26/10/2016

Vật liệu xanh cho công trình vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Việc sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung thay thế gạch đất sét nung truyền thống sẽ là xu hướng tất yếu tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới.

“Vật liệu xây không nung – vật liệu xanh cho công trình xây dựng vùng Đồng bằng sông Cửu Long”, là chủ đề của hội thảo do Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam (thuộc Bộ Xây dựng) tổ chức tại thành phố Cần Thơ vào chiều 12/10.

Hội thảo thu hút sự tham gia của hơn 100 đại biểu là các nhà quản lý, khoa học; các nhà đầu tư, sản xuất, phân phối sản phẩm vật liệu xây dựng; các Hội, Hiệp hội chuyên ngành đến từ Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo ông Huỳnh Văn Sáu, Phó Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Cần Thơ, cùng với quá trình đô thị hóa nhanh chóng ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, hoạt động sản xuất gạch đất nung trong vùng hiện cũng phát triển mạnh kéo theo hệ lụy gây ô nhiễm không khí do quá trình nung đốt bằng nguyên liệu hóa thạch.

Đặc biệt là sự khai thác quá mức nguồn đất sét để sản xuất gạch đất nung tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã làm ảnh hưởng nặng nề đến diện tích canh tác nông nghiệp của vùng.

Theo dự báo nhu cầu sử dụng vật liệu xây ở nước ta vào năm 2020 cần 33 tỷ viên gạch để đáp ứng nhu cầu xây dựng. Để sản xuất ra 1 tỷ viên gạch đất sét nung, phải tiêu tốn 1,5 triệu m3 đất sét (tương đương 75 ha đất khai thác ở độ sâu 2m), 150 nghìn tấn than và thải ra môi trường 0,57 triệu tấn CO2.

Đến năm 2020, mỗi năm nước ta phải tiêu tốn 50 triệu m3 đất sét (tương đương 2.500 ha đất khai thác ở độ sâu 2m), 5 triệu tấn than và thải ra môi trường 19 triệu tấn CO2 gây ô nhiễm môi trường và hiệu ứng nhà kính, ảnh hưởng đến diện tích đất canh tác.

Đánh giá của Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, cho thấy, nghiên cứu về vật liệu xây ở Việt Nam nói chung và cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng cho đến nay phần lớn vẫn là sử dụng gạch đất sét nung trong xây dựng. Việc sử dụng gạch đất sét nung không những tốn đất, các loại nhiên liệu chất đốt mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, sức khỏe và làm giảm năng suất cây trồng, vật nuôi.

Ông Tống Văn Nga, Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cho biết, hiện vùng Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những vùng đang chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu toàn cầu. Để phát triển bền vững theo hướng công nghiệp hóa hiện đại hóa và nâng cao đời sống nhân dân, theo quy hoạch xây dựng của các tỉnh trong vùng, sẽ cần khối lượng lớn vật liệu xây dựng, trong đó có vật liệu xây không nung.

Theo ông Nga, việc phát triển sản xuất vật liệu xây dựng không nung sẽ giúp các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long giảm ô nhiễm môi trường, tạo ra các sản phẩm xanh, xây dựng lên những công trình xanh.

Tại hội thảo, các nhà khoa học và chuyên gia cũng đánh giá cao sử dụng gạch không nung trong xây dựng ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có nhiều lợi thế so với gạch đất sét nung như bảo vệ môi trường, cách âm, cách nhiệt, thi công nhanh, chống cháy… Vì vậy, việc sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung thay thế gạch đất sét nung truyền thống sẽ là xu hướng tất yếu tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới.

Ông Lê Văn Tới, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng – Bộ Xây dựng cũng đã giới thiệu một số nội dung mới của Nghị định số 24a/2016/NĐ-CP ngày 5/4/2016 về quản lý vật liệu xây dựng (thay thế Nghị định số 124/2007/NĐ-CP./.

Thanh Sang (TTXVN)