17/04/2019

Ứng xử với dòng sông

Báo chí và dư luận xã hội đang mạnh mẽ lên tiếng phản đối việc sông Hàn của Đà Nẵng bị lấp ngay tại nơi gặp biển. Vị trí sông bị lấp là địa danh nổi tiếng cuối nguồn Vu Gia – Thu Bồn có tên gọi: Cửa Hàn. Cửa Hàn được khắc tạc trong tâm khảm người Quảng Nam – Đà Nẵng qua thơ ca nhạc họa…

Sông Hàn chảy qua Đà Nẵng bị lấp, dòng chảy những nơi đắc địa nhất bị thu hẹp, biến dạng gây nên những tác động tiêu cực đối với đời sống, sinh kế của gần 1 triệu  cư dân sống dọc 2 bờ sông.

Mặt nước - nơi sông Hàn gặp biển, bị lấp. Ảnh: Thanh Tùng

Mặt nước – nơi sông Hàn gặp biển, bị lấp. Ảnh: Thanh Tùng

Trên Google map, rất dễ dàng nhìn thấy những nơi sông Hàn bị lấp, bị lấn khiến dòng chảy  biến dạng, thu hẹp. Hơn 5 km sông Hàn từ cầu Trần Thị Lý xuôi ra cửa  biển, có ít nhất 5 vị trí bị lấn, bị lấp, trong đó có những diện tích đã được chủ đầu tư hoàn thiện công trình, đưa vào sử dụng.

Phía Nam cầu Trần Thị Lý, ở vị trí đắc địa bậc nhất – hợp lưu 2 nhánh sông kết nối lưu thông đường thủy giữa đô thị cổ Hội An cũng như các địa phương thượng nguồn Quảng Nam với cảng biển Đà Nẵng là Cổ Cò và Vu Gia – cũng  đột ngột bị chặn lại bởi dự án đổ đất lấn sông làm khu “đô thị sinh thái”.

Trong khi hợp lưu thượng nguồn sông Hàn bị biến thành 2 dòng chảy nhỏ thì ở cuối nguồn, nơi  sông Hàn gặp biển; Dự án lấp sông xây dựng  căn hộ, khách sạn, bến du thuyền của một chủ đầu tư, cũng đang khiến dư luận hết sức bất bình. Từ cầu Thuận Phước trông xuống, ai cũng cảm thấy xót xa khi  chứng kiến diện tích rất lớn mặt nước sông Hàn bị lấp.

Dự án lấp sông thô bạo và thô thiển không chỉ làm Cửa Hàn (được coi là yếu địa phong thủy của Đà Nẵng) bị thắt lại, mà còn khiến dòng chảy tự nhiên với lượng nước khổng lồ trước khi đổ ra biển phải đột ngột rẽ ngoặt sang bờ Tây, đe dọa các công trình ven bờ. Theo thông tin từ chủ đầu tư, trên diện tích khoảng 1 ha lấp sông, sẽ hình thành 78 biệt thự, 2 tòa tháp, 128 nhà phố liền kề, khách sạn và bến du thuyền.

Nguy cơ sông Hàn chảy qua Đà Nẵng  không còn là dòng sông đúng nghĩa được giới khoa học và dư luận cảnh báo từ rất sớm nhưng số phận dòng sông chẳng những không được cải thiện mà còn mỗi lúc một xấu đi dưới tác động của các dự án đầu tư. Mọi nhà đầu tư đều đặt mục tiêu lợi nhuận lên trên hết nên không có gì khó hiểu khi đích nhắm của họ (giới đầu tư) là những vị trí đắc địa ven bờ và mặt nước các dòng sông mà  sông Hàn  của Đà Nẵng được xem là ví dụ khá điển hình.

Ngoài những vị trí bị lấn, bị lấp, năm 2015, thông tin được đưa ra tại một cuộc hội thảo góp ý quy hoạch cảnh quan đôi bờ sông Hàn, đã làm không ít người hoạt động trong lĩnh vực quy hoạch – kiến trúc cũng như dư luận, phải giật mình với mật độ dày đặc lên đến 9 bến du thuyền dọc chiều dài khoảng 2 km từ cầu Trần Thị Lý đến cầu Rồng (chưa kể các diện tích đất quy hoạch ven bờ làm công viên sinh thái và các công trình dịch vụ vui chơi, phụ trợ).

Dù chỉ là phương án đề xuất được đưa ra nhưng có thể thấy, sông Hàn giữa lòng Đà Nẵng đang mỗi lúc một lấp lánh hơn, hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư, buộc họ bằng cách này hay cách khác có được lợi thế nhất định ở trên bờ và ở mặt sông.

Điều khiến dư luận khó hiểu là trong khi gần như các công trình xây dựng chiếm dụng bờ sông, mặt nước có từ trước năm 1975 được phá bỏ thì TP Đà Nẵng lại cho tồn tại  nhà hàng nổi Memory ngay dưới chân cầu Sông Hàn; 2.000 cán bộ công chức từ tòa nhà Trung tâm hành chính TP, không thể ngắm nhìn dòng sông Hàn bởi bị 1 khách sạn cao tầng án ngữ.

Sông Hàn bị lấp, thu hẹp dòng chảy ở những vị trí đắc địa nhất, phản ánh thái độ ứng xử thiển cận với thiên nhiên – môi trường của một bộ phận những người có trách nhiệm quản lý, của chủ đầu tư các công trình. Sông Hàn có nguy cơ không còn là dòng sông đúng nghĩa trong tương lai, cũng được coi là  minh chứng của “lợi ích nhóm”, câu kết hủy hoại thiên nhiên, xảy ra ở nhiều địa phương trên cả nước.

Xin dẫn ra đây lời của một chuyên gia kiến trúc tâm huyết với thiên nhiên – môi trường của Đà Nẵng: “Cần  ứng xử văn minh với sông Hàn bởi dòng sông là cơ thể sống, không phải là vật thể vô tri vô giác. Mọi tác động đến cơ thể sống là dòng sông sẽ làm cho sông  khỏe mạnh hoặc cũng có thể khiến nó trở thành dòng sông hào nhoáng nhưng  đầy bệnh tật”.

Thiên nhiên cần nhiều triệu năm để kiến tạo một dòng sông trong khi con người, bằng thái độ và tư duy thiển cận, chỉ cần vài chục năm để biến dòng sông  thành con lạch nhỏ. Dòng sông uốn lượn quanh co như  vốn từng sinh ra, là đề tài muôn thuở của thơ ca nhạc họa và cũng là thảm họa đối với con người khi bị lấp vì bất cứ lý do gì!

Dương Thanh Tùng/Đại đoàn kết