Theo thống kê của Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương), hiện có 19 nhà máy nhiệt điện than (công suất đạt 14.300 MW) đang vận hành và tiêu thụ khoảng 42 triệu tấn than/năm. Ước tính lượng tro, xỉ, thạch cao thải ra hàng năm hơn 14,4 triệu tấn. Tổng số diện tích làm bãi thải khoảng 700 ha.
Ngoài ra còn có 12 nhà máy (11.700 MW) đang xây dựng và 12 nhà máy đã và đang phê duyệt đầu tư (12.900 MW) với tổng số than tiêu thụ 63 triệu tấn/năm và lượng tro xỉ thải ra khoảng 14,7 triệu tấn/năm. Diện tích bãi thải xỉ khoảng hơn 1.100 ha. Như vậy, tính đến năm 2022-2023, Việt Nam sẽ có 43 nhà máy, tiêu thụ khoảng 110 triệu tấn than và thải ra khoảng 29 triệu tấn tro xỉ/năm.
Xử lý lượng lớn tro xỉ nhiệt điện than đang là vấn đề cấp bách
Đại diện các nhà máy nhiệt điện than cho biết, hầu hết lượng tro xỉ than đều được chôn lấp nhưng cũng chỉ kéo dài được khoảng 2 đến 3 năm, nhiều nhất là 5 năm. Một số ít nhà máy bán được tro xỉ ra bên ngoài, phục vụ sản xuất gạch không nung, làm phụ gia xi măng, bê tông nhưng số lượng hạn chế, không thường xuyên. Một số nhà máy có nghiên cứu, thuê tư vấn lập dự án đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng nhưng vẫn trong giai đoạn kế hoạch vì khó vay vốn.
Đại diện Bộ Xây dựng cho biết, đã có nghiên cứu cơ bản về việc xử lý tro xỉ than sử dụng trong vật liệu xây dựng nhưng sở dĩ chưa triển khai được do vướng mắc về vấn đề kỹ thuật như chất lượng tro xỉ than, chi phí đầu tư, giá thành sản xuất cũng như cạnh tranh.
Mặc dù Chính phủ đã có Quyết định 1696/QĐ-TTg về một số giải pháp xử lý tro xỉ, thạch cao làm nguyên liệu sản xuất VLXD với một số cơ chế ưu đãi nhưng nhiều ý kiến cho rằng khó thực hiện nếu không có hướng dẫn chi tiết, cụ thể hơn.
VLXD.org (TH)