12/09/2016

Văn hóa thương mại vỉa hè – Thỏa thuận và mục đích

(Tạp chí Kiến trúc Việt Nam) – Những cửa hàng tạm, những quán ăn hè phố, những gánh hàng rong đã trở thành một đối tượng thu hút được sự quan tâm của cuộc sống đô thị, nhưng nhà quản lý vẫn chưa làm rõ các định hướng trong ứng xử với loại hình kinh doanh đặc thù này. Trên bối cảnh đó cần xem xét các gánh hàng rong, quán vỉa hè như những đối tượng của không gian đô thị hàng ngày, hình thành và tồn tại dưới ba tác động: Sự đô thị hóa, nhu cầu của người dân và kiểm soát của nhà nước để tìm hiểu hiệu quả của những chính sách kiểm soát được ban hành, đồng thời phân tích những nét chính của bức tranh bối cảnh về hiện trạng của thương mại vỉa hè trong đô thị Việt Nam.

Vỉa hè - không gian của hoạt động kinh tế "phi chính thức"

Vỉa hè – không gian của hoạt động kinh tế “phi chính thức”

Thương mại vỉa hè – Hệ quả của đô thị hóa một đất nước nông nghiệp
Có lẽ cuộc sống vỉa hè của dân thành thị Việt Nam được xếp vào loại sôi động đặc thù. “Văn hóa vỉa hè” được các chuyên gia xã hội học trong và ngoài nước chú ý nghiên cứu và tìm ra được nhiều kết luận thú vị về đô thị Việt Nam từ những câu chuyện xảy ra trên vỉa hè. Dần dần vỉa hè đã trở thành một tính từ có hàm nghĩa “không chính quy”, ”không xác thực”, dùng để đặc tả tính chất của các danh từ kèm theo trong nhiều trường hợp.
“Thương mại vỉa hè” cũng vậy. Rất nhiều hoạt động mua bán, ăn uống của người dân được thực hiện trên phạm vi vỉa hè và không phải lúc nào pháp luật cũng cho phép. Những người kinh doanh trên đó, đều sử dụng không gian công cộng làm địa điểm kinh doanh của mình, điều này giúp người bán – người mua dễ dàng thuận tiện hơn khi giao dịch. Nhưng ngược lại, các không gian công cộng cũng phải chịu các tác động không nhỏ, và đó chính là vấn đề mà nhà quản lý cần quan tâm.
Sử dụng không gian công cộng để hoạt động thương mại là đặc điểm chung của những đối tượng này, tuy nhiên hình thức sử dụng lại khác nhau. Có thể phân loại theo nhiều nhóm tùy theo từng góc nhìn: chính quy hay không chính quy, hàng quán cố định hay hàng rong (di động), buôn bán theo thời gian hay cả ngày…
Loại hình thương mại vỉa hè được tập trung đề cập trong trường hợp này là những hàng quán tự phát, những người bán hàng rong, và cả những người kinh doanh tự do ngoài đường phố như : bán báo, đánh giầy, bán dạo… có thể tóm lại là những đối tượng hoạt động thương mại vỉa hè thuộc loại hình kinh tế không chính quy.
Khái niệm kinh tế không chính quy ở đây đồng nghĩa với những hoạt động kinh doanh không đăng ký doanh nghiệp để kiếm sống của người dân, chính vì vậy nó bao quát được thuộc tính của các hoạt động thương mại vỉa hè nói trên.
Sự hình thành hàng quán vỉa hè và những gánh hàng rong bắt nguồn từ các tập quán buôn bán tại các đô thị Việt Nam và mối quan hệ thương mại giữa đô thị với các làng nông nghiệp lân cận. Thêm vào đó, quá trình đô thị hóa mạnh mẽ sau thời kỳ đổi mới đã làm bùng phát thêm một lượng dân trôi nổi bổ sung vào lực lượng lao động dịch vụ đông đảo trên đường phố.

 Bán dạo trên hè phố

Bán dạo trên hè phố

Trong những năm gần đây, sự tập trung đầu tư cho các trung tâm lớn để tạo nên các đầu tầu phát triển như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội đã tạo ra một sự chênh lệch lớn về điều kiện kinh tế và xã hội giữa các thành phố lớn và nông thôn, khiến cho dòng người dân dịch cư từ nông thôn về các đô thị lớn ngày càng tăng. Hầu hết những người dân này đổ lên thành phố vì lý do kinh tế, sau đó là lý do như giáo dục, văn hóa.
Tuy nhiên, vì tốc độ phát triển các khu công nghiệp và đào tạo nghề của Việt Nam còn chưa tương xứng với yêu cầu thực tiễn, một số lượng lớn của dòng người di cư đổ vào thành phố tham gia vào các dạng công việc 3K: “khó khăn – không an toàn – không sạch sẽ” hoặc đổ ra đường phố tự kinh doanh hàng rong. Số lượng dân dịch cư này được nhiều nghiên cứu đặt cho cái tên khác nhau như “dân di cư” “khách vãng lai” “dân trôi nổi” “dân không đăng ký” (3) và rất khó thống nhất về con số chính xác khi khảo sát, thậm chí chỉ là thống nhất con số ước lượng cũng rất khó khăn do tính chất “không chính quy” của họ trong cả nghề nghiệp lẫn cư trú.
Cũng bởi những lý do trên nên những người dân dịch cư vào đô thị gặp phải những góc nhìn tiêu cực của những nhà quản lý. Chẳng hạn như đã từng có cái nhìn cho rằng dân nhập cư trôi nổi gây sức ép lên hạ tầng cơ sở đô thị vốn đã quá tải, hoặc dân dịch cư dễ tham gia vào các “tệ nạn đô thị” như trộm cướp, mại dâm, hoạt động trái pháp luật, ảnh hưởng đến trật tự đô thị, làm mất mỹ quan và tác động xấu đến môi trường đô thị.

 Kinh doanh trên một phần đất nhỏ trên vỉa hè

Kinh doanh trên một phần đất nhỏ trên vỉa hè

Trong khi còn thiếu những công trình nghiên cứu khoa học nghiêm túc kiểm chứng rõ những quan điểm tiêu cực trên, những đóng góp tích cực của thành phần kinh tế không chính quy đối với đô thị lại luôn bị “bỏ quên”. Không những thế, chế độ quản lý “hộ khẩu” của Việt Nam còn khiến những người lao động ngoại tỉnh, vốn có mặt bằng trình độ tay nghề và thu nhập thấp, khó có cơ hội tiếp cận được với các việc làm và dịch vụ xã hội như y tế, giáo dục, bảo hiểm.
Ở quy mô phân bố lao động mỗi gia đình, với một đất nước đang phát triển nóng từ tiền đề nền nông nghiệp lạc hậu với lạm phát và bảo hiểm xã hội chưa đảm bảo thì việc một số thành viên gia đình (dù là nông thôn hay thành thị) kiếm sống bằng kinh doanh trên vỉa hè đô thị cũng là một cách để bảo đảm kinh tế hộ gia đình.
Ở góc nhìn rộng hơn, mỗi thành phố bắt buộc phải là đầu tầu phát triển của một vùng địa phương, vùng quốc gia, chính những người đang kiếm sống ở đô thị là những mạch máu để hỗ trợ phát triển kinh tế địa phương giúp cho kinh tế nông thôn trở nên ổn định hơn. Vì những lý do đó nên trong khi quá trình đô thị hóa còn diễn ra, khi sự chênh lệch điều kiện kinh tế – xã hội còn tiếp diễn thì vẫn còn động lực nuôi dưỡng dòng người đổ ra thành phố kiếm sống bằng tất cả mọi hình thức “chính quy” hay “không chính quy”.

Người dân đô thị – Những thói quen tiêu dùng
Sẽ không cần thiết phải đề cập đến giá cả của hàng rong hay các hàng quán khác không cố định kinh doanh trong không gian công cộng, bởi chắc chắn là rất rẻ do đã bớt được những chi phí mặt bằng vốn cao dẫn đến bất hợp lý ở các đô thị lớn Việt Nam. Với đặc điểm các hàng rong, hàng quán vỉa hè chủ yếu là đồ ăn, thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm ăn nhanh được bán với giá rẻ là một lợi thế rất lớn để thu hút người dân thành thị, họ sẵn sàng bỏ qua cả các chuẩn mực vệ sinh an toàn thực phẩm để chấp nhận sử dụng. Thật vậy, giá cả là yếu tố hàng đầu, giúp hàng rong tồn tại, nhưng không phải tất cả.

 Vỉa hè - nơi kinh doanh, giao lưu và gặp gỡ

Vỉa hè – nơi kinh doanh, giao lưu và gặp gỡ

Cần đề cập và làm rõ những thói quen tiêu dùng của người dân thành thị, những thói quen đã đi vào truyền thống và trở thành một bản sắc của người dân thành thị Việt Nam. Chính những thói quen đó đã khiến cho rất nhiều người đứng về phía hàng rong mỗi khi có những sức ép của chính sách lên người hoạt động thương mại vỉa hè. Những vấn đề truyền thống đó nó ăn sâu vào văn hóa của người đô thị và khó có thể liệt kê hết đầy đủ và rõ ràng. Xin điểm một vài hành vi có tính chất ví dụ cho thói quen tiêu dùng của người dân đô thị.
– Khác với người nông dân và những người phương Tây, rất nhiều người dân đô thị sống lâu tại thành phố có thói quen ăn sáng tại các hàng quán. Chính thói quen này đã nuôi dưỡng hàng ăn vỉa hè và tạo ra một thời gian biểu đặc sắc cho không gian đô thị mỗi sáng. Bạn hãy tưởng tượng, không gian đường phố biến đổi mạnh mẽ trong khoảng thời gian từ 5h – 9h sáng qua ba – bốn hoạt cảnh khác nhau, từ 5 – 6h là lúc người dân tập thể dục, chạy bộ thể thao, sau đó từ 6 – 8h là giờ bày bán và diễu hành của hàng rong và quán ăn, đến 9h là khoảng thời gian đội trật tự phường đi tuần tra, hàng quán dọn dẹp lại ngăn nắp hơn, nhưng vẫn có những “hoạt cảnh” khi người dân vừa bê bát bún vừa chạy dẹp vào một góc, tránh trật tự và công an.
Không chỉ ăn sáng, thói quen ăn quà, ngồi quán khi có thời gian rảnh của người dân trong ngày cũng tạo nên những cửa hàng bán đủ thể loại quà bánh vào bất kỳ thời gian nào trong ngày. Những đồ ăn đó cũng khó có thể phát triển thành những cửa hàng to, rộng và sang trọng, những cái tên như “chè hẻm”, xôi bà nọ, cụ kia hay cả những quán cà phê “một chữ” (Nhân, Nhĩ, Dĩ, Giảng ở Hà nội) cũng đủ đặc tả quy mô nhỏ bé và tính độc đáo của những hàng quán như vậy.
– Thói quen đi chợ hay mua bán thực phẩm tươi sống trong ngày cũng là lý do cho hàng rong phát triển thuận lợi, vì ngày nào các bà các chị cũng có nhu cầu đi chợ, nên hàng rong chỉ cần “vào từng nhà, rà từng ngõ, gõ từng đối tượng” là có thể tiêu thụ được gánh thực phẩm nhỏ bé của mình để quay vòng vốn nhanh chóng. Các bà các cô cũng thích chỉ cần ngồi tận nhà, đợi người đi qua mà mua thêm những thứ cần thiết với giá rẻ hơn. Trong khoảng 10 năm gần đây, các siêu thị đã làm tất cả để thay đổi thói quen này của người dân, nhưng truyền thống mua bán “mặc cả – thỏa thuận” đã kéo dài cả ngàn năm nay vẫn chưa thể thay đổi.
– Thói quen sử dụng các phương tiện giao thông cá nhân để tiếp cận như xe máy cũng góp phần không nhỏ trong việc duy trì các hàng rong, hàng quán. Trong đô thị Việt Nam con người có thể gắn chặt với yên xe máy đi mọi nơi, mọi ngóc ngách. Trên trang web du lịch của hãng thông tấn CNN gần đây có đăng tải một phóng sự qua ảnh phóng viên Bruce Foreman thể hiện sự ngạc nhiên của các vị khách nước ngoài khi đến Việt Nam. Chỉ cần ngồi trên xe máy, người ta có thể mua bán đủ thứ từ quà bánh vặt đến chợ búa hàng ngày, thậm chí xe máy có thể trở thành ghế đá công viên cho những đôi trẻ vừa tâm tình vừa ăn kem, ăn quà (4).
Nếu như yếu tố Địa điểm “Location” là điều kiện tiên quyết hàng đầu trong nguyên tắc kinh doanh của phương Tây thì ở đô thị Việt Nam, khách hàng và hàng rong tự tìm đến nhau do đều có những yếu tố động và linh hoạt trong tiếp cận. Và xác suất gặp nhau của họ là không nhỏ khi số lượng của hai bên cung và cầu đều lớn.
Quản lý đô thị – Đạt mục tiêu bằng những sự thỏa thuận
Khái niệm thỏa thuận trước đây đã được nhiều người nhắc đến, đặc biệt là David Koh trong một cuốn sách nghiên cứu về Phường ở Hà Nội đã kết luận ”không gian đường phố do các phường quản lý là không gian dàn xếp” (Mediation Space)(5). Theo đó, việc quản lý không chỉ đơn thuần là do chính sách ở các cấp trên ban ra, mà còn có những tác động nhất định từ chính dân cư địa phương vào chính sách.
Những tác động đó liên quan đến văn hóa, đạo đức, chẳng hạn như không nỡ dẹp quán của người quá nghèo hay họ hàng. Hay, liên quan đến truyền thống “phép vua thua lệ làng”. Và liên quan cả đến những vấn đề kinh tế minh bạch như “phạt cho tồn tại” hay không minh bạch như hối lộ. Đó là những vấn đề kìm hãm tính hiệu quả của các cán bộ trật tự khi dẹp bỏ hàng rong hay hàng quán lấn chiếm.
Ở một cấp cao hơn, các nhà quản lý đô thị cũng phải thừa nhận những sự tồn tại của cung và cầu như hai phần trên đã chứng minh. Bài học đổi mới cách đây 20 năm giúp nhà nước ý thức rõ hơn vai trò của kinh tế dân sinh như một cứu cánh đối với những bộ phận dân cư nhà nước chưa đủ sức bao trọn. Vì thế, mặc dù có rất nhiều tồn tại tiêu cực trong các hoạt động của thương mại vỉa hè (như an toàn thực phẩm hay trật tự công cộng) nhưng các cơ quan quản lý cấp cao hơn cũng chỉ có thể đề ra các quy phạm điều chỉnh hoạt động tiêu cực đó mà không có những hình phạt chế tài cụ thể.
Báo chí có thể trách tính thiếu hiệu quả và thiếu chặt chẽ ngay từ khâu ban hành văn bản của cơ quan quản lý, tuy nhiên những văn bản như thế cũng có tác dụng như một tuyên bố thỏa thuận của quản lý đô thị đối với người kinh doanh và người tiêu dùng hiểu rõ, đâu là đích hướng tới trong giai đoạn tiếp theo trong việc quản lý hàng quán vỉa hè, để rồi một phần những chủ kinh doanh thay đổi do cảm thấy áp lực sắp đến, một phần người tiêu dùng bị thuyết phục tẩy chay những sản phẩm kém chất lượng và khi những chế tài thực sự hiệu quả ra đời và áp dụng, mức độ tác động tới Thương mại vỉa hè sẽ bớt ảnh hưởng mạnh đến kinh tế dân sinh hơn bây giờ.

Kết luận
Như vậy những phân tích phía trên đã phần nào phác họa được bức tranh bối cảnh của thương mại vỉa hè trong đô thị Việt Nam. Sự tồn tại mang tính quy luật, đáp ứng nhu cầu thị trường của thương mại vỉa hè là không thể tránh khỏi, mặc dù ẩn chứa trong nó quá nhiều vấn đề đô thị làm đau đầu các nhà quản lý. Việc khó kiểm soát hàng rong và nền kinh tế vỉa hè xuất phát từ những nguyên nhân nội tại của nền kinh tế, hệ thống quản lý đô thị và chính sách phát triển đất nước nói chung.
Những chính sách quản lý và giữ trật tự đô thị của các cấp cơ sở tác động mạnh đến thương mại vỉa hè, mặc dù có những hiệu quả trong vấn đề giữ mỹ quan, trật tự đô thị đơn lẻ đó, nhưng đằng sau việc cấm đoán đó cũng có những bất cập trong phát triển kinh tế khi xét đến tổng quan cả vùng lãnh thổ.
Trường hợp đô thị Đà Nẵng có thể coi là điển hình trong quản lý “siết chặt” đối với thương mại vỉa hè và các chính sách nhập cư để giữ trật tự đô thị. Liệu có hay không sự liên quan giữa các chính sách đó với tốc độ phát triển kinh tế không cao của Đà Nẵng, cũng như vai trò còn hạn chế trong việc dẫn dắt tăng trưởng toàn vùng? Rất cần những phân tích tiếp theo để đưa ra những nghiên cứu chuyên sâu hơn về chính sách quản lý kinh tế và ứng xử đối với thương mại vỉa hè xuất phát từ nhiều góc độ. /.

KS. Trần Quang Dương  

TẠP CHÍ KIẾN TRÚC VIỆT NAM SỐ 200 – 2016

CHÚ THÍCH
(1) Lê Bạch Dương, Nguyễn Thanh Liêm-”Từ Nông thôn ra thành phố”-2011-NXB Lao động
(2) Bắt nguồn từ các nghiên cứu của nước ngoài về lao động nghèo thành thị có tính chất 3D là ba chữ cái đầu của 3 từ trong tiếng Anh gồm Dirty (bẩn), Dangerous (nguy hiểm) và Demeaning (thấp kém) nhằm ám chỉ các công việc có 3 tính chất trên.
(3) Patrick Gubry, Le Thi Huong, Nguyen Thi Thieng-”Đô thị hóa ở Việt Nam: Ta biết gì về dân số trôi nổi” – 2011
(4) Bruce Foreman – Photo – travel.cnn.com/drive-through-dining-vietnam-929351
(5) David Koh -“Wards of Hanoi” – 2006