23/07/2015

Xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng góp phần phát triển đô thị bền vững

Nghị quyết số 13-NQ/TW về “Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 được Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI thông qua ngày 16/01/2012, trong đó đề ra mục tiêu trọng tâm về hạ tầng đô thị lớn: “Từng bước phát triển đồng bộ và hiện đại, giải quyết cơ bản tình trạng ách tắc giao thông, úng ngập; cung cấp ổn định điện, nước và xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường” và định hướng phát triển hạ tầng đô thị cũng đã chỉ rõ: Xây dựng các nhà máy cung cấp nước sạch cho các đô thị trong cả nước, hệ thống thoát nước và xử lý nước thải, xử lý chất thải rắn ở các TP lớn và trung tâm vùng. Từng bước giải quyết tình trạng ngập úng khu vực nội đô…

Trong những năm qua, Ban Cán sự Đảng, Đảng bộ Bộ Xây dựng và lãnh đạo Bộ Xây dựng kịp thời quán triệt và triển khai các văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị, hướng dẫn của các Ban Đảng Trung ương về triển khai Nghị quyết, đồng thời xây dựng chương trình hành động để chỉ đạo các Đảng bộ, Chi bộ trong ngành Xây dựng. Có thể nói rằng sau khi quán triệt Nghị quyết, xác định vai trò, tầm quan trọng của xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển kinh tế xã hội nói chung và xây dựng – phát triển đô thị nói riêng, nhận thức của cán bộ, đảng viên công chức trong toàn ngành đã được nâng cao.

Những năm qua, Bộ Xây dựng đã chủ trì, trình Quốc hội và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS. các Nghị định hướng dẫn thi hành như các đại biểu khác đã trình bày đã góp phần chuyển biến mạnh mẽ trong xã hội.

Được sự chỉ đạo của Ban cán sự Đảng, Đảng bộ Bộ Xây dựng, Chi bộ Cục Hạ tầng kỹ thuật đã cùng lãnh đạo Cục tiếp tục rà soát các văn bản quản lý nhà nước, các tiêu chuẩn, quy chuẩn, chiến lược, định hướng, quy hoạch để kiến nghị sửa đổi bổ sung hoặc xây dựng mới mặt khác tiếp tục xúc tiến đầu tư, huy động các nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật tại các đô thị. Những kết quả đã được bao gồm: Các văn bản pháp lý có liên quan đến quản lý nhà nước về hạ tầng kỹ thuật 100% đã được ban hành (Cấp, thoát nước, CTR, nghĩa trang, cây xanh, chiếu sáng, công trình sử dụng chung, công trình ngầm…); Các định hướng lớn về cấp nước, thoát nước và chiếu sáng; Chiến lược quản lý tổng hợp CTR và Chương trình đầu tư xử lý CTR, Chống thất thoát nước sạch cùng với 18 quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật của 4 vùng kinh tế trọng điểm, 3 vùng lưu vực sông; quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật các thành phố lớn đã được phê duyệt. Thông qua các việc làm trên đã góp phần làm thay đổi nhận thức về tầm quan trọng của xây dựng hạ tầng kỹ thuật, sự đóng góp của hạ tầng kỹ thuật trong xây dựng và phát triển đô thị – tạo dựng đô thị Việt Nam hướng tới phát triển bền vững. Đây là tiền đề quan trọng để kêu gọi đầu tư hơn nữa vào kết cấu hạ tầng kỹ thuật tại các đô thị. Nếu tổ chức thực hiện tốt sẽ có đột phá trong lĩnh vực này ở giai đoạn 2016 – 2020.

Trong giai đoạn 2011 – 2016, với sự chỉ đạo quyết liệt tập trung của Ban cán sự Đảng, Đảng bộ Bộ Xây dựng… 100% các chỉ tiêu của Đại hội Đảng toàn quốc có liên quan đến kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị đã được hoàn thành: Tổng công suất cấp nước không ngừng nâng cao, tỷ lệ dân cư đô thị được cấp nước qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 80% (năm 2014 và tăng 4% so với năm 2011, dự kiến đạt 81 – 82% năm 2015); Tỷ lệ thất thoát năm 2014 đạt 25,5% và dự kiến 2015 đạt 25% (đúng với kế hoạch và giảm so với năm 2010 là 4,5%); Tỷ lệ xử lý nước thải tăng lên từ lúc số lượng nhà máy xử lý và số đô thị có nhà máy xử lý thấp đến nay đã có trên 30 nhà máy với tổng công suất đạt trên 800.000m3/ngđ. Thu gom, xử lý CTR sinh hoạt đô thị đạt chỉ tiêu đề ra (85%), nhiều khu vực đô thị tỷ lệ đạt cao 100% như ở Hà Nội, TP.HCM…

Nhằm tiếp tục thúc đẩy phát triển hạ tầng kỹ thuật, duy trì kết quả đã được và hướng tới đô thị phát triển bền vững, trong thời gian tới, Chi bộ Cục Hạ tầng kỹ thuật kiến nghị với Đảng tiếp tục chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết 13 về lĩnh vực này và tập trung một số nhiệm vụ sau: Tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách đầu tư xây dựng trong lĩnh vực cấp, thoát nước và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị. Đẩy nhanh việc ban hành cơ chế chính sách đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP) trong lĩnh vực cấp, thoát nước và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị. Hoàn thiện hệ thống quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn, chỉ tiêu suất vốn đầu tư, định mức kinh tế kỹ thuật áp dụng trong lĩnh vực cấp, thoát nước và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị. Hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích nghiên cứu phát triển công nghệ trong nước và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực cấp nước, thoát nước và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị.

Tiếp tục chỉ đạo công tác rà soát, lập và điều chỉnh các quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật, tập trung vào: lĩnh vực cấp nước, thoát nước, quản lý chất thải rắn vùng liên tỉnh, vùng lưu vực sông,…; hướng dẫn, đôn đốc các địa phương triển khai lập và quản lý các đồ án quy hoạch cấp nước, thoát nước và xử lý chất thải rắn vùng tỉnh.

Tập trung triển khai Chương trình đầu tư xử lý chất thải rắn, Chương trình thất thoát, thất thu nước sạch. Chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật cấp vùng và liên vùng (cấp nước, thoát nước, xử lý chất thải rắn).

Tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống cấp, thoát nước và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị (Quyết định số 1196/QĐ-TTg ngày 23/7/2014).

Tổ chức triển khai công tác xúc tiến đầu tư tìm các nguồn vốn, đặc biệt là nguồn vốn ODA cho lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật; Nâng cao chất lượng phục vụ của hạ tầng kỹ thuật đô thuật đô thị.

PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến
Cục trưởng Cục Hạ tầng Kỹ thuật, Bộ Xây dựng.