02/10/2023

Văn bản hợp nhất Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Kiến trúc

Văn bản hợp nhất quy định chi tiết về trình tự lập, thẩm định, ban hành quy chế quản lý kiến trúc; Chương trình, nội dung, hình thức sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc.

Ngày 22/9/2023, Bộ Xây dựng ban hành Văn bản hợp nhất số 12/VBHN-BXD về việc hợp nhất Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Kiến trúc.

Đối với quy chế quản lý kiến trúc

Theo đó,trình tự lập, thẩm định, ban hành quy chế quản lý kiến trúc gồm: Lập quy chế quản lý kiến trúc; Thẩm định quy chế quản lý kiến trúc; Phê duyệt, ban hành quy chế quản lý kiến trúc; Công bố quy chế quản lý kiến trúc.

Cụ thể, thời gian lập quy chế quản lý kiến trúc: Đối với thành phố trực thuộc trung ương không quá 15 tháng; đối với các trường hợp còn lại không quá 12 tháng, kể từ thời điểm được giao lập quy chế.

Thời gian thẩm định quy chế quản lý kiến trúc: Đối với thành phố trực thuộc trung ương không quá 30 ngày; đối với các trường hợp còn lại không quá 20 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

Thời gian phê duyệt, ban hành quy chế quản lý kiến trúc không quá 10 ngày, kể từ ngày được Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua.

Hội nghị Quy chế quản lý kiến trúc các đô thị trên địa bàn tỉnh Phú Thọ do Sở Xây dựng Phú Thọ phối hợp với Viện Kiến trúc Quốc gia (Bộ Xây dựng) thực hiện

Đối với lập quy chế quản lý kiến trúc: UBND cấp tỉnh phân cấp, ủy quyền cho cơ quan chuyên môn về kiến trúc thuộc UBND cấp tỉnh hoặc UBND cấp huyện lập quy chế quản lý kiến trúc.

Trong đó, các bước lập quy chế quản lý kiến trúc: Điều tra hiện trạng, khảo sát thực địa; thu thập bản đồ, tài liệu, số liệu về điều kiện tự nhiên, các loại hình thiên tai thường xảy ra trong khu vực, quy hoạch, thiết kế đô thị (nếu có) và các tài liệu, căn cứ pháp lý có liên quan làm cơ sở lập quy chế quản lý kiến trúc; Soạn thảo quy chế quản lý kiến trúc; Lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan về dự thảo quy chế quản lý kiến trúc. Thời gian lấy ý kiến tối thiểu 15 ngày đối với cơ quan, 30 ngày đối với tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư.

Cụ thể, hồ sơ trình thẩm định quy chế quản lý kiến trúc gồm: Tờ trình; Dự thảo quy chế quản lý kiến trúc và phụ lục kèm theo (nếu có); Thuyết minh về các nội dung đề xuất trong quy chế; Báo cáo tổng hợp giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý và bản sao văn bản góp ý; Các văn bản pháp lý và tài liệu liên quan; Dự thảo quyết định phê duyệt quy chế quản lý kiến trúc.

Đối với thẩm định, phê duyệt, ban hành quy chế quản lý kiến trúc, nội dung thẩm định gồm: Sự phù hợp với nguyên tắc hoạt động kiến trúc quy định tại Điều 4 của Luật Kiến trúc; Sự tuân thủ các quy định khoản 2 Điều 14 của Luật Kiến trúc; Bảo đảm các nội dung theo quy định tại Điều 12, Điều 13 của Nghị định này.

Cơ quan chuyên môn về kiến trúc thuộc UBND cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức thẩm định quy chế quản lý kiến trúc. Trong quá trình thẩm định, cơ quan tổ chức thẩm định có trách nhiệm lấy ý kiến bằng văn bản các cơ quan, tổ chức có liên quan; thành lập hội đồng để thẩm định và lập báo cáo thẩm định. Cơ quan được yêu cầu góp ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn không quá 15 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị.

Báo cáo thẩm định phải thể hiện rõ ý kiến của Hội đồng thẩm định về nội dung thẩm định quy định tại khoản 1 Điều này và kết luận về việc quy chế đủ điều kiện hoặc chưa đủ điều kiện để trình phê duyệt.

Hồ sơ trình phê duyệt, ban hành gồm hồ sơ trình thẩm định quy chế quản lý kiến trúc đã được tiếp thu, hoàn chỉnh theo ý kiến thẩm định; báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định kèm báo cáo thẩm định.

Đối với quy chế quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn, UBND cấp tỉnh có thể phân cấp, ủy quyền cho UBND cấp huyện phê duyệt, ban hành.

Đối với hình thức cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc

Chương trình, nội dung, hình thức sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc: Hội Kiến trúc sư Việt Nam xây dựng, ban hành chương trình, tài liệu phục vụ sát hạch, bộ câu hỏi sát hạch sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Xây dựng.

Nội dung Bộ câu hỏi sát hạch với số điểm tối đa là 100 phải phù hợp với khoản 2 Điều 26 Luật Kiến trúc, bao gồm: 10 câu hỏi về kinh nghiệm nghề nghiệp với số điểm tối đa là 40; 05 câu hỏi về kiến thức pháp luật với số điểm tối đa là 20; 05 câu hỏi về kiến thức chuyên môn với số điểm tối đa là 20; 05 câu hỏi về Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của Kiến trúc sư hành nghề với số điểm tối đa là 20.

Cá nhân đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc lần đầu, thực hiện sát hạch gồm 02 phần: thi trắc nghiệm và thi vấn đáp. Thi vấn đáp được thực hiện ngay sau khi có thông báo kết quả thi trắc nghiệm đạt yêu cầu. Cá nhân thi vấn đáp phải gắp thăm và trả lời tối đa 04 câu hỏi, mỗi câu hỏi về nội dung kiến thức và sự hiểu biết áp dụng trong hoạt động hành nghề kiến trúc phù hợp với nội dung Bộ câu hỏi sát hạch quy định tại khoản 2 Điều 26 Luật Kiến trúc.

Một buổi thi sát hạch hành nghề kiến trúc do Viện Kiến trúc Quốc gia (Bộ Xây dựng) tổ chức.

Việc sát hạch được thực hiện thông qua hình thức sát hạch trực tiếp hoặc sát hạch trực tuyến và phải tuân thủ yêu cầu, điều kiện theo quy định.

Yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật, phần mềm sát hạch trực tuyến phục vụ cấp chứng chỉ hành nghề: Cơ sở tổ chức sát hạch trực tuyến phải bảo đảm yêu cầu về đường truyền internet và thiết bị kết nối, máy tính, thiết bị đầu cuối có cấu hình phù hợp để cài đặt, vận hành hệ thống phần mềm sát hạch trực tuyến; có không gian lắp đặt các trang thiết bị phục vụ giám sát thí sinh sát hạch trực tuyến; Có giải pháp bảo đảm an toàn thông tin, lưu trữ dữ liệu điện tử và bảo mật thông tin cá nhân theo quy định khi tổ chức sát hạch trực tuyến; Phần mềm sát hạch có khả năng dừng bài thi khi phát hiện ra vi phạm trong quá trình sát hạch; trường hợp thí sinh giải trình được do nguyên nhân khách quan, cán bộ quản lý thi cho phép thực hiện thi lại;  Phần mềm bảo đảm khả năng phục vụ sát hạch trực tuyến thông suốt trong quá trình sát hạch, có cơ chế đảm bảo tính toàn vẹn, khả năng bảo mật thông tin trước, trong và sau khi thực hiện sát hạch.

Quản lý sát hạch trực tuyến: Việc theo dõi quá trình sát hạch được thực hiện thông qua camera của thiết bị tham dự sát hạch, phần mềm sát hạch trực tuyến và hệ thống thiết bị, màn hình giám sát tại cơ sở tổ chức sát hạch; Cán bộ quản lý thi có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra tính phù hợp của thiết bị, khu vực thi của người tham dự trước khi sát hạch.

Tổ chức, cơ quan tổ chức sát hạch quyết định lựa chọn hình thức sát hạch phục vụ cấp chứng chỉ hành nghề; ban hành quy chế sát hạch trực tuyến, bảo đảm các yêu cầu quản lý, yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật, phần mềm sát hạch trực tuyến.

Cá nhân đạt kết quả sát hạch phải có tổng số điểm từ 70 điểm trở lên, trong đó điểm sát hạch về kiến thức pháp luật phải đạt tối thiểu là 16 điểm; các phần còn lại phải đạt tối thiểu 50% số điểm theo quy định tại khoản 2 Điều 26 Luật Kiến trúc.

Việc tổ chức sát hạch trực tiếp hoặc sát hạch trực tuyến được thực hiện theo định kỳ 06 tháng một lần hoặc đột xuất theo yêu cầu thực tế. Trường hợp không tổ chức sát hạch được thì phải thông báo tới cá nhân đăng ký sát hạch bằng văn bản trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được tờ khai đăng ký.

Cá nhân có nhu cầu đăng ký sát hạch gửi tờ khai đăng ký sát hạch theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này kèm bản sao văn bằng đào tạo qua mạng trực tuyến, qua đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp đến cơ quan tổ chức sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc.

Tổ chức, cơ quan tổ chức sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc có trách nhiệm: Thông báo kết quả sát hạch cho các cá nhân tham dự sát hạch sau 15 ngày, kể từ ngày sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc; Cấp giấy chứng nhận kết quả sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc cho cá nhân đạt yêu cầu sát hạch.

Thời hạn có hiệu lực của kết quả sát hạch có giá trị tối đa 12 tháng kể từ ngày cấp giấy chứng nhận kết quả sát hạch. Trường hợp mất giấy chứng nhận kết quả sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc thì phải làm đơn đề nghị và được xét cấp lại.

Điều kiện thực hiện sát hạch đối với tổ chức xã hội – nghề nghiệp về hành nghề kiến trúc, cơ sở nghiên cứu, cơ sở đào tạo về kiến trúc:

Tổ chức xã hội – nghề nghiệp về hành nghề kiến trúc, cơ sở nghiên cứu, cơ sở đào tạo về kiến trúc được công nhận đủ điều kiện thực hiện sát hạch phải đáp ứng điều kiện sau: Bảo đảm yêu cầu quy định tại khoản 3 Điều 26 của Luật Kiến trúc; Có quyết định công nhận đủ điều kiện thực hiện sát hạch đối với tổ chức xã hội – nghề nghiệp về hành nghề kiến trúc, cơ sở nghiên cứu, cơ sở đào tạo về kiến trúc; Đáp ứng yêu cầu cơ sở vật chất phục vụ sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc bằng hình thức trực tiếp theo các nội dung tại Phụ lục IV kèm theo Nghị định này trong trường hợp tổ chức sát hạch trực tiếp; đáp ứng yêu cầu quản lý, yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật, phần mềm sát hạch trực tuyến theo quy định tại khoản 3b, khoản 3c Điều 25 của Nghị định này trong trường hợp tổ chức sát hạch trực tuyến; Cơ sở đào tạo về kiến trúc từ bậc đại học trở lên.

Ngoài ra, văn bản cũng quy định chi tiết một số nội dung như Hồ sơ đề nghị công nhận tổ chức đủ điều kiện tổ chức thực hiện sát hạch; Hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại, gia hạn chứng chỉ hành nghề kiến trúc; Trình tự, thủ tục cấp, cấp lại, gia hạn, thu hồi chứng chỉ hành nghề kiến trúc và nhiều nội dung quan trọng khác.

Bình Minh