13/11/2018

Từ trường hợp nhà ga ngầm C9, khu vực Hồ Gươm, Hà Nội luận bàn về những can thiệp mới trong đô thị di sản, kinh nghiệm của Italia

(Tạp chí KTVN) – Những phát triển vượt bậc của công nghệ kỹ thuật trong thế kỷ 21, đã thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ ở nhiều lĩnh vực tại các quốc gia trên thế giới. Trong đó, lĩnh vực phát triển đô thị không phải là ngoại lệ. Bên cạnh sự hình thành các khu đô thị mới hiện đại, nhiều khu đô thị lịch sử cũng phải đối diện với làn sóng phát triển đô thị nói chung, khi những công nghệ mới được “cấy ghép” vào các cấu trúc cũ, để nâng cao chất lượng đô thị, điển hình như việc nâng cấp hệ thống giao thông hiện đại trong các khu vực lõi đô thị trung tâm. Đặc biệt, tại các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, quá trình hiện đại hóa và phát triển đô thị đang đặt ra nhiều thách thức rất lớn. Mâu thuẫn giữa phát triển và bảo tồn đô thị luôn là vấn đề gây nhiều tranh cãi trong những đô thị lịch sử của Hà Nội hay TPHCM. Gần đây, dự án phát triển hệ thống tàu điện ngầm (Metro) trong nội đô Hà Nội đã và đang dẫn tới nhiều ý kiến trái chiều trong xã hội nói chung và giới chuyên môn nói riêng. Cụ thể trong đó, việc dự kiến xây dựng nhà ga C9 – khu vực Hồ Gươm đã trở thành một chủ đề rất “nóng”. Bài viết này được thực hiện không nằm ngoài mục tiêu tham gia đóng góp thêm những chia sẻ hữu ích, các kinh nghiệm chuyên môn từ Italia, nơi nhóm tác giả đang học tập và nghiên cứu khoa học.

Can thiệp mới trong khu vực đô thị lịch sử và những thách thức hữu hình.

Trong quá trình phát triển đô thị trên thế giới, “Phát triển và Bảo tồn” luôn là những nhiệm vụ được ưu tiên và coi trọng hàng đầu trong các khu vực đô thị lịch sử. Tại hầu hết các thành phố lớn ở châu Âu, nơi chứa đựng quỹ di sản đô thị khổng lồ, các nhiệm vụ này đã được xác định và thực hiện nghiêm ngặt từ hàng trăm năm trước, khi quá trình hiện đại hóa diễn ra mạnh mẽ, đặc biệt trong những năm đầu thế kỷ 20. Bước vào thế kỷ mới, mục tiêu phát triển các đô thị bền vững lại càng đặt ra những yêu cầu quan trọng hơn liên quan tới việc vừa phải gìn giữ được các di sản đô thị lịch sử quý giá, vừa đảm bảo được việc nâng cấp đô thị, đáp ứng các tiêu chuẩn sống hiện đại đương thời. Việc thực hiện những can thiệp mới trong khu vực đô thị lịch sử, luôn đối diện với thách thức hữu hình: phải làm sao giảm thiểu ít nhất những rủi ro có thể gây hại tới cấu trúc đô thị lịch sử đã ổn định qua thời gian; hạn chế được các tác động khách quan có thể dẫn tới sự mất cân bằng không gian cảnh quan lịch sử; đảm bảo sự an toàn của các công trình di sản kiến trúc quý giá.v.v…

Tại các quốc gia phát triển như Anh, Pháp, Đức hay Italy, những thách thức này đã được kiểm soát một cách hiệu quả qua nhiều dự án, dù vẫn còn đó nhiều tranh cãi về sự thành bại của các dự án trong các trung tâm lịch sử. Trong thực tế, hầu hết các dự án đều đã góp phần vào sự phát triển bền vững của các đô thị di sản.

Trong khi đó, tại các quốc gia đang phát triển ở châu Á như Việt Nam, dưới làn sóng đô thị hóa mạnh mẽ, mối liên hệ giữa phát triển và bảo tồn đô thị dường như vẫn rất mong manh. Những can thiệp mới tác động vào các khu vực đô thị lịch sử đã và đang xảy ra với những tranh cãi diễn ra chưa có hồi kết. Làm sao vượt qua các thách thức hữu hình, tưởng như rất quen nhưng không hề đơn giản trong quá trình phát triển đô thị? Dự án xây dựng nhà ga ngầm C9, khu vực Hồ Gươm, thuộc hệ thống tàu điện ngầm Metro trong khu vực lõi đô thị trung tâm lịch sử có lẽ là một trong những bài toán cần có lời giải nhất cho đô thị Hà Nội vào lúc này.

Về trường hợp xây dựng nhà ga ngầm C9, khu vực Hồ Gươm, Hà Nội

Theo quy hoạch giao thông tổng thể của Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn năm 2050 mạng lưới Metro Hà Nội gồm 8 tuyến, bao gồm các tuyến trên cao và đi ngầm. Các dự án Metro của Hà Nội được Chính phủ giao cho Bộ Giao thông Vận tải (MoT) và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội (HPC) làm chủ đầu tư. Đây có thể coi là một trong những đại dự án hạ tầng quan trọng bậc nhất của thành phố. Đô thị Hà Nội có một quá trình hình thành và phát triển lâu dài, đang chứa đựng nhiều di sản quý giá. Trong đó, ngay bên dưới nền móng khu vực lõi trung tâm thành phố có thể vẫn đang lưu giữ những bí mật di sản ngàn năm tuổi. Vì vậy, việc một dự án xây dựng hạ tầng lớn như hệ thống tàu điện ngầm trong nội đô chắc chắn ít nhiều sẽ có những tác động đáng kể vào khu vực di sản lịch sử này. Ga ngầm C9, khu vực Hồ Gươm (tiếp cận với các điểm nút di sản quan trọng của Hà Nội như Hồ Gươm, Tháp Bút, Đền Bà Kiệu, tượng đài Cảm tử), không chỉ mang nhiệm vụ chính là một trong các điểm ga ngầm của mạng lưới Metro trong nội đô, mà chắc hẳn sẽ có một sự kết nối văn hoá quan trọng với hệ thống không gian đô thị lịch sử của khu vực.

Với những thành phố đang bị quá tải về giao thông như Hà Nội, các dự án giao thông công cộng như hệ thống Metro hẳn sẽ là ý tưởng tối ưu trong thời điểm hiện tại. Trở ngại lớn nhất khi thực hiện dự án này chính là những rủi ro có thể tác động vào lõi di sản lịch sử. Đây chính là điểm tương đồng của Hà Nội và các thành phố lịch sử của châu Âu. Lõi đô thị trung tâm của thủ đô rất cần được đánh giá cẩn thận qua việc phân tích các tầng di tích lịch sử đã hình thành nên đô thị, điều mà đôi khi không dễ để nhận biết, ngay cả bởi những cư dân đang sống trong đó..

Việc tiếp cận dự án công trình tàu điện ngầm về mặt văn hóa là rất cần thiết, và đây là một cơ hội để đưa những giá trị “vô hình” của đô thị thủ đô vào trong cuộc sống thường ngày, thay vì chỉ được lưu giữ trong sách vở hoặc trong bảo tàng. Dĩ nhiên, chúng ta không thể bỏ qua được yếu tố kinh tế – vốn mang tính quyết định đến quy mô và khả năng thực hiện của công trình.

Các dự án xây dựng tàu điện ngầm tại Italy

Khi tiếp cận để tìm hiểu các dự án phát triển đô thị ở châu Âu, chúng tôi thực sự bất ngờ khi biết rằng người Ý lại khá “rón rén” trong việc xây dựng hệ thống tàu điện ngầm Metro vào thời điểm bắt đầu. Mật độ các di tích lịch sử dày đặc trong các thành phố của Italia khiến các phương án xây dựng hệ thống này với mục tiêu không tác động lên các di sản, trở nên bất khả thi. Điều này có thể giải thích lý do vì sao số lượng các tuyến tàu điện ngầm của Ý rất thấp so với mặt bằng chung các nước phát triển khác như Anh, Pháp, và Đức. Các đô thị lớn như Rome, Milan, hay Napoli chỉ có trung bình 3 tuyến tàu điện ngầm. Nguyên nhân có lẽ là do sự thiếu hiệu quả trong quy hoạch hơn là do kỹ thuật (vốn là thế mạnh của Italia).

 Từ những cơ hội bị bỏ lỡ…

– Tại Rome: Tuyến đầu tiên của Rome (hiện tại là Line B) được xây trong thế chiến thứ II, chạy qua ga trung tâm Termini và phần lớn khu phố cổ, tiệm cận đấu trường Colosseum, cổng Constantine và trường đua Circus Maximus. Công trình được xây dựng bằng công nghệ khá cũ, và chạy ngay dưới mặt đất, đi xuyên qua khu di chỉ khảo cổ dày đặc bao gồm tường thành Servius và 1 ngôi biệt thự gần ga Termini, cũng như nền móng của đấu trường Colosseum. Đây đều là những vị trí mang những giá trị lịch sử rất lớn nhưng đã bị tháo dỡ, để không ảnh hưởng đến không gian và các hoạt động trong nhà ga – một cơ hội đã bị bỏ qua bởi sự thiếu tinh tế trong cách tiếp cận với di sản đô thị.

Dưới quảng trường Colosseum, đường hầm phục vụ cho hệ thống Metro nằm giữa Nhà hát ngoài trời Flavian, cổng Constantine và nhà ga, được xây dựng trong khoảng đất trống sau khi san bằng toàn bộ 1 ngọn đồi mà nay là địa danh Largo Agnesi. Đáng lẽ ra, nhà ga này đã có thể mang lạicho hàng ngàn khách du lịch một trải nghiệm vô giá: đó là việc được kết nối ngay từ dưới mặt đất lên tới trước một trong những di tích nổi tiếng nhất thế giới (đấu trường Colosseum) bằng một đường tàu hiện ra thật tinh tế – một cơ hội đã bị bỏ phí bởi sự thiếu sót của các nhà thiết kế (xem hình 1).

Hình 1: Đường tàu điện ngầm Line B ở Rome. Công trường nằm ngay chân đấu trường Colosseum và cổng Constantine (Nguồn: PERRONE)

Hình 1: Đường tàu điện ngầm Line B ở Rome. Công trường nằm ngay chân đấu trường Colosseum và cổng Constantine (Nguồn: PERRONE)

Đối với việc xây dựng ga tàu điện ngầm B chính tại Termini: một lần nữa, công trình lại bị đóng kín, dự án được thực hiện mà không nhìn ra các cơ hội để có thể hướng con người có thêm những trải nghiệm quý giá: được đi xuyên qua các tầng di sản dưới lòng đất của thành phố (bao gồm phòng tắm Diocletian, mở ra đến một khu phức hợp biệt thự và phòng nghỉ dưỡng lớn với những vật liệu và đồ trang trí phong phú), thậm chí còn kết nối vào một phần tường cổ Servian (xem hình 2). Kết quả của dự án là sự phân tán các di tích lịch sử, phá hủy các không gian kiến trúc, thậm chí cô lập một phần tường thành cổ sau những hành lang ngầm. Điều này khiến những lớp di sản đô thị đầy giá trị của khu vực trở trên lạc lõng ngay giữa khu vực mà hiện nay lại là một trung tâm mua sắm rất đông đúc.

Hình 2: Mặt bằng nhà ga Termini, hệ thống tàu điện ngầm đã quét qua 1 phần khu vực khảo cổ giá trị (trái), Ảnh công trường xây dựng phía sau tường thành Servius (Nguồn: PERONE)

Hình 2: Mặt bằng nhà ga Termini, hệ thống tàu điện ngầm đã quét qua 1 phần khu vực khảo cổ giá trị (trái), Ảnh công trường xây dựng phía sau tường thành Servius (Nguồn: PERONE)

Đối với tuyến tàu điện ngầm thứ 2 (hiện tại là Line A): cách tiếp cận của Rome cũng vẫn không có gì đột phá. Được thiết kế vào cuối những năm 60 và hoàn thành vào năm 1985, công trình này được thực hiện với việc áp dụng nhiều công nghệ kĩ thuật xây dựng tiên tiến. Thành phố đã lựa chọn phương án hạn chế tiếp xúc với các di sản lịch sử, cụ thể là tuyến tàu được thiết kế xuyên qua thành phố với độ sâu rất lớn (lớn hơn những tầng di tích lịch sử của Rome). Phương án này tuy an toàn nhưng vẫn thể hiện sự thiếu tầm nhìn, sự thất bại trong việc đưa những di sản đô thị trở thành 1 phần của dự án. Ngoài ra, dù tuyến tàu Metro này tránh được sự va chạm với các di sản, việc xây dựng nhà ga vẫn không thể tránh khỏi việc làm tổn hại đến các di tích. Kết quả là một loạt các nhà ga “thông thường”, được thiết kế đúng tiêu chuẩn của dự án, nhưng không có chút liên kết nào với tổng thể (cho dù gần một nửa trong số các nhà ga này có vị trí kết nối tới các di tích lịch sử đáng chú ý như các quảng trường Spagna, Barberini hay Popolo).

– Tại Milan: Khi tuyến tàu điện ngầm đầu tiên của Milan (M1) mở cửa vào năm 1964, việc giải phóng mặt bằng đã mở ra một cơ hội lớn khi phát hiện ra một di tích nằm ngay giữa quảng trường Duomo: quần thể kiến trúc cổ của Thiên chúa giáo tại Milan –Nhà nguyện Santa Tecla (xây từ thế kỷ thứ IV), và nhà rửa tội San Giovanni alle Fonti. Đây là một trong những khám phá quan trọng nhất trong lịch sử phát triển của thành phố Milan, nằm ngay dưới một trong những quảng trường đông đúc nhất Italia. Thiếu sót lớn cho đến thời điểm hiện tại chính là việc chưa có những nghiên cứu đúng đắn để kết nối vững chắc di sản đô thị và hệ thống hạ tầng tại đây.

Việc xây dựng hầm ngầm trú ẩn chống bom trong Thế chiến thứ II vào năm 1943, và việc xây dựng tuyến đường tàu điện ngầm M1 từ 1961 đến 1963 đã gần như phá hủy hoàn toàn nhà nguyện Santa Tecla. Nhà rửa tội San Giovanni, ở gần đó, tuy thoát khỏi số phận bị tàn phá, nhưng giờ đây người ta chỉ có thể được chiêm ngưỡng khi mua vé để tham quan toàn bộ khu di tích của nhà thờ chính Milan, cho dù nó nằm ngay dưới quảng trường Duomo, ngay sát nhà ga cùng tên. Một bức tường đã được dựng lên ngăn cản bất kì góc nhìn nào từ phía ngoài, “từ chối” sự tiếp cận tự nhiên nhất của người dân và khách du lịch đến một phần huy hoàng của lịch sử thành phố.

Hình 3: Di tích nhà rửa tội San Giovanni nằm ngay dưới lớp gạch quảng trường Duomo  (Nguồn: http://milanoarcheologia.beniculturali.it)

Hình 3: Di tích nhà rửa tội San Giovanni nằm ngay dưới lớp gạch quảng trường Duomo
(Nguồn: http://milanoarcheologia.beniculturali.it)

Hình 4: Công trường thi công ga tàu điện ngầm M1 tại quảng trường Duomo  (Nguồn: http://milanoarcheologia.beniculturali.it)

Hình 4: Công trường thi công ga tàu điện ngầm M1 tại quảng trường Duomo
(Nguồn: http://milanoarcheologia.beniculturali.it)

Hình 5: Bức tường bịt kín tầm nhìn giữa ga tàu điện ngầm Duomo và nhà rửa tội San Giovanni

Hình 5: Bức tường bịt kín tầm nhìn giữa ga tàu điện ngầm Duomo và nhà rửa tội San Giovanni

Hình 6: Mặt bằng khảo cổ khu vực nhà thờ lớn Milan 1.Vị trí nhà nguyện San Tecla 2.Vị trí nhà rửa tội San Giovanni 3.	Quần thể nhà thờ lớn Milan • (Chấm đỏ): vị trí các cổng lên từ ga tàu điện ngầm Duomo

Hình 6: Mặt bằng khảo cổ khu vực nhà thờ lớn Milan
1. Vị trí nhà nguyện San Tecla
2. Vị trí nhà rửa tội San Giovanni
3. Quần thể nhà thờ lớn Milan
• (Chấm đỏ): vị trí các cổng lên từ ga tàu điện ngầm Duomo

… đến những câu chuyện thành công

– Tại thành phố Napoli: Dự án “Nhà ga nghệ thuật” của thành phố Napoli đã tiếp cận ngược lại hoàn toàn các ví dụ nêu trên. “Mô hình Napoli” bắt đầu với sự tham gia của các nghệ sĩ nhằm thiết kế không gian nội thất và lối vào của các ga tàu điện ngầm tuyến 1 và 6 theo một dự án rất thú vị được đề ra bởi nhà phê bình nghệ thuật A. Bonito Oliva, một bảo tàng được tạo ra ngay tại đây, mà ở đó tất cả mọi người đều có thể được tận hưởng một trải nghiệm nghệ thuật khi phải “bắt buộc” tham quan bảo tàng, trong lúc đi xuyên qua các không gian của nhà ga.

Dự án này thành công đến nỗi không chỉ hấp dẫn dân cư địa phương tham gia vào quá trình phát triển, mà đã biến công trình đã trở thành một điểm thu hút khách du lịch cho thành phố, với những lợi ích kinh tế rõ ràng. Với việc xây dựng các trạm mới của tuyến 1, từ năm 2000 trở đi, chương trình này trở nên tham vọng hơn, với sự tham gia của các kiến ​​trúc sư quốc tế hàng đầu trong việc nghiên cứu đặc điểm riêng biệt của từng trạm. Nhưng điều quan trọng nhất ở đây chính là thái độ tiếp cận nhẹ nhàng, tinh tế, đặc biệt là đối với những địa điểm được dự kiến ​​sẽ có ý nghĩa khảo cổ học. Ví dụ như việc xây dựng nhà ga Municipio dần dần tiết lộ một số lượng bất ngờ các tầng lớp di tích, cho phép các nhà khảo cổ và sử gia bổ sung thêm các tài liệu mới và đặc biệt vào lịch sử của thành phố Napoli. Ngày nay, ga Municipio mở cửa cho công chúng như là một phần tích hợp quan trọng của thành phố: mang đến sự kết nối về không gian, liên kết tòa thị chính với cảng Napoli, tạo nên 1 khoảng không gian đi bộ cực kì quan trọng trong việc thưởng thức những di tích cổ, trong một thành phố vốn đã bị bóp nghẹt bởi các tuyến giao thông.

image007

Hình 7: Ga Municipio thuộc tuyến tàu điện ngầm Line 1 tại Napoli (trái); Toàn cảnh trên cao của khu vực khai quật nằm ở chân lâu đài Maschio Angioino

Hình 8: cổng vào Ga Municipio, Line 1 tại Napoli

Hình 8: cổng vào Ga Municipio, Line 1 tại Napoli

image008

Hình 9. Mặt cắt ga Municipio (nguồn: napoli.repubblica.it)

Quay trở lại thành Rome cổ kính, tuyến tàu điện ngầm mới Line C (và Line D trong tương lai) lại là một cơ hội để Rome sửa chữa những sai lầm trong việc thực hiện 2 tuyến giao thông Line B và Line A trước đó, áp dụng những kinh nghiệm tại Napoli. Trong quá trình thiết kế và phê duyệt, các quy định mới đã được thiết lập để có thể tăng tốc độ thi công và lập kế hoạch điều hành dự án chính xác hơn. Các trạm ở trung tâm lịch sử đã được thiết kế với kỹ thuật top-down vì nhà thiết kế đã loại trừ các kỹ thuật khác để bảo vệ cho lớp khảo cổ. Khi áp dụng các kĩ thuật này cho nhà ga San Giovanni, một số thay đổi đã được đưa ra nhằm di chuyển các đường hầm thấp hơn sau khi phát hiện một lớp đất khảo cổ sâu tới 27m dưới mức mặt đường hiện tại. Đây cũng chính là một cơ hội hiếm có đặc biệt đối với các nhà khảo cổ học, khi các dự án khảo cổ trong môi trường đô thị hầu như không đạt đến mức độ sâu như vậy. Các lớp đá cổ với niên đại lâu đời nhất (trước cả khi xuất hiện của loài người) đã được tìm thấy dưới đáy khu vực khai quật này. Không như những cuộc khai quật nhỏ đơn thuần khắc, dự án này là một cơ hội tuyệt vời được thiết kế để tái tạo lại một bức tranh hoàn toàn rộng lớn và đầy đủ về lịch sử của thành Rome trước khi là “Rome”. Bồi đắp thêm một lượng kiến thức to lớn, giúp cho con người hiểu biết sâu hơn về vùng đất này.

image010

Hình 8. Tuyến tàu điện ngầm ở Rome Line C – ga San Giovanni, với nhà nguyện S.Giovanni và bức tường Aurelian (ảnh trái); khu đào bới lớn bên cạnh tường Aurelian (ảnh giữa); môt phương án đề xuất thiết kế nhà ga thông suốt kết nối tuyến Line C (ảnh phải)–ga Line A hiện tại ở giữa và cổng thành cổ Asinaria

image011

Hình 9. Mặt cắt dọc ga San Giovanni với biểu đồ diễn tả các thời kì được trưng bày thông qua hoạt động khảo cổ. Từ trên xuống: Thế kỉ XX đương đại, thế kỉ XV – XIX hiện đại, thế kỉ VII đến XIV Trung Đại, thế kỉ IV-VI hậu Quân chủ, thế kỉ thứ III thời Quân chủ, thế kí thứ I và II thời kì đầu quân chủ, thế kỉ thứ V đến thứ I trước công nguyên, chế độ Cộng Hòa La Mã, thế kỉ VII – VI trước công nguyên, thời kì Hy Lạp cổ đại, thời kì Tiền sử, thể Canh Tân

image012

Hình 11. Nhà ga San Giovanni (thiết kế bởi F.Lambertucci,A.Grimaldi,A.Farris) sảnh vào của ga tàu điện ngầm được thiết kế như 1 bảo tàng ngầm trưng bày những hiện vật theo từng tầng lớp lịch sử

Khi thấy có quá nhiều hiện vật được tìm kiếm trong khu vực, thành phố quyết định thay đổi phương án không theo tiêu chuẩn ban đầu, cho dù dự án đã đi vào xây dựng. Ý tưởng mới là đưa nhà ga trở thành nơi tường thuật lại lịch sử một cách sống động, được thiết kế theo lối kể chuyện, đưa người xem chìm vào trong những câu chuyện lịch sử, làm chúng trở nên sống động, động chạm đo đếm được bằng cách kết hợp các thiết bị kĩ thuật cùng với các di chỉ khảo cổ tìm được. Câu chuyện được kể bởi không gian kiến trúc phải được mô tả một cách trực quan đặc trưng với tính chất là một ga giao thông chứ không phải là một bảo tàng hay triển lãm. Vì thế, hình ảnh và đồ họa phải cho phép khả năng hấp thụ thông tin nhanh chóng, đọc nhanh, thoải mái và vận động một cách sinh động theo không gian. Tuy nhiên, dù được thiết kế cho việc di chuyển nhanh, những không gian chậm vẫn được tồn tại, vì hành khách có thể sẽ đi qua mà không bận tâm chút gì, nhưng cũng có thể dừng lại, đọc những lời giới thiệu, suy ngẫm nếu họ muốn trong khu vực ít người hơn và không cản trở giao thông.

Những yêu cầu này đặt ra hàng loạt những yếu tố thiết kế mới khác biệt với các tiêu chuẩn trưng bày thông thường: khoảng cách hiện vật, thời gian quan sát, âm thanh ánh sáng. Dự án sẽ phải đương đầu với những luồng di chuyển liên tục của hành khách khi chuyến tàu vẫn là ưu tiên hàng đầu của họ. Những thiết kế cũng phải có khả năng thay đổi suy nghĩ và môi trường của công trình ga tàu điện ngầm, vốn được cho là thiếu ánh sáng tự nhiên, ồn ào tất bật, và có gì đó cũ kĩ (cảm giác do những tuyến tàu B và A mang lại). Vì vậy, để đáp ứng các nhu cầu trên, cũng như bám theo dự định là một câu chuyện trực quan về lịch sử, một hệ thống các bảng thông tin sẽ được đặt nhằm tận dụng các bức tường trong nhà ga, chúng sẽ được trình bày theo nhiều cách khác nhau:

Cách 1: cách trực quan và mang tính biểu tượng nhất, là diễn tả lại “địa tầng”, một hệ thống trình diễn bằng hình ảnh sẽ bám dọc theo những bức tường hình thành như một thước đo chiều sâu cũng như thời gian. Trong thước đo này, người xem sẽ được thông báo độ sâu hiện tại, cũng như những thông tin về thành phố thông qua tầng địa chất tại cùng độ sâu mà nó đại diện.

Trải nghiệm này sẽ gây ấn tượng hơn với việc sử dụng màu sắc hay ánh sáng chuyển dần đại diện cho từng tầng địa chất. Như vậy, cho dù đối với những hành khách vội vã nhất, họ cũng có thể cảm nhận được sự thay đổi khi di chuyển theo chiều thẳng đứng bên trong nhà ga. Mỗi cao độ đại diện cho 1 thời kì được biểu hiện rõ ràng bởi chữ cái, biểu tượng phụ trợ bổ sung thêm với hình ảnh.

Hình 12. Mặt cắt thể hiện ví dụ về việc diễn tả bằng “địa tầng”

Hình 12. Mặt cắt thể hiện ví dụ về việc diễn tả bằng “địa tầng”

Cách thứ 2: sử dụng những hình ảnh các hiện vật đại diện cho từng thời kì ở những vị trí quan trọng, đặt trong kích thước lớn, với nội dung là những chi tiết có thể khó thấy ở đời thực. Với cách bố trí như vậy, vật trưng bày có thể thu hút những ánh nhìn dù thiếu tập trung nhất.

Hình 13. Poster với nội dung về di chỉ khảo cổ được đặt tại thang cuốn

Hình 13. Poster với nội dung về di chỉ khảo cổ được đặt tại thang cuốn

Thêm nữa là cách trình bày những định nghĩa, khái niệm… để kể câu chuyện về 1 phần nhỏ trong vô số những di chỉ tìm được. Những nội dung này được trưng bày trong nhà ga nhằm cho phép người xem hiểu biết về những di chỉ, kích thích trí tò mò, kết hợp với hệ thống trưng bày trong tủ kính.

Không chỉ dừng ở đó, với việc mỗi cao độ đại diện cho 1 thời kì trong lịch sử của Rome, do đó việc trưng bày cao độ đó phù hợp với thời kì nó đại diện là cần thiết.

image015

Hình 14. Sảnh vào, đại diện cho những thời kì sau này của Rome (cũng là nơi giao với ga của Line A)

image016

Hình 15. Tầng trung gian, đại diện cho thời kì Quân chủ – cùng với những hiện vật thuộc về thời kì này

image017

Hình 16. Tầng thấp nhất, với nội dung mô tả thời kì trước khi có cả con người (Ảnh: N. Sardo; G. Villa)

Một số hình ảnh nội thất hiện tại của nhà ga San Giovanni:

image018

image019

image020

Có thể nói, việc xây dựng một hệ thống tàu điện ngầm trong thành phố có bề dày lịch sử mang lại nhiều cơ hội quý giá. Qua những dự án này, chúng ta có thể có một cái nhìn toàn diện cũng như cách tiếp cận đúng đắn so với những thứ mà chúng ta chỉ thấy trên bề mặt, và từ đó tạo cơ hội cho những thiết kế đột phá, vượt qua những tiêu chuẩn thông thường của quy hoạch đô thị.

Liệu có bao giờ chúng ta có cơ hội tìm hiểu, khảo cổ, nghiên cứu địa chất ngay giữa thành phố đông đúc nếu không tận dụng những cơ hội này? Việc nghiên cứu kĩ lưỡng dự án, suy tính phá bỏ những định kiến ban đầu, dù tốn công sức và thời gian, là một cái giá quá rẻ để mang lại cho thành phố không chỉ những vị khách du lịch, mà cả là sự bất ngờ, và sau đó là lòng tự hào cho chính người dân đang sống trong nó.

Thay lời kết

Bất cứ sự can thiệp mới nào trong mỗi khu vực đô thị di sản khó có thể được đánh giá là thành công hay thất bại trong thời gian ngắn hạn; những lợi ích hay cái giá phải trả cho những sự can thiệp đó chỉ có thể được nhìn nhận đầy đủ bởi thế hệ tương lai. Có một điều chắc chắn là mọi sự thay đổi đều phải chấp nhận có cả những “hi sinh”. Tuy nhiên, “hi sinh” điều gì và như thế nào lại là bài toán cần lời giải từ chính thế hệ hiện tại. Và lời giải hợp lý nhất chỉ có thể có được thông qua việc nhìn nhận thấu đáo, sâu sắc những nguy cơ và cơ hội mà những can thiệp mới này mang tới từ góc nhìn toàn diện, liên ngành trong đô thị. Có thể khẳng định một cách nhất quán rằng, việc xây dựng hệ thống tàu điện ngầm cho Hà Nội, nhất là nhà ga ngầm C9, khu vực Hồ Gươm, là điều cần thiết, giúp thúc đẩy sự phát triển chung của thủ đô trong các lĩnh vực khác nhau, không chỉ hệ thống giao thông đương đại. Hi vọng rằng, những kinh nghiệm từ những dự án tại Italy được lựa chọn giới thiệu trong bài viết, sẽ góp phần là những minh chứng hiệu quả, giúp hỗ trợ cho các đơn vị chuyên trách liên quan tới dự án sớm có những quyết định hợp lý, tiến tới thực hiện được dự án thật hiệu quả, trong tương lai gần ./.

Ngô Minh Thắng – Nguyễn Vinh Quang – Đặng Ngọc Anh – Phạm Tú Ngọc/Khoa Kiến trúc và nghiên cứu đô thị, ĐH Bách khoa Milano, Italia