03/07/2017

Xử lý thành công bã thải PG thành thạch cao nhân tạo

Nhà máy phân bón hóa chất DAP – Đình Vũ thuộc Cty CP DAP- Vinachem (Hải Phòng) đi vào hoạt động từ năm 2010, đến nay đã thải ra khoảng hơn 2,5 triệu tấn chất thải phosphogypsum (PG). Hàng năm, nhà máy này tiếp tục thải ra khoảng khoảng 600.000 tấn bã thải PG.

Điểm “nóng”

Điều đáng nói là bãi thải PG của DAP – Đình Vũ từ lâu đã trở thành một điểm “nóng” về nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn. Bãi thải chất cao như núi, gió thổi phát tán tro bụi trong không khí. Thành phần phospho, axit phosphoric, axit sulfuric có trong chất thải PG nếu thẩm thấu vào đất sẽ làm ô nhiễm môi trường đất. Do vậy, việc xử lý chất thải PG thành vật liệu xây dựng (VLXD) đã trở thành vấn đề cấp thiết, được Chính phủ, chính quyền địa phương, chủ đầu tư và các nhà khoa học quan tâm. Điển hình, ngày 04/01/2017, tại công văn 02/TB-VPCP, Văn phòng Chính phủ đã thông báo kết luật của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về xử lý tồn tại của Cty DAP- Vinachem. Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND TP Hải Phòng phối hợp với Cty DAP- Vinachem xử lý dứt điểm vấn đề ô nhiễm môi trường, nhất là bãi thải, chất thải, khí thải; Bộ Xây dựng chỉ đạo và hướng dẫn các DN sản xuất xi măng, VLXD trong nước tích cực sử dụng nguồn thạch cao nhân tạo của Cty DAP- Vinachem…

Đã làm chủ được công nghệ xử lý chất thải PG

Đơn vị làm chủ được công nghệ xứ lý chất thải PG thành thạch cao phospho (thạch cao nhân tạo) là Cty CP Thạch cao Đình Vũ (TCĐV). Chủ tịch HĐQT TCĐV, ông Kiều Văn Mát cho biết: Ngay sau khi được thành lập (năm 2010), Cty đã huy động vốn triển khai dự án xử lý bã thải PG tại DAP Đình Vũ để sản xuất thạch cao nhân tạo dùng cho sản xuất xi măng, VLXD, thay thế thạch cao nhập khẩu. Tuy nhiên, công nghệ lĩnh vực này chưa được phổ biến nhiều, chưa được hoàn thiện. Mặt khác, nhu cầu sử dụng thạch cao nhân tạo ở các nước không nhiều (vì có sẵn thạch cao tự nhiên), chỉ có một số nước nghiên cứu xử lý ở mức độ nhất định nên Cty không thể nhập được thiết bị công nghệ đồng bộ để sản xuất.

Khắc phục khó khăn trên, Cty chủ động phối hợp với các nhà khoa học trong và ngoài nước nghiên cứu, thiết kế, chế tạo đồng bộ dây chuyền công nghệ… Sau nhiều nỗ lực, đến nay, Cty đã hoàn thiện công nghệ xử lý bã thải PG tạo ra sản phẩm thạch cao nhân tạo dạng bột, viên làm phụ gia sản xuất xi măng và các VLXD khác. Sản phẩm đã được thử nghiệm tại Viện VLXD và đưa vào sản xuất thử nghiệm công nghiệp tại các nhà máy xi măng: Hoàng Thạch, Hải Phòng, Bút Sơn, Tam Điệp, Nghi Sơn và được đánh giá đạt yêu cầu. Sau nhiều lần thí nghiệm, Cty Xi măng Nghi Sơn (có vốn đầu tư Nhật Bản) đã chính thức ký hợp đồng mua thạch cao nhân tạo của Cty CP Thạch cao Đình Vũ để phục vụ sản xuất xi măng cho năm 2017 và các năm tiếp theo.


Dây chuyền xử lý bã thải PG ở Cty CP Thạch cao Đình Vũ.

Ông Mát cho biết: Hiện tại, TCĐV đã hoàn thành giai đoạn 1 với công suất 650.000 tấn/năm. Sau khi sản xuất và tiêu thụ ổn định, Cty sẽ tiếp tục lắp đặt bổ sung và hoàn thiện đồng bộ dây chuyền công nghệ, dự kiến sẽ đạt công suất 1,2 triệu tấn thạch cao bột và 1 triệu tấn thạch cao viên trong năm 2017. Như vậy, Cty sẽ xử lý hết lượng bã thải PG tồn đọng cũng như lượng bã thải phát sinh hàng năm. Trong thời gian tới, Cty sẽ triển khai cung cấp thạch cao cho các nhà máy xi măng phía Bắc như nhà máy xi măng Sông Thao, xi măng Thăng Long…

Đẩy mạnh tiêu thụ thạch cao nhân tạo

Việc TCĐV làm chủ công nghệ xử lý chất thải PG để làm VLXD được các cơ quan chuyên môn đánh giá rất cao. Vụ trưởng Vụ VLXD Phạm Văn Bắc nhận định: Bước đầu, công nghệ xử lý chất thải PG của TCĐV đảm bảo tiêu chuẩn. Song đây là lĩnh vực còn mới nên phải có thử nghiệm đầy đủ, bài bản. Hơn nữa, muốn dây chuyền sản xuất được liên tục và giải quyết được vấn đề ô nhiễm tồn đọng thì đầu ra của sản phẩm thạch cao nhân tạo phải được sử dụng một cách hiệu quả, do đó cần sự vào cuộc của các cấp các ngành liên quan trong việc đẩy mạnh việc sử dụng thạch cao nhân tạo thay thế thạch cao nhập khẩu trong sản xuất xi măng, sản xuất VLXD.

Theo ông Bắc, để tiêu thụ tốt thạch cao nhân tạo thì sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn và phải tuân theo thị trường. Đáng mừng là ngày 27/4/2017, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã công bố tiêu TCVN 11833:2017 thạch cao phospho dùng để sản xuất xi măng. Sản phẩm thạch cao nhân tạo của TCĐV đạt TCVN 11833:2017 và đã được Nhà máy xi măng Nghi Sơn (giám sát, quản lý chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn khắt khe của Nhật Bản) cùng một số nhà máy xi măng khác tin cậy sử dụng.

Bên cạnh chất lượng sản phẩm thì yếu tố quan trọng khác là giá. Thạch cao nhân tạo phải có chất lượng tốt hơn, giá thành phải rẻ hơn so với thạch cao nhập khẩu từ Thái Lan, Lào… thì mới tạo ra sức cạnh tranh trên thị trường.

Tháng 4/2017, Chính phủ đã phê duyệt Đề án đẩy mạnh xử lý tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón để làm nguyên liệu sản xuất VLXD và sử dụng trong các công trình xây dựng. Đề án đã đề cập những cơ chế, chính sách, ưu đãi đối với các nhà máy xử lý tro, xỉ, thạch cao làm VLXD. Theo ông Phạm Văn Bắc, thực hiện tốt các chính sách ưu đãi này sẽ góp phần khuyến khích mạnh hơn các DN đầu tư trong lĩnh vực xử lý tro, xỉ, thạch cao làm VLXD và góp phần giảm giá thành sản phẩm.

Còn đối với việc xử lý tồn tại của Cty CP DAP – Vinachem, thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, Bộ Xây dựng đã chỉ đạo, hướng dẫn các nhà máy xi măng đẩy mạnh sử dụng thạch cao sản xuất trong nước thay thế thạch cao nhập khẩu.

Quý Anh/BXD