Bất động sản khu Đông Sài Gòn đang trỗi dậy trong những tháng cuối năm?
Thời gian gần đây, trước sự “im ắng” của thị trường BĐS nói chung thì khu Đông, bao gồm Q.2, Q.9, Q.Thủ Đức (TPHCM) lại là điểm ngắm của các doanh nghiệp và nhà đầu tư khi thị trường có dấu hiệu rục rịch ở các phân khúc căn hộ, nhà phố giai đoạn cuối năm.
Hạ tầng vẫn là đòn bẩy cho khu Đông
Có lẽ đây vẫn là khu vực có điểm nhấn về hạ tầng xuyên suốt thời gian qua tại TPHCM. Các khu vực Q.9, Q.2, Q.Thủ Đức “dẫn sóng” thị trường khi các thông tin về hạ tầng liên tục công bố.
Theo ước tính, 70% trên 350.000 tỷ đồng đầu tư cho giao thông TPHCM giai đoạn 2010 – 2020 đã đang và tiếp tục đổ về khu Đông, đặc biệt là Q.2, chẳng hạn như: 2.000 tỷ đồng đầu tư cho nút giao Mỹ Thủy bao gồm 2 giai đoạn; 5.700 tỷ đồng đầu tư xây cầu Cát Lái; 1.443 tỷ đồng đầu tư cho dự án nâng cấp mở rộng đường Nguyễn Thị Định lên 60m; 500 tỷ đồng kinh phí xây cầu Thời Đại nối Đảo Kim Cương và khu Thạnh Mỹ Lợi (đã chính thức thông xe ngày 30/5)…
Trong đó, khu vực Cát Lái được thừa hưởng nhiều lợi thế. Hiện nay, các trục đường chính kết nối Cát Lái với toàn khu Đông đã hoàn thành như đại lộ Mai Chí Thọ, đường 25B, Xa lộ Hà Nội, đường Vành đai trong, Cao tốc Sài Gòn – Long Thành – Dầu Giây. Dự án trọng điểm nút giao Mỹ Thủy cũng đã đưa vào sử dụng hầm chui và cầu vượt Mỹ Thủy, đồng thời vẫn đang tích cực thi công các hạng mục khác.
Theo định hướng, Cát Lái sẽ được phát triển từ một khu dân cư 6.500 người trở thành khu đô thị mới với gần 50.000 dân. Trong tương lai, tương tự các khu đô thị An Phú – An Khánh, Thảo Điền, Thủ Thiêm, Cát Lái cũng sẽ tập trung nhiều dịch vụ tài chính, thương mại, văn hóa, giáo dục, kỹ thuật cao…
Đồng thời, chủ trương phát triển thành Khu đô thị sáng tạo bao gồm Q.2, Q.9 và Thủ Đức với chức năng chính là tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và thu hút đầu tư nước ngoài cũng đang tạo đà cho thị trường BĐS khu vực bứt phá.
Ngoài khu vực Q.2, địa bàn Q.9 thời gian gần đây đang “rộ” lên trào lưu nhà đầu tư tìm kiếm đất nền trước thông tin khu đô thị VinCity của Vingroup rục rịch. Thông tin siêu dự án triển khai khiến BĐS nơi đây dự báo sẽ sôi động.
Rục rịch dự án mới
Theo ghi nhận, thời gian gần đây, khi các khu vực khác khá im ắng dự án ra thị trường thì khu Đông Sài Gòn lại rục rịch nguồn cung mới.
Có thể kể tới như 675 căn hộ (diện tích từ 52-57m2) thuộc 2 block dự án CitiAlto (Q.2), giá chào bán khoảng từ 1.5 tỉ đồng/căn, quy mô dự án gồm 2 chung cư 16 tầng xây trên khu đất 1,7ha, mật độ xây dựng 19%, và các khu công viên cây xanh,…
Tại điểm giao giữa đường Mai Chí Thọ – Đồng Văn Cống (Q2), một dự án chung cư cao cấp có quy mô 700 căn hộ có giá dự kiến khoảng 60 triệu đồng/m2 cũng rục rịch bung ra thị trường…Khang Điền đang cho giữ chỗ dự án căn hộ Safira Khang Điền tại Quận 9 với mức giá trên dưới 2 tỉ đồng/căn. Được biết, dự án này cung cấp cho thị trường khoảng 1.570 căn hộ, diện tích từ 50-89m2…
Tại Q.Thủ Đức, Đại Phúc Land đang chuẩn bị bung hơn 100 căn biệt thự thuộc khu đô thị Đại Phúc Riverside City vào cuối năm với mức giá khoảng 13-15 tỉ đồng/căn.
Theo tìm hiểu, cách đây khoảng 3-4 tháng, nguồn cung mới căn hộ, nhà phố, biệt thự tại khu Đông TPHCM dường như khá “im ắng”. Đa số ghi nhận nguồn cung cũ từ dự án đã hoàn thiện. Bước sang quý 4/2018, các chủ đầu tư dự án mới rục rịch đẩy sản phẩm ra thị trường.
Tuy vậy, nếu so với cùng kỳ năm ngoái, nguồn cung mới hiện nay tại khu Đông khá ít ỏi.
Theo số liệu từ Hiệp hội BĐS TPHCM mới đây, 10 tháng đầu năm 2018, thị trường BĐS cả nước có dấu hiệu sụt giảm cả về nguồn cung và số lượng giao dịch. Riêng TPHCM dấu hiệu sụt giảm rất rõ nét. Tổng nguồn cung sản phẩm nhà ở đưa ra thị trường của 65 dự án với tổng số 23.759 căn nhà (trong đó, có 22.684 căn hộ và 1.075 căn nhà thấp tầng).
So sánh tình hình thị trường BĐS cùng kỳ năm ngoái, thì nguồn cung đều thể hiện sụt giảm: Số lượng dự án giảm 11,1%; tổng số căn nhà đưa ra thị trường giảm 39,2%; phân khúc căn hộ cao cấp giảm giảm 9,6%; phân khúc căn hộ trung cấp giảm 37,5%; phân khúc căn hộ bình dân giảm 68%.
Hạ Vy/Trí thức trẻ