03/06/2015

Vì đất “nở” thêm 7m2, nhà đang xây bị đình chỉ

Lấy lý do xây dựng không đúng quy định trên 7m2 đất mới phát sinh, Sở Xây dựng TPHCM đã yêu cầu Cty CP Dịch vụ và Thương mại Thành phố (Cty Cistra) phải dừng xây dựng căn nhà số 5 Hàm Nghi, phường Nguyễn Thái Bình, Q.1, TPHCM… Sự việc nhùng nhằng kéo dài đã gần 2 năm, song vẫn chưa có lối thoát.

6

Xây nhà mới biết đất “nở” thêm… 7m2

Cty Cistra là DN có 45% vốn nhà nước, thuộc UBND TPHCM. Cách đây khoảng 5 năm, vào ngày 31.1.2010, khi xây dựng công trình tháp Sài Gòn M&C; trong khi đào móng, nhà thầu đã làm sập hoàn toàn căn nhà cũ từ thời Pháp thuộc, tại số 5 Hàm Nghi, do Cty Cistra thuê lại của nhà nước và đang quản lý. Nhà thầu công trình Sài Gòn M&C đã chấp nhận bồi thường cho Cty Cistra số tiền tương đương giá trị căn nhà bị sập.

Sau đó, Cty Cistra đã liên hệ với cơ quan chức năng để xin phép xây dựng, khôi phục lại hiện trạng căn nhà cũ, nhằm mục đích làm trụ sở Cty. Suốt thời gian dài im lặng, ngày 11.4.2013, Văn phòng UBND TPHCM mới có văn bản số 2680/VP-ĐTMT chỉ đạo Sở Xây dựng và UBND Q.1 xem xét, giải quyết cho Cistra.

Ngày 20.5.2013, Sở Xây dựng ra văn bản số 3435/SXD-QLCLXD, với nội dung “Do căn nhà bị sập trong sự cố công trình Tháp Sài Gòn M&C, nên việc xây dựng lại nguyên trạng công trình nhằm mục đích khắc phục hậu quả sự cố, không cần xin phép xây dựng”.

Kế đó, UBND Q.1 cũng ban hành văn bản số 1966/UBND-QLĐT với nội dung: “Chấp thuận cho Cty Cistra triển khai xây dựng lại nguyên trạng căn nhà số 5 Hàm Nghi…, với quy mô: Trệt + lửng + 2 lầu, sàn bêtông cốt thép (thay mái tôn của hiện trạng cũ bằng mái bê tông cốt thép)”.

Ngay sau đó, Cistra đã khởi công khôi phục lại căn nhà cũ. Tuy nhiên, quá trình xây dựng Cistra mới phát hiện diện tích đất phát sinh thêm 7m2 so với diện tích đất ghi trên sổ đỏ (từ 114,9m2 lên 122,2m2).

Nguyên nhân của sự “nở” thêm 7m2 đất ngoài ý muốn này là do căn nhà trước đây được xây dựng từ thời Pháp thuộc, các bức tường khá dày, lại có khoảng không cách nhiệt ở giữa và phần diện tích dư thừa này lại không được thể hiện đầy đủ trong các bản vẽ đo đạc, sổ đỏ… Ngày 17.12.2013, lấy lý do Cistra xây dựng không đúng trên phần đất 7m2 từ trên trời rơi xuống, Thanh tra Sở Xây dựng đã lập biên bản và yêu cầu Cistra dừng xây dựng công trình…

Vì sao “tiền hậu bất nhất”?

Trước tình hình trên, Cistra đã có văn bản gửi các cơ quan chức năng giải trình; đồng thời, Sở Xây dựng và chính quyền địa phương đã nhiều lần họp bàn giải quyết, song vụ việc vẫn không tới đâu. Ngày 27.5.2014, Sở Xây dựng ra Thông báo số 4327/TB-SXD-VP, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của ông Phan Đức Nhạn – Phó GĐ Sở Xây dựng. Trong đó, ông Nhạn yêu cầu Cistra phải làm việc với Sở Tài chính thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với phần đất tăng thêm, làm việc với Sở TNMT, UBND quận 1 xác định ranh đất, diện tích hiện trạng và làm lại sổ đỏ.

Đặc biệt, Sở Xây dựng yêu cầu Cistra liên hệ Sở Xây dựng để “thực hiện việc cấp lại giấy phép xây dựng”… Ông Quách Hồng Tuyến – Phó GĐ Sở Xây dựng, khi đề cập tới vụ việc này vẫn một mực khẳng định Cistra phải “đề nghị cấp giấy phép xây dựng”. Theo ông Tuyến, Cistra phải bổ sung giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế PCCC và chỉnh sửa lại bản thiết kế xây dựng công trình (trong đó, mật độ xây dựng tối đa chỉ 80%).

Trong lúc đó,  ông Lê Anh Nhân – Tổng GĐ Cistra – cho rằng: “Các chỉ đạo trên chúng tôi đều thực hiện nghiêm túc. Tuy nhiên, riêng chỉ đạo “cấp lại giấy phép xây dựng” như… đánh đố DN. Bởi trước đây, cũng chính Sở Xây dựng cho phép xây lại nguyên trạng nhà cũ “không cần xin giấy phép xây dựng”, thì nay, Sở Xây dựng lại yêu cầu DN xin “cấp lại giấy phép xây dựng”.

Chỉ đạo tréo ngoe, “tiền hậu bất nhất” này khiến Cistra không thể làm gì hơn, bởi lẽ công trình đã xây dựng được 90% (trong đó có 7m2 đất phát sinh), nếu xin cấp lại giấy phép xây dựng, chúng tôi phải đập phá gần 1/3 công trình đã xây dựng xong. Điều này sẽ gây thiệt hại rất lớn cho DN. Hơn nữa, bản chất căn nhà trên là khôi phục lại hiện trạng căn nhà đã sập, Sở Xây dựng đã cho phép xây không cần xin giấy phép; chứ có xây mới đâu mà phải xin cấp lại giấy phép xây dựng?”.

Theo Lao Động