05/06/2017

Về một dự án “rào Hồ Gươm”

Dự án xây dựng khách sạn Oriental Luxury hotel trên nền dãy nhà 22-32 (10 số nhà) phố Lê Thái Tổ sát cận Hồ Gươm thành một khối tường kín đặc, trải dài gần 90m và cao trên 30m, làm dấy nên nhiều ý kiến không đồng tình từ các nhà chuyên môn.

 

Pa nô treo trên mặt nhà hai tầng ở số 22-32 Lê Thái Tổ mới chỉ là hai tầng đế của dự án. Vị trí này đang là chỗ kinh doanh của siêu thị Intimex, thuộc công ty CP Intimex Việt Nam do bà Nguyễn Thị Nga làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, đồng thời là Chủ tịch của Tập đoàn BRG.Ảnh: T.H.A 

Từ e ngại đến sửng sốt

KTS. Lê Văn Lân (Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Hà Nội) bày tỏ: “Nửa năm trước đi qua Hồ Gươm thấy tấm pa nô lớn che kín từ số nhà 22 đến 32 phố Lê Thái Tổ (của Công ty cổ phần Intimex), tôi cứ ngỡ tất cả dự án này chỉ là khách sạn 3 tầng, số buồng ngủ cũng chẳng bao nhiêu, lại thấy thông báo có sự hỗ trợ của nhiều hội đồng quan trọng, nên yên tâm chờ đợi.

Gần đây được tiếp cận với đồ án thì mới biết: phần vẽ lên mặt nhà cũ hóa ra mới chỉ là phần đế của công trình, thực sự đồ án có quy mô rất khác; có số hầm sâu quá, chiều cao lớn quá, mặt đứng chạy dài và bưng bít quá, tiếp cận với giao thông đô thị bất tiện quá, phong cách kiến trúc cổ quá – nhại thứ kiến trúc mà gần thế kỷ trước, chính người Pháp ở Hà Nội đã rời bỏ…

Đây không phải là mảnh đất để khai thác kinh doanh mang lại lợi nhuận tối đa mà là một không gian mọi thế hệ người Hà Nội luôn xem như châu ngọc. Những người có trách nhiệm cần truyền đạt đến người thiết kế (nhất là người nước ngoài) những yêu cầu và đòi hỏi khắt khe của tình cảm dân tộc Việt.”

KTS. Lê Văn Lân cho rằng lỗi có thể bắt đầu từ “sự cọc cạnh” của hai công trình trụ sở UBND  quận Hoàn Kiếm và khách sạn Phú Gia liền kề có sự vận dụng quá mức về khối tích và tầng cao trước đó khiến những người thiết kế sau bắt chước. “Chúng ta nên trân trọng ý tưởng không gian Hồ Gươm mà người Pháp trước đây kiên trì theo đuổi. Và chính quyền thành phố nhất thiết sớm có một giải pháp kiến trúc tổng thể cho khu vực Hồ Gươm, có quy hoạch không gian ngầm, đặc biệt phải có quy hoạch giao thông làm rõ các luồng xe cộ, các tuyến metro, các bến đỗ và trung chuyển, các lối đi xe đạp và đi bộ, nhất là có được một sự chỉ dẫn cụ thể từ những dự án về tuyến phố đi bộ của Hà Nội”, KTS. Lê Văn Lân nói.

Mặt đứng hiện trạng khai triển mặt phố từ 40 Lê Thái Tổ đên cuối phố Hàng Trống (ảnh trên) và mặt đứng đề xuất xây dựng khai triển mặt phố từ 40 Lê Thái Tổ đến cuối phố Hàng Trống.Ảnh: T.H.A – TL

Vượt quy định và gây nguy cơ tắc giao thông

Hồ sơ thiết kế của công trình này có mật độ xây dựng 84,3%, chiều cao là 30,6m, hệ số xây dựng là 4,75. Đối chiếu với Quyết định phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội của Thủ tướng Chính phủ (số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011): “Công trình mặt phố không vượt quá 16m…”. Và theo Điều lệ quản lý xây dựng quy hoạch khu vực Hồ Gươm và phụ cận được viện dẫn thì, dự án này thuộc lô L7, mật độ xây dựng được quy định là 80%, tầng cao trung bình 2,7 tầng, hệ số sử dụng đất 2,14.

Như vậy, hồ sơ thiết kế Oriental Luxury hotel vượt quá các quy định về tầng cao, mật độ và hệ số sử dụng đất nhiều lần. PGS-TS-KTS. Nguyễn Hồng Thục (Viện trưởng Viện Nghiên cứu định cư; Trưởng khoa Kiến trúc và khoa Sau đại học, Trường đại học Kiến trúc Hà Nội) phân tích: “Nếu tính cả diện tích 5 tầng hầm thì hệ số sử dụng đất không phải là 4,75 mà lên tới 8 lần – cao gấp 4 lần quy định, đồng nghĩa với việc cấy một khối tích gấp 8 lần nhà cũ, vừa rào kín, vừa làm biến dạng tỷ lệ cảnh quan gốc của Hồ Gươm. Quy mô như vậy sẽ tạo nên sức ép lớn tới hạ tầng hiện có, phá vỡ quy hoạch chi tiết khu vực Hồ Gươm duyệt năm 2000, chưa tính đến sức ép về cấp điện, cấp thoát nước, tích tụ mật độ và quá tải hoạt động cho cả khu vực bởi công trình khổng lồ này.

Bài học từ khách sạn Phú Gia cho thấy, từ “sáng kiến” của nhà chức trách cho chiều cao công trình làm hai lớp (cấp phép cho “kiểu ghế tựa” để lách quy hoạch chiều cao) cho xây dựng khối nhà sát đường (lớp ngoài) cao 16m, lớp trong 24m, nhưng khi xây dựng lại lách luật xây tới 36m. Nhưng dẫu vậy, nó là công trình điểm và còn “nấp” được vào sau nhà Khai Trí Tiến Đức xưa, còn thiết kế này là cả tuyến công trình chủ đạo của bờ tây Hồ Gươm, dài tới 90m mà người Pháp đã ngắt mặt phố ra làm 4 đoạn và ngăn nó chờm ra Hồ Gươm bằng con phố đôi duy nhất Lê Thái Tổ. Một thủ pháp vô giá cần được bảo tồn cho cảnh quan trung tâm nước ở đô thị lịch sử này.

Việc xây dựng các công trình quy mô lớn tại Hồ Gươm là việc hệ trọng của quốc gia, nên trước khi đi vào chi tiết từng công trình, chính quyền Hà Nội sớm hoàn thành phê duyệt ba quy hoạch quan trọng trong khu vực này

Về giao thông, PGS. Nguyễn Hồng Thục khuyến cáo đường dẫn xuống tầng hầm xén vào vỉa hè hơn 100m2. Tổng diện tích tầng hầm 14.355m2, chia ra 25m2/xe, có sức chứa 574 ô tô sẽ tạo áp lực giao thông rất lớn cho đường phố vốn dành cho người đi bộ. Nhất là hiện nay hoạt động đi bộ quanh Hồ Gươm đã được tổ chức vào hai ngày cuối tuần (có triển vọng tất cả các ngày trong tuần) với gần 600 ô tô vào ra sẽ xung đột gay gắt với lưu lượng giao thông vốn đông đặc trên một phố cổ nhỏ bé, di chuyển một chiều. Chưa kể tầm nhìn cho dãy nhà mới phải tính từ phía đông của Hồ Gươm mới thấu đáo.

Cả hai chuyên gia nói trên đều nhấn mạnh: “Việc xây dựng các công trình quy mô lớn tại Hồ Gươm là việc hệ trọng của quốc gia, nên trước khi đi vào chi tiết từng công trình, chính quyền Hà Nội sớm hoàn thành phê duyệt ba quy hoạch quan trọng trong khu vực này: quy hoạch phân khu và quy hoạch bảo tồn khu đô thị cổ vô giá H1-1B tỷ lệ 1/2.000; quy hoạch các công trình ngầm, quy hoạch tổ chức giao thông tổng thể quận Hoàn Kiếm, trong đó ưu tiên nghiên cứu trước khu vực Hồ Gươm và phụ cận – đây sẽ là sở cứ chính để tiến hành bất cứ thủ tục xây dựng các công trình lớn nào tại khu vực đặc biệt quan trọng này.

Dãy nhà 22-32 Lý Thái Tổ với kiến trúc vốn có mái hiên che nắng cho người đi bộ trên hè (ảnh trên) và hình phối cảnh Oriental Luxury Hotel 5 tầng hầm 7 tầng cao, dự kiến xây dựng tại đây. Ảnh: T.H.A – TL

Nhà đầu tư cần nâng tầm nhìn

Theo TS-KTS. Nguyễn Quang (Giám đốc UN Habitat Việt Nam): “Không có lợi ích kinh tế nào có thể bù đắp cho sự hủy hoại những công trình đại diện cho lịch sử hình thành một đô thị, và “đồ giả cổ” dù chế tạo tinh vi bao nhiêu cũng không có giá trị lịch sử. Kinh nghiệm quốc tế có rất nhiều cho Hà Nội, tỉ như những nhà đầu tư lão luyện, đẳng cấp cao luôn biết khai thác tối đa giá trị văn hóa vô giá, của không gian cổ kính từ kiến trúc lịch sử đem lại cho một dự án bất động sản hạng sang, chứ không phải phá đi không gian di sản để kiếm thật nhiều diện tích”.

Ông Quang cho rằng nên giữ nguyên vẹn các công trình hiện trạng, tôn tạo chỉnh trang để sử dụng cho nhu cầu mới, phục chế công phu các chi tiết kiến trúc, chất liệu, màu sắc… bên cạnh đó có thể kết nối với các công trình mới để nhấn mạnh linh hồn lịch sử của các công trình cổ đã có mặt hàng trăm năm.Thực hiện điều này chính là nâng tầm tư duy cho các chủ đầu tư, giúp họ trở thành những doanh nhân sang trọng, lịch lãm, có tầm nhìn. Không thiếu gì cách chọn đường đi đến tương lai thịnh vượng mà vẫn giữ nguyên những mạch nối, tiếp biến văn hóa lịch sử, giảm đi xung đột, bớt đi chông gai của phát triển, và xã hội thay vì thoái biến sẽ tiến hóa nhanh hơn.

 “Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc chung thành phố Hà Nội” do UBND TP ban hành theo Quyết định số 70/2014/QĐ-UBND ngày 12.9.2014, tại điều 9 Quản lý quy hoạch và không gian khu vực nội đô lịch sử (khu vực A1 đến A7), trong đó riêng mục 5: Đối với khu vực hồ Gươm và vùng phụ cận (khu A5), là:

a) Hạn chế xây dựng công trình cao tầng; với chiều cao là 16m; tại một số địa điểm có vị trí phù hợp, đáp ứng đủ các tiêu chí về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét, quyết định cho phép xây dựng cao 24m, phù hợp theo Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử, Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc khu vực Hồ Gươm và vùng phụ cận, quy hoạch phân khu, thiết kế đô thị được phê duyệt;

b) Nghiêm cấm: Các hoạt động xây dựng làm thay đổi, phá vỡ cấu trúc đô thị, phong cách kiến trúc, không gian cảnh quan Hồ Gươm và các giá trị di sản văn hóa, lịch sử, cách mạng, kiến trúc, nghệ thuật; phá vỡ và xây dựng cơi nới trong khuôn viên các biệt thự cũ đã được công nhận giá trị; xây dựng công trình cao tầng xung quanh khu vực Hồ Gươm; xây dựng đường dây đi nổi theo các tuyến phố.

KTS.Trần Huy Ánh