22/12/2016

Trách nhiệm xã hội của KTS

Khái niệm “kiến trúc vì cộng đồng” có từ những năm 60 của thế kỷ trước, bắt đầu từ lời kêu gọi “hãy vì cộng đồng” của LHQ với các thiện nguyện về y tế, giáo dục, nông nghiệp đi đến các vùng xảy ra thiên tai động đất, sóng thần, hạn hán, lũ lụt… để giúp đỡ các nạn nhân.


Có định nghĩa cho rằng “kiến trúc vì cộng đồng là kiến trúc phi lợi nhuận, quan tâm và hướng đến mục tiêu cải thiện cuộc sống cho những người nghèo, những người yếu thế nhất trong xã hội”.

Vậy thì giới KTS chúng ta có thể làm gì, có thể kiến tạo những công trình kiến trúc vì cộng đồng như thế nào cho những cộng đồng đang bị tổn thương. Nguy cơ hiển diện, tổn thất đã rõ, hệ lụy lâu dài. Vậy sự ứng phó của giới kiến trúc ở đây là gì?

Phạm vi nêu ra nằm ở phạm vi chuyên môn nghề nghiệp, bên cạnh sự đầu tư ngân sách của Chính phủ, sự hảo tâm tài trợ của các tổ chức DN, sự ứng phó tự thân của người dân địa phương… thì vấn đề này cũng hy vọng giới KTS Việt Nam đồng cảm, quan tâm và cùng chia sẻ các suy nghĩ trong quá trình tham gia thực hiện những công trình kiến trúc vì cộng đồng một cách hiệu quả và trách nhiệm.

Đặt vấn đề một cách khác, nếu KTS không lĩnh trách nhiệm tiên phong xã hội trong việc kiến thiết những công trình mang tính chất đặc thù, với mục đích nhân văn hỗ trợ các cộng đồng và nhóm người dễ bị tổn thương trong xã hội, mà ngồi chờ các đơn đặt hàng với nguồn vốn sẵn có, thì e rằng chúng ta thực hiện việc này chậm trễ và thiếu tính chủ động. Ở góc độ này cho thấy kiến trúc vì cộng đồng là một kiến trúc xuất phát từ tính cao cả, sự nhân văn trong mục đích sử dụng và tính hiệu quả trong quá trình kêu gọi đầu tư.

Bằng sự suy tư trách nhiệm của các đồng nghiệp, tôi tin rằng các đồng nghiệp KTS Việt Nam sẽ có nhiều sáng kiến trong việc phát triển kiến trúc vì cộng đồng, đặc biệt là lực lượng KTS trẻ, dồi dào sức sáng tạo, sẵn sàng hy sinh sức trẻ và thử nghiệm trên những hướng đi khác biệt, chấp nhận thất bại để đi đến thành công.

Tinh thần trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân và trách nhiệm của người làm nghề sẽ phát huy một cách cao cả khi KTS “dấn thân” làm công trình kiến trúc vì cộng đồng. Đơn giản chúng ta sẽ vất vả hơn làm công trình thường rất nhiều, phải lao tâm khổ tứ cho những đề bài nan giải với ngân sách hạn hẹp, không hy vọng có lợi nhuận thiết kế và sẽ không phải là những tác phẩm hào nhoáng khoe mẽ. Cái tâm thật sự của người làm nghề sẽ đem đến hiệu quả tốt nhất cho công trình. Sự vay mượn hay giả tạo trong ý tưởng thực hiện các công trình kiến trúc vì cộng đồng sẽ ắt dẫn đến thất bại khi thực thi.

KTS Nguyễn Thu Phong
Chủ nhiệm CLB KTS trẻ Việt Nam