05/02/2015

Vật liệu, nội thất “Thơm” lây địa ốc

Thông tin mới nhất từ Vụ Vật liệu Xây dựng (Bộ Xây dựng) cho thấy tiêu thụ xi măng trong tháng 1/2015 đã tăng đột biến 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Ghi nhận thực tế, hoạt động sản xuất, kinh doanh đồ nội thất cũng tích cực trông thấy những ngày qua.

 

Giá bán xi măng ổn định, thanh khoản gia tăng nhờ hàng loạt dự án, công trình tổ hợp rậm rịch khởi công, đẩy nhanh tiến độ. Cũng như vậy, siêu thị nội thất và đặc biệt là các làng nghề chuyên đồ gỗ… làm không hết việc.

“Chở cho tôi thêm 6 bao xi măng và 5 xe cát”, anh Huy, chủ căn nhà 3,5 tầng khang trang ở Triều Khúc (Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội) yêu cầu “đơn hàng” vật liệu xây dựng (VLXD) với một đại lý phân phối đặt tại Trung Văn (Nam Từ Liêm). Công trình đã xong thô từ trong năm và đang được chủ nhân cấp tập hoàn thiện phần cầu thang, tum trước khi lắp nội thất.

Xi măng, vui từ làng ra phố

Cách đó không xa, tại con ngõ rộng vừa chiếc xe taxi quay đầu, vợ chồng chị Thắm đang “thúc” cửa hàng vận chuyển thêm 10 bao xi măng để đổ trần căn nhà rộng 65m2 ở Định Công Hạ. Ngõ mới được trải bê tông, nhìn thẳng ra sân bóng, được rào bằng chiếc thang dựng chéo nhằm hạn chế phương tiện đi lại, tạo thuận lợi cho các hộ thoải mái bố trí vật tư, vật liệu phục vụ xây sửa nhà.

Ở Phùng Khoang, địa bàn mới lên cấp đô thị, cũng chứng kiến cảnh tượng đại công trường. Người dân chưa hết khổ sở vì cảnh đào đường, đặt ống nước gây cản trở đi lại, giao thương lại tiếp tục bị “hành” vì xe công nông, bán tải chất đầy xi măng, cát, sắt thép phụ liệu để phục vụ công trình nhà dân sinh.

Trao đổi với người viết, ông Tuấn, chủ cửa hàng chuyên doanh VLXD lẫn cho thuê cốp – pha, trần phào vui vẻ cho biết 2 tháng qua, nhân viên cửa hàng làm việc suốt từ sáng tới tối mới hết việc.

Ngoài sắt thép, đá cát được “gọi” liên tục, xi măng càng đắt khách hơn. Hầu hết đều là dân cư quanh đây yêu cầu cung cấp, cá biệt nhiều khách hàng là chủ chung cư tới yêu cầu cả thợ, để hoàn thiện căn hộ xây thô.

Tháng 1, dự án NƠTM trên địa bàn Thủ đô cũng “trăm hoa đua nở”. Công bố, khởi công, đóng cọc móng, khoan hầm… đến nhiều nhất ở các công trình phía Đông và Tây – Nam Hà Nội.

Đặc biệt, những chủ đầu tư đang khởi động chu kỳ kinh doanh dự án sớm, ngay sau động thái công bố, treo băng rôn, phướn khắp nơi, đều khiến địa bàn nơi đặt dự án trở nên ngột ngạt vì xe chở vật tư xây dựng.

langgo

Các làng nghề chuyên đồ gỗ làm… không hết việc

Ở trục Khương Đình – Kim Giang – Cầu Dậu, vài ngày qua chứng kiến số lượng xe tải vận chuyển xi măng, cát đá lẫn máy trộn bê tông ùn ùn chạy vào các công trình nhà ở hứa hẹn hàng nghìn chỗ an cư cho khách hàng…

Tại ngã tư giao cắt Lê Văn Lương – Hoàng Đạo Thúy, một bên là dự án Hoa Kim Cương, nhìn sang đường là tổ hợp nhà ở của Handico đang rầm rập thi công. Cảnh xi măng, sắt thép, phụ gia chất đống ngay vỉa hè từ đây cũng trải suốt xuống đoạn Tố Hữu – nơi ngự trị của cả chục dự án đang thấp thỏm ngày về…

Công trường dự án tấp nập bóng thợ, rầm rập tiếng máy thi công… là điều thị trường, khách hàng và nhà quản lý mong mỏi bấy lâu (thay vì đắp chiếu). Theo đó, xi măng – một trọng điểm của ngành xây dựng, đã tươi tắn trở lại. Vụ VLXD cho biết, tiêu thụ xi măng trong nước ước đạt 4,37 triệu tấn bằng 106% so với tháng 12/2014 và bằng 147% so với tháng 1/2014. Trong đó, Vicem tiêu thụ đạt 1,41 triệu tấn (tăng 46% so cùng kỳ năm 2014).

Nội thất “đắt sô”

Bài toán giá thành luôn được DN tạo lập BĐS lẫn người dân tự xây, sửa nhà tính tới trong kế hoạch công trình. Không tính chủ dự án nhà ở cao cấp bởi thường đặt ra bộ tiêu chí “hiện đại, đồng bộ, đẳng cấp” cho sản phẩm mục tiêu, phần còn lại đều tính toán chi li cho từng đồng vốn bỏ ra.

Khi thanh khoản BĐS còn “gặp khó”, hầu bao thu nhập của đại bộ phận người cần mua nhà vẫn hạn chế, nhiều chủ dự án đã áp dụng hình thức bán căn hộ xây thô nhằm kích cầu.

Hệ lụy cho người mua căn hộ thô (khách tự hoàn thiện) chẳng còn xa lạ, ngay cả với những dự án đầy “tem đảm bảo” như Mandarin Garden hay chung cư Mỹ Đình (DN ép người mua phải chọn nhà thầu, mua VLXD của đơn vị nhất định). May mắn, đó chỉ là thiểu số trong bức tranh “mua thô căn hộ” trên địa bàn Thủ đô.

Ít tháng trước, gia đình anh Minh – chị Thư đã mua lại căn hộ hơn 100m2 ở Hapulico (Thanh Xuân, Hà Nội) và tự thay đổi phần nội thất bên trong. Được bạn bè tư vấn, hai vợ chồng tìm tới làng nghề Chàng Sơn (Thạch Thất) để sắm tủ quần áo gỗ dổi và bộ sô – pha bọc da thật nhằm trang hoàng lại tổ ấm.

Hóa đơn thanh toán (gồm cả công lắp đặt, vận chuyển từ cơ sở tới căn hộ) lên tới 140 triệu đồng. Tuy nhiên, anh Minh không giấu được sự vui mừng: “Mua ở làng nghề danh tiếng, lại được tư vấn rất kỹ từ bạn bè trong nghề xây dựng nên tôi rất yên tâm về chất lượng. Nếu tìm vào các siêu thị nội thất nổi tiếng, mức tiền còn cao hơn. Trong khi tôi được biết, nhiều hệ thống chuyên doanh trong nội đô còn nhập hàng ở Chàng Sơn về bán…”.

Tương tự như vậy, là trường hợp anh Sơn ở Mulberry Lane Hà Đông tự hoàn thiện nội thất bằng “hàng” làng nghề thủ công ở Hà Tây cũ. Giường ngủ gỗ venner Hoàng Anh Gia Lai, tủ bếp gỗ dổi, bộ bàn ghế nỉ gốc Anh… tốn gần 200 triệu đồng. So với đồ ở Đê La Thành (phố nội thất) thì tốt hơn rất nhiều, giá lại dễ chịu hơn – chủ nhân căn hộ hoan hỉ sau hơn 2 tuần đặt hàng, gọi thợ hoàn thiện.

Theo đội ngũ những cai thầu xây dựng và nhiều gia đình đã có kinh nghiệm “xương máu” về lựa chọn nội thất, những làng nghề gỗ như Chàng Sơn hay xa hơn là Đồng Kỵ đang ăn lên làm ra thời gian gần đây.

Lý do khách quan thực tế: thị trường nguồn cung thứ cấp (cửa hàng kinh doanh lớn, tuyến phố nội thất) thường rẻ hơn nhưng chất lượng không ổn định.

Siêu thị, đại lý hãng thì không nhận đóng theo yêu cầu thiết kế, chỉ có các mẫu sẵn cho khách lựa chọn, kèm theo giá cao. Ở chiều ngược lại, những làng nghề truyền thống đang len vào từng chung cư, mỗi căn nhà thổ cư 3 – 5 tầng trong nội đô.

 

Theo TBKD