16/10/2017

TT – Huế: Công bố quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng

Ngày 13/10, Sở Xây dựng TT – Huế tổ chức lễ công bố quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến đến năm 2030.


Ông Nguyễn Đại Viên – Phó giám đốc Sở Xây dựng TT – Huế phát biểu công bố

Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng (VLXD) tỉnh TT – Huế đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã căn cứ vào thực trạng kinh tế – xã hội của tỉnh, các nguồn lực phát triển sản xuất và mở rộng thị trường VLXD trên địa bàn tỉnh và khu vực lân cận. Dự án đã đề xuất nhiều công trình sản xuất VLXD chủ yếu cần được đầu tư mở rộng, cải tạo, xây dựng mới. Những cơ sở có quy mô vừa, có công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại, tiết kiệm nguyên nhiên liệu, không gây ô nhiễm môi trường…

Theo quy hoạch trên địa bàn tỉnh, hiện 86 đơn vị khai thác, sản xuất VLXD tập trung các sản phẩm như xi măng, vật liệu xây, bê tông, men frit… không những đủ cung cấp cho thị trường nội tỉnh mà còn cung cấp cho các tỉnh lân cận. Sản phẩm VLXD được sản xuất trên địa bàn khá phong phú về chủng loại và với khối lượng tương đối lớn. Các chủng loại VLXD được sản xuất trên địa bàn gồm: Xi măng, gạch nung, gạch không nung, ngói màu, tấm lợp kim loại, gạch ceramic, gạch granit, gạch terrazzo, gạch tự chèn, đá xây dựng, đá khối, đá ốp lát, cát xây dựng, bê tông thương phẩm, bê tông cấu kiện, tấm panen 3D… Các loại nguyên liệu cho sản xuất ximăng và các chủng loại VLXD khác, như: sét xi măng, đá bazan, quặng sắt, cao lanh, cát thạch anh… Nguồn VLXD sản xuất trên địa bàn tỉnh không chỉ được cung cấp cho thị trường nội địa mà còn là nguồn cung cấp cho thị trường các tỉnh lân cận như Quảng Trị, Quảng Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi…

Nguồn tài nguyên khoáng sản làm VLXD đa dạng, dồi dào để đáp ứng sản xuất xi măng, gốm sứ… Cát vàng, nguồn đá xây dựng có chất lượng cao làm cốt liệu cho bê tông. Lâu dài, nhu cầu VLXD ngày càng tăng cao tạo điều kiện để TT – Huế phát triển sản xuất VLXD và mở rộng thị trường tiêu thụ ở trong và ngoài tỉnh. Dự báo nhu cầu VLXD trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 là khoảng 440 – 450 triệu viên. Năng lực sản xuất của các nhà máy gạch trên địa bàn tỉnh khoảng 390 triệu viên, trong đó gạch đất sét nung lò tuynen là 207 triệu viên, gạch không nung là 183 triệu viên. Như vậy, đến năm 2020 cần đầu tư thêm các dự án với công suất 50 – 60 triệu viên/năm. Phương án quy hoạch vật liệu xây đến năm 2020, với nhà máy gạch tuy nen vẫn duy trì hoạt động, không đầu tư mới các dây chuyền sản xuất gạch nung. Phát huy hết công suất 183 triệu viên/năm, đầu tư chiều sâu, cải tiến mẫu mã và nâng cao chất lượng sản phẩm. Đầu tư thêm 4 cơ sở sản xuất gạch không nung xi măng cốt liệu tại các khu vực có sẵn nguồn nguyên liệu như thị xã Hương Trà, huyện Phú Vang, Phong Điền, Phú Lộc và TP Huế; mỗi địa phương 1 cơ sở có công suất từ 15 – 20 triệu viên/năm.

Dự báo nhu cầu đá xây dựng trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 khoảng từ 2,25 – 2,3 triệu m³, với 21 cơ sở khai thác, trong đó Thị xã Hương Trà hiện có 11 đơn vị, huyện Phú Lộc có 4 đơn vị và huyện Nam Đông và A Lưới mỗi huyện có 3 đơn vị.

Năng lực khai thác, chế biến đá hiện nay khoảng 1,763 triệu m³/năm. Như vậy, trong giai đoạn tới cần cấp phép mới, mở rộng công suất các cơ sở khai thác đá trên địa bàn tỉnh thêm 490 – 540 ngàn m³/năm để đáp ứng nhu cầu xây dựng đến năm 2020.


Quang cảnh buổi công bố.

Nhu cầu cát cho xây dựng trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 khoảng 1.650 – 1.660 ngàn m³. Năm 2015, năng lực khai thác cát trên địa bàn tỉnh chỉ đạt khoảng 160 ngàn m³, so với nhu cầu dự báo về cát vàng của tỉnh đến năm 2020 thì còn thiếu trên 1.500 ngàn m³. Phương án quy hoạch khai thác cát, sỏi trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 được quy hoạch. Cát, sỏi bãi bồi co 24 khu vực, với khối lượng khai thác dự báo cát là 5.209.000 m³; sỏi là 1.335.000 m³. Cát, sỏi lòng sông: có 3 điểm ở sông Bồ, Ô Lâu và Tả Trạch, với khối lượng khai thác dự báo cát là 2.783.000 m³; sỏi là 214.000 m³. Theo dự báo năm 2020, trên địa bàn tỉnh cần 9,0 – 10,0 triệu m³ vật liệu san lấp. Hiện nay năng lực khai thác đất san lấp trên địa bàn tỉnh khoảng 573.220 m³/năm. Thời gian tới cần khảo sát đưa vào quy hoạch các khu vực có tiềm năng để khai tác phục vụ cho công tác san lấp mặt bằng của các dự án.

Quy hoạch phát triển VLXD tỉnh hướng đến mục tiêu sản lượng VLXD đạt như nhu cầu đã dự báo. Những sản phẩm VLXD có lợi thế về thị trường tiêu thụ cần đưa sản lượng vượt từ 2 – 3 lần tuỳ theo từng chủng loại so với nhu cầu để mở rộng thị trường ra ngoài tỉnh, nâng giá trị sản xuất ngành công nghiệp VLXD đến năm 2020 gấp khoảng 2 lần so với hiện nay. Thu hút khoảng 1.500 lao động mới vào làm việc trong ngành VLXD.

Trí Đức/BXD