16/04/2018

Để hoàn thiện tiêu chí trong xây dựng NTM kiểu mẫu?

MẪU CẦN PHÙ HỢP VỚI TRÌNH ĐỘ DÂN TRÍ, TẬP QUÁN VÀ MÔI TRƯỜNG
Xây dựng mẫu là cần thiết nhằm mục đích rút kinh ngiệm cho việc triển khai mở rộng, tạo được cảnh quan nông thôn mới lâu dài để phát triển nông thôn Việt Nam. Tuy nhiên, để đạt mẫu cần đặc biệt chú ý các tiêu chí sau:

Phải phù hợp với khả năng thu nhập dân cư, khả năng hỗ trợ của ngân sách, trình độ phát triển dân trí, tập quán và môi trường tự nhiên. Việc này rút ra từ bài học trong việc xây dựng xã nông thôn mới. Khi thu nhập dân cư còn thấp, ngân sách hạn hẹp không thể hỗ trợ, việc ép dân đóng góp quá mức sẽ đưa đến thất bại.
Dân trí cũng là yếu tố quan trọng, sự tự giác tham gia và duy trì cảnh quan của người dân sẽ quyết định sự tồn tại của mô hình. Tập quán dân cư cũng là yếu tố lưu ý, ví dụ việc chôn cất người chết gần nhà hoặc trên ruộng là việc làm phạm luật môi trường nhưng đến nay chưa có chuyển biến. Phương cách sinh sống cũng tác động đến việc xây dựng khu dân cư: dân canh tác lúa khác với làm rẫy hay vườn, dân sống bằng dịch vụ khác với sản xuất. Ngoài ra yếu tố môi trường tự nhiên phải được nghiên cứu thấu đáo: đồng bằng, miền núi, miền biển, ngập lụt… đều là đặc thù riêng phải lưu ý khi xây dựng mẫu.
Mẫu phải có khả năng nhân rộng, phải áp dụng được cho các nơi có điều kiện tương tự. Việc chọn nơi thí điểm phải không được quá đặc thù.

Cần rà soát lại các chính sách và pháp luật đất đai, loại bỏ chính sách hạn điền cho đất ở và đất sản xuất vì nó đã lạc hậu và cản trở trong việc xây dựng khu dân cư và cảnh quan nông thôn mới

Phải có các quy định về xây dựng nhà ở và hạ tầng nông thôn, hiện nay đang buông lỏng, không quản lý.

Chính quyền là người đốc thúc, vận động nhân dân tham gia, nhất là các công việc không tốn nhiều tiền mà chỉ cần đóng góp công sức. Vận động người dân cho họ biết dân là chủ trong xây dựng cảnh quan nông thôn.

Cần lưu ý đến yếu tố công ăn việc làm và tình hình di dân ra đô thị, không thể xây dựng khu dân cư mẫu mà chỉ có người già và trẻ em sinh sống.

Khu dân cư kiểu mẫu phải gắn với phát triển kinh tế bền vững (sản xuất, dịch vụ). Nhà nước bố trí ngân sách hợp lý cho khu dân cư nông thôn và có quy hoạch hợp lý cho từng địa phương.

TS. NGUYỄN THANH NGUYÊN – NGUYÊN PCT TỈNH LONG AN

CẦN CHÚ TRỌNG TIÊU CHÍ VỀ KIẾN TRÚC, CẢNH QUAN, MÔI TRƯỜNG

Năm 2015, trên cở sở các tổng kết đánh giá về kết quả 05 năm giai đoạn 1 triển khai thực hiện Xây dựng nông thôn mới quốc gia và 03 năm thực hiện đồ án quy hoạch nông thôn, có thể nhận thấy rõ các kết quả tích cực mà chương trình NTM đã mang lại trong phát triển sản xuất và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân nông thôn. Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đánh ghi nhận, các tổng kết cũng chỉ ra một số các tồn tại cần khắc phục là cơ sở cho đổi mới và nâng cao chất lượng các nội dung tiêu chí xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2015 – 2020.

Trong bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2015 – 2020 có bổ sung các tiêu chí về kiến trúc cảnh quan khu ở kiểu mẫu là cần thiết và thiết thực. Nội dung này cần tiếp tục thực hiện triển khai đồng bộ và thường xuyên. Cần liên tục cập nhật và làm mới các tiêu chí NTM cho các giai đoạn tiếp theo, đặc biệt là các tiêu chí về kiến trúc cảnh quan – môi trường nông thôn mới, để có thể cụ thể hóa triển khai thực chất trong thực tế.

Bên cạnh việc đáp ứng đồng bộ các tiêu chí NTM, về quy hoạch và cảnh quan, cần nhấn mạnh cụ thể hóa các nội dung như cảnh quan cần tiếp cận theo hướng môi trường, biến đổi khí hậu, các giá trị tự nhiên nổi trội khu vực. Các xử lý cảnh quan phải có giải pháp cụ thể đảm bảo đồng bộ cả về tính thẩm mỹ kiến trúc, văn hóa tập quán.
Với hệ thống các công trình văn hóa và dịch vụ tiện ích, cần nghiên cứu các mẫu thiết kế linh hoạt về bố cục, bố trí công năng hợp lý trên cơ sở xác định rõ quy mô phù hợp, đảm bảo các yếu tố về vệ sinh – an toàn – tiện nghi sử dụng, tạo nên sự thích ứng cao trong triển khai đại trà tại các địa phương.

Về kiến trúc nhà ở dân cư nông thôn, cần có nghiên cứu, thống kê theo vùng miền, hạn chế sử dụng các mẫu nhà ở dân cư không phù hợp. Sớm ban hành các mẫu nhà ở NTM phù hợp với phương thức sản xuất mới, lối sống mới, tiện nghi mới. Phải tạo ra các mẫu nhà kế thừa tính truyền thống nhà ở nông thôn từ hình thức đến sử dụng vật liệu mô phỏng.

Nghiên cứu các giải pháp tái sử dụng các vật liệu truyền thống từ các nguồn vật liệu sẵn có của khu vực nông thôn ví dụ như rơm rạ, tre nứa, thay cho gạch đất nung đang hạn chế sử dụng hiện nay. Nên có đầu tư về công nghệ sản xuất vật liệu mới mô phỏng vật liệu tự nhiên với giá thành hợp lý và triển khai sản xuất trên quy mô lớn. Bên cạnh đó, cần xây dựng các cơ chế khuyến khích công nghệ để thúc đẩy nhu cầu sử dụng vật liệu mới đại trà, thông qua các mô hình thí điểm quy mô lớn để thí điểm và triển khai nhân rộng đại trà trong các giai đoạn tiếp theo trên cơ sở kết hợp nghiên cứu kiến trúc – ứng dụng công nghệ.

Cần triển khai đồng bộ và có hiệu quả tiêu chí về kiến trúc, cảnh quan, môi trường. Đồng thời phát triển đường giao thông với nhiều loại hình khác nhau, phù hợp với các yêu cầu chức năng trong quy hoạch, sử dụng đảm bảo cảnh quan thiên nhiên và tự nhiên.

Ông ĐỖ THANH TÙNG – VIỆN TRƯỞNG VIỆN KIẾN TRÚC QUỐC GIA

NÔNG THÔNG MỚI CẦN TIẾP NỐI CÁC GIÁ TRỊ TRUYỀN THỐNG

Điểm dân cư nông thôn gắn liền với làng, thôn, xóm. Khoảng 20 năm gần đây mới xuất hiện dạng điểm dân cư thị tứ làng xã. Đây là điểm nóng về kiến trúc xây dựng của nông thôn cần được quan tâm. Mỗi xã trong quy hoạch sử dụng đất đều dành quỹ đất ở mới để phát triển điểm dân cư mới, xây dựng thành xóm hoặc thôn mới, nó có mối quan hệ chặt chẽ với làng xã hiện có và thuận lợi cho phát triển trong tổng thể chung.

Điểm dân cư nông thôn luôn gắn liền với địa bàn cụ thể là xóm thôn, làng (đồng bằng Bắc Bộ), bản (miền núi), ấp (miền nam) hoặc phum, sóc (vùng đồng bào Khơme ở miền Tây Nam bộ). Theo đó các điểm dân cư nông thôn được định hình và bồi đắp qua nhiều thế hệ tạo nên những đặc trưng về cấu trúc, hình thái và diện mạo kiến trúc riêng. Nếu cần một mẫu hình chung để phổ biến nhân rộng hàng loạt là rất khó và nhiều khi không thể có. Nó chỉ là kiểu mẫu cho một khu vực, một vùng nào đó. Chỉ nên có những mô hình tiêu biểu để tham khảo áp dụng, đó là một thực tế của quá trình xây dựng NTM ở nước ta.

Một số vấn đề và hệ lụy của quá trình phát triển điểm dân cư nông thôn liên quan đến những hiện tượng “phố trong làng” hoặc trong các cụm tuyến dân cư vùng lũ ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ đang cần nghiên cứu tiếp để có những đánh giá đúng đắn về thành công cũng như tồn tại từ thực tiễn.

Về mặt nào đó, người dân chưa khai thác hết khả năng trồng màu, rau củ quả bằng chu trình mới, công nghệ mới, do đó Nhà nước có thể hỗ trợ về giống và cây trồng, đưa khoa học kỹ thuật đóng vai trò hướng dẫn cho người dân. Quan trọng hơn khi Nhà nước đã định hướng thì cũng nên đảm bảo đầu ra cho người dân. Do đó Nhà nước phải có quy hoạch về cây trồng, giống cây trồng, không thể hướng dẫn người dân rồi để đó, phải khuyến khích họ sử dụng vì đây là người dân tự bỏ tiền bạc, công sức, không thể làm họ thêm khổ sở đầu ra qua một số chính sách thiếu nghiên cứu toàn diện.
Cũng nhờ có phong trào NTM mà hiện nay các vùng miền đã có những vùng nông sản chuyên canh, những mảnh vườn được cán bộ và người dân cùng nghiên cứu đưa ra phương thức sản xuất giúp cho các loại nông sản đạt sản lượng cao và chất lượng đảm bảo. Nhưng điều cốt yếu cho thấy cần phải tôn trọng quá khứ để hướng tới tương lại. Mô hình gì, kiểu mẫu gì cũng không được quên quá khứ, phải tiếp nối quá khứ, không được chà đạp lên quá khứ, làng kiểu mẫu, vẫn phục vụ sản xuất, vẫn quy hoạch phát triển đầy đủ, vẫn có những hiển hiện hoặc thấp thoáng yếu tố xưa hấp dẫn du khách./.

TS.KTS NGÔ DOÃN ĐỨC – PHÓ CT HỘI KTSVN

NHÌN LẠI MỤC TIÊU HƯỚNG ĐẾN MÔI TRƯỜNG XANH – SẠCH – ĐẸP

ột trong những mục tiêu của NTM là hướng đến môi trường xanh – sạch – đẹp. Thực tế 7 năm qua nhiều địa phương còn chưa chú trọng hoặc còn lúng túng trong việc thực hiện mục tiêu này. Ngay ở những xã “đạt chuẩn Nông thôn mới” đa phần mới chỉ đảm bảo tương đối khang trang, sạch sẽ ở các công trình công cộng như trụ sở, trường học, trạm y tế… Các khu vực dân cư nhiều nơi vẫn rất nhếch nhác: Rãnh tiêu thoát nước bị lấn chiếm, bị lấp để lại ao tù nước đọng. Mương rạch bị những hộ chăn nuôi lợn, trâu ,bò xả nước phân, rác tự do nên không khí làng ô nhiễm, hôi thối.

Do thiếu quy chế (luật) quản lý xây dựng nhà ở nông thôn nên làng quê đang phổ biến là xây nhà tự phát, kiểu dáng tuỳ tiện, không rõ bản sắc văn hoá dân tộc (chủ yếu là bắt chước nhà kiểu phố). Màu xanh sinh thái bị tàn phá nhanh nhường chỗ cho gạch, bê tông.

Nhà ở nông thôn hoàn toàn tự phát, ai có đất là có thể tự do xây nhà. Chính quyền địa phương gần như không can dự. Quản lý nhà nước hoàn toàn thiếu việc hướng dẫn mẫu nhà ở, cách bố trí khuôn viên đẹp phù hợp với bản sắc văn hoá dân tộc và đặc điểm của vùng miền.

Môi trường sống ngày càng ô nhiễm. Con người ngày càng bị bủa vây bởi rác thải, không khí bốc mùi, nguồn nước bẩn nên tỷ lệ người mắc bệnh tật không giảm. Chênh lệch chi phí chữa bệnh so với thu nhập ngày càng cao. Đó đang là bất cập lớn trong xây dựng NTM của chúng ta hiện nay. Thực tế đó cũng đang mâu thuẫn với việc xây dựng những “ làng quê đáng sống” mà chúng ta mong muốn.

Trong bối cảnh chung đó, tỉnh Hà Tĩnh có chương trình “Khu dân cư kiểu mẫu”, “Vườn mẫu”. Thực chất đó là cụ thể hoá nội dung NTM xanh, sạch, đẹp đến từng hộ, từng cụm dân cư.
Ai từng đến những nơi này đều có ấn tượng tốt đẹp với cảnh quan đường làng ngõ xóm ngoài “ lõi” mặt đường đã được cứng hoá thì hai bên lề đều được phụ đất bằng phẳng trồng cây xanh hoặc hoa cảnh. Bên đường các rãnh tiêu thoát nước được khôi phục, kết nối liên thông. Không có cảnh người chăn nuôi xả rác thải trực tiếp phân và rác vào rãnh nước chung của làng. Hàng rào hai bên đường đa phần được trồng bằng cây (trúc, duối hoặc cây hoa dâm bụt…) được cắt tỉa phẳng phiu. Những hộ đã có hàng rào sắt hoặc tường xây kiên cố thì đặt một hàng chậu cây cảnh che bớt tường xây hoặc trồng dàn dây hoa leo che bớt màu sắt thép… Những hộ có vườn dù to hay nhỏ dường như đều không để cho cỏ mọc hoang mà đều có cải tạo để trồng luống rau, khóm hoa, cây ăn quả hoặc cây lấy bóng mát. Nhiều hộ còn phát rào, bắc giàn cho bầu, bí, mướp leo…, vừa phục vụ cho nhu cầu thực phẩm của gia đình lại vừa tạo cảnh quan đẹp.

Đến những vùng quê như thế luôn có cảm giác yên bình, không thấy màu bê tông nặng nề nhức mắt, thấy thêm sự văn minh, trù phú dù không biết thu nhập của họ là bao nhiêu.
Cần coi “Làm đẹp cảnh quan môi trường nông thôn” là nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng NTM đến năm 2020. /.

TS TĂNG MINH LỘC – PCT HỘI KHOA HỌC VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN VIỆT NAM

Thực hiện: Hoàng Phương – Lương Thủy