22/04/2016

Triển khai công tác quy hoạch Hoàng thành Thăng Long

Đề án quy hoạch Hoàng thành Thăng Long mở ra nhiều cơ hội và điều kiện tốt phục vụ cho quá trình học tập, nghiên cứu và tham quan du lịch.


Hoàng thành Thăng Long được công nhận là di sản văn hóa thế giới. (Ảnh: Internet)

Thuộc quần thể di tích gắn với lịch sử kinh thành Thăng Long – Đông Kinh, bắt đầu từ thời kì tiền Thăng Long, qua thời Đinh – Tiền Lê rồi phát triển mạnh dưới thời Lý, Trần, Lê và thành Hà Nội dưới triều Nguyễn, đây được coi là công trình kiến trúc đồ sộ, tạo dựng dưới các triều đại. Trải qua thời gian, Hoàng thành Thăng Long dần trở thành di tích lịch sử mang tính tầm cỡ với thế giới.

Gần đây, UBND Hà Nội đã tổ chức lễ công bố quy hoạch, bảo tồn, phát huy giá trị vốn có. Đến dự buổi lễ có các lãnh đạo Bộ Xây dựng, đại diện các Sở, ban, ngành và đông đảo các nhà khoa học, khảo cổ học tham gia.

Khu di tích Hoàng thành Thăng Long gắn với lịch sử hình thành của Hà Nội hơn 1.300 năm giữ nước. Vì vậy, việc quy hoạch phải có sự khảo sát và tính toán chính xác, đảm bảo giữ nguyên kết cấu công trình; tập trung cải tạo, trùng tu các di tích trên trục chính tâm như Kỳ Đài, Đoan Môn, nền – thềm điện Kính Thiên, Hậu Lâu, Bắc Môn, chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật, cảnh quan, chuyển đổi chức năng các công trình cho phù hợp với công năng sử dụng mới của khu di sản.

Ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định: “Để triển khai nội dung quy hoạch, UBND TP đề nghị các đơn vị, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội, Sở Quy hoạch – Kiến trúc, các Sở, ban, ngành TP tập trung thực hiện các nhiệm vụ: Lập, trình duyệt và triển khai kế hoạch bảo tồn, tôn tạo các hạng mục di tích, di sản các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, lập chương trình giới thiệu, đề cương trưng bày, lựa chọn hiện vật hiệu quả, khoa học, dễ tiếp cận”.

Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) theo tỉ lệ 1/500 là đồ án đã được Bộ Xây dựng duyệt theo Quyết định số 975/QĐ-BXD và ngày 28/12/2015 Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng (nay là Phó Thủ tướng Chính phủ) đã ký quyết định số 1481/QĐ-BXD phê duyệt điều chỉnh bổ sung đồ án.

Quy hoạch được phê duyệt gồm ba tiêu điểm chính đó là bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long, đề án bảo tồn, phát huy giá trị Khu di tích; Quy chế Quản lý Đầu tư Xây dựng và phát huy giá trị Khu di tích. Phạm vi quy hoạch có diện tích gần 19.000ha, bao gồm khu thành cổ và khu khảo cổ học. Trong quá trình quy hoạch, nhiều nhà khảo cổ đã phát hiện những giá trị tiềm ẩn trong lòng đất.

Các báo cáo cho rằng, tại Hoàng thành Thăng Long có nhiều loại hình di chỉ của nhiều giai đoạn lịch sử xếp chồng chất lên nhau. Ở Việt Nam, đa phần các công trình mang tính lịch sử chưa được khai quật trong lòng đất, điều đó chúng ta cần phải có sự hỏi hỏi kinh nghiệm từ các nước bạn.

Việc quy hoạch khu di tích mang tính tích cực, phục vụ quá trình học tập, nghiên cứu và tham quan du lịch. Trong thời gian gần đây, Ban quản lý Hoàng thành Thăng Long đã tổ chức chương trình quảng bá, giới thiệu nhằm thu hút lượng khách đến tham quan như các lễ hội sách, lễ hội hoa anh đào, lễ khai ấn… Việc triển khai, đẩy mạnh các sự kiện lớn này mang ý nghĩa tích cực trong giới thiệu văn hóa và nền móng lịch sử lâu đời cho giới trẻ, bạn bè quốc tế.

Hà Đào (Tổng hợp)/Báo Xây dựng