30/07/2015

Ứng xử với di sản qua chuyện sơn lại Nhà hát Lớn Hà Nội

Mấy ngày qua, dư luận xôn xao và bất bình với chuyện Nhà hát Lớn Hà Nội bỗng dưng bị khoác một màu sơn mới vàng sẫm, ềnh ệch trông rất phản cảm khác với màu sơn cũ, vàng nhạt sang trọng, cổ điển và lịch lãm. Cái màu đã trải qua bao năm tháng cùng công trình kiến trúc văn hóa nổi tiếng bậc nhất Việt Nam và cả khu vực Đông Nam Á.


Vẫn biết rằng, việc sơn lại toàn bộ Nhà hát Lớn là việc làm cần thiết nằm trong kế hoạch duy tu, bảo dưỡng của cơ quan quản lý Nhà hát, để công trình không bị hư hại. Tuy nhiên, Nhà hát Lớn là di tích kiến trúc quốc gia, là công trình văn hóa đặc biệt chứ không phải là một công trình dân dụng bình thường, nên việc sơn sửa phải đảm bảo đúng quy trình trùng tu, bảo dưỡng của một di sản kiến trúc văn hóa. Có nghĩa là, không được thay đổi nguyên gốc kể cả màu sơn. Trong kỹ thuật xây dựng, việc sơn lại đúng màu sơn cũ hoàn toàn không khó, nhất là khi khoa học công nghệ xây dựng hiện nay cho phép pha chế màu sơn trên máy tính. Đơn giản, dễ dàng như vậy mà tại sao Ban Quản lý Nhà hát Lớn lại để xảy ra chuyện sơn phết tùy tiện trên. Trả lời câu hỏi chất vấn của báo chí, những người có trách nhiệm quản lý Nhà hát Lớn và Cục Di sản (Bộ VHTT&DL) đã giải thích đó chỉ là lớp sơn… lót, sơn thử nghiệm chứ chưa phải là lớp sơn chính thức?!

Đây là cách trả lời ngụy biện, thiếu trách nhiệm và phi khoa học đến mức ngây ngô?! Thứ nhất, trước khi sơn màu gốc, người ta phải xử lý, làm sạch bề mặt tường cho hết nấm mốc và lớp sơn cũ, rồi sơn lớp lót là màu trắng. Sau đó mới sơn màu sơn gốc ít nhất là 2 lượt. Thứ hai, để kiểm tra màu sơn trước khi sơn toàn bộ công trình, người ta thường sơn thử trên một mảng tường nhỏ độ vài mét vuông, chứ không ai lại sơn thử nghiệm toàn bộ mặt ngoài kiến trúc công trình, gây tốn kém, lãng phí vật tư và nhân công.

Chuyện sơn lại Nhà hát Lớn Hà Nội vừa qua đã bộc lộ một khâu rất yếu kém trong công tác quản lý di sản kiến trúc văn hóa. Những người được Nhà nước và nhân dân giao trọng trách trông nom, quản lý di sản của ngành văn hóa đã không làm tròn nhiệm vụ của mình, nếu không muốn nói là tắc trách, vô trách nhiệm. Bảo dưỡng, trùng tu di tích, di sản văn hóa không phải là việc đấu thầu xây dựng cơ bản đơn thuần. Lại càng không phải là chuyện sửa chữa, bảo dưỡng bằng mọi giá để giải ngân số tiền mà ngân sách Nhà nước phân bổ hàng năm dành cho tu sửa, tu bổ, trùng tu di tích, di sản. Hiện nay cả nước ta có hàng nghìn di tích văn hóa được xếp hạng, trong đó có hàng trăm di tích, di sản văn hóa cấp quốc gia đã và đang bị xuống cấp, hư hỏng rất cần được quan tâm. Nước ta còn nghèo, vốn ngân sách dành cho công tác này còn hạn chế, vì thế lại càng đòi hỏi người làm văn hóa trong lĩnh vực quản lý di tích di sản phải có trình độ chuyên môn và có lương tâm với nghề nghiệp. Quản lý di tích, di sản kiến trúc là quản lý kho tàng văn hóa lịch sử của dân tộc. Biến di tích, di sản kiến trúc văn hóa thành cái “mỏ vàng” để kiếm chác, làm lợi ích cho một nhóm người là có tội với Tổ quốc, với nhân dân.

Câu chuyện sơn lại Nhà hát Lớn chính là bài học đó. Xin đừng lặp lại!

KTS Phạm Thanh Tùng