảo hộ quyền sở hữu hợp pháp về nhà ở của các chủ sở hữu theo quy định của Luật này. Căn cứ khoản 1 Điều 10 Luật Nhà ở, đối với chủ sở hữu nhà ở là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì các chủ thể này có quyền bán, chuyển nhượng hợp đồng mua bán, cho thuê, cho thuê mua, tặng cho, đổi, để thừa kế, thế chấp, góp vốn, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở.

Như vậy, tổ chức, cá nhân Việt Nam có quyền mua và sở hữu nhà, thuê và cho thuê nhà tại các dự án chung cư cao tầng mà không bị hạn chế về hộ khẩu. Việc căn cứ vào hộ khẩu để hạn chế quyền mua và sở hữu nhà, thuê và cho thuê nhà tại các dự án chung cư cao tầng là vi phạm pháp luật.

Việt Khuê/Pháp luật và Xã hội