14/08/2015

Xu hướng đối lập trong ngành xi măng Việt Nam

Ngành xi măng đang chứng kiến 2 xu hướng đối lập thấy rõ. Trong khi các doanh nghiệp quy mô sản xuất lớn liên tục đầu tư mở rộng sản xuất, nâng nhanh sản lượng, thì một bộ phận những doanh nghiệp xi măng địa phương lại thu hẹp dần.

Chẳng hạn, Công ty cổ phần Tập đoàn ThaiGroup (trước là Tập đoàn Xuân Thành) đang chuẩn bị nguồn lực để thực hiện Dự án Xi măng Xuân Thành giai đoạn 2, công suất 12.500 tấn clinker/ngày (tương đương 4,5 triệu tấn xi măng/năm), tổng mức đầu tư lên tới gần 11.000 tỷ đồng.

Vốn cho dự án “khủng” trên đã được Tập đoàn ThaiGroup lo cơ bản, với sự hỗ trợ tích cực từ Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank); Ngân hàng TMCP Quân đội (MB).

Song song với Dự án Xi măng Xuân Thành giai đoạn 2, Tập đoàn ThaiGroup cũng thực hiện mở rộng phạm vi hoạt động bằng việc mua tiếp Dự án Nhà máy Xi măng Minh Tâm (huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước) từ Công ty cổ phần Miền Đông. Dự án có công suất 2 triệu tấn/năm, mỏ nguyên liệu có thể cung cấp nguyên liệu cho nhà máy hoạt động trong 50 năm. Với việc sở hữu Xi măng Minh Tâm, Tập đoàn Xuân Thành đang cho thấy rõ con đường “Nam tiến” trong việc đầu tư phát triển các nhà máy xi măng và mở rộng phạm vi cung cấp.

Trong khi đó, những doanh nghiệp xi măng nhỏ có sức cạnh tranh yếu trên thị trường xi măng nội địa vốn dư thừa công suất. Giữa tháng 6 vừa qua, Công ty cổ phần Xi măng Tiên Sơn Hà Tây (TSM) đã phải rời sàn và hủy niêm yết do kinh doanh thua lỗ trong thời gian dài.

Cụ thể, trong 3 năm 2012-2014, hoạt động kinh doanh của TSM kém hiệu quả, không hoàn thành kế hoạch đề ra. Năm 2014, trong khi hầu hết các doanh nghiệp xi măng cải thiện đáng kể về doanh thu, lợi nhuận, do nhu cầu tiêu dùng xi măng đã tăng trở lại, thì TSM vẫn rất ì ạch, với tổng doanh thu chỉ đạt 37,7 tỷ đồng và lỗ 7,6 tỷ đồng…

Ông Lê Văn Tới, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho rằng, các dự án xi măng công suất nhỏ, công nghệ sản xuất lạc hậu… sẽ rất khó trụ nổi trên thị trường, nhất là trong bối cảnh ngành xi măng cạnh tranh khốc liệt như hiện nay. Và chắc chắn, thị trường còn chứng kiến những hoạt động tái cơ cấu, sắp xếp lại sản xuất của một số doanh nghiệp xi măng trong thời gian tới.

Sự kiện Công ty cổ phần Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh (QNC) chính thức cho tạm dừng sản xuất đối với Nhà máy Xi măng Lam Thạch từ ngày 1/8/2015 cho thấy, công cuộc tái cơ cấu của các đơn vị sản xuất xi măng vẫn chưa dừng lại. Đây là việc làm rất cần thiết trong thời điểm này, dù ngành xi măng đã qua được giai đoạn tái cơ cấu quan trọng từ năm 2012 đến 2014.

VLXD.org (TH/Báo đầu tư)