21/08/2015

Tuyển sinh vào Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội: “Nóng” đến tận phút cuối cùng

Cũng như tại các trường đại học khác trong cả nước, trong ngày cuối cùng các thí sinh (TS) nộp đăng ký xét tuyển đợt 1 (ngày 20/8), TS và người thân đổ dồn về trường Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. Ngoài hành lang và trong Phòng Đào tạo, nơi TS nộp – rút đăng ký, không khí khẩn trương bao trùm.


Vị phụ huynh này xem bảng thông báo điểm trúng tuyển dự kiến các ngành do Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cập nhật, trên mặt không giấu được vẻ âu lo, căng thẳng…

Vừa hoàn thành xong đơn đăng ký nguyện vọng (NV) xét tuyển vào 4 ngành là Xây dựng dân dụng và công nghiệp, Xây dựng công trình ngầm đô thị, Kinh tế xây dựng, Cấp – thoát nước, thí sinh Nguyễn Đình Thành (Đông Anh, Hà Nội) cho biết: Em vừa đi rút đơn đăng ký từ Trường Đại học Xây dựng Hà Nội về liền sang ngay trường này nộp đăng ký. Với kết quả thi trung học phổ thông quốc gia của em, cơ hội trúng tuyển ở Trường Kiến trúc Hà Nội cao hơn so với Trường Đại học Xây dựng Hà Nội.

Trong khi đó, thí sinh Phùng Quốc Hiếu (Vụ Bản, Nam Định) thì cân nhắc lên xuống trong việc đăng ký NV. Vừa rà theo điểm trúng tuyển dự kiến (đã bao gồm điểm ưu tiên) của từng ngành được nhà trường cập nhật đến tối ngày 19/8, Hiếu và anh trai không ngừng tranh luận.

Chẳng là trong đăng ký NV1 và NV2, Hiếu đã chọn ngành Xây dựng dân dụng và công nghiệp, ngành Kinh tế xây dựng,nhưng khoảng 30 phút qua, 2 anh em chưa chốt được NV3 và NV4. Anh trai giục giã: Ở nhà, cả nhà đã thống nhất chọn ngành nào mà em không nhớ à, cứ thế mà chọn chứ? Hiếu thì phân vân muốn lựa chọn NV theo ý chủ quan của em. Cuối cùng, Hiếu chọn NV3 và NV4 là những ngành có điểm trúng tuyển dự kiến thấp nhất. Bởi theo phân tích người anh trai, lựa chọn như thế cho an toàn, bảo đảm Hiếu chắc chắn đỗ đại học năm nay.

Không giấu vẻ căng thẳng, chị Vũ Thị Đoan (Kim Thành, Hải Dương) cho biết, từ hôm biết điểm thi của đứa cháu trai (tài hoa, đam mê vẽ và là niềm hy vọng của cả họ) thi khối V (toán, lý, vẽ), với số điểm 21,83 điểm, cho đến giờ,hơn 20 ngày qua, cả nhà chị như ngồi trên đống lửa. Ngày nào thí sinh và người nhà cũng truy cập website chính thức của nhà trường tìm kiếm thông tin cũng như cắt cử người hỏi thăm, nghe ngóng…

So với mùa tuyển sinh năm trước, số điểm này tưởng chừng an toàn,hơn nữa, điểm chuẩn dự kiến ban đầu của ngành Kiến trúc chỉ là 21 nên gia đình chị có phần lạc quan, tư vấn cho cháu đăng ký NV1 ngành Kiến trúc, NV2ngành Quy hoạch vùng và đô thị, không đăng ký NV3 và NV4.

Nhưng mùa tuyển sinh năm nay, mọi chuyện phức tạp hơn nhiều. Đến sáng ngày 18/8, điểm trúng tuyển dự kiến của ngành Kiến trúc là 23 điểm, cơ hội vào ngành này của cậu cháu biến mất nhưng cả nhà vẫn hy vọng vào NV2, đăng ký ngành Quy hoạch vùng và đô thị. Vì vào thời điểm đó, điểm trung tuyển dự kiến chỉ có 20,5.

Song đến hết ngày 19/8, cơ hội cậu cháu đỗNV2 cũng rơi rụng bởi điểm trúng tuyển dự kiến của ngành Kiến trúc đã lên đến 23,25 và ngành Quy hoạch vùng và đô thị là 21,92. Đáng nói là với mức điểm trúng tuyển dự kiến của 2 ngành trên, số lượng đăng ký đều đã đủ và vược một chút so với chỉ tiêu tuyển sinh mà Bộ GD&ĐT phê duyệt cho trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. Điều này đồng nghĩa với việc, nếu không đăng ký lại NV thì cậu cháuđãcầm chắc kết quả… trượt đại học.

Cơ hội duy nhất của cậu cháu đến lúc này thay đổi NV vào ngành Kiến trúc cảnh quan. Đây là cũng là 1 trong 3 ngành thi khối V của trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. Đến trưa ngày 20/8, ngày cuối cùng của đợt 1 xét tuyển đại học, điểm trúng tuyển dự kiến của ngành Kiến trúc cảnh quan là 21,58 điểm.

Trước tình thế này, trong ngày 20/8, gia đình chị Đoan đã bố trí hẳn một người bám trường để nắm bắt tình hình. Đến buổi chiều, chị và cậu cháu có mặt tại trường. Hơn 14h chiều, cháu rút đăng ký trước đó ra rồi sau đó thận trọng nộp lại đăng ký xét tuyển mới vào chính Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội với NV1 là ngành Kiến trúc cảnh quan.

Thậm chí, ngay cả khi đã nộp đăng ký, cả chị Đoan và cháu đều nấn ná ở lại trường chỉ để nghe ngóng điểm trúng tuyển dự kiến được cập nhật…

Thật may mắn cho gia đình chị Đoan, cuối ngày 20/8, sau 17h, theo quy định của Bộ GD&ĐT, ngừng nhận đăng ký xét tuyển đại học, điểm trúng tuyển dự kiến của ngành Kiến trúc cảnh quan là 21,67. Vậy là cơ hội đỗ đại học của cậu cháu trai đã nằm trong tầm tay. Cả nhà có phần thở phào… Nhưng thực sự gia đình chị Đoan cũng còn phải kiên nhẫn chờ đến ngày 24/8, khi có kết quả trúng tuyển chính thức từ nhà trường thìmới dám… vui mừng.

Câu chuyện đăng ký xét tuyển đại học của gia đình chị Đoan căng “như đi đánh trận” cũng là chuyện của hàng triệu gia đình khác có con, cháu đăng ký xét tuyển đại học năm nay. Chỉ có điều, không phải gia đình nào cũng có điều kiện như những gia đình ở ngay Hà Nội. Có rất, rất nhiều thí sinh ở vùng xa xôi thiệt thòi trong việc cập nhật thông tin, cũng như gặp khó khăn trong việc đi lại để thay đổi NV nhằm hiện thực hóa ước mơ bước chân vào giảng đường đại học.

TS cân nhắc NV khi điền vào đơn đăng ký xét tuyển đợt 1 vào Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội.

TS này cẩn thận chép lại điểm trúng tuyển dự kiến các ngành để nghiên cứu, cân nhắc đăng ký NV. Một số người khác, có điều kiện hơn thì dùng smatphone chụp lại.

Cán bộ tiếp nhận đăng ký nguyện vọng xét tuyển của Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội nhiệt tình tư vấn cho TS lựa chọn NV phù hợp điểm thi và cơ hội của TS.

Không khí khẩn trương trong phòng nộp đăng ký xét tuyển

Sự khẩn trương của phụ huynh ở bên ngoài

Sự cẳng thẳng, mệt mỏi của TS và người nhà trước và sau khi cân nhắc đăng ký xét tuyển các NV.

Tâm – Anh/ Báo Xây dựng